Thùng Nước Lèo

white noise for sleeping link
shopee-sale

Độc giả ít ai còn lạ với Guy de Maupassant (1850-1893) nên chúng tôi không cần phải giới thiệu nhiều. Ông với Honoré Balzac (1799-1850) là hai tiểu thuyết gia Pháp ở thế kỉ trước được Âu, Mĩ, mà có lẽ cả thế giới khâm phục nhất.

Anatole France bảo “nghệ thuật viết truyện của ông hoàn toàn: mạnh mẽ, uyển chuyển mà cân xứng”. Léon Tolstoi khen ông là “đã đạt được những chỗ thâm áo yên lặng của con người”. Còn những tiểu thuyết gia Anh như Joseph Conrad và William Somerset Maugham đều nhận rằng “tài kể chuyện của ông thì không ai bằng”; nhất là Maugham coi ông như bậc thầy của mình, chịu phục rằng nhiều truyện ngắn của ông, không dư mà cũng không thiếu một chi tiết, đem kể ra thì bất kì ai nghe cũng phải mê.  

Tác phẩm của ông gồm non hai chục cuốn vừa truyện ngắn, truyện dài (không kể một tập thơ). Nhiều nhà phê bình đồng ý rằng truyện dài hay nhất của ông là Une Vie (Một đời sống); còn truyện ngắn xuất sắc nhất là Boule de Suif mà chúng tôi dịch là Thùng Nước Lèo. Chính truyện ngắn này đã được nhà xuất bản Seghers lựa trong tập Les Vingt meilleures nouvelle française (1956) và nhà Pocket Library trích và ca tụng trong tập: The great short stories of De Maupassant (1955).

Trong khoảng bốn chục trang, tác giả kể cho ta nghe một bi hài kịch thời chiến tranh Pháp – Phổ (1870). Nhân vật gần đủ các giới trong xã hội Pháp thời đó: giới quí phái, giới con buôn trọc phú, giới cách mạng, giới cần lao… nhân vật chính là một gái điếm, mà hạng người còn có liêm sỉ giữ được chút thiên lương lại chính là ả gái điếm đó chứ không phải là bọn thượng lưu như ta tưởng.

Ông không giảng luân lí, không dựng một triết thuyết, không phân tích tâm lí, cơ hồ như cũng không có thắc mắc nào cả, chỉ kể chuyện một cách khách quan, không thương cũng không ghét, mà rất có nghệ thuật, tình tiết xảy ra tự nhiên, đoạn trước gợi ra đoạn sau, đoạn sau giảng thêm đoạn trước, thành thử câu chuyện rất nhất trí, mạnh mẽ, đầy đủ mà hấp dẫn, đọc không thấy chán. Đọc xong ai cũng thấy chua chát và có cảm tưởng rằng tác giả nhìn xã hội mắt một cặp mắt tinh quái, ngạo đời, nhưng không tàn nhẫn.

Riêng chúng tôi, chúng tôi thấy có vài nét hơi đậm, mạnh và bén thật, nhưng kém phần tế nhị; có lẽ đó là một tật chung của tuổi trẻ vì ông viết chuyện đó hồi mới ngoài hai mươi. Những tác phẩm hồi sau giọng đằm khi đã từng trải nhiều, lòng trắc ẩn của ông mới hiện rõ, như trong truyện dài Une Vie chẳng hạn.

Dù sao, văn mỗi tuổi cũng có vẻ đẹp riêng của nó, và Thùng Nước Lèo vẫn đáng là “một trong những bi kịch hay nhất của hậu bán thế kỉ trước”.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com