KÊU OAN VỀ VỤ DÂN BIẾN Ở TRUNG KÌ
Năm 1908, dân tỉnh Quảng Nam, nhân việc làm xâu gây biến, lan ra khắp các tỉnh Trung Kì. Khi việc đương xảy ra thì chết và bị thương không ít, sau việc đã yên rồi, bị tù bị chém cũng rất nhiều. Tuy xảy ra thình lình, nhưng biến cố nguyên nhân các quan Pháp và Nam lo tránh lỗi, nên đều trút tội cho thân sĩ, đem tội chống thuế mà buộc nặng, tội mưu làm giặc mà vu hãm, không cho biện bạch, kết án nặng bỏ tù mà không tra hỏi, hoặc bắt được thì chém ngay. Bắt bớ thảm thiết hơn bắt trộm cướp, ngược đãi tàn nhẫn như đối với cầm thú, tiếng oan đầy trời, việc yên đã bốn năm rồi, nhà cầm quyền đã hai lần thay đổi. Ai ai cũng lau mắt ngóng cổ trông được cứu xét cho mình.
Việc đã lâu ngày, ám muội nhiều lắm. Tôi cũng là một người liên lụy trong đó, sự chết chỉ còn cách tôi một sợi tóc, may được nhờ ơn lớn còn thấy được mặt trời. Từ khi qua Pháp thường được chiếu cố, tôi không xiết cảm kích. Nhưng một mình cái thân tôi không thẹn gì, mà ngó lại nhớ đến sĩ dân nước Nam cũng là con dân nước Đại Pháp, thì những sự đau khổ cũng phải đem ra tỏ bày để cầu được thương xót. Huống chi thân sĩ với tôi đồng bệnh cùng thương, không tội bị án, oan sâu như biển, hoặc bị trói mình ngoài hoang đảo, ngày ngày chịu roi vọt, đến nay sống chết chưa biết, hoặc vùi xương ở xứ khác, vợ con không thể lãnh chôn, có ai nhắc đến thì đau lòng nát ruột. Bởi vậy nên tôi ngày đêm than thở, tật bệnh dồn tới; nằm không yên, ăn không ngon, mỗi khi nhớ đến thì nước mắt tự nhiên chảy ra, bùi ngùi buồn bã vậy.
Nay tôi xin đem đầu đuôi sự biến lúc ấy, và sự xử tội thảm khốc, và sự ám muội trong khi kết án, vì quan lớn mà tỏ bày sơ lược từng khoản một.
Mời các bạn đón đọc Trung Kì Dân Biến Thỉ Mạt Kí Phan Châu Trinh của tác giả Nguyễn Q. Thắng.
Nguồn: dtv-ebook.com