Sự Tích Các Loài Hoa

white noise for sleeping link
shopee-sale

Truyện cổ tích dù được sáng tạo, lưu truyền từ xa xưa hay những câu chuyện được viết lại trong thời hiện đại vẫn mang đặc trưng riêng của thể loại truyện cổ tích là những câu chuyện kết hợp hài hòa yếu tố đời sống hiện thực với sự hư cấu nghệ thuật kì ảo đầy chất lãng mạn cùng các mô tip mang tính công thức quen thuộc.

Nhóm truyện kể về sự tích, nguồn gốc các loài hoa đưa chúng ta tới cái nhìn sâu hơn vào bản chất sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội vừa làm ta ngạc nhiên về những liên tưởng hợp lý mà tài tình trong sáng tạo nghệ thuật, một sự “bịa đặt” ( Từ dùng của V Ia. Propp) hợp lý mà rất có duyên

Các loài hoa luôn là biểu tượng của ngôn ngữ tình yêu, vì thế thật dễ hiểu khi một bộ phận khá lớn các truyện sự tích loài hoa mang chủ đề tình yêu khá phong phú. Có thể kể tới một số truyện như Sự tích hoa bích đào, sự tích hoa Ban, sự tích hoa Đỗ Quyên, sự tích hoa cỏ may, sự tích hoa dã quỳ, sự tích hoa Lan, sự tích hoa thiên lý, sự tích hoa trinh nữ…

1.    Nhóm loài hoa trong truyện kể sự tích biểu tượng của tình yêu chung thủy

     Các truyện sự tích thuộc dạng này dù là của dân tộc  Tày, Thái, Mường, Kinh, Cơho đều có chung một kiểu cốt truyện, một công thức chung về tình yêu không thành và mô tip hóa thân. Sự tích hoa bích đào ( dân tộc Tày, Việt) kể về tình yêu của chàng trai người miền núi quê ở Mẫu Sơn và người con gái con quan giàu có thị xã Lạng Sơn. Cặp trai tài gái sắc yêu nhau thắm thiết nhưng cha cô gái không đồng ý vì chàng trai gia cảnh nghèo khổ. Họ chia tay nhau trong đau đớn chia lìa. Hai người khóc đến nỗi chảy máu mắt. Nước mắt hòa máu lã chã rơi xuống đất suốt dọc đường họ về nhà. Rồi hai người mất đi trong nỗi tiếc thương vô hạn của người dân bản làng và bạn bè, thầy giáo. “Mùa xuân năm sau, người ta thấy ở nơi đôi trai gái gặp nhau lần cuối cùng (sau này gọi là Kéo tào – đèo hoa đào) và trên đường đi của hai người về nhà mọc lên một loại cây nở những bông hoa cánh đỏ tươi như máu. Người ta gọi đó là hoa bích đào.” Màu đỏ thắm của hoa bích đào gợi sự liên tưởng của người đời về màu hoa như được nhuộm từ những giọt máu nhỏ ra từ trái tim tan vỡ. Có một vài dị bản khác về sự tích hoa đào kể rằng cô gái lấy máu từ năm đầu ngón tay của mình nhuộm chỉ để thêu khăn tặng chàng trai. Bông hoa đào chúm chím đỏ rực như năm đầu ngón tay cô gái chụm vào gửi gắm tình yêu thắm thiết của mình là một liên tưởng độc đáo.

Truyện kể về Chàng Khun và nàng Ban của dân tộc Thái trong Sự tích hoa Ban với motif  hai người yêu nhau nhưng không lấy được nhau do bị ngăn cấm bởi quyền cao phép cả và kết thúc bằng sự hóa thân để họ được bên nhau mãi mãi “Chỗ nàng Ban chết, nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ” còn chàng Khun “ trở về thấy nàng Ban đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết”.

Có ý kiến cho rằng lễ hội hoa ban là một hình thức sáng tạo của người dân Thái sau này khi ghép lễ hội xên bản, xên mường và lễ hội hoa ban. Người Thái Mường Thanh (Điện Biên) tổ chức lễ hội xên bản, xên mường vào dịp mùa xuân khi hoa ban nở trắng trời Tây Bắc ( Từ 15 tháng giêng âm lịch đến 15 tháng hai  âm lịch. Lễ hội thường được tổ chức trong ba ngày. Trong ba ngày này họ kiêng: “Nặm báu đẩy tắc/ Pắc báu đẩy kếp” (Nước không được múc/ rau không được ngắt) và không được vào rừng lấy củi. Phải chăng tục kiêng kị này liên quan đến tín ngưỡng thờ nước, thờ cây và cũng là một dịp con người thể hiện cảm quan về môi trường sống.

     Sự tích hoa dã quỳ ( DT Cơ ho) như một tiếng thở dài cảm thương và một khúc hát ngợi ca tình yêu mãnh liệt của chàng K”lang và nàng H”limh nơi cao nguyên Lâm Viên đầy nắng gió. Ngày ngày chàng đi săn thú rừng còn nàng thêu thùa dệt tấm chăn Kiệu chồng để chờ đến ngày hôn lễ sẽ đem về nhà chồng theo tục lệ của buôn làng. Nhưng có một lần, chàng K’’lang đi săn muộn lắm vẫn không về, H’’limh nóng lòng đi tìm người yêu qua bao đèo bao suối. Đi đến cuối nguồn suối, nàng thấy K’’lang đang bị bọn người ác ở buôn khác trói chặt dã man. Nàng chạy lại ôm lấy người yêu mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Do quá hờn ghen với tình yêu mà nàng H’’limh dành cho K’’lang, gã con trai tộc trưởng bộ tộc Lasiêng vốn thầm thương trộm nhớ nàng bấy lâu đã bắn mũi tên độc vào K’’ lang, ngờ đâu người trúng mũi tên ấy lại chính là H’’limh. H’’limh gục chết vì mũi tên độc. Từ nơi nàng H’’limh ngã xuống, cứ mỗi độ tháng Mười, một loài hoa nở vàng rực rỡ, mênh mang trên các thung lũng, khắp mọi nẻo đường cao nguyên. Người ta gọi đó là hoa dã quỳ, loài hoa biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của một tình yêu thủy chung bất tử.

        Liên tưởng về một loại hoa bình dị gần gũi, thân thương với bất cứ miền quê nào ở làng quê Bắc Bộ, tác giả dân gian đã sáng tạo câu chuyện thật cảm động về tình yêu của chàng trai cô gái trong Sự tích hoa cỏ may. Cô gái xinh đẹp, tiểu thư khuê các con nhà giàu có yêu tha thiết một chàng trai mồ côi nghèo khó, làm nghề đốn củi nhưng chăm chỉ, tốt bụng, thật thà. Bố mẹ cô gái không chấp thuận nên hai người phải đi thật xa, chấp nhận cuộc sống cơ cực để được sống bên nhau trọn đời. Nhìn người vợ từ một tiểu thư khuê các trở thành người đàn bà lam lũ, người chồng day dứt, tự dày vò rồi quyết chí ra đi làm giàu, hẹn với nàng một năm sau trở lại. Nhưng thời gian đằng đẵng trôi qua, không có một chút tin tức gì về người chồng. Nhớ nhung mòn mỏi, nàng quyết ra đi tìm chồng. Đi đến đâu, dù chân trời góc bể, nàng cũng hỏi về tung tích người chồng yêu quý nhưng chỉ nhận được những cái xua tay, lắc đầu. Một ngày mệt quá, nàng gục xuống và không bao giờ dậy được nữa, trong lòng vẫn da diết niềm hy vọng, mong chờ. Cảm kích trước tình yêu chung thủy của người vợ trẻ, Ngọc Hoàng đã biến nàng thành loài hoa cỏ. Chị gió tốt bụng đã đem loài hoa ấy đến khắp mọi nẻo đường. Người thiếu phụ hóa thân thành hoa cỏ, mỗi lần có khách qua đường, nàng vẫn cố níu bám vạt áo, quần của họ để hỏi thăm tin tức về chồng. Người đời gọi đó là loài hoa cỏ may, loài hoa đã trở thành nguồn thi hứng dồi dào của những hồn thơ hương đồng cỏ nội. Trí tưởng tượng của người nghệ sĩ dân gian thật tuyệt vời khi liên tưởng từ sự bám víu đến khó chịu của loài hoa cỏ may đối với bất cứ người khách qua đường nào đến niềm hy vọng, khắc khoải, thủy chung như nhất của người phụ nữ đáng thương trong truyện kể, đem lại cho người nghe một sự xúc động thấm thía.

       Truyện kể về Sự tích hoa sen và bướm (dân tộc Khmer) kể về mối lương duyên kì lạ giữa nàng tiên út con thần Pờ Rắc In và chàng trai mồ côi nghèo khổ, tốt bụng. Rất nhiều tình tiết được xây dựng với chức năng thể hiện sự khó khăn, ngáng trở tình yêu của hai người: chủ sóc muốn cướp nàng tiên út dù hắn đã có 4 người vợ, thần Pờ Rắc In trên trời báo nàng tiên hết hạn ở hạ giới. Luyến tiếc cuộc sống trần gian, nàng vùng chạy ra phía sau nhà. Chẳng may, trong lúc vội vã nàng vấp chân té xuống ao nước ở bìa rừng rồi chìm nghỉm. Tức thì một đóa sen hồng từ dưới đáy ao mọc lên, nở tròn và hương thơm toả ra bát ngát. Chàng trai thấy vợ chạy vụt đi, tưởng vợ bỏ mình về trời, vội vã đuổi theo. Chàng chạy gần đến bờ ao thì thần Pờ-rặc In đưa cây gậy cản chân chàng lại. Chàng trai vấp chân té sóng soài ra đất tắt thở. Thân xác chàng hóa thành một con bướm. Từ đó, ở trần gian có hoa sen và bướm. Từ hiện thực những con bướm luôn quấn quýt bên hoa trong các đầm sen, một không gian nghệ thuật đa chiều được hư cấu tài tình trong truyện kể để ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu.

    2. Truyện kể sự tích các loài hoa mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về tính phức diện trong tình yêu đôi lứa

         Không chỉ mang âm hưởng ngợi ca tình yêu chung thủy, truyện kể về sự tích các loài hoa còn thể hiện tư tưởng triết lý sâu sắc qua các bài học ứng xử, các trạng thái đa diện của tình yêu để người nghe suy nghĩ. Hoa ngọc lan hay hoàng lan với mùi thơm dịu dàng (một loại cây phổ biến ở vùng nhiệt đới Nam Á hay Đông Nam Á) luôn nở đan xen, gắn liền với cây hắc đàn đã được người nghệ sĩ dân gian sáng tạo nên truyện sự tích cây Hoa Lan kể về nhân vật người con gái vô cùng xinh đẹp mang tên Hoa Lan. Quá kiêu kì vì sắc đẹp của mình, nàng trở thành con người thờ ơ, độc ác khi dùng sắc đẹp của mình để đùa cợt, lợi dụng tình yêu chân thành, nồng thắm của 5 chàng trai yêu nàng tha thiết khiến 5 chàng đều thất vọng, đau đớn tìm đến kết cục bi đát cho cuộc đời mình. Sang thế giới bên kia, linh hồn của 5 chàng trai hợp lại xin với thần núi mong được trả thù cô gái kiêu ngạo. Thần đã giúp họ biến cô gái vốn kiêu ngạo, độc ác đó thành cô gái đa tình, yêu mê mệt một chàng trai gần nhà nhưng chàng trai này rất thờ ơ với Hoa Lan bởi chàng đã có người yêu khác. Nàng đau khổ, phát điên phát dại đến van xin thần núi Tản Viên giúp mình chiếm được trái tim chàng trai. Thần đã nghiêm khắc trách mắng nàng vì lỗi lầm của nàng đã quá lớn. Thất vọng vì biết không thể lay chuyển được thần núi chính trực, Hoa Lan đã bán linh hồn cho mụ yêu tinh mình người chân dê để mong vĩnh viễn sở hữu được tình yêu của chàng trai, để chàng trai không thể thuộc về một người đàn bà nào khác. Mụ yêu tinh chích máu nàng làm bùa mê chôn ở gốc cây. Một lần khi đang đi lang thang trong khu rừng hoang vắng, Hoa Lan tình cờ gặp người con trai mà nàng thầm yêu trộm nhớ nhưng chàng trai rùng mình rồi biến thành cây hắc đàn. Đúng như lời nguyền của mụ yêu tinh, chàng trai vĩnh viễn thuộc về nàng nhưng oái oăm thay lại trong hình hài cây hắc đàn. Hoa Lan đau khổ, quỳ dưới gốc cây hắc đàn, khóc than thảm thiết xin chàng tha thứ. Nhưng cây hắc đàn vẫn không rung động. Thấy thế, Hoa Lan càng khóc thảm thiết. Tiếng khóc của nàng yếu dần, cho đến khi nàng gục chết dưới gốc cây hắc đàn. Cánh tay mềm mại của nàng trở thành những cành lá vươn dài, ôm lấy cây hắc đàn như kêu cầu và hối hận… Đó là sự tích cây hoa lan mà ta thường thấy mọc rất nhiều bên những cây hắc đàn.(  )

      Việc sử dụng yếu tố kì ảo làm câu chuyện mang màu sắc liêu trai nhưng dường như không đơn giản là những câu chuyện cổ tích dân gian xa xưa, truyện Sự tích Hoa Lan mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về tình yêu, về tính kiêu căng, ích kỉ và sự trả giá tất yếu cho thói độc ác, mù quáng trong tình cảm lứa đôi. Câu chuyện hấp dẫn người nghe bởi các tình tiết được chồng lớp vừa hiện thực vừa kì ảo, nội dung và kết cấu khá độc đáo khi đặt trong hệ thống truyện cổ tích.

         Sự tích hoa trinh nữ là câu chuyện vô cùng sâu sắc kể về ba thế hệ đàn bà trong một gia đình mòn mỏi chờ đợi ba người đàn ông ra trận. Cô con gái thuộc thế hệ thứ ba yêu chàng trai hàng xóm và họ hứa hẹn đợi chờ nhau. Ngôi sao tốt đã chiếu mệnh chàng trên con đường công danh. Đấng quân vương thấy ở chàng một phẩm chất trung thành vô điều kiện của người hầu cận. Khi còn giặc giã, vua cần chàng đưa vồng ngực vạm vỡ ra che làn đạn giặc, còn khi hết giặc, vua càng cần chàng hơn, để giữ gìn quyền uy tối hậu. Chàng là lưỡi kiếm “trừng phạt” tuyệt hảo, sẵn sàng giáng xuống đầu bất kỳ ai, theo lệnh đấng quân vương. Mười bảy năm đằng đẵng đợi chờ nơi quê nhà, từ một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, nàng trở thành cô gái quá lứa lỡ thì. Bất chợt, một hôm chàng trai trở về với dáng phong trần, cái nhìn lạnh lẽo như ánh thép, duy chỉ có tình yêu với nàng thôn nữ hàng xóm xưa kia là vẫn vẹn nguyên. Mọi người đến chia vui, mở tiệc mừng. Trong bữa tiệc, khi rượu ngà ngà, chàng không biết nói chuyện gì ngoài chuyện chém giết. Chàng kể về những chiến công của mình, những bữa tiệc ngập máu người mà chàng có công đầu, cả chiếc đai vàng vua ban khi chàng có công đâm vào lưng người bạn bởi anh ta dũng cảm can ngăn đấng quân vương đừng giết một danh tướng tận tụy. Chàng không biết rằng nghe những câu chuyện ấy, vị hôn thê của chàng dàn dụa nước mắt, chân đứng không vững. Nàng hoang mang không biết người lính phong trần không bao giờ còn biết cười kia có phải chàng trai quê mười mấy năm về trước rụt rè ướm lời mong nàng chờ đợi khi anh trở về. Đêm tân hôn, nàng chỉ thấy người đàn ông vô cùng xa lạ, mùi máu tươi tanh lợm và tiếng kêu oán hờn đòi trả mạng chồng con của những người phụ nữ mất chồng. Nàng ôm mặt rú lên kinh hãi. Nàng muốn chồng mỉm cười để thấy lại chút ít hình bóng chàng trai trẻ xưa kia nhưng chàng không thể cười, không biết bắt đầu cười từ đâu. Khi con người muốn cười, tâm hồn người phải cười trước đã. Chàng tuyệt vọng kêu lên: sao em chờ đợi ta cả đời mà lại từ chối ta? Em ghê tởm ta ư? Rồi chàng xách kiếm bỏ đi biệt xứ. Chỉ còn lại nơi quê nhà người trinh nữ lỡ thì. Nàng sống âm thầm như cái bóng mà không một lần nghĩ đến chuyện tự giải thoát bằng cái chết. Nhưng cái tật hễ có tiếng chân hay tiếng động mạnh là đưa tay lên ôm mặt thì nàng không sao bỏ được. Rồi nàng chết mà hai tay vẫn che mặt, người khâm liệm nắn thế nào cũng không bỏ ra.
Vài ngày sau, trên mộ nàng rùm roà mọc một loài cây thấp lòa xòa mang hình tròn tim tím buồn man mác. Mỗi khi có chân bước qua hay va chạm mạnh, những chiếc lá lăn tăn lại giật mình khép lại, xuôi xuống như bàn tay ai che mặt.

Từ đặc điểm sinh học của loại cây thân nhỏ, mọc thành bụi, lòa xòa trên mặt đất, khi có một động chạm nhẹ, dù là chỉ bằng âm thanh thì lá cây vội cụp xẹp lại, người đời đặt cho nó một tên rất hay là cây hoa trinh nữ hoặc cây xấu hổ. Có nhiều người thích đùa nếu gặp chúng ven đường thường đến gần bên loài cây ấy mà kêu to lên rằng: “Tôi yêu cô” và họ đã rất thích thú khi cây đó vội vàng cụp tán lá lại như e thẹn. Ai đó đã sáng tạo nên câu chuyện rất tuyệt vời, mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về tình yêu và lòng nhân hậu như ở câu chuyện sự tích này?. Truyện kể mang đến một thông điệp về việc con người nếu đánh mất mình, tha hóa với chính mình trong lý tưởng sống, trong nhân cách thì tình yêu đôi lứa dù quá khứ có đẹp đẽ, nồng thắm bao nhiêu thì người trong cuộc cũng trở nên vô cùng xa lạ với một nửa tưởng như đã vĩnh viễn thuộc về mình. Đánh mất mình thì đánh mất luôn cả tình yêu đích thực đáng quý nhất trong cuộc đời.

3. Truyện kể về sự tích các loài hoa mang thông điệp giáo dục tình cảm gia đình, cộng đồng làng xóm

        Không phải ngẫu nhiên mà nhóm truyện sự tích các loài hoa trên thế giới và Việt Nam lại được nhiều thế hệ truyền kể, được các nhà văn thế hệ sau dựa vào để phóng tác nên các tác phẩm tuyệt vời mà trẻ em vô cùng yêu thích. Những bài học đạo đức giàu ý nghĩa giáo dục tình mẫu tử, tình cảm thày trò , tình yêu thương quê hương, đồng loại được lồng ghép tài tình qua các hình tượng nghệ thuật sinh động, đầy sức hấp dẫn. Tình mẫu tử thiêng liêng được thể hiện qua hàng loạt truyện như Sự tích hoa cúc trắng, Sự tích hoa dạ hương, Sự tích hoa thủy tiên, Sự tích hoa mẫu đơn. Cô bé xinh đẹp trong câu chuyện Sự tích hoa Dạ hương lại phụ nghĩa người mẹ nghèo đã hết lòng yêu thương và nuôi dưỡng mình. Cô kiêu căng, lười nhác, suốt ngày chỉ soi gương, chải tóc để làm đẹp. Chỉ đến khi người mẹ già yếu đã qua đời, không ai chăm sóc, cô mới hiểu rằng : Sắc đẹp của cô có được là nhờ sự chăm chút và tình yêu thương của người mẹ già. Cô ân hận khóc thương mẹ mãi, nhưng mẹ đâu còn. Có lẽ, tấm lòng thương mẹ muộn màng của cô đã khiến cô hoá thân thành cây hoa Dạ hương, chỉ thơm ngát vào lúc đêm khuya thanh vắng. Qua những yếu tố hoang đường và tình tiết ly kỳ, câu chuyện mang đến cho chúng ta một ý nghĩa răn dạy sâu sắc.

        Sự tích hoa mẫu đơn kể về người mẹ có mười người con trai. Người con trai cả là chủ tướng của một đội quân đã làm cho bọn giặc thất điên bát đảo. Chúng bắt người mẹ, dùng khổ nhục kế để buộc người mẹ gọi các con và các chiến binh ra hàng. Chúng đưa người mẹ lên đồi, tiếng người mẹ vang lên đanh thép: “Ta nhân danh người mẹ, ra lệnh cho các con không được vì ta mà phản bội quê hương”. Bọn giặc tức giận, tẩm nhựa thông thiêu đốt người mẹ. Khi bọn giặc đi rồi, dân làng lên đồi tìm chỗ bà mẹ bị hành hình, người ta thấy trái tim của người mẹ vẫn nguyên vẹn và nóng bỏng. Dân làng chôn mẹ ngay trên đỉnh đồi. Đêm đêm, từ ngôi mộ, trái tim mẹ vẫn phát sáng cả một vùng trời. Ở đó mọc lên một loài hoa lạ, người ta gọi là hoa mẫu đơn

      Sự tích hoa cúc lại nói về tấm lòng hiếu thảo của cô bé nọ. Mẹ ốm, cô bé đi mời thầy thuốc cho mẹ. Cô gặp một cụ già mách cho phương thuốc cứu sống mẹ. Đó là một bông hoa trắng trong rừng mà phải vượt qua bao gian nan mới có thể hái được. Hái được hoa rồi nhưng mỗi cánh hoa chỉ cứu được một ngày sống của mẹ. Cô bé đã xé các cánh hoa thành muôn vàn cánh nhỏ để mẹ sống mãi bên cô. Hoa cúc có nhiều cánh nhỏ li ty cũng vì lý do ấy. Cách lý giải thật hồn nhiên của nghệ thuật dân gian.

        Sự tích hoa thủy tiên nằm trong kiểu truyện người em quen thuộc của truyện cổ tích thần kì. Người cha trước khi mất đã trối trăng là gia tài phải được chia đều cho 4 người con nhưng ba người anh tham lam, chiếm hết phần tốt, chỉ chia cho người em út mảnh đất nhỏ cằn cỗi. Với bản tính hiền lành, chăm chỉ lại nhờ được sự chỉ dẫn của bà tiên tốt bụng, mảnh vườn của người em út đã trở thành kho báu khi cứ mùa xuân về, những bông hoa thủy tiên trắng muốt, hương thơm ngát. Người em trở nên giàu có, hạnh phúc đúng như cách kết thúc có hậu của các câu chuyện cổ tích thần kì.

    Đặc biệt khá nhiều truyện nêu lên bài học quý giá về lòng nhân ái, sự dũng cảm, đức hy sinh cao cả của các nhân vật chính đối với đồng loại.  Cô bé trong truyện Sự tích hoa mai vàng giàu lòng yêu thương và dũng cảm. Cô yêu bố mẹ, yêu chị, yêu dân làng… Theo gương người cha tài giỏi, cô đã mặc áo màu vàng cùng cha đi giết thú dữ, quái vật để giúp dân trong vùng. Không những thế, khi cha ốm, cô còn nhận lời đi giết quái vật giúp dân ở “vùng trong”, theo thỉnh cầu của họ. Diệt được quái vật, nhưng cô bé đã dũng cảm hy sinh, để lại bao tiếc thương cho mọi người. Trời thương cô bé tốt bụng nên hằng năm, vào ngày cuối năm, đầu xuân, cô gái nhỏ áo vàng được phép sống lại chín ngày ở với cha mẹ, với bà con vùng trong. Sau này, Cô hoá thành một cây hoa ngay ở ngôi đền bà con đã dựng lên để thờ cô. Cây hoa ấy ngày nay ta gọi là cây Mai Vàng. Ngày Tết ở miền Trung và Nam Bộ, bà con thường mua một cành mai vàng về cắm trên bàn thờ ông bà. Họ tin rằng, có cành mai vàng vừa đẹp nhà vừa vui Tết lại vừa có thể xua đuổi được hết các loài ma quái trong suốt cả năm.
      Lòng vị tha, đức hy sinh vì đồng loại được gửi gắm vào hàng loạt truyện Sự tích hoa hồng, Sự tích hoa sen, Sự tích hoa mào gà. Dị bản khác của Sự tích hoa sen kể về một hạt giống do chậm chân mà không tìm được nơi trú ngụ. Nhờ tình thương bao la của hồ nước, nó đã thành những đài hoa ngũ sắc có hương thơm ngào ngạt. Thế mà hoa lại sẵn sàng cho đi màu sắc óng ánh của mình để giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn. Và rồi cuối cùng lòng nhân ái của nó lại được đền đáp. Hoa sen trở thành loài hoa biểu tượng cho sự thanh cao với màu phấn hồng tuyệt đẹp trên mỗi cánh sen Câu chuyện chính là thông điệp của những trái tim nhân ái -“Chúng ta hãy thương yêu nhau. Hạnh phúc chỉ đến với ta khi ta biết yêu thương và chia sẻ cho nhau tình thương đó…”

     Điểm lại một số truyện kể về sự tích các loài hoa – một trong rất nhiều chủ đề khác nhau thuộc nhóm truyện kể về sự tích muôn loài, chúng tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú bởi những liên tưởng nghệ thuật độc đáo, hiện thực và hư cấu được kết hợp hài hòa, tính tương đồng nhân loại và đặc trưng dân tộc trong các dị bản được biểu hiện khá rõ nét. Điều quan trọng hơn cả là những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ đã giúp tác giả dân gian chuyển tải các bài học mang ý nghĩa nhân sinh bổ ích, sâu sắc. Tiếp nối nguồn mạch văn học dân gian, các nhà văn, nhà thơ nhiều thế hệ đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm hay, giàu ý nghĩa cho bạn đọc lớn tuổi và nhỏ tuổi. “Trong mỗi câu chuyện cổ tích đều có hai truyện cổ tích, một dành cho trẻ em và một dành cho người lớn” Cần có những công trình tuyển chọn, nghiên cứu các nhóm truyện kể về sự tích nhiều hơn nữa để những tác phẩm hay được lan tỏa vẻ đẹp đích thực của nó.

———————————————–

1. M. E. Meletínki Thi pháp của huyền thoại. Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004.
2. Nhiều tác giả, Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com