Sự Kiến Tạo Xã Hội Về Thực Tại – Khảo Luận Về Xã Hội Học Nhận Thức – Peter L. Berger & Thomas Luckmann

white noise for sleeping link
shopee-sale

Tập sách bao gồm ba phần, trong đó luận điểm then chốt của hai tác giả nằm trong phần 2 và phần 3. Ở phần nhập đề (Vấn đề của môn xã hội học nhận thức), hai tác giả đã điểm qua lịch sử hình thành môn xã hội học nhận thức để định vị cách hiểu và lối tiếp cận của mình, đặc biệt là để định nghĩa lại đối tượng của bộ môn này. Phần 1 (Những nền tảng của sự nhận thức trong đời sống thường nhật) đề cập tới những đặc trưng của đời sống thường nhật, cách lãnh hội của cá nhân đối với đời sống thường nhật, và kiến thức trong đời sống thường nhật, trong đó phương tiện quan trọng nhất để có được thứ “kiến thức đời thường” này chính là ngôn ngữ. Phần 2 (Xã hội xét như là thực tại khách quan) đề cập tới các nội dung của quá trình định chế hóa và của quá trình chính đáng hóa đối với các trật tự định chế; đây là phần mà hai tác giả trình bày “quan niệm căn bản” của mình “về các vấn đề của bộ môn xã hội học nhận thức”. Phần 3 (Xã hội xét như là thực tại chủ quan) bàn đến quá trình xã hội hóa, trong đó đặc biệt đi sâu vào những nội dung như tiến trình nội tâm hóa và tiến trình hình thành căn cước của cá nhân; đây là phần mà hai tác giả “ứng dụng” quan niệm xã hội học nhận thức của mình “vào bình diện ý thức chủ quan, và từ đó xây dựng một chiếc cầu lý thuyết nối đến các vấn đề của ngành tâm lý học xã hội”. Phần kết luận (Xã hội học nhận thức và lý thuyết xã hội học) bàn về tầm quan trọng của môn xã hội học nhận thức đối với lý thuyết xã hội học xét một cách tổng quát.

Có một điểm hết sức mấu chốt mà độc giả cần lưu ý để tránh ngộ nhận về mối quan hệ lô-gíc giữa phần 2 với phần 3: “xã hội xét như là thực tại khách quan” (phần 2), và “xã hội xét như là thực tại chủ quan” (phần 3). Đây không phải là hai thực tại khác nhau, mà là hai mặt của cùng một thực tại, xét dưới hai góc nhìn khác nhau. Nhằm tìm hiểu đặc trưng của mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, hai tác giả đã đi theo một lối tiếp cận độc đáo xuất phát từ cả quan điểm của Durkheim lẫn quan điểm của Weber để có thể giải thích được “tính chất lưỡng diện của xã hội xét về mặt kiện tính khách quan và về mặt ý nghĩa chủ quan” (tr. 33). Trong lúc Durkheim chú trọng “mặt kiện tính khách quan” của xã hội (coi “các sự kiện xã hội như những đồ vật”), thì Weber nhấn mạnh đến “mặt ý nghĩa chủ quan” của hành động con người trong xã hội. Theo Berger và Luckmann, hai quan điểm này không hề đối lập nhau, mà chỉ là hai góc nhìn chú ý đến hai mặt khác nhau của thực tại xã hội. Từ đó, hai tác giả đặt ra câu hỏi nghiên cứu sau đây: “Làm thế nào mà những ý nghĩa chủ quan […] có thể trở thành những kiện tính khách quan?”. Hay nói khác đi, “làm thế nào hoạt động của con người lại có thể sản xuất ra được một thế giới đồ vật?” (tr. 33, chỗ nhấn mạnh là do hai tác giả). Theo hai tác giả, đây không chỉ là câu hỏi của môn xã hội học nhận thức, mà cũng chính là “câu hỏi trung tâm của lý thuyết xã hội học” mà công trình này phải trả lời.

Một cách ngắn gọn, có thể nói rằng mục tiêu của toàn bộ công trình này của Berger và Luckmann là “truy tìm cách thức mà thực tại [xã hội] được kiến tạo nên” (tr. 33). Ở đây, chúng tôi thiết tưởng cần nói thêm về ý nghĩa của cái tựa của công trình này (“sự kiến tạo xã hội về thực tại” – the social construction of reality), và về cụm từ then chốt mà hai tác giả thường nhắc đi nhắc lại, đó là “được kiến tạo về mặt xã hội” (socially constructed)[9]. Sở dĩ hai ông nói rằng thực tại “được kiến tạo về mặt xã hội” chứ không nói “bởi xã hội” (by the society), đó là vì ba lý do sau đây, theo cách hiểu của chúng tôi. Trước hết, cụm từ này có nghĩa là thực tại luôn được kiến tạo bởi những nhóm xã hội nhất định, những cộng đồng hay tập thể nào đó, chứ không phải bởi toàn bộ xã hội nói chung; vả lại, nếu nói “bởi xã hội”, người nghe sẽ dễ bị rơi vào ngộ nhận cho rằng “xã hội” là một thực thể thuần nhất và biệt lập, nằm bên ngoài và bên trên con người cá nhân. Kế đến, nói rằng thực tại được kiến tạo “về mặt xã hội” thì có nghĩa là muốn nhấn mạnh đến khía cạnh hành động, khía cạnh tiến trình của sự kiến tạo, chứ không chỉ nói về kết quả của sự kiến tạo ấy. Và thứ ba, ý tưởng mấu chốt ở đây là sự kiến tạo ấy luôn luôn diễn ra trong sự tương giao xã hội giữa con người với nhau. Nhân tiện đây, chúng ta có thể lưu ý là trong toàn bộ công trình này, Berger và Luckmann họa hoằn lắm mới sử dụng cụm từ “bởi xã hội” (chỉ có một lần, “by society”, ở trang 100 trong bản gốc[10]), còn ngoài ra luôn nói “về mặt xã hội” (socially), chẳng hạn: “được kiến tạo về mặt xã hội” (socially constructed), hoặc “được định đoạt về mặt xã hội” (socially determined). Lối nói này chắc hẳn bao hàm ý tưởng mà chúng tôi vừa nêu.

Ở phần 2, khi nói đến “xã hội xét như là thực tại khách quan”, hai tác giả đã phân tích những nguồn gốc sinh thành (genesis) của các thành tố của thực tại này (như các định chế, các vai trò, truyền thống, v.v.) vốn xuất phát từ các tiến trình khách thể hóa của ý thức chủ quan của các cá nhân trong một thế giới liên chủ thể (nói cách khác, thực tại khách quan là sản phẩm của sự khách thể hóa của những tiến trình chủ quan); thực tại xã hội ấy được các cá nhân coi là thực tại mang tính chất khách quan (họ lãnh hội nó như cái gì có thực, tự nó hiển nhiên, nằm bên ngoài ý thức của mình). Còn khi đề cập tới “xã hội xét như là thực tại chủ quan” (phần 3), hai tác giả đi vào phân tích những tiến trình nội tâm hóa cái thực tại khách quan ấy nơi ý thức cá nhân, tức là tiến trình biến những ý nghĩa đã-được-khách-thể-hóa về mặt xã hội thành ý nghĩa của cuộc đời của chính mình; và đây cũng chính là những tiến trình xã hội hóa của từng cá nhân.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com