Hai Quang bị xã hội cũ đẩy vào tầng lớp lưu manh, làm dân anh chị ở bến xe rồi bị tù.Tuy nhiên bản chất là người lương thiện nên những hành động anh chị của Hai Quang đều có nét hào hiệp. Được cách mạng giác ngộ, anh trở thành một chiến sĩ kiên cường.
Ông Tư Ghe vốn là học trò thầy giáo cách mạng Châu Văn Liêm, ông đã từng dẫn đầu các đoàn biểu tình và phanh ngực ra trước mũi giặc: “Cái ngực đồng của tau đây nè, bắn đi!”. Thế mà khi cách mạng thoái trào, anh em bị khủng bố thì ông theo Hòa Hảo, hãnh tiến và cuồng tín trong “sứ mệnh” truyền đạo của mình.
Hai nhân vật chính của thiên tiểu thuyết, với những mâu thuẫn về quan điểm sống và chịu tác động của dòng đời đưa đẩy, là hai số phận điển hình trong thời Kháng chiến. Từ góc nhìn của nhân vật, tác giả đã khéo trình bày những sự kiện lịch sử và những đấu tranh trong lòng người thay đổi theo thời gian, như con sông khi trôi khi đục, chảy đi mang theo tất cả.
“Bức tranh quê hương trong tiểu thuyết Dòng Sông Thơ Ấu sở dĩ sinh động vì đều là những hồi ức có thật. Tui theo kháng chiến 30 năm, mỗi khi nghe trên thế giới có dòng sông cạn thì tui lại nghĩ không biết dòng sông bên nhà mình ra sao. Dòng sông thời nhỏ của tui trải qua hai cuộc chiến tranh vẫn tràn trề sức sống. Ban đầu, tui viết dòng sông đó trong Đất lửa, Nguyễn Tuân chê “hiền quá”. Sau ngày miền Nam giải phóng, tui đưa Nguyễn Tuân về ngồi nhậu trước nhà tui ngó ra dòng sông. Chỉ nghe loáng thoáng vài câu chuyện sông nước thôi, Nguyễn Tuân đã nhắc: ‘Dòng sông là nguồn cảm hứng của văn chương Nam Bộ đấy, viết tiếp đi!’ Năm 1980 tui viết những chữ mở đầu Dòng Sông Thơ Ấu…”
– nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nguồn: dtv-ebook.com