Năm tháng qua đi, nhưng ký ức chiến tranh, với những chiến thắng hào hùng và sự hy sinh vô bờ bến của dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai vẫn tươi rói, vẹn nguyên trong tâm khảm những người trong cuộc – vừa là nhân chứng lịch sử, vừa góp phần làm nên chiến thắng.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước suốt 21 năm ròng rã, kết thúc cuộc trường chinh 30 năm không nghỉ vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, nhiều tướng lĩnh, sĩ quan dày dạn trận mạc, rất tài năng của quân đội ta đã hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ và oanh liệt đã qua, viết một số cuốn hồi ký đáng chú ý. Đặc biệt phải kể đến Đại thắng mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Những năm tháng quyết định của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo… Những cuốn sách ấy đã từng được bạn đọc đón đợi, góp phần không nhỏ làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử hùng tráng nhất của dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, liên tục trong một thời gian dài được Đảng và Bác Hồ phân công phụ trách quân sự, được các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ trìu mến gọi là người Anh Cả của quân đội. Sau khi thôi giữ những trọng trách của đất nước, Đại tướng dành nhiều thời gian chuyên tâm nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và viết một số cuốn hồi ức.
Sự trăn trở về dân tộc vĩ đại, Đảng quang vinh, quân đội anh hùng, nhớ lại sự chỉ đạo rất nhạy bén, sáng suốt của Bộ thống soái tối cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn cuối cùng, đã thôi thúc ông viết cuốn hồi tưởng: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng. Cuốn sách được khởi thảo và chuẩn bị trong nhiều năm với sự cộng tác nhiệt tâm của một số cán bộ quân sự từng công tác tại Bộ Quốc phòng.
Với mười chương sách, ông dành chín chương viết về các sự kiện lịch sử lớn và chương cuối cùng trình bày những điều tâm huyết, đúc kết cuộc đời cầm quân quang vinh của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.
Ở đây ông hồi tưởng lại những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh – Bộ thống soái tối cao – từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất. Trí tuệ của một tập thể tài năng thuộc lớp cận vệ đầu tiên chói sáng ở thời điểm lịch sử quyết định dẫn dắt dân tộc ta đi đến đích vinh quang. Với bản tính điềm đạm và đôn hậu vốn có, ông viết về các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, sĩ quan từ Tổng hành dinh đến những nhà lãnh đạo các chiến trường – những người đồng chí, đồng đội – một cách thân thiết, chân thành, hết sức trân trọng.
Mọi quyết sách lớn là sản phẩm trí tuệ của một tập thể tài năng, đồng thời đó còn là tài năng của cá nhân các nhà lãnh đạo. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng…; các tướng lĩnh như Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Chu Huy Mân, Hoàng Minh Thảo, Vương Thừa Vũ, Trần Văn Trà… luôn được ông trân trọng nhắc đến.
Mặc dù viết về mùa Xuân toàn thắng – mùa Xuân 1975 lịch sử, nhưng đây là dịp ông muốn trở lại những sự kiện từ tháng 12/1972. Đó là vì muốn thương lượng và kết thúc chiến tranh trên thế mạnh, Mỹ đã tráo trở, dùng máy bay chiến lược B52 mở chiến dịch tập kích vào Hà Nội và Hải Phòng, như một canh bạc cuối cùng, hòng khuất phục dân tộc ta. Cảnh giác cao độ, được sự chỉ đạo nhạy bén, sáng suốt của Bộ thống soái tối cao, sự chiến đấu kiên cường với bản lĩnh, trí tuệ và khí phách Việt Nam, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược này, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân chiến đấu, kể cả quân của các nước phụ thuộc về nước. Mỹ đã cút, ngụy ắt phải nhào.
Sau Hiệp định Pari, hai khả năng để thống nhất đất nước có thể diễn ra. Khả năng thứ nhất, địch tôn trọng Hiệp định, thành lập được chính phủ ba thành phần ở miền Nam Việt Nam, chúng ta sẽ thống nhất Tổ quốc trong hòa bình; thứ hai, nếu địch gây chiến, xé bỏ Hiệp định thì ta phải dùng bạo lực cách mạng để quét sạch chúng, thu giang sơn về một mối. Thực tế chiến trường chỉ diễn ra khả năng thứ hai. Từ đây những ý đồ chiến lược của Bộ thống soái tối cao và ở chiến trường được đề xuất, trở thành những quyết sách chiến lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Sự ra đời của Nghị quyết 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương cùng các mệnh lệnh, chỉ thị từ Bộ thống soái tối cao đã chỉ đạo chiến trường xốc tới, nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đọc những trang hồi ức hấp dẫn của người trong cuộc, ta thấy rõ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quét sạch quân thù.
Tháng 4/2000, nhân kỷ niệm 25 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi ấy bước vào tuổi 90 nhưng còn rất minh mẫn, Đại tướng cho công bố lần đầu tiên cuốn hồi ức này và từ đó đến nay cuốn sách đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản nhiều lần, đáp ứng phần nào kỳ vọng của đông đảo bạn đọc, nhất là những người trong cuộc.
Qua mỗi lần xuất bản, cuốn sách được tác giả chỉnh sửa một số sự kiện cho chuẩn xác hơn. Đặc biệt ở lần xuất bản năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm ngày toàn thắng (30/4/1975 – 30/4/2005), tác giả bổ sung thêm Lời nói đầu gồm 2 trang.
Ngày 4/10/2013, trái tim lớn của vị tướng huyền thoại của dân tộc và thời đại đã ngừng đập. Cả đất nước và bạn bè quốc tế đau buồn tiễn đưa ông về đất mẹ, về với Bác Hồ, về với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống của ông. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng (25/8/1911 – 25/8/2021), đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ chín cuốn sách Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 4 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT