Vẫn Còn Hạnh Phúc

white noise for sleeping link
shopee-sale

Hiện diện trong giảng đường ngày hôm nay, có bạn trẻ mới 15, 20 tuổi; có người 40, 50 tuổi; thậm chí có các cụ đã 70, 80 tuổi đời. Dù đang ở độ tuổi nào, chắc hẳn ai cũng đã từng nếm trải những buồn vui, được mất, hạnh phúc, khổ đau,…
Trong cuộc sống có biết bao nhiêu đau buồn như thất bại, bệnh tật, mất mát; những thiên tai như động đất, bão lụt, sóng thần; những nhân họa như chiến tranh, khủng bố; những tai nạn bất ngờ khi tham gia lao động, giao thông,… Bao năm tháng đã trôi đi, bao đau khổ đã trải nghiệm, bao thăng trầm đã xảy đến mà giờ đây chúng ta vẫn đang hiện hữu trên cuộc đời này, có thể nói đó là một phước báu rất lớn!
PHƯỚC BÁU CỦA CHÚNG TA
Vào cuối năm 2009, báo đài nói về trận động đất tại Haiti, số người chết lên đến cả trăm nghìn. Gần đây nhất, tại Trung Quốc, ngày 14/04/2010, một trận động đất đã làm hàng nghìn người chết. Rất may chúng ta không có tên trong danh sách những người đó! Nếu không như vậy thì bây giờ quý vị đã không còn hiện hữu trên cuộc đời này, và dĩ nhiên cũng không được nghe pháp, không được tu tập cùng đại chúng nữa. Cho nên, sinh mạng là quý báu, có sinh mạng chúng ta mới có thể hưởng thụ được những hạnh phúc mà cuộc đời này ban tặng.
Nhưng có sinh mạng thôi thì chưa đủ, chúng ta còn cần có sức khỏe, bởi không có sức khỏe, nay ốm mai đau thì cũng không thể thụ hưởng được tất cả hạnh phúc của cuộc đời.
Vào ngày 26/03/2010, tôi có chuyến đi từ thiện để giúp đỡ một số em bị nhiễm chất độc màu da cam tại thị trấn Cái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Do khu vực này rất rộng nên để tiện cho việc phân phát quà, những người làm công tác từ thiện ở Hội Chữ thập đỏ đã quy tụ những người nhiễm chất độc màu da cam về trụ sở xã. Khi đến đó, tôi thấy nhiều em bị tàn tật rất đáng thương. Nhiều em hai tay co quắp, hai chân bại liệt, có em còn không thể cử động cả tay và chân, lại có em bị thần kinh, thân hình dị dạng,… Nhìn những em nhỏ bị tàn tật như thế, tôi thầm nghĩ, mình là người có đại phúc. Vì sao? Vì mình cũng là người, họ cũng là người, thế mà mình may mắn được sinh ra khỏe mạnh, lành lặn; còn họ có mắt nhưng không nhìn được, có tai nhưng không nghe được, có miệng nhưng không nói được, có tay nhưng không cầm nắm được, có chân nhưng không đi được…
Còn gì đau khổ hơn là từ khi sinh ra đã phải chịu cảnh tật nguyền! Các em cứ vậy lớn lên, thụ động chịu đựng tất cả mà không hiểu vì sao mình phải chịu như thế. Tôi đã an ủi bằng cách nói cho các em biết rằng: Tuy bị tàn tật nhưng các em vẫn có cơm ăn, áo mặc, có nhà ở để che mưa che nắng, có cha mẹ, anh em nuôi dưỡng và yêu thương. Trong khi đó, nhiều người cũng tàn tật như các em mà phải tự đi kiếm sống, không có nhà để ở và cũng không có người săn sóc, trông nom. Thế nên các em hãy biết rằng mình vẫn còn hạnh phúc.
Nếu biết được lý nhân quả, các em sẽ phần nào hiểu được nguyên nhân của những nỗi khổ đau mà mình đang phải gánh chịu trong hiện tại. Khi có quả ớt, mình biết, chắc chắn trước đây mình đã gieo hạt giống cay; khi có trái khổ qua, mình cũng biết, chắc chắn trước đây mình từng gieo hạt giống đắng. Còn khi nhận được quả đu đủ, hẳn là mình đã gieo trồng những hạt giống ngọt trong quá khứ rồi. Quả cay, quả đắng hay quả ngọt là do chính mỗi người tự gieo trồng và nhận lấy, không có người nào hay thần linh nào có thể làm cho cuộc đời chúng ta cay đắng hay ngọt bùi.
Không có ông Thượng đế, ông trời, ông thần hay ông thánh nào có thể cho người này hạnh phúc, bắt người kia đau khổ; cho người này khỏe mạnh, bắt người kia ốm đau; cho người này thông minh, bắt người kia ngu dốt; cho người này ngoại hình đầy đủ xinh đẹp, bắt người kia thân thể tàn tật xấu xí; cho người này giàu sang phú quý, bắt người kia nghèo khó bần cùng. Nếu ai có quyền năng như vậy mà lại cho người này hưởng điều tốt, bắt người kia chịu điều xấu thì không phải là người công bằng. Vậy nên khi biết nhân quả, gặp khổ đau chúng ta sẽ không oán trời, trách người, bởi vì ta hiểu được rằng, đó là kết quả của những nhân duyên mà chính mình đã gieo trồng trong quá khứ.
Trên thực tế, báo đài đã nhiều lần đưa tin, có những trận động đất xảy ra mà sau cả tuần đào bới, người ta vẫn tìm thấy người sống sót. Cùng ở một căn nhà, cùng sống tại một địa phương, thế mà sau một trận động đất, người thì sống, kẻ thì chết, như vậy chuyện sống chết là do cái nghiệp của mỗi người.
Chắc hẳn, chúng ta cũng từng nghe về các vụ sóng thần. Khi nó ập tới và cuốn trôi tất cả, có biết bao người đã mất mạng, thế nhưng cũng có người trôi nổi ngoài biển nhiều ngày rồi lại được cứu sống. Vậy, những người đó còn sống là do tử nghiệp của họ chưa tới, trong khi rất nhiều người khác đã phải ra đi mãi mãi bởi thảm họa sóng thần. 
Cũng vậy, trong cùng một khu vực chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam, tại sao chỉ có vài chục hoặc vài trăm người bị nhiễm, còn những người khác thì không? Tất cả là do nhân quả của họ. Nếu hiểu được như thế thì các em sẽ tìm thấy sự an ủi. Ngược lại, nếu các em cứ nghĩ mãi về sự tàn tật của mình và sự bất công của tạo hóa thì sẽ chỉ khổ đau thêm mà thôi!
Bây giờ hiểu được nhân quả, biết rằng kết quả nào cũng đều có nguyên nhân, thay vì thở than cho số phận, các em hãy chấp nhận và quyết chí đứng lên vượt qua nghịch cảnh. Các em có thể học Phật pháp và niệm Phật để tìm cách hóa giải dần những khổ đau trong cuộc sống, chuyển hóa nghiệp cũ, đồng thời gieo nhân mới để đời này cũng như đời sau mình không còn rơi vào hoàn cảnh bất hạnh như vậy nữa.
Qua hoàn cảnh của các em, chúng ta có thể thấy rằng sức khỏe là điều rất quý giá. Cho dù sở hữu hàng trăm lượng vàng, hàng nghìn lượng bạc, hàng triệu USD; cho dù có nhà cao cửa rộng, ruộng đồng cò bay thẳng cánh; cho dù tất cả tiện nghi vật chất đều đầy đủ, nhưng chúng ta lại bị bệnh tật giày vò liên miên thì hạnh phúc cuộc đời chẳng thấy đâu mà khổ đau cứ đeo đẳng như bóng với hình.
Cũng trong chuyến từ thiện đó, tôi còn được Hội Chữ thập đỏ đưa đến thăm hai gia đình nữa. Gia đình thứ nhất có một cậu con trai từ khi sinh ra đã bị bại liệt toàn thân, gần như không thể cử động. Bây giờ em đã được 16 tuổi nhưng mẹ em vẫn phải mớm cơm cho ăn. Tôi hỏi bà tại sao không dùng phương pháp khác? Chẳng hạn như xay thức ăn ra rồi đút cho cháu? Bà nói: “Nó không chịu. Cứ phải mẹ nhai cơm mớm cho mới chịu ăn, còn nó mà biết là cơm xay hay dùng cách nào khác thì không chịu ăn”. Mắt em có nhìn thấy nhưng tai nghe không rõ, miệng không nói được gì, cả ngày em chỉ nằm liệt giường, im lìm như khúc gỗ, người mẹ phải giúp em làm mọi công việc vệ sinh. Nhìn vậy tôi cảm thấy thương quá!
Sau đó, tôi đến thăm ngôi nhà thứ hai. Gia đình này rất nghèo, có một người đàn ông trung niên khoảng hơn 35 tuổi bị liệt cả tay và chân, phải ngồi xe lăn, tuy tai mắt vẫn bình thường nhưng miệng không nói được. Lúc đầu, tôi dạy anh niệm câu “Nam mô A Di Đà Phật”. Thấy anh rất cố gắng nhưng không thể niệm được, tôi liền khuyên anh niệm ngắn lại thành “A Di Đà Phật”. Dù đã hết sức gắng gượng nhưng anh cũng chỉ phát ra được một tiếng “Phật”, chứ không thể niệm nổi một danh hiệu Phật trọn vẹn.
Qua đó, tôi mới thấy quý vị là những người có đại phúc. Cũng làm người nhưng có được thân thể đầy đủ, được học Phật pháp như hôm nay là chúng ta có phước hơn những người chưa được hiểu Phật pháp, lại càng có phước hơn những người tàn tật, đui mù,… Trên thế gian này, nhiều người chỉ muốn niệm một câu Phật hiệu mà không được! Còn chúng ta muốn niệm một nghìn, hai nghìn, hay vài chục nghìn cũng được. Nếu biết tận dụng điều này để niệm Phật, để tạo công đức và phước báu cho bản thân thì chắc chắn chúng ta sẽ có được cuộc sống tốt đẹp không chỉ trong hiện tại mà còn cả tương lai; nhưng cũng chính từ cái miệng này, nếu chúng ta dùng để nói chuyện thị phi, nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô lỗ, lời ô uế, ác độc… thì sẽ gây tạo thêm biết bao nghiệp ác, gây đau khổ cho mình và người
HỌC CÁCH TRÂN TRỌNG CUỘC SỐNG
Khi nhìn thấy những người tàn tật như vậy, bất chợt tôi nghĩ đến chúng ta. Trong khi họ muốn đi đứng, muốn làm việc và ước mong được sống một cuộc đời bình thường mà không được, thì chúng ta – những người có mắt để nhìn, có tai để nghe, có miệng để nói, có tay để nắm, có chân để đi, có cả sức khỏe lẫn trí khôn – nhiều khi lại không biết trân quý, giữ gìn và chăm sóc thân thể của mình, thậm chí có những người còn tự tay hủy hoại bản thân bằng những thú vui độc hại. Thật quá vô minh!
Ngày nay, có những thanh niên nam nữ nhiều tiền lắm của, được cha mẹ thương yêu, lo lắng đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng họ không biết trân trọng cơ hội ấy để phát triển bản thân mà lại chìm trong các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, đắm mình trong xì ke ma túy, trong bia rượu, cờ bạc, đua xe,… Hậu quả là những người lao vào ăn chơi trác táng thì tự hủy hoại cơ thể và tinh thần của mình; những người xì ke ma túy thì nhiễm HIV, mắc bệnh xã hội; những người sáng say chiều xỉn thì mất đi lý trí, mất tư cách đạo đức; những người cờ bạc cá độ thì tán gia bại sản, có khi còn tự tử; những người đua xe thì mất mạng hoặc tàn phế suốt đời…
Có câu chuyện như sau: Một cặp vợ chồng kết hôn muộn, sống với nhau khá lâu mới sinh được một đứa con trai. Khi sinh con ra, vợ chồng họ quý như ngọc như vàng. Họ hy vọng người con sẽ nối dõi tông đường, sẽ giúp đỡ cha mẹ lúc tuổi già sức yếu và lo hậu sự cho cha mẹ lúc qua đời. Không may một thời gian sau, bà vợ bị tai nạn chết, người chồng bây giờ vừa là cha, vừa là mẹ, tất cả tình thương ông đều dành hết cho con. Cảnh gà trống nuôi con dù cực nhọc nhưng ông không ngại. Ông đem hết công sức của mình để bảo ban, chăm sóc đứa con trai và mong muốn xây dựng cho nó một tương lai giàu có, ấm no, hạnh phúc. Tất nhiên, ông cũng hy vọng sau này khi già yếu sẽ có người chăm sóc, hoặc lúc chết cũng có con cháu lo cúng giỗ cho mình.
Thế nhưng, khi đứa con đến tuổi 18 thì nó bỏ học đi theo bạn xấu, ăn chơi sa đọa và cuối cùng dính vào ma túy. Khi biết chuyện này, người cha vô cùng đau khổ, ông đã hết lòng khuyên nhủ nhưng do có tính đua đòi, lại bị bạn xấu rủ rê nên người con cứ trượt dài trên con đường sa đọa. Và việc gì phải đến đã đến: anh ta bị nhiễm HIV. Khi nghe tin, người cha lại càng đau khổ, ông biết rằng mạng sống của con mình giờ đây chỉ còn như ngọn đèn trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào.
Thời gian trôi qua, người con kiệt quệ và sắp sửa bước sang thế giới khác. Người cha vẫn dành hết tình thương của mình để hằng ngày chăm sóc, đút cơm, bón cháo, làm vệ sinh cho con. Trong những lúc như thế, người cha cảm thấy đau khổ tột cùng, ông nghĩ rằng việc chăm sóc này đáng lẽ là việc mình được hưởng lúc tuổi già, thế mà bây giờ mình lại phải làm cho con. Và đáng lẽ người con sẽ lo hậu sự cho cha khi nhắm mắt xuôi tay, thì giờ đây người cha già lại phải chuẩn bị từ giã đứa con trai yêu quý.
Nhìn người cha ngày một héo hon, bấy giờ người con mới hiểu và cảm nhận được tình thương yêu vô bờ mà cha đã dành cho mình, những giọt nước mắt ân hận lăn dài xuống gối. Hơn bao giờ hết, lúc này người con muốn được sống, muốn làm lại cuộc đời để xóa đi phần nào những tội lỗi và sai lầm của mình trước kia. Thế nhưng đã không còn kịp nữa rồi! Nếu như cậu con trai này biết nghĩ đến cha mẹ sớm hơn, có lẽ giờ đây đã không đến nỗi phải “thân tàn ma dại” như thế.
Cũng vậy, nếu hằng ngày chúng ta đều nghĩ nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục trời biển của cha, của mẹ, thì có lẽ không ai dám làm điều gì dại dột gây hại cho bản thân và làm đau lòng hai đấng sinh thành. Sinh được một người con không phải là chuyện dễ. Người mẹ phải mang nặng, đẻ đau và có thể phải đánh đổi cả tính mạng để có được sự sống cho con. Sinh con ra rồi, cha mẹ lại tốn biết bao nhiêu công sức, tiền của để nuôi con đến khi khôn lớn, trưởng thành. Ngày hôm nay, chúng ta có được thân thể cường tráng, khỏe mạnh này, vạn vạn giọt nước mắt mẹ đã rơi, tỷ tỷ giọt mồ hôi cha đã đổ. Vậy mà chúng ta không biết trân quý lại đi hủy hoại thân thể và cuộc sống của mình, để rồi cả đời phải mang tội bất hiếu với những người đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta nên người.
Trên thực tế, có nhiều người khi làm ăn thất bại hoặc gặp phải những hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống, họ cảm thấy mình quá đau khổ, bế tắc, và đã tìm đến cái chết. Nếu khi đó, nhìn thấy những người nhiễm chất độc màu da cam, những người tàn tật, những người bất hạnh, chắc chắn họ sẽ nhận ra rằng mình vẫn còn hạnh phúc. Vì sao? Vì họ còn có đôi mắt, có tay chân, có trí óc, chỉ cần như vậy thôi là đã đủ khả năng để làm lại cuộc đời, cho dù có phải làm lại từ đầu. Thậm chí vì một tai nạn nào đó mà mất đi một con mắt, họ vẫn còn hạnh phúc hơn những người mất cả hai con mắt; nếu lỡ mất đi một cánh tay, họ vẫn còn hạnh phúc hơn những người mất cả hai cánh tay…
Tôi được biết nhiều tấm gương tuy tàn mà không phế. Hôm đến giúp đỡ những nạn nhân chất độc màu da cam, tôi có gặp một em đã lên tuổi 18, mà nhìn người ta cứ tưởng em mới lên 9, lên 10. Em được người nhà đặt ngồi trên bàn, nhìn thoáng qua chỉ thấy được cái đầu với khúc mình nhỏ bé, bởi hai tay hai chân đều đã teo lại như cây củi. Vậy mà em đã cố gắng vươn lên và học hết lớp 12. Dù tàn tật nhưng em luôn nỗ lực phấn đấu, không đầu hàng hoàn cảnh của mình. Những người như em đáng để chúng ta trân trọng, ngợi khen. Lại có những em nhỏ tuy cụt cả hai tay nhưng có thể dùng miệng của mình để ngậm bút viết chữ, hoặc dùng cả hai chân để vẽ và đã vẽ được những bức tranh rất đẹp.
Ở Trà Vinh có một người tên là Lê Văn Híp. Lúc mới sinh ra, tay chân của anh đều co quắp, không sử dụng được, gia đình anh lại rất nghèo và có đến mười người con. Do tay chân như vậy nên anh không thể đi xin ăn, anh biết rằng mình cần phải học một nghề gì đó để tự nuôi sống bản thân. Thế nhưng tiền đâu mà học? Cha mẹ cũng đã cho anh đi học đến lớp 7, nhưng học lên nữa thì họ không đủ khả năng. 
Một ngày nọ, có lẽ cũng là một cơ duyên, người anh họ của anh vừa mới học xong nghề sửa chữa điện tử ở Sài Gòn trở về, thế là anh liền mượn những tài liệu của người này để học. Với một ý chí vươn lên mạnh mẽ, anh đã cố gắng tìm hiểu, mày mò và cuối cùng anh đã sửa được ti vi, cassette và radio.
Như quý vị biết, một người tàn tật, tay chân co quắp như thế mà sửa được những thiết bị điện tử li ti là cả một sự nỗ lực. Mỗi lần sửa, anh phải vận dụng cả hai tay, hai chân để kẹp đồ vật lại, lấy miệng cắn vào tua vít, rồi vặn từng con ốc… Dần dần, có nhiều người đem đồ dùng đến thuê anh sửa. Từ đó anh kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Ngoài những lúc sửa máy ra, anh còn tự mày mò chơi đàn ghita và anh cũng đã chơi được, thậm chí còn chơi hay nữa.
Nhìn những người tàn mà không phế, luôn đầy ý chí và nghị lực vươn lên như anh Híp, có lẽ những người tay chân đầy đủ, thể chất khỏe mạnh, trí óc minh mẫn, thế nhưng lại chịu đầu hàng số phận hẳn sẽ cảm thấy thật hổ thẹn. Tại sao cứ mãi chịu cảnh thất nghiệp, tại sao chẳng tự làm mà ăn, sống bám vào gia đình, người thân và xã hội. Do ai chúng ta không đủ ăn đủ mặc? Do ai chúng ta mãi nghèo khổ bần hàn? Do ai chúng ta trở thành kẻ sống thừa, bị người đời khinh rẻ? Tất cả đều do chính chúng ta không có ý chí phấn đấu vươn lên mà thôi.
Có một cô gái ở Hậu Giang tên là Cẩm Tú, từ khi sinh ra hai chân em đã bị bại liệt, không cử động được. Lớn lên một chút thì cha mẹ em ly dị nhau, bà ngoại thấy vậy thương tình đem về nuôi. Cuộc sống ở vùng quê vốn đã rất khó khăn, giờ lại gánh thêm một đứa cháu tàn tật nữa nên nhà ngoại đã nghèo lại càng nghèo hơn. Lúc mười hai tuổi, nhìn thấy người ta chèo đò đưa khách qua sông, Cẩm Tú nghĩ rằng phải tìm mọi cách để có thể chèo đò kiếm tiền nuôi thân và giúp ngoại. Để thực hiện được tâm nguyện đó, em nghĩ trước hết là mình phải tập bơi, vì nếu không biết bơi, khi chèo đò lỡ đò lật, em sẽ bị chết chìm. Mặc dù hai chân teo liệt, chỉ còn hai tay nhưng em vẫn quyết tâm tập bơi!
Sau một thời gian tập bơi trên sông, em đã có thể bơi rất giỏi. Lúc bấy giờ em mới nghĩ đến chuyện mua ghe. Nhưng nhà nghèo lấy tiền đâu mà mua ghe? Sau nhiều đêm trăn trở, cuối cùng vào một buổi sáng nọ, em dùng vỏ xe bọc dưới mông của mình, lết từ nhà đi đến chỗ bán ghe. Quãng đường đó hơn mười ki-lô-mét. Đến nơi, em trình bày nguyện vọng của mình với người chủ quán: Em muốn có được một chiếc ghe để đưa khách qua sông, kiếm tiền nuôi thân và phụ giúp bà ngoại. Người chủ ghe rất có lòng từ, khi nghe em trình bày như vậy, ông đã đồng ý bán cho em một chiếc ghe với giá vốn, nhưng một năm sau mới phải trả. 
Thế là ước mơ đã trở thành sự thật. Hằng ngày em chèo đò đưa khách qua sông, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng rồi chiếc ghe cũng tới thời kỳ mục nát, tiền mua ghe mới chưa có mà lúc đó người ta đã xây những cây cầu bắc qua sông, không còn ai đi ghe nữa. Trước tình cảnh đó, em tìm đến câu lạc bộ bơi lội của tỉnh để luyện tập, và sau đó được câu lạc bộ cho đi thi đấu trong nước. Em đã giành được thắng lợi ngay trong lần đầu tiên dự thi.
Thấy được khả năng bơi lội của em, người ta cho em đi thi đấu ở nước ngoài. Chỉ trong vòng sáu năm, từ 2001 đến 2006, em đã tham dự rất nhiều giải đấu ở nhiều nước trên thế giới và đã giành được 14 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 4 huy chương đồng. Sự thành công này là niềm vinh dự không những cho bản thân em mà còn cho cả đất nước chúng ta.
Vậy là từ một cô bé tật nguyền, hai chân không hoạt động được, chỉ còn hai tay, em đã vươn lên trở thành một vận động viên bơi lội khuyết tật đạt được rất nhiều huy chương quốc tế. Hoàn cảnh của chúng ta tốt hơn Cẩm Tú gấp nhiều lần, thế nhưng chúng ta đã làm được gì đem lại vinh quang cho bản thân, gia đình và cho quê hương, đất nước?
Ở Cần Thơ cũng có một người tên là Nguyễn Phương Duy. Lúc ba tuổi cậu bị ban sởi và sau đó mù cả hai mắt. Vượt qua hoàn cảnh, cậu đã cố gắng phấn đấu học hết lớp 12, và trong thời gian học phổ thông cậu còn học thêm đàn ghita và đàn organ nữa. Chính sự đam mê học hỏi đã giúp cậu chơi đàn rất hay, và trong một cuộc thi dành cho các nhạc công, cậu đã đạt được giải đặc biệt.
Chúng ta có hai con mắt rất sáng nhưng học nhạc mãi không thông, học đàn mãi không được, có khi học lâu rồi mà bàn tay vẫn lúng túng, chệch choạc trên những phím đàn. Trong khi đó, Phương Duy mù cả hai mắt, hoàn toàn không thấy được gì mà lại chơi đàn rất giỏi. Ý chí và nghị lực của cậu thực sự là tấm gương sáng để chúng ta noi theo, học tập.

Mời các bạn đón đọc Vẫn Còn Hạnh Phúc của tác giả Thích Chân Tính.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Source: dtv-ebook.com