Những điều diệu kỳ từ tư tưởng và triết lý sống Khổng Tử
Sống trong cục diện nhiễu nhương của xã hội cuối thời Xuân Thu, trước thực tế con người chỉ biết nhào nhào chạy theo “lợi kỷ” và những dục vọng vật chất thấp hèn, Khổng Tử đã nêu ra mỹ học về chữ “thiện”, về lòng nhân, theo ông chỉ có chữ “nhân” mới có thể cứu vãn xã hôi Xuân Thu, cứu vãn nhân loại. Bản thân Khổng Tử cũng từng nói rằng “Nhân ái có cách xa chúng ta lắm không? Chỉ cần chúng ta muốn đạt đến điều nhân ái, nhân ái sẽ đến bên cạnh chúng ta”.
Đạo nhân ái nói cho cùng chính là lòng yêu người, là yêu cầu mỗi người phải hòa chung nhịp đập của trái tim mình vào nhịp đập chung của trái tim nhân loại, thế nhưng cũng chính điểm này đã đem đến cho khái niệm một tầm bao quát cực kỳ rộng lớn. Nhìn lại lịch sử, tính từ khi học thuyết của Khổng Tử ra đời cho đến tận ngày nay, người Trung Quốc, thậm chí cả các học giả nước ngoài chưa bao giờ ngừng việc tìm hiểu về chữ nhân.
Tác giả Yu Dan đi từ việc đọc Khổng Tử, nghiền ngẫm Khổng Tử cho đến giảng về Khổng Tử (Luận ngữ tinh hoa), thế nhưng phải chờ cho đến khi có tuổi, sau khi đã chuyển hẳn sang nghiên cứu Trang Tử, bả mới ngộ ra rằng, có quá nhiều thứ, bao gồm cả điều quan trọng nhất trong hệ thống mỹ học của Khổng Tử, tức đạo nhân, vẫn chưa từng được đề cập.
Khổng Tử Tâm Đắc của Yu Dan gồm bảy chương, trong đó đạo nhân ái được xếp sau cùng, các nội dung được xếp giảng trước như hiếu kính, trí tuệ, học tập, thành tín, trị thế, trung thứ đều là những bước cần thiết, tạo cơ sở vững chắc để tác giả giảng về đạo nhân. Thậm chí, hoàn toàn, có thể nói, năm chương đầu của sách thực ra chỉ là những biểu hiện cụ thể của đạo nhân.
Nguồn: dtv-ebook.com