CÓ VẤN ĐỀ GÌ VỚI EM VẬY?
Chúng tôi gặp nhau trong một quán bar ở Brooklyn – phiên bản hippy của một câu lạc bộ cũ kỹ phong cách Ý. Anh ta khá ưa nhìn, tóc hơi bạc và nặng nề hơn so với ảnh đại diện, nhưng dĩ nhiên là cả tôi cũng thế. Chúng tôi tán gẫu đủ thứ chuyện về khu phố, công viên dành cho chó mà cả hai đều ưa thích, nhà hàng châu Á sắp đóng cửa khiến chúng tôi tiếc nuối – và trao đổi những số liệu thống kê quan trọng – đã sống ở New York bao nhiêu năm, gia đình có mấy anh chị em.
“Lần cuối em yêu một ai đó cách đây bao lâu rồi?” Anh ta hỏi rành rọt, y như chuyên gia vệ sinh răng miệng tra hỏi việc dùng chỉ nha khoa của tôi.
“3 năm,” tôi nói dối. Sự thật là gần 6 năm rồi.
Anh ta ngả người ra sau, nhìn tôi bình thản với vẻ tò mò như thể tôi là một quán ăn vắng khách hay một ngôi nhà rao bán mãi không ai mua.
“Có vấn đề gì với em vậy?” Anh ta hỏi.
“Em không biết,” tôi đáp.
“Nhưng em hấp dẫn lắm mà?” Anh ta hỏi cứ như thể chính mình cũng không dám chắc nữa. Như thể tôi có thể giải đáp cho anh ta vậy.
“Phải nói với anh thế nào đây,” tôi nói. “Chính em cũng không biết.”
Dĩ nhiên tôi giận sôi lên. Tôi uống nốt ly cocktail gừng, nói rằng sáng mai mình còn phải dậy sớm. Thực ra câu hỏi của anh ta cũng chẳng tồi tệ hơn câu nói tôi vẫn tự vấn hàng ngày là bao. Đây hoàn toàn không phải là sự ghê tởm bản thân, mà đúng hơn là một cảm giác đột ngột dâng trào, sự trống rỗng mà thỉnh thoảng tôi vẫn cảm thấy trong lồng ngực – một chuyến tàu điện ngầm thật dài về nhà sau buổi hẹn hò chẳng có gì đặc biệt; một cuộc tán gẫu qua điện thoại tối Chủ nhật với cô bạn đã có gia đình, rồi cô ấy đột ngột nói rằng phải cúp máy vì chồng cô ấy vừa lấy món thịt nướng ra khỏi lò.
Tại sao tôi không thể tìm được điều quan trọng nhất với bản thân mình? Tôi đã cố gắng rất nhiều – nghe theo những lời thúc giục liên hồi “hãy bước ra ngoài kia đi”, tự đào sâu trong tâm thức để xem liệu có chướng ngại cảm xúc nào đang ngăn cản tôi tìm thấy tình yêu của đời mình không. Tôi bỏ ra hàng tiếng đồng hồ đi dự tiệc sinh nhật bạn bè của đồng nghiệp và các buổi diễn đêm muộn do mấy ban nhạc của người quen hồi đại học trình diễn. Tôi đổ không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc vào yoga, gym và các hình thức chăm sóc bản thân khác. Vậy mà chẳng có gì biến chuyển. Tôi vẫn là một phụ nữ gần 40 tuổi độc thân. Sao thế nhỉ? Có vấn đề gì với tôi vậy?
Khi nói chuyện với những người dù đã khá nhiều tuổi rồi mà vẫn độc thân – dù đó không phải là lựa chọn của họ – tôi được nghe câu hỏi tai hại này nhiều hơn hết thảy. Họ đều rất thông minh, trưởng thành, có nghề nghiệp – phóng viên, giáo sư đại học, nhà sáng lập doanh nghiệp – những người thường lái xe chở mẹ mình đi khám bác sĩ và chăm sóc các cháu cẩn thận. Họ có nhiều bạn thân, những thói quen rèn luyện cơ thể lành mạnh, và một chân trong hội đồng địa phương.
Nhưng vẫn còn thiếu một thứ, và rất nhiều người độc thân không thể vờ coi như nó chẳng có ý nghĩa gì với mình.
Dù họ rất muốn sống với lý tưởng độc thân tự chủ hoàn hảo – linh hồn khao khát tự do cháy bỏng không để quan hệ tình cảm kìm hãm – nó lại không phải là thực tại của họ. Họ không muốn lập gia đình ổn định, nhưng họ vẫn muốn có người yêu. Và thế là họ đặt ra câu hỏi Tại sao. Khi nghiêm túc tự vấn bản thân, họ tìm thấy rất nhiều lời giải thích, thông thường là trái ngược nhau:
“Mình khó tính quá!”
“Mình tỏ ra tuyệt vọng quá!”
“Mình độc lập quá!”
“Mình lúc nào cũng đòi hỏi được quan tâm!”
“Mình đáng sợ quá!”
“Mình bi quan quá!”
“Mình phi thực tế quá!”
“Mình thiếu tự tin quá!”
Khi bạn vẫn chịu cảnh độc thân dù không mong muốn, danh sách những “chứng bệnh” như vậy cứ kéo dài vô tận. Ngay cả khi bạn phản bác lại: “Nói tôi độc lập quá nghĩa là sao? Không lẽ tôi phải bỏ việc và quay về sống cùng bố mẹ à?” – chỉ riêng số lượng quá lớn lý do cũng có thể khiến một người độc thân tự tin nhất phải hoài nghi về bản thân mình. Chắc hẳn một trong số đó là sự thật rồi.
Chúng ta đang sống ở một đất nước rất coi trọng tính hiệu quả về đời sống riêng tư – nếu có chuyện gì đó không như ý trong đời, chắc chắn điểm bắt đầu và kết thúc của nó nằm ở chính bản thân bạn. Ngay cả những người bị chẩn đoán mắc các chứng bệnh nghiêm trọng vẫn được chỉ định phải duy trì thái độ tích cực, cứ như thể làm vậy sẽ giúp khối ung thư ấy biến mất! Rất nhiều hướng dẫn kiểu này bắt nguồn từ dụng ý tốt – đương nhiên, rõ ràng việc tự lèo lái đời mình tới một tương lai hạnh phúc là ý tưởng hay. Tất nhiên, chúng ta hiểu rằng nếu muốn giành được những phần thưởng của cuộc đời – công việc thú vị, ngôi nhà đẹp, quan hệ xã hội rộng – thì phải cố gắng hết mình.
Nhưng điều huyễn hoặc về khả năng chúng ta kiểm soát được 100% cuộc đời lại khiến ta vô cùng khắt khe với bản thân, đặc biệt là những người độc thân nóng lòng muốn giải đáp câu hỏi Tại sao này, họ thường sẵn lòng chấp nhận giả thuyết cho rằng một khiếm khuyết tính cách tai hại nào đó đang ngăn trở họ tìm thấy tình yêu của đời mình.
Với tôi, niềm an ủi đến từ nơi mà những phụ nữ độc thân thường tìm tới: Các cô bạn độc thân khác. Chúng tôi sẽ tụ tập vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy, chia sẻ những câu chuyện tức cười hay bi thảm về việc hẹn hò thảm hại của mỗi người, tự trấn an nhau về vẻ đẹp, sự thông minh và lòng tốt bụng của các thành viên trong nhóm, tự hỏi tại sao đám đàn ông ngu ngốc không nhìn thấy những điểm đó ở bạn mình.
Trong những buổi gặp mặt đó, chúng tôi cố tìm lời giải thích cho mọi chuyện. Tại sao chuyện tình cảm không đến với chúng tôi? Phải chăng những người đã lập gia đình thực sự quyến rũ hơn hay ổn định hơn về mặt cảm xúc? Đôi khi, ai đó sẽ tuyên bố những phụ nữ đã lấy chồng thực ra rất khổ sở, và chính họ mới phải ghen tỵ với chúng tôi. Nhưng lý thuyết này chẳng bao giờ đứng vững được lâu – chúng tôi biết quá rõ những người bạn đã lập gia đình của mình sẽ chẳng bao giờ hoán đổi vị trí với chúng tôi, dù họ có than phiền về các ông chồng nhiều đến mức nào đi chăng nữa.
Dĩ nhiên, có rất nhiều cuốn sách và chương trình truyền hình khắc họa chi tiết cuộc sống của những phụ nữ đó, nhưng trong các câu chuyện này, những người đàn ông đáng yêu, khiêm tốn bao giờ cũng gặp nhân vật nữ chính ở công viên hay điểm chờ xe buýt rồi mời cô ta đi ăn tối. Ngay cả trong những trường hợp sóng gió hơn, người phụ nữ độc thân trong chương trình sitcom không bao giờ ở vậy quá lâu. Thay vào đó, cô ta nhảy hết từ anh chàng này tới anh chàng khác, toàn một kiểu đẹp trai nhưng lắm tật. Tôi cùng các bạn mình đều đã từng hẹn hò và có những mối quan hệ tình cảm ngắn ngủi, nhưng phần lớn thời gian là chúng tôi độc thân.
Đương nhiên chúng tôi vẫn còn có nhau, nhưng không phải theo kiểu tâm đầu ý hợp hoàn hảo như trên tivi. Chúng tôi không sống cùng một tòa chung cư, không đột ngột tới nhà nhau làm bánh kẹp pho-mát và thịt nướng hay bày cho nhau những chiêu trò phỏng vấn xin việc. Chúng tôi không phải lúc nào cũng có thời gian cùng nhau ăn bữa sáng muộn trong chớp nhoáng hay tham gia chuyến đi tới Jamaica được lên kế hoạch vào phút chót. Ngược lại, chúng tôi đều có cuộc sống riêng độc lập đầy phức tạp, đi theo những con đường khác nhau, kiểu cuộc sống đôi khi buộc chúng tôi phải làm việc tới 16 tiếng/ngày, di chuyển sang các bang khác, chăm lo một mối quan hệ tình cảm đang chớm nở. Chúng tôi gặp nhau theo đúng cách mà những người bận rộn sống trong thành phố vẫn làm – lên lịch hẹn trước mấy ngày hoặc mấy tuần. Nghĩa là, chúng tôi thường xuyên ở một mình dù có thời gian rảnh.
Vì tôi tin vào lời khuyên “chính thống” rằng tôi có thể “tự cải thiện bản thân” để “sẵn sàng cho tình yêu”, tôi cố tiếp cận những buổi tối im ắng và các kỳ nghỉ cuối tuần sao cho hiệu quả nhất. Tôi biết nếu cố tìm người có thể khiến mình hạnh phúc, tôi sẽ chỉ thất vọng tột cùng mà thôi. Không ai có thể yêu tôi nếu tôi không học cách yêu bản thân mình. Vậy thì: Bắt tay vào việc thôi!
Trên nhiều phương diện, đúng là tôi có “cải thiện” thật. Tôi đã vượt qua nỗi sợ phát biểu trước đám đông, tự học nấu ăn, học cách “trồng cây chuối” trên hai tay. Tôi cũng mở rộng các mối quan hệ của mình – tổ chức những buổi tiệc tối, thuê chung nhà nghỉ mùa hè, tham gia hội nghệ sĩ. Quả thực tôi đã có quãng thời gian rất vui vẻ và gặp gỡ nhiều người bạn mới. Nhưng tôi vẫn chưa sánh đôi với ai, và trong bóng tối đêm thứ Bảy, tôi tiếp tục băn khoăn: “Có vấn đề gì với mình vậy?”
Trong buổi hẹn hò đầu tiên với Mark, anh ấy đã hỏi tôi đúng câu hỏi đáng sợ: “Bao lâu rồi?” Tôi nhìn xuống bàn, tay cầm cốc bia. Câu trả lời là 8 năm – điều mà tôi không muốn chia sẻ.
Thực tình có nói ra cũng chẳng sao. Tôi và Mark đã làm việc cùng nhau được 2 tháng. Anh ấy thường có mặt ở văn phòng tôi, gửi những bức e-mail tán tỉnh và – điều tôi luôn cảm thấy thật đáng yêu còn anh ấy thì sợ hết hồn – mỗi lần nói chuyện với nhau là mặt anh ấy lại đỏ bừng lên. Hẳn là anh ấy đã mê tôi như điếu đổ rồi.
Nhưng tôi vẫn không muốn trả lời.
“Lâu rồi,” tôi nói và đảo mắt, hy vọng với anh ấy thì 6 tháng đã “lâu” lắm rồi.
Tôi thú nhận với anh ấy vài tuần sau đó, khi chúng tôi trốn việc đi uống cà phê và trao cho nhau những nụ hôn. “Có điều này em phải nói với anh,” tôi nói với vẻ nghiêm trọng, hệt như sắp sửa tiết lộ một căn bệnh chết người hay ông chồng bí mật ở New Jersey. Tôi hít sâu một hơi rồi nói mình đã không có bạn trai suốt gần 10 năm nay, dù tôi đã cố gắng cật lực.
Mark nhún vai: “Ồ, anh thật may mắn. Tất cả những gã đàn ông khác đều là lũ ngốc.”
Hóa ra là thế. Với Mark, tôi không phải là một vấn đề cần giải quyết, một câu đố cần tìm lời giải. Tôi là cô gái mà anh yêu, cũng như tôi yêu anh ấy vậy. Mark không tìm kiếm một hình mẫu phụ nữ chuẩn mực đáng để cưới – có trời biết cụm từ này nghĩa là gì. Chỉ đơn giản là anh ấy yêu tôi, thế thôi.
Gần một năm sau, tôi và Mark chuyển tới sống cùng nhau. Bốn năm sau, chúng tôi kết hôn. Bạn bè tôi tới dự buổi hôn lễ trong một công viên nhỏ ở Brooklyn – có người còn đưa cả chồng tới.
Tôi có những người bạn hiện vẫn đang tìm kiếm tình yêu của mình, những người bạn đã lập gia đình, và những người bạn giờ đã ly dị. Tôi nhận thấy sự khác biệt chủ yếu là do ngẫu nhiên chứ không phải ở tính cách. Bởi lẽ sau chừng ấy năm tự dằn vặt bản thân, những người bạn lập gia đình muộn và cả chính tôi đều đã tìm được người đàn ông sẵn sàng yêu thương mình, dù chúng tôi vẫn gàn dở, bốc đồng, dù sự nghiệp vẫn chưa đâu vào đâu, dù thỉnh thoảng lại lớn tiếng hoặc uống rượu say, hay chửi thề khi nghe bản tin trên tivi. Tóc chúng tôi đã ngả muối tiêu, ăn vận lỗi mốt, thái độ thì tồi tệ. Vậy mà họ vẫn yêu thương chúng tôi.
Có vấn đề gì với tôi vậy? Có vấn đề gì với bất kỳ ai trong số chúng ta? Thành thực mà nói, câu trả lời có lẽ là “rất nhiều”. Nhưng mấu chốt vấn đề không nằm ở đó.
BẠN NGHĨ MÌNH LÀ AI?
Vào những năm 1960, khi học giả Phật giáo Tây Tạng Chögyam Trungpa lần đầu tới phương Tây để nghiên cứu Tâm lý học tại Đại học Oxford, ông đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra khái niệm “tội lỗi nguyên bản” không chỉ là một niềm tin tôn giáo mà còn là nền móng của những suy nghĩ thế tục. “Trong số các bệnh nhân, lý thuyết gia, chuyên gia trị liệu, dường như tất cả đều lo lắng với ý nghĩ về một tội lỗi nguyên bản nào đó, điều này dẫn tới những đau khổ sau này – một thứ hình phạt cho tội lỗi đó,” ông viết trong cuốn The Sanity We Are Born With (tạm dịch: Sự minh mẫn bẩm sinh). “Việc con người cảm nhận cảm giác tội lỗi hay bị tổn thương diễn ra khá phổ biến. Dù người đó có thực sự tin vào khái niệm tội lỗi nguyên bản hay tin vào Chúa trời không, dường như họ cảm thấy mình đã làm điều gì sai trái trong quá khứ và giờ đang chịu sự trừng phạt.”
Ông cũng giải thích rằng Phật giáo Tây Tạng có quan điểm khác hẳn: Mọi sự trên đời về cơ bản đều tốt. Một hình ảnh so sánh dễ hiểu là bức tượng bằng vàng bị chôn trong bùn. Thay vì lo lắng về những khiếm khuyết thâm căn cố đế cần phải loại trừ, chúng ta chỉ cần gột rửa tất cả những gì ô uế đã tự phủ lên mình trước đó – tôi quá thế này, tôi chưa đủ thế nọ. Khi đã lột bỏ những lớp phủ ngoài đen tối đó, chúng ta còn lại một sinh thể đơn giản không cần cải thiện gì thêm.
Ý tưởng cốt lõi đó khác hẳn với nền văn hóa chúng ta đang sống, nơi những giọng nói thay nhau động viên và chê trách không ngừng thúc giục chúng ta phải cải thiện bản thân. Tôi không nói điều đó lúc nào cũng sai trái, nhưng theo tôi, đây cũng là một ý niệm nên suy nghĩ, nhất là với những người mắc phải cái bẫy “Có vấn đề gì với mình vậy?” Với mục đích đó, tôi đã viết cuốn sách này xoay quanh các thông điệp mà những người độc thân, đặc biệt là phụ nữ, phải nghe mãi rằng họ là ai và họ phải làm gì. Chúng tới từ các cuốn sách kỹ năng, bài phê bình xã hội, các câu chuyện nổi bật, những chương trình ghép đôi, dịch vụ hẹn hò qua mạng, bạn bè và gia đình – những người luôn mong muốn điều tốt nhất cho chúng ta nhưng thường không biết phải làm gì.
Tôi không có ý đả kích các chuyên gia hẹn hò – những người mà nói thật, có thể là những mục tiêu di chuyển chậm chạp; cũng không nhằm kích động sự ác cảm trong bạn với những người quan tâm bạn. Tôi muốn gỡ bỏ hết những lời góp ý khiến người ta phát điên với hy vọng giúp bạn khám phá ra bản năng của mình.
Trước khi bắt đầu, có vài điều cần chú ý:
Tôi không phải là chuyên gia – tôi không có bằng Tiến sĩ hay sở hữu chương trình truyền hình thực tế. Tôi chỉ là một cây viết tự do đã từng thuật lại những câu chuyện về cân bằng cảm xúc trong nhiều năm, đồng thời là học viên mới nhập môn Phật giáo Tây Tạng.
Tôi không dám mạo muội nói về tất cả những người đang độc thân. Đương nhiên là rất nhiều người trong số họ cảm thấy hạnh phúc với tình trạng này, hoặc đang tìm kiếm người yêu mà không bận tâm với câu hỏi “Có vấn đề gì với mình vậy?”
Đối tượng tôi hướng tới khi viết cuốn sách này rất cụ thể – những phụ nữ trung lưu có xu hướng tình dục bình thường, da trắng, không con cái. Quan điểm của tôi không đại diện cho tất cả mọi người – không phải mọi điều trong cuốn sách này đều đúng với đàn ông, các ông bố bà mẹ đơn thân, người đồng tính, và người lớn lên trong những gia đình không giống chương trình hài kịch của thập niên 1950 như tôi. Dù vậy, tôi tin rất nhiều người độc thân lâu năm đều có chung một trải nghiệm – một trải nghiệm vượt qua mọi ranh giới về giới tính, chủng tộc hay xu hướng tình dục – và tôi hy vọng cuốn sách sẽ hữu ích với bất kỳ ai đang vật lộn với những vấn đề này.
Những người mà tôi đã phỏng vấn khi viết cuốn sách này, dù được trích dẫn câu nói trực tiếp hay mô tả trải nghiệm chung chung, phần lớn đều là những phụ nữ như tôi, sống độc thân trong một khoảng thời gian dài khi đã trưởng thành – một số người đã lập gia đình, những người khác vẫn chưa. Tôi sử dụng cụm từ “lập gia đình” một cách tương đối – ý chỉ những mối quan hệ nghiêm túc giữa hai người, bất kể họ có quyền hưởng phúc lợi xã hội hay bảo hiểm của nhau hay không.
Sau cùng, tôi tập trung vào phụ nữ vì họ chính là những người luôn phải nghe nhiều lời khuyên bảo nhất về việc họ phải là người như thế nào, và hãy cùng thành thật với nhau, chúng ta cũng thường tin vào chúng.
Tuy vậy, khi câu chuyện đặc biệt của tôi được đăng trên tờ New York Times trong chuyên mục “Tình yêu hiện đại”, tôi nhận ra trải nghiệm của mình lan rộng hơn tôi tưởng rất nhiều.
“Tôi là một nam giới 25 tuổi, đang sống ở Sao Paulo, Brazil. Tối qua, khi đi ngủ, tôi nghĩ đến chính xác những điều mà chị đã nhắc tới trong bài viết: ‘Có vấn đề gì với mình vậy?’”
“Tôi là một nhà báo Ấn Độ, hiện đang sống và làm việc ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Một người bạn ở Mỹ đã gửi bài báo này cho tôi cách đây vài tuần khi tôi đang trong tâm trạng vô cùng bi đát. Tôi đã đọc đi đọc lại nó không biết bao nhiêu lần và chia sẻ cho những cô bạn dù đã lấy chồng hay chưa, tất cả đều cảm thấy y hệt như tôi sao mà đúng với mình thế!”
“[Bài báo của chị] ngay lập tức gây ấn tượng mạnh với tôi và những người bạn độc thân của tôi, có rất nhiều người chia sẻ bài viết này sau khi đọc nó trên mạng xã hội ở Trung Quốc.”
Gần nơi tôi ở hơn, một nhà đầu tư ngân hàng 33 tuổi viết thư kể rằng cô ấy đã đánh dấu bài viết trên trình duyệt Internet và đọc lại mỗi tuần một lần. Một sinh viên Y khoa 24 tuổi đang học ở Harvard chia sẻ rằng bài viết đã đem lại sự tĩnh tâm cho cô giữa những lời mời dự đám cưới bay đến tới tấp. Một phụ nữ 71 tuổi kể về hôn lễ đầu tiên của mình vào mùa hè năm ngoái. “Ơn trời tôi đã sống đủ lâu!” bà hóm hỉnh nói.
Những phụ nữ độc thân nói với tôi rằng họ đã in bài viết đó ra và kẹp trong ví để đọc mỗi khi mất dũng khí. Nhiều nam giới độc thân chia sẻ họ cũng phải vật lộn với vấn đề tương tự mà không có được sự cảm thông từ bạn bè đồng giới (thực ra nhiều phụ nữ độc thân cũng nói vậy). Những phụ nữ đã lập gia đình, giống như tôi, đã tìm thấy người bạn đời sau bao năm cô đơn lẻ bóng cũng có chung trải nghiệm. Sau nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ tự dằn vặt bản thân, cuối cùng họ cũng gặp được người đàn ông thích mái tóc ngắn, lối nói đùa cay độc hay phần thịt thừa 10kg của họ. “Tất cả những điều tôi tưởng đàn ông không ưa (Này, tôi nuôi tận hai con mèo đấy!) thì anh ấy lại rất thích. Tất cả những điều kỳ quặc mà tôi tưởng cần phải xin lỗi, anh ấy đều hiểu được,” một phụ nữ 42 tuổi vừa kết hôn năm ngoái viết thư cho tôi.
Điều kinh ngạc nhất ở những lá thư là chúng giống hệt nhau. Dù các độc giả ở độ tuổi và điều kiện sống rất khác nhau, nhưng những gì họ nói lại gần như giống hệt nhau – Cô cũng giống như tôi. Câu chuyện của cô cũng là của tôi.
Với một cây viết, không gì mãn nguyện hơn khi khám phá ra mình đã kết nối trực tiếp với nhiều đối tượng đa dạng đến thế. Nhưng tôi nghĩ lý do chính khiến câu chuyện của tôi gây được tiếng vang không phải vì tôi kể ra điều gì đó mọi người chưa biết, mà vì tôi kể những điều họ đã biết. Tôi tin mình đã nhắc nhở họ về giá trị bên trong của họ, vốn bị vùi lấp trong vũng bùn của những lời khuyên và bàn tán. Tôi tin mình đã tái kết nối những người này với chân lý cốt lõi trong chính họ: Tôi không nghĩ mình cần thay đổi. Tôi hoàn toàn xứng đáng được yêu thương khi tôi là chính mình.
Cuốn sách này không hướng dẫn bạn cách tìm bạn đời – bởi chính tôi cũng không biết. Nó cũng không phải là kế hoạch hành động làm mới tâm hồn để bạn “sẵn sàng” cho tình yêu; khi bạn cầm cuốn sách này lên, tôi tin bên trong bạn đã có đủ điều đó rồi. Đây cũng không phải cuốn bách khoa thư do một bà biết-tuốt-đã-lập-gia-đình viết – bởi nghiêm túc mà nói, tôi chỉ đơn giản gặp được một người đàn ông, chỉ vậy thôi.
Thay vào đó, tôi muốn loại bỏ những rào cản xã hội đã kìm chân chúng ta, khiến chúng ta tự thấy xa lạ với bản năng của chính mình. Dĩ nhiên đây không phải là vấn đề của riêng ai – nó là vấn đề của tất cả mọi người. Nhưng khi bạn độc thân, đúng là cần phải lội qua hàng đống rác.
Chỉ khi nào dừng lại việc phân tích tính cách mình, ngừng lật đi lật lại những mối quan hệ trước đó, thì khi ấy bạn mới giải phóng được tâm trí. Khi không để những lời nói bên ngoài khiến mình sợ hãi – “Trói chặt anh chàng đó đi!” “Cậu làm sao trẻ lại được nữa!” “Cậu nghĩ mình là ai?” – bước đầu bạn sẽ hiểu được ai và điều gì hợp với mình.
Nguồn: dtv-ebook.com