Từ bờ bên kia: dự báo của một chứng nhân
Alexander Ivanovich Herzen (1812 – 1870) trong thời kỳ Xô viết được tôn vinh như một nhà cách mạng tiền bối có nhiều ảnh hưởng ở thế kỷ 19. Lenin nhận xét việc Herzen lập ra cơ quan ngôn luận tự do ở nước ngoài là một “công lao vĩ đại”. Triết gia Anh Isaiah Berlin (1909 – 1997) khẳng định: “Alexander Herzen là nhà văn chính trị Nga hấp dẫn nhất trong thế kỷ 19”, là “một trong ba người thuyết giảng đạo đức thiên tài của nước Nga”. Sài Gòn Tiếp Thị xin lược trích bài viết giới thiệu tác phẩm Từ bờ bên kia của A. Herzen (*) của chính dịch giả Nguyễn Văn Trọng gửi đến.
Tác phẩm Từ bờ bên kia là tập hợp các bài báo chính luận mà ông viết tại Pháp vào thời kỳ 1848 – 1849 đầy những diễn biến sôi động của phong trào cách mạng tại Pháp và nhiều nước châu Âu khác. Ông tới Pháp với niềm tin nước Nga là một bộ phận của châu Âu sẽ đi theo con đường cách mạng mà châu Âu đang đi. Ông tin rằng thế giới phong kiến – tư sản châu Âu đang sụp đổ vì thế giới ấy đã già nua tàn tạ, một thế giới mới xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ thay thế, đó là chủ nghĩa xã hội của Louis Blanc, Saint Simon J. S. Mill…
Những suy tưởng của Herzen xoay quanh các biến cố lịch sử quan trọng ở châu Âu năm 1848 mà ông được chứng kiến ngay tại Paris: cách mạng nổ ra ở hàng loạt các nước châu Âu như Pháp, Ý, Đức nhưng sau đó đều bị thất bại. Những biến cố ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến Herzen cũng như toàn bộ phong trào cách mạng ở Nga, dẫn đến một khuynh hướng tìm kiếm con đường riêng cho nước Nga. “Hãy để châu Âu biết nhiều hơn về một dân tộc mà châu Âu đã đánh giá được sức mạnh niên thiếu của nó trong chiến trận, khi nó là người chiến thắng; chúng ta sẽ kể cho châu Âu về dân tộc hùng mạnh và khó đoán định này, một dân tộc đã mạnh mẽ lớn lên kỳ diệu mà không đánh mất đi khởi nguyên công xã và là dân tộc đầu tiên giữ được nó trải qua những cuộc chính biến sơ kỳ của cuộc phát triển nhà nước…” Họ cho rằng các đảng phái theo chủ nghĩa tự do ở phương Tây đã không hiểu và không quan tâm đến những lợi ích cơ bản của dân chúng bị áp bức. Tuy nhiên, nhận thức của Herzen rất khác biệt với những nhà cách mạng trẻ Nga theo chủ nghĩa hư vô sau này.
Herzen nhìn thấy mô thức xã hội phương Tây hiện hữu ở thế kỷ 19 đã bước vào thời kỳ suy tàn vì những mâu thuẫn nội tại của nó. Nhưng ông đánh giá cao những thành tựu của văn minh phương Tây trong quá khứ, mặc dù nó đã đạt được trên cơ sở bất công xã hội. Ông tin rằng những định chế bất công của xã hội sẽ bị xoá bỏ, nhưng ông tiếc thương cho nền văn minh xưa cũ vì ông biết rằng đám quần chúng sẽ không tiếc thương nó; bởi nền văn minh chẳng đem lại gì cho họ ngoài nước mắt, sự thiếu thốn và sự hạ nhục. Những nhà cách mạng Nga dân tuý theo chủ nghĩa hư vô sau này sẽ không còn tiếc thương nền văn minh xưa cũ bởi vì nó đã không phục vụ cho quần chúng nhân dân; xét từ quan điểm chủ nghĩa công lợi bị thổi phồng thì nền văn minh đỉnh cao ấy chẳng có giá trị gì.
Herzen cho rằng một trong những tai hoạ sâu sắc nhất thời hiện đại là bị kẹt vào những khái niệm trừu tượng thay cho những hiện thực. Đối với Herzen, một trong những tội ác lớn nhất mà con người có thể phạm phải, ấy là trút gánh nặng trách nhiệm đạo đức từ vai của chính mình sang vai của một trật tự tương lai không đoán trước được, và nhân danh một thứ gì đó có khi chẳng bao giờ xảy ra cả.
Mục tiêu không thay đổi của Herzen là gìn giữ tự do cá nhân. Điều làm cho ông trở thành độc đáo của thế kỷ 19, ấy là sự phức tạp trong cách nhìn của ông. Ông đã hiểu quá rõ nỗi thống khổ, sự áp bức, sự nghẹt thở, sự vô nhân đạo kinh khủng, những tiếng gào thét cay đắng đòi công lý ở nơi những phần tử dân chúng bị nghiền nát dưới chế độ cũ, và đồng thời ông cũng đã biết rằng cái thế giới mới đã đứng lên trả thù cho những sai trái ấy, nếu để cho nó được tuỳ ý, sẽ tạo nên những việc làm quá quắt của chính mình và lôi cuốn hàng triệu người vào việc tiêu diệt lẫn nhau. I. Berlin đã bình luận như sau: “Tính chất hai chiều thật lạ kỳ, sự đan xen của sự bênh vực đầy phẫn nộ cho cách mạng và dân chủ chống lại sự lên án đầy tự mãn của những người thuyết giảng tự do và những người bảo thủ, cùng với những đả kích không kém phần say mê chống lại những nhà cách mạng, nhân danh tự do cá nhân; sự bảo vệ cho những yêu sách của cuộc sống và nghệ thuật, cho sự tề chỉnh của con người, cho sự bình đẳng và nhân phẩm, với sự ủng hộ cho một xã hội mà ở đó con người sẽ không bóc lột và giẫm đạp lên nhau, ngay cả nhân danh công bằng hay tiến bộ hay văn minh hay dân chủ hay các khái niệm trừu tượng nào khác đi nữa – cuộc chiến trên hai mặt trận, đôi khi còn nhiều mặt trận hơn nữa, dù là ở đâu, dù ai là kẻ thù của tự do đi nữa, rút cuộc có thể đã biến Herzen thành một chứng nhân hiện thực nhất, cảm thông sâu xa nhất và thuyết phục nhất đối với cuộc sống xã hội và những vấn đề xã hội ở thời đại của ông”.
NGUYỄN VĂN TRỌNG
(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị)
Nguồn: dtv-ebook.com