Ván Cờ Kỳ Lạ

white noise for sleeping link
shopee-sale

Stephen Zweig

Ván cờ kỳ lạ

Dịch giả: Trịnh Xuân Hoành

Phần I

 

Cảnh lui tới thường thấy diễn ra vào giây phút chót bao trùm trên con tàu thủy sẽ rời Niu York đi Buênôx Airex lúc nửa đêm. Hành khách lên tàu, kéo theo cả một đám bè bạn đi tiễn, những người chuyển điện tín, mũ lưỡi trai đội sụp đến mang tai, đọc to mấy tên người vang khắp các phòng khách, hành lý và hoa được chuyển lên, lũ trẻ con tò mò chạy khắp nơi từ tầng trên xuống tầng dưới tàu, trong khi đó dàn nhạc vẫn điềm tĩnh chơi. 

Trên cầu tàu dạo chơi, đứng hơi né xa cảnh đi lại nhộn nhịp, tôi và anh bạn đang trò chuyện với nhau thì thấy lóe lên ở ngay cạnh chỗ chúng tôi đang đứng hai hoặc ba ánh vụt sáng – chắc người ta chụp vội ảnh một vĩ nhân nào đó trước khi tàu nhổ neo. Anh bạn tôi đưa mắt nhìn về hướng đó rồi mỉm cười: “Anh cùng đi tàu với một nhân vật lỗi lạc: Xzentôvic”. Và thấy tôi ngơ ngác không hiểu gì, anh nói tiếp, vẻ như muốn giải thích với tôi: “Mirkô Xzentôvic – vô địch cờ thế giới. Anh ta đã đi khắp nước Mỹ, từ tây sang đông, đánh ván nào thắng ván đó, còn bây giờ anh ta đi giành những vinh quang mới ở Argentina”. 

Lúc đó tôi mới nhớ lại nhà vô địch trẻ tuổi này và một số đặc điểm trong bước đường công danh kỳ lạ của anh. Do đã đọc báo chí nhiều hơn tôi, anh bạn đã bổ sung vào trí nhớ của tôi một số giai thoại. 

Trong vòng có gần một năm, Xzentôvic đã trở thành một nhân vật sánh ngang với các bậc thầy nổi tiếng nhất về môn cờ. Alêcxin Capablăngca, Tarkakôvơ, Laxkơ, Bôgôngiubôp không còn gì để truyền đạt cho anh nữa. Từ năm 1922, sau Rzexepxki – một chú bé thần đồng bảy tuổi – trở nên lỗi lạc ở trận đấu tại Niu York, người ta chưa hề biết một người không tên tuổi nào như Xzentôvic lại thu hút được sự chú ý đến thế của thế giới đối với những người chơi cờ. Vì nếu chỉ dựa vào trí năng của Xzentôvic thì không ai dám tiên đoán anh ta sẽ có một tương lai sáng lạn. Có tiếng đồn rằng nhà vô địch không thể viết nổi một câu, dù bằng tiếng mẹ đẻ, mà không phạm những lỗi chính tả và một đối thủ bẳn tính đã nhận xét: “Sự vô học của anh chàng đã nổi tiếng khắp hoàn cầu”. 

 

*** 
 

Xzentôvic là con trai một người chèo thuyền khốn khó gốc Xlavơ vùng Đanuýp. Một đêm nọ, thuyền của ông bị một chiếc tàu thủy chở lúa mì đâm chìm. Sau khi bố chết, chú bé lúc đó mười hai tuổi, được cha xứ trong làng đón về nuôi và ông linh mục tốt bụng đã cố gắng một cách trung thực bảo ban chú bé lãnh đạm và ít nói ôn lại bài vở mà ở trường chú không tài nào nhớ nổi. 

Nhưng ông đã uổng công vô ích. Xzentôvic nghiêng nghiêng vầng trán rộng của mình trên những nét chữ mà chú đã nghe giảng đi giảng lại đến trăm lần và trân trân nhìn chúng với cặp mắt trống rỗng; óc chú bất lực không lưu giữ được những khái niệm sơ đẳng nhất. Năm mười bốn tuổi, chú vẫn còn phải dùng ngón tay để đếm và hết sức chật vật mỗi khi đọc một quyển sách hoặc một tờ báo. Nhưng không thể nói rằng chú ngại khó. Chú ngoan ngoãn làm tất cả những gì được sai bảo, xách nước, bổ củi, làm việc ở ngoài đồng, lau chùi bếp, tóm lại, tuy chậm chạp đến phát bực mình, chú đã tận tụy thực hiện mọi công việc được yêu cầu. 

Nhưng điều làm vị linh mục tốt bụng buồn phiền nhất là thái độ hoàn toàn dửng dưng của chú bé kỳ cục được ông che chở. Chú chẳng bao giờ tìm cách gợi chuyện ông, chẳng bao giờ mở miệng hỏi một câu, chẳng chơi với lũ con trai cùng tuổi, xong công việc chú đến một chỗ ở trong phòng, vẻ đãng trí và lơ đễnh như cừu ngoài bãi chăn thả, không hề bận tâm tới những gì diễn ra ở quanh mình. Tối tối cha xứ châm chiếc tẩu dài hút và ngồi đánh ba ván cờ thường ngày với viên đội. Lúc đó cậu thiếu niên lại ló mái tóc vàng rối bù màu vàng hoe của mình xích đến bên bàn và lặng lẽ chăm chăm nhìn bàn cờ, cặp mắt như ngái ngủ và lơ đễnh dưới đôi mí nặng sùm sụp. 

Một tối mùa đông, khi hai đấu thủ đang say với ván cờ thì người ta nghe thấy tiếng chuông lắc mỗi lúc một rõ của một xe trượt tuyết đang lao hết tốc lực trên đường phố. Một nông dân, mũ lưỡi trai phủ trắng tuyết, vội vã bước vào mời cha xứ tới ban lễ xức dầu cuối cùng cho người mẹ già nua của mình đang hấp hối. Ông cha xứ liền đi theo người nông dân. Chưa kịp uống cạn cốc bia, viên đội châm lại tẩu và định xỏ chân và đôi ủng nặng nề để ra về. Bỗng ông bắt gặp cặp mắt của Xzentôvic nhìn chăm chăm bàn cờ vừa mới được bắt đầu. 
– Thế nào, cháu có muốn chơi nốt ván cờ này không? – Viên đội nói đùa, vì ông tin chắc cậu bé ngù ngờ không thể đi một con Binh cho ra hồn trên bàn cờ. 
Chú bé rụt rè ngẩng đầu lên, rồi gật đầu nhận lời và đến ngồi vào chỗ cha xứ. Sau khi đi mười bốn nước, viên đội bị hạ và buộc phải thú nhận rằng mình thua không phải do chểnh mảng. Ván thứ hai cũng diễn ra như vậy. 
– Đúng là chú lừa của Balaam! – Khi quay về vị linh mục sửng sốt kêu lên. Rồi ông giảng giải cho viên đội, vì ông ta không hiểu rõ Kinh Thánh bằng ông, rằng trước đây hai nghìn năm cũng đã từng có một chuyện kỳ lạ tương tự, một người câm bỗng nói ra những lời vô cùng khôn ngoan. 

Tuy đã khuya, ông bố nuôi không kìm được cứ muốn đòi đọ sức với cậu bé được mình nuôi dưỡng. Chú có cách đánh chậm rãi, bền bỉ, điềm tĩnh và chiếc trán rộng của chú luôn cúi trên bàn cờ. Chiến thuật của chú vững vàng không chê vào đâu được; những ngày tiếp sau đó, cả viên đội lẫn cha xứ đều không thắng được chú ván nào. Là người hiểu rõ hơn ai hết mức độ tiếp thu chậm của chú học trò của mình trong những lĩnh vực khác, cha xứ tò mò muốn biết rõ khả năng năng khiếu đặc biệt này đến đâu. Ông dẫn Xzentôvic tới bác thợ cắt tóc trong làng để tỉa bớt mái tóc bù xù màu vàng rơm của chú trông cho dễ coi rồi dùng xe trượt tuyết đưa chú ra thành phố nhỏ bé nằm cạnh làng. Ở đấy ông quen mấy người rất mê đánh cờ, đánh khá hơn ông, và lúc nào cũng thấy ngồi trong một góc quán cà phê tại Quảng trường lớn. 

Khi cha xứ bước vào quán, đẩy ở trước mặt mình chú bé mười lăm tuổi, tóc vàng nhạt, má đỏ ửng, vai quàng tấm da cừu lộn thì mấy vị khách quen thuộc của quán đều mở tròn mắt ngạc nhiên. Chú bé đứng như trời trồng, mắt e lệ nhìn sàn mãi tới khi có người ngồi ở một bàn lên tiếng gọi chú. Ván đầu chú bị thua vì chưa bao giờ thấy vị đỡ đầu tuyệt diệu của mình lẫn ông đội khai cuộc theo kiểu Xixin. Ván thứ hai chú chơi hòa với người đánh cờ giỏi nhất hội và các ván sau đó chú liên tiếp hạ tất. 

Một sự kiện hồi hộp đã diễn ra tại một thành phố nhỏ ở Nam Tư và các vị thân hào đã chứng kiến những bước đầu của nhà vô địch một làng quê như vậy đấy. Mọi ngưới nhất trí lưu chú bé thần đồng lại đến sáng mai để có thể thông báo về sự hiện diện của chú với các hội viên khác của hội và nhất là với bá tước Ximxzic – một người đánh cờ say mê cuồng nhiệt. Cha xức đưa mắt nhìn cậu học trò của mình với niềm tự hào mới, nhưng ông không thể chểnh mảng nghĩa vụ đối với Chúa. Ông tuyên bố sẵn sàng cho phép Xzentôvic ở lại với mấy vị để chú có thể chứng minh rõ hơn nữa tài năng của mình. Xzentôvic được bố trí ở lại khách sạn, phí tổn do các nhà đánh cờ đài thọ, tối hôm ấy lần đầu tiên trong đời, chú được thấy một nhà vệ sinh có hệ thống giội nước… 

Chiều chủ nhật, trong một căn phòng chật cứng người, chú bé ngồi im không nhúc nhích bốn giờ liền trước bàn cờ và đã hạ tất cả mọi đấu thủ; chú đã không mở miệng nói một lời nào cũng như không hề ngước mắt nhìn lên một lần nào. Có người đề nghị chú đánh nhiều ván cùng một lúc. Phải chật vật lắm mới giải thích để chú hiểu rõ là trong ván cờ như vậy một mình chú phải đấu với nhiều đấu thủ. Khi vỡ lẽ, chú liền thực hiện ngay, chú chậm rãi đi từ bàn này sang bàn kia làm đôi giày to tướng của chú cứ kêu răng rắc, kết cục chú thắng bảy trên tám đấu thủ. 

Lúc đó liền nổ ra một cuộc thảo luận dài. Thực ra cứ chẻ hoe mà nói, nhà vô địch mới không phải người gốc gác trong tỉnh, nhưng đầu óc cục bộ đã được thức tỉnh. Biết đâu cái địa phương nhỏ bé tìm mãi mới thấy trên bản đồ này lại sẽ chẳng rạng rỡ vì đã sản sinh một nhân vật nổi tiếng. Kenlơ, một ông bầu sân khấu chuyên cung cấp các bài ca và nữ ca sĩ cho quán rượu ở đồn trú, nhận đưa chú bé kỳ dị đi Viên, như ông ta nói, tới chỗ một bậc thầy lỗi lạc để xin thụ giáo học lấy nghệ thuật của ông thầy. Có điều phải có người chịu đài thọ mọi phí tổn trong một năm chú sẽ lưu lại ở thủ đô. Suốt sáu chục năm ròng, ngày nào bá tước Ximxzic cũng đánh cờ, nhưng chưa từng gặp một đối thủ kỳ lạ như chú bé này nên liền ký ngay một tấm ngân phiếu. Bước đường công danh khác thường của chú bé con một bác chèo thuyền đã bắt đầu như vậy đấy. 

Trong sáu tháng, Xzentôvic đã học được một (mọi?) bí quyết đánh cờ; thật ra kiến thức của chú rất hạn chế. Tại các câu lạc bộ mà sau này chú hay lui tới, người ta đã nhận rõ điều đó và thường cười chế giễu. Chẳng là Xzentôvic không bao giờ có thể đánh một mình ván cờ trừu tượng hay như người ta thường nói, chơi không cần bàn cờ. Chú hoàn toàn không có khả năng hình dung một bàn cờ ở trong đầu mình. Nhất thiết chú phải thấy rõ ở trước mắt mình, sờ được sáu mươi tư ô đen, trắng và tóm được ba mươi hai quân cờ. Ngay như sau khi đã nổi tiếng khắp thế giới, chú luôn có trong túi một bài cờ nhỏ để tận mắt nhìn rõ vị trí của các quân cờ một khi chú muốn giải quyết một vấn đề hoặc dựng lại ván cờ của một bậc thầy. 

Thiếu sót này – tự bản thân nó chẳng có gì là ghê gớm lắm – cho thấy khá rõ Xzentôvic không giàu đầu óc tưởng tượng và những người sống xung quanh chú liền túm lấy chi tiết đó mà bình luận sôi nổi như trong giới nhạc sĩ đã từng bình luận về một nhạc sĩ điêu luyện hay một nhạc trưởng nổi tiếng không thể chơi nhạc hoặc điều khiển một dàn nhạc nếu không có bản dàn bè mở rộng trước mặt. 

Nhưng đặc điểm này hoàn toàn không làm chậm những bước tiến đến sửng sốt của Xzentôvic. Mười bảy tuổi, anh đoạt trên chục giải; mười tám tuổi anh đã là nhà vô địch ở Hunggari; còn hai mươi tuổi – vô địch thế giới. Những người đánh cờ mạnh dạn nhất nghĩa là về mặt trí tuệ, đầu óc tưởng tượng táo bạo họ vượt rất xa anh, song không thể chịu đựng được cái logic khe khắt và lạnh lùng của anh. Trước mặt anh họ như Anniban trước Phabiux Amtatơ mà Titơ Livơ kể lại rằng lúc bé đã có những dấu hiệu đến lạ lùng. 

Cho tới lúc đó, bộ sưu tập lừng danh tên tuổi các bậc thầy đánh cờ, gồm đủ loại những nhân vật thông minh, những nhà hiền triết, nhà toán học, những bộ óc giàu trí tưởng tượng và thường là đầy sáng tạo, từ nay được bổ sung thêm một người xa lạ với giới trí tuệ, đó là anh chàng nông dân vụng về và ít nói mà các nhà báo tài ba nhất cũng chẳng bao giờ khai thác được một lời nào để viết bài. 

Thực ra thì người ta đã được đền bù khá hậu hĩ bằng cách kể ra khá nhiều giai thoại về Xzentôvic. Vì, ngồi trước bàn cờ, anh là một người hết sức tài giỏi, nhưng vừa rời khỏi bàn cờ anh là một nhân vật khôi hài và gần như lố bịch, tuy mình mặc bộ lễ phục đen, và đeo caravát có cài một hạt trai đẹp lộng lẫy. Tuy bàn tay anh được chăm chút và móng tay siêng đánh bóng, anh vẫn có những cử chỉ và thái độ của một chàng nông dân thiển cận trước đây đã từng quét dọn buồng ông cha xứ của mình. 

Với tính vụng về và trâng tráo đến trơ trẽn làm các bạn đồng sự của mình khi vui lúc bực, anh chỉ nghĩ cách khai thác tài năng và tên tuổi của mình để kiếm được thật nhiều tiền. Lòng hám tiền của anh không lùi bước trước bất kỳ một hành động ty tiện nào. Anh đi đây đi đó nhiều, nhưng chỉ ở độc mỗi khách sạn hạng ba, thậm chí nhận đánh cờ trong những câu lạc bộ rất ít người biết tên, miễn sao được nhận tiền thù lao. Người ta thấy hình anh trên một tấm áp phích quảng cáo cho một loại xà phòng và anh chẳng bận tâm tới những kẻ hay chế giễu khi biết anh không viết đúng nổi một câu, anh đã bán chữ ký của mình cho một người xuất bản in một thứ “triết lý chơi cờ”. Thật ra, tác phẩm đã do một sinh viên người Galaxi viết cho người xuất bản – một kẻ xoay xở rất giỏi. 

Như tất cả những kẻ ngang bướng, Xzentôvic không biết thế nào là lố bịch. Từ ngày anh đoạt giải vô địch thế giới, anh tưởng rằng mình là nhân vật quan trọng nhất loài người. Anh ý thức là mình đã thắng những người thông minh, là những người hay chuyện tài ba và viết rất giỏi, nhất là anh cho rằng mình kiếm được nhiều tiền hơn họ, do đó anh không còn giữ được tính rụt rè bẩm sinh và trở nên tự phụ một cách lạnh lùng mà anh đã để lộ ra một cách thô bạo. 
– Nhưng một thành công nhanh chóng đến thế sao lại chẳng làm một đầu óc rỗng tuếch như vậy ngây ngất? – Anh bạn tôi kết luận, sau khi đã kể lại tôi nghe một số nét đặc trưng trong sự hợm hĩnh mang tính chất trẻ con của Xzentôvic. – Làm sao một nông dân hai mươi mốt tuổi ở Banat lại chẳng say nồng hơi men kiêu căng khi thấy mình chỉ cần đẩy những con cờ trên tấm ván kẻ ô có thể kiếm tiền trong một tuần nhiều hơn số tiền dân cả thôn kiếm được trong suốt một năm bằng cách đốn củi và những công việc sụn xương sống khác? Và thật cực kỳ dễ lầm tưởng mình là một vĩ nhân khi bản thân chẳng hề nghĩ rằng trên đời này đã từng có một Rembranđ, một Betôven, một Đantơ? Đằng sau chiếc trán hằn vết suy nghĩ, anh chàng này chỉ biết mỗi điều là từ nhiều tháng nay anh chưa thua ván nào và anh chẳng hề ngờ rằng trên đời này còn có giá trị khác ngoài cờ và tiền bạc, anh có đầy đủ lý do để vui thú về bản thân mình. 
***
Các lời dèm pha của anh bạn tôi đã kích thích trí tò mò của tôi. Những người say mê một ý tưởng duy nhất thường làm tôi phải suy nghĩ, vì một trí lực càng có giới hạn thì nó càng vượt lên tới cái vô tận. Mấy người đó, nhìn bề ngoài có vẻ sống cô đơn, đang như những con mối xây dựng với tính cách hết sức đáng chú ý các thế giới thu nhỏ lại bằng những nguyên liệu đặc thù của mình. Do đó tôi tuyên bố ý định của bản thân là sẽ tiếp cận quan sát cái mẫu phát triển trí tuệ đơn phương đặc biệt ấy và sử dụng tốt mười hai ngày đường đến Rio vào việc đó. 
– Anh ít có khả năng đạt được mục đích đấy – bạn tôi báo trước, – theo chỗ tôi biết, chưa ai khai thác được ở Xzentôvic một thông tin mang tính chất tâm lý nào. Anh chàng này khá khôn ngoan lấp liếm sự ngu đần vô cùng tận của mình để thanh danh chẳng bao giờ bị tổn hại cả. Anh chỉ trò chuyện với những người đồng hương gặp ở các quán nhỏ nơi anh thường lui tới, ngoài ra anh tránh tất cả những cuộc đàm thoại. Vừa đánh hơi thấy một người có văn hóa, anh liền chui tọt ngay vào vỏ; do đó không ai dám huênh hoang khoe rằng mình đã nghe thấy Xzentôvic nói một điều gì ngu ngốc hoặc đã thăm dò được mức độ dốt nát của anh ta đến đâu. 
Cuộc thí nghiệm sẽ chứng thực những lời này. Những ngày đầu của cuộc hành trình, tôi phải công nhận là không thể tiếp cận được Xzentôvic, ngoại trừ phải giở trò lộ liễu thô bạo không hợp khẩu vị cũng như thói quen của tôi. 
Anh ta thường hay đi dạo trên cầu tàu, nhưng lúc nào cũng có vẻ mải mê suy nghĩ và không tiếp xúc với ai, hai tay chắp sau lưng đúng với tư thế của Napoleon được thể hiện trong một bức tranh nổi tiếng; hơn nữa anh đột ngột và vội vã rời khỏi cầu tàu nên nếu muốn bắt chuyện thì cứ phải ba chân bốn cẳng chạy theo. Người ta không thấy anh tới quầy rượu, cả phòng hút thuốc lẫn phòng khách. Chiêu đãi viên thổ lộ với tôi rằng anh thường ở lì trong phòng mình để luyện trước một bàn cờ rộng. 
Ba ngày sau, tôi buộc phải thú nhận rằng chiến thuật tự vệ của anh mạnh hơn ý chí tấn công của tôi; tôi rất bực. Tôi chưa bao giờ có dịp tự mình làm quen với một nhà vô địch cờ và không thể hình dung ra một người vô địch cờ phải là người như thế nào. Làm sao tôi có thể hình dung nổi một bộ óc suốt đời chuyên chú vào một diện tích gồm sáu mươi tư ô đen trắng? Qua kinh nghiệm bản thân, tôi đã biết rõ sức hấp dẫn huyền bí của cái “trò chơi đế vương” này, một trò chơi duy nhất trong tất cả các trò đã thoát khỏi nanh vuốt độc tài của sự may rủi, một trò chơi duy nhất mà người ta có thể dành thắng lợi nhờ tài trí thông minh của bản thân, hay nói cho đúng hơn nhờ một số dạng thông minh nào đấy. 
Nhưng nếu gọi nó là một trò chơi thì phải chăng đây là một hạn chế mang tính chất thóa mạ? Phải chăng nó cũng là khoa học, một bộ môn nghệ thuật, hoặc một bộ môn gì đó lơ lửng giữa khoa học và nghệ thuật như linh cữu của Mahômêt treo lơ lửng giữa đất trời? Nguồn gốc của môn cờ bị chìm mất trong đêm tối của thế gian, thế nhưng nó luôn luôn mới lạ; nước đi máy móc, nhưng đánh có kết quả là nhờ trí tưởng tượng của người chơi; nó được hạn định một cách nghiêm ngặt trong một không gian hình học cố định, tuy vậy các nước đi thì thiên hình vạn hóa. Nó phát triển không ngừng, song vẫn cằn cỗi. Đây là một suy nghĩ không đem lại kết quả, một môn toán không chứng minh một điều gì, một nghệ thuật chẳng để lại tác phẩm, một kết cấu không chất liệu; tuy vậy, với cách thức của nó, cái trò chơi này sẽ chứng tỏ được rằng nó tồn tại lâu hơn sách hoặc bất kỳ đài tưởng niệm nào, nó là trò chơi độc nhất vô song của mọi dân tộc và mọi thời đại và chẳng ai rõ thánh thần nào đã ban phú cho trái đất để triệt hạ buồn phiền, mài giũa trí tuệ và khích lệ tinh thần. Nó bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu? Một em bé cũng có thể học hỏi các quy tắc, một người thiếu kiến thức cũng có thể đánh thử và nếu có năng khiếu đặc biệt về môn này thì có thể là người độc nhất vươn tới trình độ bậc thầy. Tính kiên nhẫn và kỹ thuật gặp nhau tại bàn cờ và muốn có được những tìm tòi mới lạ như trong toán học, trong thơ ca, trong âm nhạc thì phải có cách nhìn nhận tin anh. 
Trước đây, lòng ham mê khoa học hẳn đã đẩy một vị Gal nào đó đến chỗ làm phẫu thuật phân tích não một nhà vô địch cờ loại này để xem xem chất xám của anh ta có nếp cuộn đặc thù, có một cơ hoặc một bướu đặc trưng khác biệt với những người khác không. Trường hợp năng khiếu đặc trưng của môn cờ kết hợp với sự lười biếng hoàn toàn về trí tuệ ở một con người rất đáng được quan tâm biết bao, như một mạch vàng trong đá thô vậy! 
Tất nhiên, về nguyên tắc, tôi biết rằng một trò chơi đặc biệt như vậy, tinh anh như vậy có thể tạo ra được những con người cự phách, nhưng làm sao có thể hiểu nổi là cuộc đời của một bậc đại tinh anh lại hoàn toàn thu lại trong đường đua chật hẹp này, chỉ chuyên chú đẩy lên hay kéo về ba mươi hai quân cờ trên các ô đen và trắng, gắn tất cả niềm quang vinh của cuộc đời mình vào việc đẩy lên kéo về ấy. Làm sao có thể tưởng tượng được một người đã coi cái việc khai cuộc bằng một quân Mã hơn bất kỳ một con Binh nào là một chiến công và ghi phần đóng góp nhỏ bé thảm hại bất tử của mình vào một cuốn sách dành cho môn cờ! Cuối cùng, làm sao có thể hình dung một con người thông minh đã tập trung trong suốt mười, hai mươi, ba mươi, bốn chục năm toàn bộ suy nghĩ của mình vào một cái đích kỳ cục là dồn một quân Tướng bằng gỗ vào góc một tấm gỗ mà không bị điên đầu! 
Và lúc này, lần đầu tiên tôi được ở gần một con người kỳ dị, một thiên tài đặc biệt, hay có thể nói, một người điên bí ẩn như vậy, ở ngay trên cùng một con tàu, cách buồng tôi sáu buồng, thế là một người như tôi – một người lúc nào cũng cực kỳ tò mò đối với những vấn đề tài trí – lại đành phải bó tay không tiếp cận anh ta được. Tôi liền nghĩ mọi mưu kế hết sức phi lý: tôi cứ xưng bừa mình là một người của tờ báo lớn, yêu cầu phỏng vấn anh ta? Hoặc tôi đề nghị anh ta dự một trận đấu hái ra tiền ở Êcốt? Cuối cùng, tôi nhớ ra rằng đến mùa sinh đẻ, những người đi săn đã bắt chước tiếng gọi của các con thú để nhử chúng; chắc chắn là nếu bày ra cách đánh cờ thì sẽ thu hút sự chú ý của một người đánh cờ. 
Thực tình mà nói, tôi không phải là một nghệ sỹ nghiêm túc trong lĩnh vực này, vì thích thì tôi đánh cờ thế thôi, tôi ngồi vào bàn cờ chẳng qua là để đầu óc bớt căng thẳng. Đúng ra tôi chơi cờ là để giải trí. Hơn nữa khi đánh cờ cũng như khi yêu, phải có đối tượng, tôi không rõ ngoài tôi và vợ tôi ra, trên tàu còn có ai ham thích môn cờ nữa không. Để thu hút những người ham cờ, nếu có ở trên tàu, hai vợ chồng tôi ngồi chơi cờ trong phòng hút thuốc lá. Hai chúng tôi mới đi được sáu nước thì một người đi dạo chơi và rồi một người nữa dừng chân xin phép được đứng xem. 
Sau đó một người yêu cầu tôi đánh với ông ta một ván. Đấy là kỹ sư người Êcốt, ông MacCônno, nghe đâu ông ta đã vớ được gia tài kếch xù trong việc đào giếng dầu ở Caliphornia. Ông ta béo lùn, mặt chữ điền, răng chắc, da dẻ hồng hào phần nào cũng là do uống nhiều rượu uýtxki. Đôi vai ông rộng quá khổ của ông ta cũng được thể hiện rõ ngay cả trong ván cờ, vì ông MacCônno là một loại người thành đạt và đầy tự mãn, coi bản thân mình bị sỉ nhục nếu phải thua, dù là một ván cờ vô hại. Quen áp đặt một cách thô bạo và được nuông chiều trước những thắng lợi trong thực tế, self made man[1] thô kệch này đã thấm nhuần ưu thế của mình, nên đã coi mọi sự chống đối là lộn xộn và gần như là một sự lăng nhục. thua ván đầu, ông ta nhăn nhó rất khó chịu, liến thoắng giải thích với giọng trịch thượng, mình sở dĩ thua vì đã có giây phút lơ đễnh. Thua ván thứ ba, ông ta đổ tại tiếng ồn ở phòng bên cạnh; hễ thua là ông ta đòi gỡ bằng được. Thoạt đầu, tôi thấy vui vui trước thái độ kịch liệt cố chấp ấy, sau tôi chỉ còn coi đây là tiểu tiết không ảnh hưởng gì tới dự định của tôi. 
Sang ngày thứ ba, mưu của tôi đã thành công, nhưng mới được mỗi nửa. Không biết khi đi dạo trên cầu tàu, Xzentôvic đã nhìn thấy chúng tôi qua cửa sổ hoặc do tình cờ, ngày hôm đó anh muốn góp mặt, để tăng thêm phần vinh dự cho thêm phòng hút thuốc? Dù sao chúng tôi cũng thấy anh ngập ngừng bước về phía chúng tôi và từ xa đưa cặp mắt sành sỏi nhìn bàn cờ chúng tôi đang tập tọe thực hành cái nghệ thuật của anh. Đúng lúc đó MacCônno đi con Binh. Than ôi, chỉ cần một nước đi ấy cũng chứng tỏ với vị bậc thầy là chúng tôi chẳng xứng đáng một chút nào với mối quan tâm của ông vua cờ. Khi lánh ra xa bàn của chúng tôi và rời khỏi bàn hút thuốc, Xzentôvic có thái độ hệt như một người đã gạt một cuốn tiểu thuyết trinh thám tồi ra khỏi giá bày của hiệu sách mà không buồn giở ra coi nữa. “Đã cân nhưng thấy quá nhẹ”, tôi nhủ thầm, bụng hơi phật ý trước cái vẻ khinh khỉnh ấy. Và đang lúc bực bội, tôi nói với MacCônno: 
– Xem ra bước đi của ông không làm bậc thầy thú lắm. 
– Bậc thầy nào? 
Tôi giải thích với MacCônno rằng anh chàng vừa ở đây và nhìn chúng tôi đánh cờ với vẻ không tán thành, là Xzentôvic vô địch cờ thế giới. 
– Thôi – tôi nói tiếp – chúng ta đành chịu nhục vậy và nhắm mắt làm ngơ trước thái độ khinh miệt của anh ta. Phận nghèo đành húp cháo loãng. 
Nhưng những lời tôi vừa nói với giọng dửng dưng đã có tác động rất ghê với MacCônno. Ông ta đã bị kích động mạnh và quên béng ván cờ vừa bắt đầu chơi. Tính kiêu căng bừng bừng bốc lên mặt ông. Ông tuyên bố mình hoàn toàn không hề hay biết Xzentôvic cùng đi trên tàu và thế nào cũng phải đánh cờ với ông ta; ông còn bảo rằng mình chưa bao giờ được đánh cờ với một nhà vô địch như vậy, trừ một bận, ông ta đã đánh một ván cờ lý thú: một người đánh bốn mươi ván với bốn mươi người cùng một lúc và ông ta đã nằm trong số những người suýt thắng. MacCônno hỏi tôi có quen nhân vật lỗi lạc đó không. Thấy tôi đáp là không quen, ông gợi ý tôi nên lân la làm quen và yêu cầu anh ta đến đánh cờ với chúng tôi.Tôi từ chối, viện cớ là, theo như tôi được biết, Xzentôvic chẳng phải là người thích có những mối quan hệ mới. Vả lại, đánh một ván cờ giữa nhà vô địch thế giới với những người chơi cờ nhàng nhàng loại ba như chúng tôi thì còn đâu là thích thú? 

Thành thực mà nói, lẽ ra tôi chẳng nên sử dụng mấy từ ngữ “những người chơi cờ nhàng nhàng loại ba” trước một con người kiêu căng như MacCônno. Ông ta ngồi ngả người ra sau, sẵng giọng mà nói, về phần mình, ông ta không tin Xzentôvic có thể khước từ lời mời lịch sự của một con người tao nhã, do đó cứ để ông ta lo liệu chuyện này. Và thể theo lời yêu cầu của ông, tôi vắn tắt mô tả hình dáng nhà vô địch, nghe xong, ông ta liền hăng hái bổ lên cầu thang tìm Xzentôvic. Một lần nữa tôi lại nhận thấy rằng không ai có thể kìm được chủ nhân đôi vai đáng chú ý này một khi ông ta nảy ra dự kiến gì ở trong đầu và tôi chờ đợi, lòng hơi lo lo. Mười phút sau, MacCônno quay trở về. Ông ta xem ra không được bình tĩnh lắm. 
– Thế nào? – tôi hỏi 
– Ông đã nói đúng, – MacCônno đáp vẻ phật ý, – anh chàng ấy đến là khó chịu. Tôi đã phải nhún mình để tự giới thiệu. Anh ta không thèm chìa tay cho tôi bắt nữa. Lúc đó tôi đã phải cố giải thích với anh ta là, tất cả chúng ta, ở trên tàu này, sẽ vui sướng biết bao nếu được anh ta nhận lời một mình đánh nhiều ván cùng một lúc với chúng ta. Anh ta cứ trơ trơ như một cái cọc và rồi trả lời rằng thật đáng tiếc, vì anh ta đã hợp đồng là trong suốt chuyến đi của mình, sẽ không bao giờ đánh cờ nếu không được trả thù lao. Do đó, anh ta buộc phải yêu cầu trả ít nhất hai trăm năm mươi đô mỗi ván. 
Tôi bật cười: 
– Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đẩy các con Binh từ ô đen sang ô trắng lại là một công việc hái ra tiền như vậy. Tôi hy vọng ông đã lễ độ xin lỗi anh ta. 
Nhưng ông MacCônno vẫn nghiêm trang. 
– Ván cờ sẽ được chơi vào lúc ba giờ chiều mai tại phòng hút thuốc lá này. Tôi hy vọng rằng bọn mình sẽ không để bị đánh quỵ một cách dễ dàng. 
– Sao? Ông đã chấp nhận những điều kiện ấy? – Tôi sửng sốt kêu lên. 
– Tại sao lại không nhỉ? C’est son métier[2]. Nếu tôi bị đau răng và trên tàu có một nha sĩ, tôi sẽ chẳng yêu cầu nha sĩ nhổ răng không công cho tôi. Xzentôvic sử sự đúng đấy: những người thực sự có tài bao giờ cũng biết cách làm ăn. Về phần tôi, tôi nhận thấy giao kèo càng rạch ròi càng tốt. Tôi thích trả tiền sòng phẳng còn hơn là nhờ vả Xzentôvic và sau đó phải hàm ơn anh ta. Với lại, lúc ở câu lạc bộ của tôi, đã có tối tôi thua hơn hai trăm năm mươi đô la mà lại chẳng được hưởng cái thú là đánh cờ với một nhà vô địch thế giới. Đối với một người đánh cờ loại ba thì thua một anh chàng Xzentôvic đâu phải là điều đáng hổ thẹn. 

Rõ ràng là lòng tự ái của MacCônno đã bị tổn thương nặng vì mấy chữ “người đánh cờ loại ba” vô tội ấy. Nhưng ông ta quyết định một mình chịu mọi phí tổn chi cho cái trò vui phải trả giá đắt đó, nên tôi chẳng hề có lời phản đối ý định ấy; nó cho phép tôi có thể tiếp cận với con người lập dị đã kích thích trí tò mò của tôi. Chúng tôi vội đi thông báo sự kiện này với bốn hoặc năm người đánh cờ mới quen ở trên tàu và để đảm bảo được yên tĩnh trong khi chơi, ngày hôm sau chúng tôi dành tất cả những bàn cạnh bàn chúng tôi.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây