Tiểu Nam Phong

white noise for sleeping link
shopee-sale

Tiểu nam phong là truyện thứ hai trong hệ liệt Thập tự của Cửu Nguyệt Hi. Cũng giống như Thời niên thiếu tươi đẹp ấy, Tiểu nam phong là một câu chuyện phác họa lại một cuộc sống thực tế tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại vô cùng rùng rợn, về cái nhìn định kiến tiêu cực của xã hội đối với một người phụ nữ và lòng ghen ghét đố kỵ mà chính những người phụ nữ dành cho nhau.

“Thế giới này điên cuồng, thối rữa, không có nhân tính, nhưng em lại thanh khiết, dịu dàng, không nhiễm chút bụi trần.”

Bối cảnh của câu chuyện là ở một thị trấn nhỏ bé ven núi giáp biển, quê mùa và lạc hậu, cách xa nơi thành thị, cách xa với ánh sáng văn minh. Ở đây có những con người theo lý thuyết thì đáng ra phải nên là linh hồn thuần phác, chân chất, vậy nhưng không, họ tầm thường, nhỏ mọn, xấu xí, và coi sự xấu xí của mình là lẽ đương nhiên. Họ không hề ý thức được sự xấu xí của mình, lại tự cho mình là thước đo của cuộc sống mà tự o bế, tự dìm nghỉm, tự nhúng chàm lẫn nhau. Bởi vậy mà khi nhìn thấy một cá nhân xuất sắc, thoát tục, vượt ra khỏi thước đo bình thường của họ, họ liền tìm mọi cách chà đạp lên nó, vấy bẩn nó, đem sự khinh thường ngụy trang cho thói tự ti hèn kém mà chỉ trích nó. Nơi đó giống như một bức tranh vẽ một đáy giếng tăm tối lố nhố những con ễnh ương thấp bé to mồm hằng ngày chỉ biết đến khoảng trời hạn hẹp mà coi trời bằng vung.

Trong bức tranh ấy có một con cá vàng xinh đẹp tên là Nam Nhã.

Nam Nhã, người cũng những tên. Dường như Cửu Nguyệt Hi đã đem tất cả những phẩm chất tinh tế và nữ tính nhất của một người con gái dành tặng cho Nam Nhã. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, nàng luôn xuất hiện trong những bộ xường xám duyên dáng, với dáng hình uyển chuyển, vừa mong manh dịu dàng lại vừa quyến rũ đến nao lòng, làm người ta không thể không liên tưởng đến bốn chữ: tuyệt đại tao nhã. Nam Nhã đại diện cho những tinh hoa thuần túy nhất của con người, một vẻ đẹp mà có thể ai cũng thấy được, nhưng không phải ai cũng cảm được. Mà ở nơi thị trấn nhỏ bé ấy, cái đẹp này lại đang bị những tâm hồn trần tục tầm thường ức hiếp. Vì đẹp nên bị ức hiếp. Đàn ông ức hiếp Nam Nhã bằng những đôi mắt thô bỉ ngập tràn dục vọng bẩn thỉu, mà phụ nữ thì ức hiếp nàng với những cái bụng nhỏ nhen chua loét mùi men ủ từ thói ganh tị và tự ti. Nhưng nào có hề gì, Nam Nhã chẳng màng để ý đến thế giới tanh tưởi xung quanh mình. Thái độ của nàng giống như một câu nói: People who talks behind my back will be always behind my back – Những kẻ nói xấu sau lưng tôi sẽ mãi mãi chỉ đứng sau lưng tôi. Nàng vẫn đẹp, vẫn thanh cao, vẫn là con cá vàng kiêu hãnh chẳng vì phải sống với đàn ếch mà thôi rạng ngời. Chẳng ai có thể vấy bẩn được Nam Nhã ngoại trừ chính nàng.

Nhưng Nam Nhã chẳng hề cô đơn trong cái giếng ấy, bên cạnh nàng còn có Chu Lạc.

Chu Lạc rất yêu Nam Nhã. Tình yêu của cậu là sự hòa lẫn giữa sự rung động sâu sắc trước vẻ đẹp thuần túy, lòng thấu hiểu giữa những tâm hồn đồng điệu, sự xót thương cho một linh hồn thanh khiết bị vây hãm trong đám đông hèn mọn và chấp niệm trung thành tuyệt đối dâng hiến cho tín ngưỡng tôn thờ cái đẹp chân chính. Cậu yêu nàng, yêu đến bất chấp, bất chấp tuổi tác, bất chấp hoàn cảnh, bất chấp con mắt ti tiện của thói đời. Đó là đặc tính của những cá nhân xuất sắc, họ độc lập và tìm kiếm, yêu mến, tôn trọng những cá nhân xuất sắc độc lập khác, chẳng cần phải để tâm đến lời đố kỵ miệt thị của những đám đông bầy đàn. Chu Lạc đã dành tặng cho Nam Nhã tình yêu đơn thuần nhất, kiên cường nhất của mình, giúp đỡ nàng, bao dung nàng, bảo vệ nàng, cố gắng vì nàng, khiến trái tim vì hoàn cảnh mà sắt đá của nàng phải cảm động vì mình.

Nam Nhã là động lực của Chu Lạc, mà Chu Lạc cũng là động lực của Nam Nhã.

Khi đọc truyện sẽ có cảm tưởng như chỉ có mình Chu Lạc nỗ lực cho cả hai vậy, bản thân Chu Lạc cũng nguyện ý đi một nghìn bước đến với Nam Nhã mà không cần nàng phải bước một bước nào về phía mình. Chuyện này sẽ khiến người đọc không nhịn được mà có chút cảm thấy Nam Nhã hơi ích kỷ. Nhưng đến cuối truyện, chúng ta đều sẽ nhận ra rằng sự thật là Nam Nhã cũng có cố gắng vì Chu Lạc, muộn hơn cậu, nhưng không hề chậm trễ. Như đã nói, chẳng ai có thể vấy bẩn Nam Nhã trừ chính nàng. Nàng cũng giống như Trần Niệm trong Thời niên thiếu tươi đẹp ấy, vì chán ghét cùng cực môi trường sống mà nảy sinh ác niệm, tự khuấy đục mình. Nhưng bởi có Chu Lạc, có tình yêu đầy vị tha của Chu Lạc mà nàng đã tự nguyện thanh lọc mình, lau đi vết nhơ trên tay mình, để một lần nữa quay lại với cái đẹp thuần khiết, để ở bên cậu. Tình yêu của hai người đẹp như vậy bởi trong họ luôn có lòng hướng thiện, tự mình hướng thiện và vì nhau mà hướng thiện. Đó chính là biểu tượng của chân – thiện – mỹ, tinh thần chủ đạo của hệ liệt Thập tự, là tính nhân văn cao đẹp mà Cửu Nguyệt Hi muốn thể hiện.

Về mặt hình ảnh mà nói, Tiểu nam phong là câu chuyện có tính lãng mạn nhất trong số tất cả các truyện của Cửu Nguyệt Hi. Điều này được thể hiện ở tình tiết Chu Lạc theo đuổi Nam Nhã, mỗi buổi chiều đều đến đọc cho nàng nghe những câu thơ tình đầy tâm ý được cậu chọn lựa, nắn nót chép ra giấy, tặng cho nàng. Tình tiết ngọt ngào trong ngôn tình vốn chẳng thiếu, nhưng có thể đẹp và lãng mạn chạm đến ngưỡng nghệ thuật như hình ảnh này thì cực kỳ hiếm, giống như một hình ảnh biểu tượng trong một tác phẩm kinh điển vậy. Nó giúp cho truyện không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn thắm đượm màu sắc nghệ thuật nữa.

Kết lại, qua bộ truyện này, một lần nữa, Cửu Nguyệt Hi đã chứng minh thái độ nghiêm túc vươn đến những giá trị thực thụ trong văn chương của bản thân. Tấm lòng này của chị cũng thực đáng để trân trọng. Tiểu nam phong, cũng giống như những bộ truyện khác cùng tác giả, là một câu chuyện đáng đọc và đáng suy ngẫm.

———————–
Thập Tự Hệ Liệt gồm có:

Thời Niên Thiếu Tươi Đẹp Ấy
Tiểu Nam Phong

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com