Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam

white noise for sleeping link
shopee-sale

Khi nghe Thomas A. Bass, một tác giả và giáo sư văn chương ở New York, kể rằng cuốn sách của ông về Phạm Xuân Ẩn đang được dịch để xuất bản tại Việt Nam, thú thật tôi đã không chú ý lắm. Lại một cuốn nữa ư? Trong khoảng mười năm gần đây, sách báo, tài liệu, phim ảnh về nhà tình báo tài ba của Việt Nam, một “điệp viên hoàn hảo” như nhan đề một cuốn sách cũng của một giáo sư Mỹ, liên tục ra đời và chỉ khác nhau ở chỗ ngày càng rầm rộ hơn, hoành tráng hơn, thậm chí cũng giật gân hơn, có lẽ để làm ông còn hoàn hảo hơn. Song ở đất nước lạm phát cả kẻ thù lẫn anh hùng này, cách chắc chắn nhất để triệt hạ sức hấp dẫn của một nhân vật là bắc loa phóng thanh ca ngợi người đó từ sáng đến tối. Nếu cứ tiếp tục như thế, một lúc nào đó tác phẩm duy nhất còn thiếu về Phạm Xuân Ẩn sẽ là cuốn Giết một anh hùng như thế nào.

Khi được nghe kể tiếp là cuốn sách của Thomas A. Bass gặp rắc rối với kiểm duyệt, tôi thầm nghĩ, một học giả phương Tây định in sách ở Việt Nam, dù chỉ viết, chẳng hạn, về trang phục trên đầu người Việt, khăn, lá, mũ, nón, cũng phải chuẩn bị tinh thần chơi mèo vờn chuột với kiểm duyệt. Chuyện đó ông phải hiểu. Mà trái khoáy nhất là trí thức phương Tây càng thiên tả, thậm chí thân cộng hay cộng sản nòi, càng bị xét nét. Chắc ông cũng biết chuyện những trí thức Pháp và Đức từng đi theo Việt Minh đều lần lượt nếm mùi nghi kị của Việt Minh; đến tờ tạp chí văn hóa của Đảng Cộng sản Pháp Les Lettres françaises một thời còn bị ngờ là “thế lực phản động”, có lẽ lỗi của nó là hay hơn mức các cán bộ văn hóa Việt Nam cho phép. Tôi rất hay tự hỏi, điều gì sẽ còn lại dai dẳng nhất, sau khi tất cả những giáo điều cộng sản, những u mê, ấu trĩ và cuồng tín, những thói quen, nếp hằn và thông lệ khủng khiếp của chế độ ấy qua đi. Có lẽ là sự nghi kị, ngờ vực đó. Chúng ta chỉ còn cách kiên nhẫn. Tôi rộng rãi cho nó một lịch trình ít nhất là một nửa thế kỉ.

Thomas A. Bass có vẻ không muốn đợi lâu đến thế. Khi tôi gần như đã quên hẳn câu chuyện còn bỏ dở, ông thông báo, đầy buồn phiền, rằng cuốn sách của ông bị kiểm duyệt tệ hại và ngỏ ý xem tôi có thể giúp được gì không. Tôi rất sẵn lòng viết thư cho nhà xuất bản của ông ở Việt Nam, Nhã Nam, hỏi han, chuyển sự buồn phiền từ New York qua ngả Berlin về Hà Nội, hi vọng, ấn tượng của cá nhân tôi về công ti xuất bản này là rất dễ chịu. Tôi an ủi ông rằng Nhã Nam là một lựa chọn tốt. Nếu có thể, họ đã in cuốn sách của ông không sót một dấu phẩy và còn cộng thêm một dấu chấm than tán dương. Song kiểm duyệt là môn thể thao tinh thần ở những quốc gia hậu cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, nó đòi hỏi một tinh thần “thượng võ” có thể gọi là mỉa mai, nhưng cũng có thể gọi là thuần túy thực dụng. Tác giả của Deng Xiaoping and the Transformation of China , ông Ezra Vogel, một giáo sư Harvard, cho rằng bản dịch tác phẩm của ông ở Trung Quốc giữ được 90% thì vẫn hơn là 0%, nếu nó không được xuất bản. Nó đã được xuất bản, và bán được gần 700.000 cuốn. Bộ phim Tử địa Skyfall chấp nhận cắt phăng cảnh một nhân viên bảo vệ ở Thượng Hải bị bắn gục; Đặc vụ áo đen 3 chấp nhận hi sinh cảnh toàn bộ nhân viên một nhà hàng Tàu là bọn giặc ngoài hành tinh. Bù lại bằng thị phần của Hollywood ở Trung Quốc, những tổn thất đó xem ra rất nhỏ. Vấn đề là sức chịu đau của từng người. Tôi chịu đau kém, nói đúng ra là không thể chịu nổi dù chỉ một nhát cắt, nên việc xuất bản ở Việt Nam là không đặt ra, trừ khi đã tự xử lí mình trước để tránh tay người ngoài.

Nhưng Thomas A. Bass còn vượt xa tôi. Chỉ cần nhìn thấy cái kéo kiểm duyệt là ông đã rên rỉ. Tiếng la của ông khiến tôi tò mò và bắt đầu đọc.

The Spy Who Loved Us. The Vietnam War and Pham Xuan An’s Dangerous Game quả nhiên là một cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn. Với tất cả thiện cảm dành cho cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt và sự ngưỡng mộ không che giấu cho nhà tình báo vĩ đại, Thomas A. Bass quan tâm đến con người Phạm Xuân Ẩn đằng sau anh hùng Phạm Xuân Ẩn, đến những bí ẩn của một nhân cách đa diện đằng sau những bí mật của một cuộc đời hai mặt, đến những xung đột nghiêm trọng đằng sau trò chơi hai mang, đến những hoàn cảnh và số phận người Việt đằng sau các bản tin thời sự, đến những câu hỏi sẽ ám ảnh thời hậu chiến ngay đằng sau những sự kiện còn nóng hổi của Chiến tranh Việt Nam, đến điều chưa và không thể nói ra đằng sau những phát ngôn chính thức, đến sự thật khó khăn đằng sau những lớp hỏa mù dày đặc. Ông vẽ chân dung của một điệp viên không hoàn hảo trong một thời đại đầy lỗi lầm. Đôi khi tôi có cảm giác, tác giả không mong gì hơn là Phạm Xuân Ẩn chỉ là một nhân vật tiểu thuyết và Chiến tranh Việt Nam chỉ là một hư cấu. Nhưng cả hai đều thuộc chắc nịch vào hiện thực, một hiện thực kéo dài mà đến lượt mình, tác giả của cuốn sách cũng bị cuốn vào và cuối cùng ông đã chấp nhận kiểm duyệt để điệp viên của mình trong vai “kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” được ra mắt tại Việt Nam tháng Ba năm nay. Bù lại là một thương lượng làm giàu cho chúng ta, người đọc, người chứng kiến bước chuyển, dù quá chậm, quá gian nan, của Việt Nam về hướng cởi mở hơn, tự do hơn, đỡ ngại ngần ngờ vực nghi kị hơn. Nhã Nam đồng ý để tác giả công bố bản dịch trọn vẹn, không kiểm duyệt, trên mạng, sau sáu tháng phát hành bản bị kiểm duyệt tại Việt Nam.

Pro&contra sẽ lần lượt đăng tải phần so sánh những chỗ bị kiểm duyệt và phần hiệu đính, cũng như toàn bộ bản dịch đã được khôi phục và bổ sung. Và cùng với nó là những ghi chép của Thomas A. Bass về câu chuyện xuất bản cuốn sách của ông ở Việt Nam, “ghi lại công việc của các nhà kiểm duyệt, ghi lại những ưu tư và lo lắng của họ”, như “một cái máy đo địa chấn văn học”. Như chương vĩ thanh, nếu một ngày Điệp viên yêu chúng ta được xuất bản tại Việt Nam, nguyên vẹn.

Phạm Thị Hoài

Đó là những ngày đen tối ở Việt Nam, khi các nhà văn, nhà báo, các blogger, và tất cả những người dám chỉ trích nhà cầm quyền đều bị tuyên án tù nhiều năm. Thời nở rộ ngắn ngủi của văn học Việt Nam, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, giai đoạn được gọi là Đổi Mới đã qua từ lâu. Sau hai mươi năm bút đỏ và nhà tù, các nhà kiểm duyệt đã xóa sổ cả một thế hệ nhà văn Việt Nam, đẩy họ vào cõi im lặng hay chốn lưu vong.

Chính tôi đã phải chiến đấu suốt năm năm qua với các nhà kiểm duyệt Việt Nam, vì họ đã tìm cách cắt xén, viết lại, và sau đó ngăn chặn việc xuất bản bản dịch tiếng Việt cuốn The Spy Who Loved Us (2009), một trong những tác phẩm của tôi. Như bài báo trên New Yorker xuất bản năm 2005 đã nói, cuốn sách kể về Phạm Xuân Ẩn, một nhà báo của miền Nam Việt Nam, và là một điệp viên cộng sản hoạt động rất hiệu quả trong một thời gian dài, từ những năm 1940 cho đến khi ông qua đời năm 2006 khiến ông trở thành một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Học ngành báo chí ở Mĩ và dùng nghề viết báo làm vỏ bọc, ông trở thành phóng viên của tờ Time trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam và đã từng giữ chức trưởng văn phòng đại diện của tờ báo này ở Sài Gòn một thời gian ngắn. Được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ chiến trường, đi theo các cuộc hành quân, và phân tích tin tức chính trị và quân sự, ông đã chuyển cho quân đội Bắc Việt những thông tin cực kì quí giá.

Sau chiến tranh, những người cộng sản chiến thắng đã phong ông là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và đưa ông vào hàng tướng lĩnh. Ông trở thành đề tài cho các nhà viết tiểu sử, và sự thực là, sáu cuốn tiểu sử đã được xuất bản, trong đó có một cuốn viết bằng tiếng Anh, của nhà sử học Larry Berman ở Georgia State University. Cuốn sách nhan đề Perfect Spy (2007) miêu tả Phạm Xuân Ẩn là một người yêu nước, một nhà phân tích chiến lược, người đã quan sát cuộc chiến tranh từ xa, cho đến khi ông nghỉ hưu và dành thời giờ tiếp đón những nhân vật nổi danh, từ Morley Safer đến Daniel Ellsberg.

Tác phẩm của tôi về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thì phiền hà hơn. Tôi đã đi đến kết luận rằng người đàm đạo tuyệt vời này đã tạo ra một vỏ bọc thứ hai là điệp viên. Tự xưng là một người bạn của phương Tây, một người đàn ông trung thực, không bao giờ nói dối (mặc dù cả cuộc đời ông là một sự lừa gạt), Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho ngành tình báo quân sự Việt Nam, không chỉ trong Chiến tranh Việt Nam, mà còn kéo dài suốt ba mươi năm sau chiến tranh. Đồng thời, những kẻ môi giới quyền lực của miền Bắc cũng không tin ông, một người cực kì thông thái xuất thân từ miền Nam, vì ông đã thẳng thắn tấn công vào sự tham nhũng và thiếu năng lực của chính quyền cộng sản Việt Nam. Ông bị đố kị, chậm thăng chức trong quân đội và nhiều năm trời bị cảnh sát theo dõi. Ban đầu, có thể chính phủ Việt Nam đã hài lòng trước triển vọng xuất bản không chỉ một mà hai cuốn sách do các tác giả Mỹ viết về người “Điệp viên hoàn hảo” của họ, nhưng càng đọc cách diễn giải của tôi về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thì các nhà kiểm duyệt càng lo lắng, và cuốn sách càng phải bị cắt bỏ và viết lại, nếu muốn có giấy phép xuất bản.

Sau nhiều lần từ chối những đề nghị của một số nhà xuất bản về việc dịch cuốn sách của tôi, trong đó có Nhà Xuất bản Công an Nhân dân (một cơ quan của Bộ Công an Việt Nam) và Nhà Xuất bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (một trong những cơ quan kiểm duyệt lớn nhất cả nước), tháng 7 năm 2009 tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam, một nhà xuất bản có uy tín; Jack Kerouac và Annie Proulx, Umberto Eco và Haruki Murakami nằm trong danh sách các tác giả đã được nhà xuất bản này dịch. Nhã Nam là một nhà xuất bản độc lập, một trong số ít nhà xuất bản tại Việt Nam không liên kết với các bộ hoặc cơ quan kiểm duyệt nhà nước nào. Nhã Nam đôi khi bị phạt vì xuất bản những cuốn sách “nhạy cảm”, và sách của họ có lúc bị thu hồi và đem cán thành giấy vụn. Sau này tôi mới biết rằng danh nghĩa độc lập của Nhã Nam không đảm bảo được cho sự độc lập của nó, nhưng phải ghi nhận là công ty này đã thông báo cho tôi về mọi hành động kiểm duyệt tác phẩm The Spy Who Loved Us trong suốt năm năm qua.

Nhiều tác giả không để ý đến những bản dịch tác phẩm của họ. Họ ủy cho những người đại diện bán quyền xuất bản và sau đó hầu như không buồn liếc qua khi bản dịch xuất hiện trong tiếng Đức hay tiếng Trung. Tôi có một kế hoạch khác đối với bản dịch tiếng Việt tác phẩm của mình. Tôi ngờ rằng nó sẽ bị kiểm duyệt và muốn theo dõi quá trình này. Tôi đã đề nghị đại diện của tôi đưa vào hợp đồng điều khoản nói rằng nếu chưa được tôi đồng ý thì cuốn sách sẽ không được xuất bản và phải thảo luận với tôi về những thay đổi đối với nội dung tác phẩm. Những điều khoản khác khiến cuốn sách này thành một cái gì đó tương tự như một cái máy đo địa chấn văn học. Tôi muốn nó ghi lại công việc của các nhà kiểm duyệt, ghi lại những ưu tư và lo lắng của họ, để cuối cùng tôi sẽ biết chính phủ Việt Nam lo ngại và muốn ngăn chặn điều gì.

Quá trình dịch tác phẩm của tôi sang tiếng Việt bắt đầu vào tháng 3 năm 2010, đấy là hôm tôi nhận được một email nói rằng: “Tôi là Nguyễn Việt Long của Công ty Nhã Nam, hiện đang hiệu đính bản dịch tác phẩm The Spy Who Loved Us. Tôi muốn trao đổi với ông về bản dịch.”

Ông Long bắt đầu bằng cách hỏi tôi có biết dấu chính xác ở tên người ông của Phạm Xuân Ẩn không. Tiếng Anh không có dấu, nhưng trong tiếng Việt thì dấu rất quan trọng, và tôi đánh giá cao sự quan tâm đến từng chi tiết của ông ta. Đáng tiếc là, phần còn lại của email lại có giọng điệu gây gổ hơn. “Ông có một số sai lầm,” ông ta viết, trước khi sửa chữa một loạt sai sót. Nhiều sai sót mà ông ta đưa ra thực ra không phải là sai sót, mà là cách lí giải hoặc đánh giá, hay là những vấn đề còn gây tranh cãi trong các tài liệu lịch sử. Đại loại cũng tương đương với kiểu “bình luận bóng chày chuyên sâu”, với những chi tiết rối mù, cốt để các học giả chỉ xoay quanh tiểu tiết mà quên đi điểm chính. Ví dụ, Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa) có trở thành quan đầu tỉnh ở tuổi 25 hay không? Điều này phụ thuộc vào ngày sinh của ông ấy, và là câu hỏi không dễ trả lời. Người Việt có thói quen giấu ngày tháng năm sinh của mình, đây cũng là cách để tránh tà ma, cải thiện lá số và thu hút bạn tình trẻ. Một tình tiết mơ hồ đối với một tác giả người Mỹ hóa ra lại là vấn đề lớn đối với người Việt. Nếu giả định rằng Ngô Đình Diệm là một con rối của Mỹ, một con chó chỉ đường cho những tên đế quốc xâm lược, thì việc cuối cùng mà người ta muốn là ghi nhận những thành tích của ông ta khi ông ta còn trẻ. Vì vậy mà người ta phủ nhận sự kiện ông là quan đầu tỉnh trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam, và phức tạp hóa vấn đề đến mức tác giả thà bỏ luôn lời khẳng định đó còn hơn là tiếp tục tranh cãi.

Trả lời câu hỏi của người đại diện về văn học của tôi, ngày 15 tháng 3, ông Long cho biết: “Sẽ bị kiểm duyệt (chắc chắn), cuốn sách khá nhạy cảm. Nhưng xin đừng lo lắng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với tác giả và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ được càng nhiều càng tốt sự nguyên vẹn của tác phẩm.”

Ông Long tìm cách cho in vào dịp 30 tháng Tư một ngày tốt, vì nó đánh dấu sự cáo chung của Chiến tranh Việt Nam. Sau khi đại diện của tôi nhắc rằng theo hợp đồng thì ông ta phải gửi cho tôi xem bản dịch trước khi in, ông Long đã lỡ hẹn gửi bản dịch lần thứ nhất. Sau đó ông còn lỡ hẹn nhiều lần nữa, và cuối cùng, sáu tháng sau, tháng 9 năm 2010, tôi nhận được một bản bông. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là có quá nhiều chú thích, trong một cuốn sách mà ban đầu không có một chú thích nào. Tôi đã tập hợp được một nhóm bạn bè, các học giả, dịch giả, một cựu nhân viên CIA và một nhà ngoại giao Mỹ với vợ là người Việt để soát bản dịch. Những hồi âm của họ khiến tôi phải tỉnh ngộ. Hình như, rất nhiều các chú thích bắt đầu bằng: “Tác giả nhầm” (“The author is wrong.”). Sau đó, người ta sửa “những sai lầm” của tôi.

Rõ ràng là, tôi đã hiểu sai chức năng của các biên tập viên Việt Nam. Ngay cả trước khi đến tay các nhà kiểm duyệt, những người ban phát giấy phép xuất bản ở Việt Nam, cuốn sách của tôi đã phải được người trong nhà nhào nặn lại. Ông Long sẽ cho nó cú đấm thôi sơn đầu tiên, và càng cắt gọt hữu hiệu thì ông ta càng được các quan chức nhà nước đánh giá cao, để những người này có thể đậy nắp chiếc bút đỏ của họ lại và chuyển sang kiểm duyệt những tác phẩm quan trọng hơn.
Mời các bạn đón đọc Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam của tác giả Thomas A. Bass.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com