Tìm hiểu con người là một công việc khó khăn, nhưng là một công việc mà mọi người đều phải làm, hay đều phải trải qua. Ngay từ thời cổ đại, triết gia Socrates đã nói một câu bất hủ: “Hỡi con ngừời hãy tự biết mình.” Tự biết mình là một điều khó nhưng hiểu biết người khác lại càng khó hơn, nếu chính mình không biết chính mình.
Sau nhiều năm làm công tác huấn luyện, tôi nhận ra rằng điều khó khăn nhất là giúp các ứng sinh nhận ra được chính con người thực của mình. Làm sao có thể giúp họ tự khám ra đâu là những động cơ thực thúc đẩy họ chọn lựa đời sống tu trì, đâu là những động cơ thúc đẩy họ hành động. Con người đúng là một huyền nhiệm, khó mà biết được những ngõ ngách, những uẩn khúc trong tiến trình thành nhân. Trong thế kỷ 20, tâm lý học đã có những bước tiến dài trong việc khám phá con người và những năng động cấu thành đời sống tâm linh và tâm lý. Nhưng khốn một nỗi là các lý thuyết nhiều khi đi ngược nhau và khó đi tìm một khởi điểm chung. Đã nhiều năm, các nhà tâm lý và huấn luyện Kitô giáo đã cố gắng đi tìm một nền tâm lý học Kitô giáo, nhưng xem ra điều đó thật khó khăn, vì tâm lý là chung cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo. Khoa Tâm Lý Học ngày nay cho ta thấy rằng mọi chiều kích tiến triển đều là một quá trình, hay nói đúng hơn là một tiến trình vẫn còn tiếp diễn. Mọi tiến trình đều đặt nền tảng trên sự tăng trưởng tâm-thể lý. Mọi tiến trình đều đòi hỏi thời gian và công trình tập luyện và giáo dục. Trong quá khứ, nhất là sau thời của Sigmund Freud có một số rạn nứt giữa Tâm lý và Tôn giáo – Tâm linh. Giáo hội đã từng lên án lý thuyết phân tâm của Freud là duy vật, là giải trừ tâm linh, và tiền thân của phong trào trần tục hoá. Một câu nói nổi tiếng của Freud đã được nhắc đi nhắc lại: “Tôn giáo có thể là rối nhiễu tâm lý ám ảnh phổ quát của nhân loại.” Các bạn bè và học trò của S. Freud đã kịp thời thay đổi và điều chỉnh lại những thái quá của Freud. Ngay từ thời của S. Freud, nhà Tâm thần học Roberto Assagioli đã nhấn mạnh đến khía cạnh tâm linh trong việc chữa trị tâm lý và đã sáng lập trường phái Tâm lý Tổng hợp (Psychosynthesis) nhằm cân bằng đời sống tâm lý và tâm linh. Ông đã đưa vào khoa học tâm lý ý niệm siêu thức, để nói lên phần cao cả của con người. Con người luôn vươn lên một cái ngã cao hơn cái ngã thường ngày. Carl Jung chú trọng đến vô thức tập thể, các nguyên mẫu, các ký hiệu, và nghiên cứu các hiện tượng tâm linh và tôn giáo; ông đã muốn hướng tới việc nghiên cứu nhân cách một cách toàn diện.
Trong những thập niên 50 và 60 của thế kỷ 20, làn sóng “thứ 3” đã trổi dậy trong lịch sử Tâm lý học như là một phong trào phản kháng lại Phân tâm học và Thuyết hành vi. Trường phái Tâm lí học nhân văn và hiện sinh nhấn mạnh đến tính độc đáo duy nhất của mọi hữu thể, tự do và trách nhiệm của cá nhân trên cuộc đời của mình. Có lẽ cũng từ phong trào này Tôn giáo và Tâm lí dần dần đối thoại và xích lại gần nhau để đem lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc nhân sinh. Trong quá trình huấn luyện các tu sĩ và linh mục, việc học Triết học, Tâm lý, Văn hoá là điều hết sức cần thiết để hiểu các thực tại nhân sinh và con người và là kiến thức nền cho việc học Thần học. Tâm lý học hiện đại đã đóng góp một phần rất lớn trong việc tìm hiểu nhân cách và giáo dục nhân bản.
Hai tác giả A. Cencini và A. Manenti là những nhà Tâm lý và Giáo dục Công giáo thời hiện đại đã có công chắt lọc những khám phá mới và những tinh túy của khoa tâm lý hiện đại và tổng hợp lại trong tác phẩm nổi tiếng Tâm Lý và Huấn Luyện, nhằm giúp những nhà huấn luyện và các ứng sinh có tài liệu hướng dẫn và phân tích. Các tác giả đã chọn lọc có phê phán các phát hiện của khoa phân tâm học và hành vi, và đã biến những khám phá của Freud về vô thức, về bản ngã, cơ chế tự vệ, động cơ… thành những dụng cụ hữu hiệu để giúp khám phá chính mình, và đưa đến việc toàn nhập các cấp bậc của đời sống tâm linh. Có thể nói rằng A. Cencini và A. Manenti đã Kitô hóa và thăng hoa cho những khám phá của Freud và các nhà tâm lý Tân phân tâm. Các tác giả củng đã chắt lọc những tinh túy của các trường phái tâm lý nhân văn, hiện tượng luận và hiện sinh để làm nổi rõ sự cao cả của con người trong các chiều kích siêu việt và vượt ra ngoài qui luật tâm-vật lý và tâm-thể lý: con người tự do và siêu việt. Các tác giả cũng cho thấy rằng con người bị thúc đẩy bởi hai lực, nhiều khi đi trái ngược nhau. Lực đẩy của các động cơ vô thức và lực hút của các bản năng thô thiển ở phần vật chất. Nhưng con người cũng chịu lực kéo hay lực hút của những lý tưởng, của những giá trị nhân văn và tôn giáo. Đây quả là một cuốn sách và tài liệu rất quí và bổ ích cho công tác huấn luyện con người, đặc biệt cho công việc huấn luyện các ơn gọi. Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được phổ biến khá rộng rải trong các chủng viện và đại học.
Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Kính, OFM, đã thấy được sự ích lợi của cuốn sách này trong công việc linh hướng, nên đã dành nhiều thời gian và sức lực để dịch tác phẩm này ra Việt ngữ. Đây là một cố gắng và đóng góp đáng trân trọng của dịch giả cho nền tâm lý học nước nhà nói chung, và đặc biệt cho nền huấn luyện các ơn gọi trong các chủng viện và dòng tu nói riêng. Xin chân thành chúc mừng và cám ơn dịch giả về sự đóng góp quí báu này.
Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Tâm Lý và Huấn Luyện bằng Việt ngữ đến quí vị độc giả, đặc biệt là những người làm công tác huấn luyện và các ứng sinh.
Phaolô Nguyễn Đình Vịnh, OFM
Tiến sĩ Tham Vấn Tâm Lý
Source: tve-4u.org