Truyện Lịch Sử Cho Thiếu Nhi gồm có:
Bên Bờ Thiên Mạc
Trên Sông Truyền Hịch
Trăng Nước Chương Dương
Ở “Trên sông truyền hịch”, nhà văn khắc họa hình ảnh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy quân dân Đại Việt kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Ở “Bên bờ Thiên Mạc” với nhân vật chính là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, người anh hùng đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai khi ông mới 26 tuổi. Đây chính là bản “anh hùng ca” về quân dân Đại Việt triều Trần – những người sẵn sàng hy sinh tính mạng để giữ nền độc lập của đất nước.
Ở “Trăng nước Chương Dương” là khúc ca khải hoàn của quân dân Đại Việt, ngày quân dân nhà Trần đại thắng quân Nguyên Mông trở lại kinh đô Thăng Long với những địa danh nức tiếng như Thiên Mạc, Hàm Tử, Chương Dương. Cuốn tiểu thuyết là những kinh nghiệm về những trận đánh vô cùng tài trí và dũng cảm trong lịch sử quân sự Việt Nam.
Cuốn “Người Thăng Long” được nhà văn Hà Ân viết năm 1980 với nhân vật trung tâm là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật – người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông (thường được dân gian gọi là ông hoàng Sáu). Qua nét bút của nhà văn Hà Ân, Trần Nhật Duật là một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí lự trong việc chỉ huy quân sự, chiến thắng giặc ngoại xâm, mà còn thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời.
Còn“Khúc khải hoàn dang dở” là cuốn sách nhà văn Hà Ân tốn nhiều thời gian, công sức để hoàn thành nhất: 20 năm lao động miệt mài bao gồm cả một lần đốt toàn bộ bản thảo đi để viết lại. Cuốn tiểu thuyết viết về Đỗ Vĩ, một “tình báo” tài giỏi của nhà Trần, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử. Với ngón đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt, Đỗ Vĩ đã thâm nhập vào nội bộ, gửi về cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn những tin tức vô cùng quan trọng. Cái chết bi tráng của ông đã góp phần đem lại khúc ca khải hoàn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.
Từ 5 tiểu thuyết độc lập mà nhà văn Hà Ân đã dày công nghiên cứu và thể hiện bằng ngòi bút tài hoa đã tạo thành bộ tiểu thuyết đồ sộ, hoành tráng về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, về con người, cuộc sống đời Trần, từ vĩ nhân lịch sử đến những người nông dân bình thường đã làm nên ba lần chiến thắng vang dội.
Ở lần trở lại này, bộ tiểu thuyết xuất hiện với một diện mạo mới, được NXB Kim Đồng chăm chút, đầu tư, in gộp thành 3 cuốn bìa cứng, với bìa và minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long – Nguyễn Thành Phong như một món quà đặc biệt mà NXB tri ân độc giả nhí trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập vào tháng 6 tới đây.
Vẫn thưa vắng người sáng tác
Nhà văn Hà Ân là tác giả chuyên viết về đề tài lịch sử, dã sử và ông được trao nhiều giải thưởng uy tín cho các tiểu thuyết lịch sử mà ông đã dành cả cuộc đời tận hiến. Từ một người yêu sử và nghiên cứu sử, ông đã trở thành người kể chuyện lịch sử uyên bác và hào hoa, là nhà văn thể hiện xuất sắc nhất về lịch sử nhà Trần và cuộc chiến chống Nguyên Mông oai hùng của dân tộc.
Tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân được đánh giá là sự kết hợp nhuần nhị giữa kiến thức lịch sử vững chãi, cảm xúc dồi dào, trí tưởng tượng phong phú của nhà văn. Chính vì thế, mặc dù viết về đề tài lịch sử nhưng các tiểu thuyết của ông được các thế hệ thiếu nhi yêu thích, tìm đọc và thường được các bậc phụ huynh tìm mua cho con em mình.
Cho đến nay, nhà văn Hà Ân cùng với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Sơn Tùng vẫn là những tên tuổi lớn ở mảng sáng tác văn học về đề tài lịch sử dành cho thiếu nhi. Chính vì thế, nhiều tác phẩm nổi tiếng đã trên nửa thế kỷ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng như “Kể chuyện Quang Trung”, “Lá cờ thêu 6 chữ vàng”, “An Dương Vương xây thành ốc”… hay 5 tiểu thuyết về triều Trần của nhà văn Hà Ân vẫn thường xuyên được tái bản để phục vụ một mảng nhu cầu đọc truyện lịch sử của trẻ em.
Trường hợp tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng viết về thời niên thiếu của Bác Hồ ra mắt lần đầu năm 1982 và đến nay tái bản đến lần thứ 30 đã cho thấy, văn học về đề tài lịch sử, nhu cầu về danh nhân lịch sử sẽ vẫn luôn có chỗ đứng cho những tác phẩm có chất lượng, có giá trị. Cách đây vài năm, sự đón nhận của độc giả đối với cuốn sách “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” là một minh chứng cho điều này, đồng thời khẳng định độc giả trẻ không hề thờ ơ với lịch sử.
Nhà văn Lưu Sơn Minh khi chia sẻ về các tiểu thuyết lịch sử của mình là “Trần Quốc Toản” và “Trần Khánh Dư” kể rằng, các bộ tiểu thuyết lịch sử về triều Trần đã đồng hành cùng với tuổi thơ của anh và đó cũng chính là lý do khi cầm bút, anh rất say mê giai đoạn lịch sử của nhà Trần với 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Nhân vật anh hùng trong lịch sử dân tộc là Trần Quốc Toản đã từng xuất hiện trong “Lá cờ thêu 6 chữ vàng” rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và cũng từng xuất hiện trong tiểu thuyết của nhà văn Hà Ân được nhiều thế hệ thiếu nhi ý thích đã một lần nữa hiện thân sinh động trong các trang viết của nhà văn Lưu Sơn Minh.
Nhưng phải nói rằng, những người sáng tác say mê đề tài lịch sử và lại dành tâm huyết để viết như Lưu Sơn Minh hiện nay trở nên quá hiếm hoi. Có lẽ trước hết là bởi, lịch sử là một đề tài khó, viết cho thiếu nhi lại càng khó hơn. Để phù hợp với lứa tuổi, thị hiếu thẩm mĩ, hiểu biết của các em là thử thách với bất kỳ nhà văn nào.
Những năm gần đây, có nhiều đơn vị xuất bản đã chú trọng tiếp cận với đề tài lịch sử dành cho đối tượng bạn đọc là thiếu nhi. Cách đây vài năm, NXB Trẻ đã cho ra đời bộ sách quý do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng chủ biên, có tên “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”. Theo đó, toàn bộ chiều dài lịch sử Việt được tóm lược bằng tranh vẽ, theo từng chủ đề riêng biệt, mỗi chủ đề tách riêng từng cuốn. Tiếp cận với bộ sách này, các em nhỏ sẽ có một kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc mình từ thời tiền sử đến các đời Vua Hùng, đến thời Lê, thời Nguyễn…
Vừa qua, NXB Kim Đồng cũng đã cho ra đời loạt truyện tranh 6 cuốn “Tranh truyện lịch sử Việt Nam” với 6 nhân vật lịch sử nổi tiếng là: Trần Quốc Toản, An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân do tác giả Nguyễn Huy Thắng thể hiện phần lời.
Chia sẻ lý do vì sao viết về những nhân vật này với các em nhỏ trường tiểu học Xuân Phương, tác giả Nguyễn Huy Thắng cho biết: “Trần Quốc Toản, An Tư, Huyền Trân đều thuộc đời Trần – một triều đại hiển hách trong lịch sử dân tộc. Hơn nữa, khi viết về các nhân vật này, tôi có dịp kế tiếp cha mình – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người rất ngưỡng mộ triều đại rực rỡ này. Còn 3 nhân vật lịch sử triều Nguyễn thì có nét tương đồng là cả 3 lên ngôi từ khi còn rất trẻ: Hàm Nghi năm 13 tuổi, Thành Thái 10 tuổi và Duy Tân khi mới 7 tuổi. Nhưng cả 3 đều thấm nhuần tinh thần yêu nước của tiền nhân và kiên quyết chống Pháp. Viết về phụ nữ và những người trẻ tuổi luôn là mối quan tâm của tôi và thật mừng là với 6 cuốn truyện tranh này, tôi đã được toại nguyện…”.
Nguồn: dtv-ebook.com