QUYỂN 61BÁ DI LIỆT TRUYỆN
Phàm kẻ học phải kể cứu thư tịch rộng khắp, lại cần khảo tìm chứng cứ trong Lục nghệ*. Thi, Thư tuy tàn khuyết, nhưng vẫn có thể biết qua di văn của thời Ngu thời Hạ. Nghiêu sắp thoái vị, nhường ngôi cho Ngu Thuấn, từ Thuấn đến Vũ, quan Tứ nhạc và Thập nhị mục* đều tiến cử người, bèn cho thử thách, tạm giao chức vụ trong mấy chục năm, có công tích mới trao thực quyền, để tỏ rõ rằng thiên hạ là hệ trọng, vương giả là ngôi tôn quý, truyền thiên hạ là việc khó khăn đến thế đó. Nhưng có thuyết cho rằng Nghiêu nhường thiên hạ cho Hứa Do, Hứa Do không nhận, còn cảm thấy xấu hổ mà trốn đi ở ẩn. Đến thời Hạ lại có thêm Biện Tùy và Vụ Quang. Điều này giải thích sao đây?
Thái sử công bàn rằng: Ta lên Ky Sơn, đại để trên đó có mộ Hứa Do. Khổng tử phân hàng chia thứ những bậc nhân – thánh – hiền thời cổ như Ngô Thái Bá, Bá Di rất ư tường tận. Theo những điều ta được nghe thì Hứa Do, Vụ Quang là những người vô cùng nghĩa khí, nhưng ghi chép về họ thì lại quá ư ít ỏi, ấy là vì sao?
Khổng tử nói: “Bá Di, Thúc Tề không nhớ đến thù cũ, niềm oán hận cũng ít. Cầu nhân được nhân, còn oán gì nữa?” Ta buồn về cách nghĩ của Bá Di, xem các bài thơ còn lại của ông cũng lấy làm lạ thay. Lời truyền về ông như sau:
Bá Di, Thúc Tề là hai trong số các con trai của vua Cô Trúc. Cha muốn lập Thúc Tề lên thay, đến khi cha chết, Thúc Tề nhường cho Bá Di. Bá Di nói: ‘Đó là lệnh của cha vậy.’ Thế rồi bỏ đi. Thúc Tề cũng không chịu lên ngôi mà bỏ đi theo. Bách tính trong nước lập người con giữa lên ngôi. Thế rồi Bá Di và Thúc Tề nghe nói Tây bá là Xương khéo chăm sóc người già, bèn đi đến đó. Tới nơi, Tây bá đã chết, Vũ vương nâng thần chủ của cha, tôn thụy hiệu là Văn vương, rồi tiến về đông đánh vua Trụ. Bá Di, Thúc Tề khấu đầu trước ngựa can rằng: “Cha chết chưa chôn đã động can qua, có gọi là hiếu chăng? Bề tội giết vua, có gọi là nhân chăng?” Tả hữu chực đâm hai ông. Thái công* nói: “Đây là những người có nghĩa vậy” bèn đỡ dậy đưa đi. Vũ vương dẹp được loạn nhà Ân, thiên hạ quy thuận nhà Chu, còn Bá Di và Thúc Tề xấu hổ về việc đó, vì nghĩa không ăn thóc gạo nhà Chu, ẩn cư ở núi Thú Dương, hái rau vi* mà ăn. Tới khi đói sắp chết có làm bài ca, lời rằng:
Đăng bỉ Tây sơn hề, thái kỳ vị hĩ.
Dĩ bạo dịch bạo hề, bất tri kỳ phi hĩ.
Thần Nông, Ngu, Hạ hốt yên một hè, ngã an đích quy hĩ?
Vu ta tồ hề, mệnh chi suy hĩ!
(Lên non Tây kia chừ, hái ngọn rau vi.
Lấy bạo thay bạo chừ, chẳng biết rằng sai.
Thần Nông, Ngu, Hạ thoắt đã qua chừ, ta biết về đâu?
Hỡi ôi chết chừ, mệnh đã suy rồi).
Thế rồi chết đói trên núi Thú Dương.
Từ đó mà xét, phỏng oán hay chăng?
Có người nói: “Đạo trời không thiên vị ai, thường dành cho bậc thiện nhân.” Như Bá Di, Thúc Tề, có thể gọi là thiện nhân hay không? Tích chứa điều nhân, đức hạnh thuần khiết đến thế mà chết đói! Và trong số 70 học trò*, Trọng Ni* chỉ coi Nhan Uyên*là người hiếu học. Nhưng Nhan Hồi nghèo khó, tấm mẳn không đủ no, rốt cuộc cũng chết yểu. Trời báo đáp cho bậc thiện nhân như thế ư? Hằng ngày Đạo Chích* giết kẻ vô tội, róc thịt người, tàn bạo vô chừng, tụ tập bè đảng mấy ngàn người, hoành hành khắp chốn trong thiên hạ, rốt cuộc lại sống thọ. Thế là noi theo cải đức gì vậy? Đó là những trường hợp rất tiêu biểu dễ thấy vậy. Đến như gần đây, những kẻ làm điều vô phép, phạm việc cấm kỵ mà cả đời thảnh thơi an lạc, giàu có nối đời không dứt. Hoặc có người chọn chỗ [chính đáng] mà đứng chân, lựa lúc [thích hợp] mới mở miệng, không đi theo lối tắt, không phải việc công chính thì không gắng sức làm, thế mà gặp tai họa, nhiều không sao kể xiết. Ta rất mực hoài nghi, cái gọi là đạo trời, thực có hay không?
Khổng tử nói: “Đạo không tương đồng thì chẳng thể cùng mưu tính”, mỗi người đều có chí hướng riêng. Nên mới nói: “Giàu sang mà có thể cầu được, tuy chỉ làm kẻ cầm roi ngựa, ta cũng làm. Còn không thể cầu được, thì ta theo cái mình thích.” “Năm lạnh, sau mới hay cây tùng cây bách điêu tàn cuối cùng.” Đời thảy ô trọc, mới thấy được kẻ sĩ thanh cao. Há vì có người coi trọng phú quý mới thấy kẻ xem nhẹ giàu sang ư?
“Người quân tử hận rằng sau khi chết mà danh tiếng không được xưng tụng.” Giả tử* nói: “Người nghèo tham lam chết vì của, kẻ sĩ cương liệt chết vì danh, kẻ chuộng hư vinh chết vì quyền, chúng dân thì tranh đấu vì cuộc sống.” “Cùng sáng thì phản chiếu nhau, cùng loại thì tìm đến nhau.” “Mây theo rồng, gió theo hổ, thánh nhân chế định khuôn phép mà muôn vật hiện rõ.” Bá Di và Thúc Tề tuy là người hiền, được phu tử xưng tụng nên danh tiếng càng tỏ rạng. Nhan Uyên dù ham học, được theo đuôi ngựa ký* mà đức hạnh càng thêm rạng rỡ. Kẻ sĩ ẩn cư nơi hang núi, tuy xuất-xử hợp thời như thế, nhưng tên tuổi mai một không ai biết tới, buồn thay! Những người ở xóm làng, muốn rèn đức lập danh, không theo kẻ sĩ hiển đạt, sao có thể vang danh hậu thế?
Nguồn: dtv-ebook.com