Năm một nghìn chín trăm tám mươi… mấy, lúc đang là Trưởng ban Văn nghệ của báo Tuổi Trẻ, có lần tôi đã tiếp một cô sinh viên đến đưa bản thảo truyện ngắn để “nhờ anh đọc và góp ý, nếu thấy được thì…”. Khi ấy tôi làm việc còn rất nghiêm túc, nên đã hẹn và khi đọc xong tôi đưa lại bản thảo, khuyên cô nên… tập trung vào việc học tập! (tôi đã quên bẵng chuyện này, bởi từng thô bạo như vậy với khá nhiều người, theo đúng chủ trương không nên có nhà văn… trung bình). Cô gái cảm ơn và ra về, không bao giờ quay lại. Ơn trời!
Năm 2013, tôi xin kết bạn trên Facebook với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, người mà tôi rất chú ý qua blog Hậu Khảo cổ và đã đọc nhiều bài viết trên báo cũng như trong tập 101 truyện ngắn 100 chữ khá độc đáo của cô. Một hôm, Hậu post lên FB một tấm hình lúc còn sinh viên, đẹp như trong mơ! Gặp trong một cuộc nhậu, tôi than thở phải chi được gặp cô lúc ấy. Hậu cười, nói đã từng gặp, rồi nhắc lại câu chuyện năm xưa. Trời đất, lúc đó mắt tôi bị sao thế nhỉ?
Có vẻ Hậu vừa nghe và vừa không nghe lời khuyên của tôi. “Tập trung vào việc học tập”, cô giờ là một nữ tiến sĩ hiếm hoi và nổi tiếng của ngành Khảo cổ học Việt Nam. “Hãy dẹp mộng văn chương vì con đường đó rất cực nhọc và chắc là không phù hợp với em đâu”, thì giờ cô đã có trong tay vài cuốn sách văn chương và bắt đầu có tên trong trường văn trận bút…
Sau hơn 20 năm, Hậu lại gửi bản thảo “Thế giới mạng & tôi” để nhờ tôi đọc.
Những bài viết thật bình dị, nhẹ nhàng, không mang triết lý gì cao siêu, không phê phán, dạy dỗ… Chúng cứ như những lời tâm sự, thủ thỉ, kể lại về một chuyến đi, những địa danh, con người, sự việc… trong đời sống hàng ngày của tác giả, với những nhận xét và suy nghĩ vừa tinh tế lại vừa mộc mạc. Đã đọc 101 truyện ngắn 100 chữ khá sắc sảo của Nguyễn Thị Hậu, tôi bị hơi… hẫng với cuốn tạp bút này, chính vì sự giản dị của nó. Có cảm giác tác giả là một người thông minh tới mức biết cách không làm người ta phải sợ hãi về sự thông mình đó?
Và tôi đã đọc chỉ trong một đêm…
Vì cuốn sách quá hay? Chưa hẳn. Vẫn còn vài bài viết hơi khô, vội, có vẻ cho kịp đơn đặt hàng của các báo. Vài cảm xúc chưa chín, vốn sống còn mỏng đây đó. Nhưng tổng thể thì khá hấp dẫn. Những bài viết thiên về tình cảm, như Tiếc nuối Thủ Thiêm, Bạn về quê ở, Những bữa cơm chiều, Quan họ của tôi, Tản mạn về đường thành phố, Quê hương và ký ức di truyền, đặc biệt là chùm 10 bài trong chương cuối Vụn vặt đời thường… đọc rất thích.
Điều quan trọng ở đây là gì?
Nguyễn Thị Hậu đã bền bỉ thực hiện đam mê viết lách của mình, bất kể “lời ong tiếng ve” – vậy mới chính là đam mê thực sự, không ai cản được! Và quan trọng là đã đưa được những gì mình viết đến nhiều người đọc. Một người hạnh phúc!
Tôi như mường tượng thấy khi bấm nút send tập bản thảo cho tôi, hẳn Hậu đã mỉm cười. Lúc quay lưng ra về hồi năm một nghìn chín trăm tám mươi mấy, có lẽ cô đã tự nhủ “Hãy đợi đấy!”. Và giờ là câu trả lời đích đáng cho cái gã “có mắt không tròng” là tôi!
Nguồn: dtv-ebook.com