Tiếu Ngạo Giang Hồ

white noise for sleeping link
shopee-sale

Cách đây trên 30 năm, Tiếu Ngạo Giang Hồ đã đến với bạn đọc miền Nam (1967). Nhưng đó là một Kim Dung feuilleton, một Kim Dung tác chiến mỗi ngày khoảng 1.500 chữ để đăng trên Minh báo, một Kim Dung đi máy bay từ Hongkong qua Việt Nam mỗi ngày, được dịch ra Việt ngữ đăng đại trà trên những nhật báo Sài Gòn. Luật sư Nguyễn Văn Tầm, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang, nhớ lại: ngày ấy, ông còn học ở đại học Luật khoa và chính ông là thư ký giúp dịch giả Hàn Giang Nhạn dịch những tác phẩm của Kim Dung. Trong căn gác nghèo trên đường Vườn Chuối, dịch giả Hàn Giang Nhạn đọc tờ báo đến đâu, dịch ra đến đó. Chàng sinh viên Nguyễn Văn Tầm lót 10 tờ pelure và 9 tờ giấy than, viết lời dịch của Hàn tiên sinh bằng một cây bút bic. Ở phía dưới căn gác, hàng chục ông tuỳ phái của hàng chục tờ báo ngồi đợi… Tiếu Ngạo Giang Hồ. Viết xong bản dịch, chàng sinh viên Nguyễn Văn Tầm đem xuống phân phát cho từng người. Ai may mắn lấy được những bản phía trên còn đọc ra chữ, ai lãnh những bản phía sau chỉ còn cách xem chữ đoán ý. Trên cơ sở tập đại thành những hồi, những đoạn đã được đăng báo, Tiếu Ngạo Giang Hồ được in lại thành sách – một Kim Dung feuilleton.

Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung do Minh Hà xã in năm 1997 hoàn toàn mới lạ, khác hẳn Tiếu Ngạo Giang Hồ đã từng có trên báo chí Sài Gòn trước đây. Kim Dung đã mạnh dạn cắt bỏ một số đoạn mà ông xét thấy là không cần thiết. Thí dụ như ông đã cắt bỏ khoảng 3.000 từ ngày trong hồi đầu có nội dung giới thiệu về quan hệ gia tộc, võ công, sự nghiệp kinh doanh và oai lực của Phước Oai tiêu cục thành Phúc Châu. Ông cũng bỏ hẳn đoạn Nhạc Linh San trong vai cô gái bán rượu xấu xí cứu Lâm Bình Chi bằng cách cho chàng uống rượu pha thuốc có dược tính thật mạnh mà thay vào bằng một đoạn mới với những tình tiết hợp lý hơn, hấp dẫn hơn. Ngày trước, ông đã để cho Đại tung dương thủ Phí Bân phái Tung Sơn chết đi rồi sống lại, bây giờ tình huống đáng tiếc đó không còn nữa. Ông thận trọng ra từ câu, chỉnh từng ý, xem lại từng tình huống tiểu thuyết. Cho nên, bản dịch mới trên nền tảng bản chỉnh lý năm 1997 là một bản dịch mới lạ. Chúng tôi xin dịch lại Tiếu Ngạo Giang Hồ với tham vọng giới thiệu cùng bạn đọc Việt Nam yêu tài năng Kim Dung, một Kim Dung văn học. Khái niệm văn học ở đây gói gọn trong ngữ nghĩa văn học tiểu thuyết võ hiệp.

Trong sự nghiệp trước tác đồ sộ của Kim DungTiếu Ngạo Giang Hồ là một siêu phẩm. Toàn bộ tác phẩm gồm 40 chương hồi. Tuy nhiên, tác phẩm lớn không phải ở chỗ dài hơi đó. Nó lớn vì chiều sâu kiến thức hàm chứa ngay trong tác phẩm.

Hai trong ba nguồn tư tưởng lớn của triết học phương Đông – Phật giáo và Lão giáo – đã được Kim Dung hình tượng hoá và cụ thể hoá qua những hình tượng văn học. Phương Chứng đại sư chùa Thiếu Lâm là con người tiêu biểu của tư duy Thiền tông Phật giáo. Với một căn bản võ công trác tuyệt, một tâm địa từ bi, nhà sư gần như đã góp phần hoá giải những hận thù, chia rẻ, sân si. Định Nhàn, Định Dật phái Hằng Sơn là một dạng Phật giáo khác, một Phật giáo nhập thể và nhập thế. Họ hàng phục yêu ma bằng chính cáo tâm hoà bình trung chính của người đi tu. Họ áp dụng nguyên tắc Miên lý tàng châm (Trong cái gối bông mềm có chứa cây kim). Họ không đánh ai nhưng ai đánh họ thì bị kim đâm, càng đánh mạnh thì vết thương càng nặng. Họ lập ra kiếm trận là để tự giữ mình, chống cự ngoại địch chứ chẳng để bao vây ai, tiêu diệt ai.

Nhưng điểm đặc sắc nhất vẫn là tư duy Lão – Trang qua đường Độc Cô cửu kiếm. Phong Thanh Dương đã dạy Lệnh Hồ Xung “Dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu”. Trong thế kiếm hữu chiêu, vì có chiêu thức cho nên để phát ra được chiêu thức ấy, con người phải có bộ vị, có ni tấc. Và quan điểm của Phong Thanh Dương là nên đánh ngay vào thời điểm chuẩn bị bộ vị, ni tấc đó. Kiếm phải phát theo ý và kiếm sĩ phát triển kiếm ý chứ không sử dụng kiếm chiêu. Nói cách khác, người sử kiếm chứ không phải kiếm sử người và cần đến một phong thái ung dung, liên tục như nước chảy mây trôi trong khi giao đấu với địch thủ. Cách dạy của Phong Thanh Dương lại vô cùng phù hợp với tâm tính lãng mạn của Lệnh Hồ Xung. Điều này làm ta nhớ đền chương “Thuyết kiếm” của Trang Tử. Lão – Trang chủ trương Vô vi (không làm). Không làm nhưng không có gì là không làm (Vô vi nhi vô bất vi). Chính trên nền tảng đó, đạo trưởng Xung Hư, chưởng môn phái Võ Đang, nhân vật đại biểu của tư tưởng Lão – Trang, đã gắn bó cuộc đời mình với sự thịnh suy, hưng vong của võ lâm Trung Hoa. Cũng chính trên nền tảng đó đã có một cuộc đấu kiếm kỳ lạ xảy ra: Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đấu kiếm mà không dùng đến kiếm, chỉ lấy mắt ngó nhau, cuối cùng, Xung Hư đành nhượng bộ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ lặng lẽ đưa người đọc đi vào cuộc hành trình tìm về những suối nguồn tư tưởng phương Đông, một phương Đông lãng mạn bay bổng “khi lên cao chính ngàn dăm, nương mây cưỡi gió mà bay” nhưng Trang Tử đã viết trong Nam hoa kinh. Tiếu Ngạo Giang Hồ có cái u uẩn trầm mặc đầy suy niệm của những ngôi chùa, những đạo quan, những rừng tùng bách, bóng trăng sáng trên Trường Giang, cơn mưa tuyết mùa đông trên Ngọc Nữ phong. Xuyên suốt tác phẩm là tiếng đàn, tiếng sao của khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ, tiếng ca buồn của Mạc Đại tiên sinh trong khúc Tiêu Tương dạ vũ. Tác phẩm còn là sự tập hợp của nhiều kiến thức về y học, dược học, địa lý học, tửu học, giải phẫu học, võ học, xã hội học… Chính nhờ tác phẩm này, tôi mới biết người Tứ Xuyên luôn luôn bịt khắn trắng trên đầu – tục lệ có từ 2.000 năm trước khi để tang con người huyền thoại Khổng Minh.

Nguồn: dtv-ebook.com

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây