Nếu chỉ cho xe theo xa lộ Bắc ra hướng phi trường, quẹo phải nhiều lần để đến căn nhà nhỏ xinh xắn ẩn sau hàng giậu giây leo, có ánh đèn dịu dàng và những bữa cơm gia đình ấm cúng… thì tôi sẽ không bao giờ hiểu hết thế giới của Miêng. Thế giới đích thực chị diễn đạt trên mặt giấy ấy, tôi mới có cái may mắn khám phá khi đã ở cách Paris trên mười ngàn cây số. Ở đây, chỗ tôi làm việc, nào có phải cuối đất cùng trời, vẫn là kinh thành hoa lệ, với những toà nhà chọc trời giữa nhịp sống cơ giới dồn dập, vũ bão… Nhưng vì những dịp nói tiếng Việt hầu như trở thành trò độc thoại, họa hoằn qua cốc rượu với dăm người bạn cũ một chiều cuối năm mà tôi thấm thía với những bài viết của Miêng, nó đã đưa tôi trở lại một miền đời cũ, tưởng đã mất nhưng vẫn còn quanh quẩn đâu đây…
Miêng viết đã lâu và viết nhiều nữa kia, từ những ngày chị còn ở Sài gòn. Ra nước ngoài, chị vẫn tiếp tục cầm bút, đăng tải đó đây trên sách báo người Việt ở Âu Mỹ. Nhưng nếu chỉ có dịp đọc rời rạc như thế, ta khó nắm được cái toàn thể và đồng nhất của thế giới hành trang mà tác giả đã gắn bó với nó từ mấy thập niên. Qua văn chương, tôi thấy chị như hiện ra bằng xương bằng thịt, với tất cả cái tươi tắn, hóm hỉnh, duyên dáng… với cách trình bày tự nhiên, lối dùng chữ đơn sơ, bình dị… ” Người làm sao, chiêm bao làm vậy ” như Việt Nam ta vẫn nói. Tuy nhiên, đừng thấy chỉ có thế. Phải nhìn xa hơn qua những trang giấy hằn vết bể dâu thời thế mới thấy hết chiều sâu của tác phẩm. Nó ghi lại bao nỗi thăng trầm của những đời người trong đó có bạn, có tôi. Chúng mình vẫn là những kẻ sống sót của một thời máu lửa, và vẫn còn là nhân chứng của một thời hỗn mang, đến nay mỗi ngày vẫn còn như đi trên giây xiếc để giữ một thế quân bình cho tâm hồn.
Nói văn vẻ một chút thì không cần nước trà và bánh quả bàng, Miêng vẫn có thể đưa chúng ta về thăm lại căn nhà dĩ vãng. Ai mà chẳng mang đi từ ngày lên đường hình ảnh nào đó về miền đất quê hương, nhưng tất cả cần một chất xúc tác để bừng bừng sống dậy… Trong tâm tưởng tôi, ngoài những ánh chớp về miền Trung loáng lên từ Những Ngày Cửa Ðại của Nguyễn Tuân, qua cái chị Bốn Thôi hay ông Ba Thê trong Võ Phiến, những giọt Tháp Chàm rớt xuống Qui Nhơn và thơ Văn Cao, bát canh cá trầu nấu khế cho Chế Lan Viên lúc cuối đời… giờ sẽ có thêm Cụ Chắc, mợ cháu O Hậu, như những con người sống thực, lững thững bước ra từ trang sách của Miêng. Tôi nhìn thấy họ ở đâu nhỉ ? Trong một mảnh vườn xanh rất Huế, trong một căn nhà cổ mái nặng rêu của Phố Hội hay dọc đường quốc lộ bụi mù ?
Tôi có cảm tưởng nhân vật của Miêng, phần lớn như mang một vết thương chưa lành hay chưa biết bao giờ lên sẹo. Từ Ðiêu Thuyền, Nghịch Cảnh, qua Cái Giếng, Cu Bợm, Hy Sinh, Biển… xa hơn nữa là Lạc, Hiếu Thảo… những quãng đời Việt Nam như được vẽ ra, không hề gián đoạn, vì nó chỉ là lớp lang của một tấn kịch dài. Những ” âm thanh và cuồng nộ ” của một miền Nam trong văn chị, tôi không biết đã bắt được ở đâu (có phải là cái không khí ngột ngạt nghi kỵ, hận thù của miền Nam nước Mỹ trong Faulkner, Tennessee Williams, Steinbeck… hay của Âu Châu thời hậu chiến. Dù sự so sánh có thể không cân đối nhưng chắc chắn không khí đó đang gắn bó vào da vào thịt, vào mỗi tế bào và còn đang song hành với những người cùng thời đại với tác giả). Yêu, ghét, đam mê, phản bội, thoái hoá, biến chất… hay lẩn trốn vào trong cơn điên dại như lẩn trốn vào cõi tĩnh lặng của con mắt một trận bão. Ðiên dại, hôn mê, khắc khoải là bầu không khí bao trùm lên một nỗi đau thời thế. Ðiên dại như một phương pháp lành mạnh nhất để gạn đục, khơi trong. Nữ nghệ sĩ Diệu Lan-Ðiêu Thuyền, người mẹ mất con trên bờ biển trong Lạc… đều muốn thoát đi bằng cánh cửa cấp cứu này. Nếu không, họ chắc phải biến dạng dưới một hình thức xa rời nhân tính tượng trưng bằng tiếng tru quái đản giữa trưa của con Mực hay lưỡi dao loáng máu của con khỉ Chi Chi.
May thay, bối cảnh của truyện ngắn Miêng còn được tiếp nối trên miền đất chị đang sống nên văn chương của chị không chỉ là tiếc nuối và hoài niệm. Cảm động với Hiếu Thảo, Biển… ta cũng còn cười được với Miêng, tiếng cười giòn dã, hồn nhiên của Quan Phu, Ai Thương, Ỡm Ờ… trước khi bước vào thế giới lãng mạn để Hải Nữ rù quyến. Nếu nỗi buồn ở chị dịu nhẹ, day dứt, nụ cười ở chị là tha thứ, bao dung. Cuộc sống dù buồn hay vui vẫn tiếp diễn ở trên miền đất mới, và những bài viết về nó mở ra một chân trời rộng hơn, thanh thản hơn dù không phải chỉ một màu hồng.
Ðọc văn Miêng là khám phá phong cách đa dạng của ngòi bút tác giả. Từ không khí ngột ngạt, đặc quánh của Cu Bợm ta bước vào xốn xang, lo âu của Song Sinh, rồi thoát đến cái nhí nhảnh hồn nhiên trong Ỡm Ờ, chất thơ của Hải Nữ. Ta bở ngỡ tự hỏi tất cả chừng ấy là do cùng một người viết ? Miêng có cái khéo léo lôi cuốn ta đi gần đến cuối truyện để kết luận một cách đột ngột, phần lớn trái với dự tưởng của người đọc (Biển, Ai Thương, Quá Khứ…) Ðâu đây, ta như thấy chị đang nheo mắt cười vì đã đưa thêm một độc giả vào tròng.
Ðây là tập truyện đầu tiên của Miêng được in ra ở nước ngoài, tôi tiếc không được đọc nó sớm hơn. Hơn hẳn nhiều người, chị đã thu xếp thời giờ giữa những bận bịu gia đình, việc làm và đời sống xã hội để cho đứa con tinh thần này được ra đời. Chúng ta cám ơn Miêng về những gắn bó của chị với cuộc sống, với người chung quanh, về phong cách dịu dàng nhưng hóm hỉnh, dạn dĩ. Quí hơn hết là sự đồng cảm với bao đau thương, mất mát của một thời đã qua, nó sẽ làm phong phú ta một mai khi phải đối phó với muôn vạn cảnh ngộ mới. Có phải chăng, đó là ý nghĩa sâu xa của câu nói ” Không phải người viết, mà chính độc giả mới là kẻ hoàn thành tác phẩm ” ?
NGUYỄN NAM TRÂN
Tokyo, 21-01-1999
Nguồn: dtv-ebook.com