Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 5

white noise for sleeping link
shopee-sale

VIỆT nam là một khối thống nhất từ Bắc đến Nam. Đó là một hiện thực. Mà đã là một hiện thực thì không ai có thể phủ nhận được. Khối thống nhất ấy là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam từ miền biên giới Việt Hoa ở Bắc đến các tỉnh Cà mâu, Hà tiên ở Nam. Khối thống nhất ấy đã gắn bó với nhau trong một ngôn ngữ chung, một lãnh thổ chung, một đời sống kinh tế chung và một đời sống văn hóa chung. Đó là khối thống nhất đã ổn định.

Có ai dám chối cãi và nói rằng : người Việt nam ở Hà nội và người Việt nam ở Sài gòn nói hai thứ tiếng khác nhau ?

Có ai dám chối cãi và nói rằng : lãnh thổ miền Bắc và lãnh thổ miền Nam không phải cùng trong lãnh thổ của dân tộc Việt nam ?

Có ai dám chối cãi và nói rằng : đời sống kinh tế miền Bắc và đời sống kinh tế miền Nam không khăng khít chặt chẽ với nhau ?

Có ai dám phủ nhận : nhân dân Việt nam không cùng chung một đời sống văn hóa ?

Trong ngót một trăm năm vừa qua, bọn thực dân tham lam rắp tâm phá hoại hiện thực ấy, trơ tráo phủ nhận lịch sử của dân tộc Việt nam. Chúng mưu tách khối thống nhất của chúng ta ra làm ba mảnh. Nhưng kết quả như thế nào ? Những tiếng kêu gọi của các nhà ái quốc Việt nam kế tiếp thế hệ này sang thế hệ khác, ở Bắc, ở Trung, ở Nam đã vang dội ra toàn quốc, làm nổi lên một làn sóng phẫn khích, đả phá mọi mưu mô gian trá của bọn cướp nước. Rồi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt nam ra đời và Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt nam dân chủ cộng hòa xuất hiện càng làm cho khối thống nhất của nhân dân ta vững hơn, chặt hơn.

Trong tám chín năm vừa qua, do đế quốc Mỹ giật dây, thực dân Pháp hiếu chiến chưa nhận được những bài học đã qua, vẫn lăm le đi ngược lại hiện thực. Hiện thực đã kết án những tên vào loại như Nguyễn Văn Thinh, con đẻ của chính sách Đác-giăng-li-ơ và Bô-la-e, mưu lập ra nước gọi là « Nam kỳ tự trị ». Nhưng bất kỳ sức phản động nào cũng không đối lập được với hiên thực. Kẻ chia rẽ dân tộc đã phải chết một cách thảm hại. Và mưu mô phá thống nhất của dân tộc ta đã bị lột trần. Nhân dân Việt nam từ Bắc đến Nam càng xiết chặt với nhau hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt nam, Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa và Hồ Chủ tịch, kiên quyết đấu tranh bắt buộc ngay cả những kẻ ngoan cố nhất như đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp phải ngẩng mặt lên mà nhìn vào hiên thực. Hội nghị Giơ-ne-vơ họp. Tiếng súng chiến tranh đã ngừng. Hòa bình được lặp lại. Quân đội đế quốc phải tạm tập kết ở miền Nam. Một giới tuyến quân sự tạm thời đặt ra ở vĩ tuyến 17. Ngày tổng tuyển cử trong khắp lãnh thổ nước Việt nam phải được thực hiện trong năm 1956.

Như vậy tức là : ai ai cũng đã thừa nhận rằng Việt nam là một khối thống nhất từ Bắc đến Nam không thể nào tách rời nhau được. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt nam ở Bắc bộ, ở Trung bộ, ở Nam bộ, ở đồng bằng cũng như ở miền núi trên lãnh thổ Việt nam. Đó là thắng lợi của hiện thực, của chân lý, của công lý.

*

Việt nam đã là một khối thống nhất, ai cũng đã phải thừa nhận, thì quan hệ giữa người Việt nam với nhau trên lãnh thổ của mình chỉ là một việc bình thường. Ngày nay trong hòa bình, mối quan hệ bình thường giữa miền Nam và miền Bắc phải sớm được lập lại. Đó là yêu cầu khẩn thiết của toàn thể nhân dân Việt nam. Nhưng muốn thực hiện được yêu cầu ấy, không phải chỉ ngồi yên mà có. Lịch sử đã chứng rõ cho ta thấy : khối thống nhất của dân tộc là kết quả của một quá trình đấu tranh của nhân dân. Ngày nay, muốn lập lại quan hệ bình thường trong khối thống nhất của dân tộc, chúng ta phải đấu tranh mới thực hiện được. Đứng trên địa hạt nghiên cứu lịch sử, văn học, địa lý, chúng ta sẽ tham gia cuộc đấu tranh đòi lập lại quan hệ bình thường giữa Bắc và Nam như thế nào ?

« Một người theo chủ nghĩa Lê-nin không thể chỉ là một chuyên gia về môn khoa học mình đã chọn lựa ; họ phải đồng thời là một nhà chính trị, một người làm việc giữa xã hội, tha thiết đến vận mệnh của xứ sở, biết những qui luật phát triển xã hội, dựa vào những qui luật ấy và nhận một phần tích cực việc chỉ đạo chính trị của xứ sở. » (Sta-lin).

Xứ sở chúng ta hiện nay đang cần gì ? Một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là lập lại quan hệ bình thường giữa miền Nam và miền Bắc. Công tác nghiên cứu giảng dạy và học tập lịch sử, văn học, địa lý Việt nam trong lúc này hơn bao giờ hết phải làm sao nêu rõ được nước ta là một khối thống nhất không thể chia cắt được, và đó là kết quả của bao nhiêu công sức của cha ông chúng ta ngày trước mà thế hệ ngày nay phải ra sức kế tục.

Nhưng như thế cũng chưa đủ. Những nhà nghiên cứu sử, văn và địa của Việt nam, những giáo sư về sử, văn và địa ở Việt nam ở miền Bắc và ở miền Nam còn phải làm sao trao đổi với nhau kinh nghiệm sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy, để cùng nhau góp phần vào công cuộc xây dựng sử học, văn học, địa lý học Việt nam.

Lịch sử dân tộc Việt nam là lịch sử những cuộc đấu tranh anh dũng để xây dựng tổ quốc thống nhất của Việt nam.

Văn học Việt nam là nền văn học đã phản ánh và tác động tích cực vào những cuộc đấu tranh ấy của nhân dân Việt nam.

Địa lý Việt nam là khoa học phải nói lên được công sức của nhân dân ta trong việc khai phá giao thông, xây dựng nền thống nhất của tổ quốc Việt nam và thị trường dân tộc Việt nam ; biến cải lãnh thổ nước ta thành một nước giàu mạnh.

Trong cuộc đấu tranh lập lại quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam, trách nhiệm của những người nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử, văn học, địa lý ở Sài gòn cũng như ở Hà nội, hay bất cứ ở nơi nào trong đất nước, không phải là nhỏ.

Chúng ta hãy cùng nhau sát cánh đấu tranh đòi thực hiện cho được việc lập lại quan hệ bình thường giữa miền Bắc và miền Nam.

Ban nghiên cứu Văn Sử Địa
Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 5.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com