Khi người ta chỉ là một nữ công nhân, hôn phối phải chăng là lối thoát duy nhất khỏi cuộc sống khốn cùng? Bằng lối viết đầy khiêu khích không hề đứng về phía con người, nữ tác giả không đếm xỉa đến ma quỷ thánh thần đã trả lời câu hỏi đó với “sự mỉa mai hoan lạc” và nỗi bi quan tàn khốc vẫn thường thấy ở bà.
Tình ơi là tình (Die Liebhaberinnen), với tác phẩm này Jelinek lần đầu tiên khẳng định chỗ đứng trên văn đàn và trong mắt người hâm mộ. Đó là một cuốn sách mang “đặc trưng Jelinek nhất”. Thành công ấy có thể chỉ kém cuốn tiểu thuyết đầy hơi hướng tự thuật Cô giáo dương cầm (tạm gọi theo chuyển thể phim của Die Klavierspielerin) mà trong đó, lại một lần nữa, phụ nữ đóng vai trò chính. Nhưng sự so sánh đó quá khập khiễng, có giống nhau thì chỉ ở cái khía cạnh Jelinek tài tình hơn các đồng nghiệp của bà khi đào bới các ngõ ngách trong tâm hồn giống cái. Và chính năng khiếu ấy không được đồng bào của bà nồng nhiệt đón chào: Có mấy ai đủ dũng cảm đi vạch áo cho người xem lưng, kể cả phụ nữ là những người được bà cho mượn một ngôn ngữ mãnh liệt. Nói theo cách của Jelinek, là “những thây ma muốn mồ yên mả đẹp, nhưng tôi lại cứ khai quật chúng lên, ngày này qua ngày khác”.
Một người cầm bút đã băn khoăn hỏi bà rằng, khi đọc nguyên tác có thể cảm nhận được nhịp điệu âm nhạc rất đặc biệt trong từng câu, vậy bà có ý kiến gì về việc tác phẩm của mình được dịch sang ngôn ngữ khác, liệu những bản giao hưởng tuyệt vời ấy có mang được hết các nốt nhạc của mình sang một dàn nhạc công khác với một nhạc trưởng khác? Và tôi mạn phép được trích đáp từ của chính tác giả để xin thứ lỗi cho khiếm khuyết nào xảy ra trong quá trình chuyển ngữ: “Thật khổ cho các nhà dịch thuật! Họ phải viết lại hoàn toàn công việc của tôi bằng ngôn ngữ nước họ để cho tác phẩm có thể chứa đựng giá trị nguyên gốc. Những trò chơi ngôn ngữ chỉ được yêu thích ở những nơi được phép. Và chỉ những nhà văn mới yêu thích trò chơi này, nhưng họ chẳng hơi đâu mà dịch tôi làm gì!”. Tôi rất mong bà chỉ nói dỗi để làm dáng, hoặc đoán lầm.
Nguồn: dtv-ebook.com