Vương An Ức chọn cách miêu tả hình tượng người phụ nữ như biểu hiện tràn đầy sung mãn của đời sống bình thường, niềm hạnh phúc sâu xa của tồn tại cá nhân.
Trở lại với cuốn tiểu thuyết mới – Thắm sắc hoa đào – sau thành công vang dội của Trường hận ca, Vương An Ức một lần nữa khẳng định bút lực vượt trội của mình so với các nhà văn Trung Quốc đương thời, bằng một ngôn ngữ kể chuyện hiện đại, đa chiều, và quan niệm nhân sinh phóng túng, xa rời những thứ luận lý sẵn có.
Không còn bận tâm đến những thua thiệt, bất hạnh mà người phụ nữ trong một xã hội hậu Nho giáo phải gánh chịu, như các đồng nghiệp của mình: Tô Đồng, Dư Hoa, Giả Bình Ao…, Vương An Ức chọn cách miêu tả hình tượng người phụ nữ như biểu hiện tràn đầy sung mãn của đời sống bình thường, niềm hạnh phúc sâu xa của tồn tại cá nhân.
Câu chuyện xoay quanh những biến cố đời sống của hai mẹ con: Minh Minh (vốn là một diễn viên hài kịch) – Úc Hiểu Thu và những người thân quen khác: Úc Tử Hàm, chồng cũ của Minh Minh; anh chị cùng mẹ khác cha của Hiểu Thu; Dân Vỹ, bạn học của Hiểu Thu, cũng là người yêu đầu đời; Dân Hoa, người chị gái đầy lòng đố kỵ và thành kiến của Dân Vỹ; anh rể của Hiểu Thu, người sau này sẽ mang lại những bất ngờ…
Bằng cách đó, người phụ nữ trong Thắm sắc hoa đào vượt khỏi mọi thành kiến, đố kỵ, ngộ nhận của đám đông xung quanh, thỏa mãn cá tính độc lập và độc đáo của bản thân, cũng như mang lại điều tốt lành từ nội tâm mình tới cho đời sống. Cũng bằng cách như vậy, người phụ nữ-bình-thường nhưng mang đầy nét khác lạ mãnh liệt của cá nhân, đã bình thản vượt qua những oan khốc nặng nề, những gian lao và nguy biến tưởng chừng không thể vượt, của một thời đại lầm lạc, một dân tộc đau thương. Để chỉ còn lại những niềm vui bình dị, những cảm xúc từ nhiều phía, niềm kinh ngạc về một cuộc sống đời thường ẩn chứa xiết bao bất ngờ, khác biệt, không ai có thể dự đoán nổi, mà nhà văn đang mở ra trước mắt chúng ta.
Nguồn: dtv-ebook.com