Được mệnh danh là ‘nữ hoàng tiểu thuyết trinh thám’, Agatha Christie là nhà văn người Anh ăn khách nhất trên thế giới trong thể loại này.
Hơn 3 thập niên sau ngày bà qua đời, dường như chưa có tác giả nào soán ngôi Agatha Christie (1890-1976) trong thể loại tiểu thuyết trinh thám.
Nữ nhà văn này được xem như là một hiện tượng văn học và được giới chuyên gia dày công nghiên cứu không kém gì tác giả truyện trinh thám Arthur Conan Doyle, cha đẻ của thám tử tài ba Sherlock Holmes.
Bén duyên với truyện trinh thám
Ở cái thuở ban đầu không dễ quên ấy, bà bước vào nghiệp văn với lý do hết sức ngẫu nhiên tình cờ. Trong một cuộc trò chuyện giữa mấy chị em gái, các chị của bà cho rằng tiểu thuyết trinh thám rất chán bởi vì chỉ cần xem một vài trang là người đọc đã biết ngay kẻ nào là thủ phạm rồi.
Không đồng tình với những ý kiến đó của các chị mình, Agatha Christie đã lặng lẽ dấn thân vào nghề viết như muốn phản biện lại quan niệm của các chị. Và dường như đây chính là mối tơ duyên gắn kết cuộc đời bà với hoạt động sáng tác văn học. Bà đã viết với tất cả vốn hiểu biết và lòng say mê của mình.
Tưởng chừng viết thử, nào ngờ quá hay
Tưởng chừng làm thử một cú, nào ngờ trở thành bậc thầy. Với trí tưởng tượng phong phú dồi dào, Agatha Christie đã đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tạo ra nhiều sự gay cấn hồi hộp khiến người đọc khi cầm sách trong tay muốn đọc liền một mạch, như thể cặp mắt bị dán vào các dòng chữ sinh động.
Trong 56 năm theo đuổi nghề viết, nữ nhà văn Agatha Christie đã cho ra đời 66 cuốn tiểu thuyết và 147 truyện ngắn trinh thám, hai tập thơ, hơn ba chục kịch bản sân khấu cùng với hai cuốn tự truyện., với trên hai tỷ bản in, phát hành rộng rãi trên toàn thế giới…
Theo sách kỷ lục Guinness, tính đến nay tác phẩm của bà được dịch ra hơn một trăm ngôn ngữ khác nhau với hơn 2 tỷ bản được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới.
Sinh thời, bà đã được độc giả tôn vinh là nữ hoàng tiểu thuyết trinh thám. Đúng 35 năm sau ngày qua đời, ngòi bút đầy ma lực của Agatha tiếp tục hớp hồn nhiều thế hệ độc giả, trẻ cũng như già.
Tác giả thích giết người bằng thuốc độc
Thời còn trẻ, bà làm việc trong một bệnh viện rồi sau đó trong một cửa hiệu bán thuốc tây. Điều đó có thể giải thích vì sao nhiều vụ án mạng trong tiểu thuyết của bà thường là bằng thuốc độc như thạch tín, ricin và thallium (chiếm khoảng 40% tác phẩm).
Cảm hứng của Agatha thường nẩy sinh trong những tình huống mà bà bắt gặp trong đời thường, bà ghi chép nó vào sổ tay chứ không dùng ngay, và đến một lúc nào đó thì chi tiết này lại được đưa vào tiểu thuyết như thể nó cần một thời gian để được tiêu hoá nghiền ngẫm.
Trong quyển sổ tay được tìm thấy của Agatha Christie, bà lập ra một danh sách của đủ loại thuốc độc và liệt kê tất cả những nhân vật có thể trở thành nạn nhân, cũng như những nguyên nhân thúc đẩy thủ phạm ra tay giết người. Bằng cách này, tác giả muốn tạo ra sự bất ngờ nơi người đọc, bởi vì bất cứ nhân vật nào cũng có thể là hung thủ, cũng có đủ lý do để gây ra án mạng.
Kho tác phẩm nổi tiếng
Bằng lối tư duy thời gian, hạn chế đến tối đa sự đoán trước của người đọc về tính cách, số phận của các nhân vật cũng như kết thúc câu chuyện… tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie có một sức hấp dẫn đến kỳ lạ.
Các trạng thái tâm lý, tình cảm của người đọc dường như cũng bị cuốn hút theo những sự kiện những tình huống của truyện: khi băn khoăn lo lắng, lúc hồi hộp đến bất ngờ… và chỉ đến trang cuối cùng của cuốn sách, người đọc mới có thể tìm được lời giải cuối cùng và đáp số cho những ẩn số của cuốn sách. Hai nhân vật thám tử lừng danh xuất hiện trong hầu hết các tiểu thuyết của Agatha Christie là Hercule Poirot và bà Marple (Miss Marple).
Nguồn: dtv-ebook.com