Đây là quyển sách đầu tiên mà tôi đọc của Shin Kyung Sook, mặc dù lúc đó cô đã rất nổi tiếng tại Việt Nam qua quyển “Hãy chăm sóc mẹ”. Nhưng điều khiến tôi chọn quyển sách này, trong vô số quyển sách có tại nhà sách Phương Nam gần ngôi chợ Đà Lạt lúc đó, không hề dính dáng gì đến sự nổi tiếng của Shin Kyung Sook.
Tôi chọn sách này mang theo trong hành trình bất chợt của mình vì lời văn ở những trang đầu tiên quá đẹp, quá đỗi khiến người ta rung động đến độ không thể bỏ qua. Và càng đọc, tôi càng tự hỏi, vì sao quyển sách có thể sánh với Rừng Nauy thế này dường như lại ít được giới thiệu. Hay vì nó được giới thiệu ở đâu đó mà tôi không hề hay biết? Có thể là vậy chăng?
Là quyển tiểu thuyết thứ 7 của Shin Kuyng Sook – “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi” chọn một chủ đề tương tự như Rừng Na Uy của Haruki Murakami, chỉ khác bối cảnh của nó diễn ra ở Hàn Quốc, những năm 80. Và một lần nữa, người ta trông thấy nỗi buồn, sự hoang mang đan xen niềm tin yêu, khát vọng, ngây thơ của tuổi trẻ. Tất cả được thể hiện một cách vẹn toàn và rực rỡ qua giọng kể mang đậm tính hướng nội của nhân vật tôi trong truyện.
Câu chuyện của “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi” bắt đầu một cách nhẹ nhàng, như một viên sỏi nhỏ ném xuống mặt hồ phẳng lặng, một cú điện thoại từ nơi nào gọi đến cho nhân vật “tôi”. Cú điện thoại bắt nguồn từ anh, một người tám năm không gặp, để báo cho cô biết người thầy mà họ từng thân thiết thời sinh viên giờ sắp qua đời.
Cú điện thoại gợi lại cho nhân vật tôi những gì đã chìm sâu dưới mặt hồ. Rồi mỗi lúc kí ức mỗi về tràn về một cách chân thực. Để rồi người đọc đắm chìm trong những kỉ niệm sâu sắc của nhân vật tôi: “Vào lúc đó, ở nơi đó, nếu không gặp được họ, tôi làm cách nào trải qua những ngày tháng ấy đây?”
Tôi, người kể nên câu chuyện của mình là một cô gái cô phần nào cô độc, mang trong mình nỗi day dứt vì không được sống cùng người mẹ đang bệnh nặng của mình. Cô đến thành phố, ở nhà chị họ, học một trường nghệ thuật, ở trong một căn phòng tự tay dán kín cửa sổ.
Ở đó, cô gặp anh, con người chín chắn, ấm áp và trông thấy cô giữa trăm ngàn người, thấy vẻ đẹp bên trong ẩn sâu sự chật vật của cô.
Ở ngôi trường nghệ thuật đó, cô gái nhỏ gặp người thầy gầy gò mà hiền từ, người đã đặt ra câu hỏi cho vô số sinh viên hay cho chính mình: trong thời đại này thì nghệ thuật có thể làm gì?
Cũng tại nơi đó, trong thời thanh xuân cô gặp cô gái xinh đẹp ấy, cô gái luôn tự giấu đi đôi tay bị thiêu cháy.
Và thanh xuân của cô, có một cậu bạn thầm thích cô, cậu bạn trong quân ngũ viết cho cô những bức thư đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Cuối cùng, sự ra đi của cậu không lời giải thích.
Cùng nhau trải qua thanh xuân trong niềm dự cảm “sẽ không có ngày nào diễn ra hai lần”, trong những ngày xã hội hoang mang, đầy những cuộc biểu tình và biến động.
Họ chỉ cùng nhau ăn cơm, đi bụi, lắng nghe nhau và kể chuyện, trong lúc lòng mỗi người đều âm ỉ sóng ngầm.
Họ đã tìm thấy nhau. Rồi đánh mất nhau. Như bao câu chuyện đời thường khác. Mà sự tìm thấy và đánh mất đó mang ý nghĩa đích thực của cuộc đời.
Shin Kyung Sook đã chinh phục người đọc qua giọng văn như rút ruột của mình, tuy nhiên trong quyển tiểu thuyết này, khả năng viết và kiến tạo câu chuyện của cô đã vượt qua được lối “tự sự cá nhân”, phát triển thành một thế giới riêng hoàn chỉnh, trở thành một câu chuyện của chính nó, chứ không còn là một câu chuyện của tác giả.
Sự đánh mất và tìm thấy của câu chuyện mang ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Như người ta cô độc để mạnh mẽ, đánh mất để tìm thấy, đó là những điều mà người ta phải dùng thanh xuân của mình để trải qua.
Những trích đoạn hay trong tác phẩm:
Thuộc tính của ký ức chính là chỉ nhớ thứ mình muốn nhớ. Hình ảnh mà ký ức gợi lại xen lẫn trong cuộc sống của chúng ta, bởi vậy đừng bao giờ tin ký ức của ta hay của ai đó là chuyện thực đã xảy ra. Nếu có người khăng khăng nhấn mạnh rằng Tôi đã nhìn thấy tận mắt, thì ta biết trong lời nói ấy trộn lẫn cả niềm hy vọng của chính người đó, và trái tim anh ta cất giấu mong muốn coi đó là sự thật.
…
Tôi từng cho rằng việc hiểu rõ về nhau và cùng nắm giữ một bí mật nào đó, sẽ làm cho mối quan hệ thêm gắn bó. Tôi cũng từng vì muốn làm thân với một người mà thổ lộ cả những bí mật không thể nói.Để rồi đến ngày hôm sau, chứng kiến cái bí mật quý giá mà mình vốn chỉ cất giữ trong tim ấy bỗng chốc được truyền từ miệng người này sang miệng người khác, tôi đã thấy vô cùng mất mát.Tôi đã nghĩ rằng, biết đâu việc thổ lộ tấm lòng với một ai đó, không làm chúng ta trở nên thân thiết hơn, mà chỉ khiến bản thân khó xử.Biết đâu để trở nên gần gũi với một ai đó, ngược lại chỉ cần cùng đồng cảm trong yên lặng mà thôi.
…
Tôi nghĩ rằng: Thời khắc đau khổ nhất của con người là khi không có ai để nghĩ tới.
…
Giá như có ai hứa với mình thì tốt biết mấy. Rằng không có việc gì là vô nghĩa. Giá như có điều gì đó như là lời hứa để tin thì tốt biết mấy. Rằng sau quãng thời gian khủng khiếp, bất an, cô độc vì bị ruồng bỏ, sẽ có sự thay đổi nào đó…
Nguồn: dtv-ebook.com