Yến đã về Sài Gòn, Yến đã đổ Tòan phần và Yến đã có cơ hội vào đại học như lòng mong muốn. Nhưng tình cảm thì sao? Yến vẫn luôn nghĩ đến Sa và mong có một cơ hội nào gặp lại. Con đường dẫn vào sở mới bây giờ không là biển, không là những hàng dương. Chỉ là nhà, hết dãy nhà này đến dãy nhà khác, thỉnh thỏang được tô điểm một cây phượng vĩ cho đỡ buồn chán. Vào những buổi trưa Yến đứng tư lự hàng giờ ngắm nhìn cây phượng vĩ mà nhớ đến trời nước mênh mông nơi vùng xa tít đó. Trong tâm tưởng Yến, Yến mông lung không biết giờ này người ấy ở đâu, còn nhớ hay quên . . . và những người khác nữa!
Nhiệm vụ mới của Yến bây giờ là theo đòan đo đạc. Yến rất thích những buổi chiều công trường lộng gió, đứng trên những ụ cảng theo dõi chiếc tàu sonar để định vị tọa độ và xác định độ sâu của lòng lạch, lòng cảng. Yến thích thú vì biết lúc nào nước lớn, lúc nào nước ròng. Nhìn những áng mây tratus, anto tratus, hoặc comulus để biết phải đi về hay tíếp tục làm việc.
Yến lại có những người bạn mới cũng rất hòa nhã dễ thương. Nhưng hình ảnh của người cũ thì hình như cứ vương vấn mãi trong tim.
Những bạn gái mới ở đây của Yến rất phá phách, cứ vào giờ nghỉ trưa là gọi điện chọc phá hết người này đến người nọ, họ làm quen nhau, rồi hẹn gặp nhau ở nơi nào đó, nhưng không ai chịu ra mặt, người này đưa người kia đến thể là chẳng ai biết ai cả. Trong những người họ chọc ghẹo có một tên, gọi điện đến gặp Yến, thế là hắn làm quen với Yến. Hắn có một giọng nói rất dễ mến, lại ăn nói rất lưu lóat, hắn tưởng tượng Yến là một cô gái tuyệt hảo, và hắn muốn gặp mặt Yến. Chính cái tưởng tượng tuyệt hảo, Yến nghĩ mình chỉ là một cô gái bình thường và thế là Yến từ chối gặp gỡ, và cũng không buồn nhận điện.
Yến muốn tìm lại sự bình yên cho tâm hồn, Yến không muốn nghĩ ngợi gì đến những chuyện tình cảm linh tinh rồi mắc công sầu nhớ. . .
Thế rồi Yến gặp lại Kha, và được biết mọi người đã đổi đi mỗi ngả gần hết, Kha nói:
– Sa bây giờ đang làm chúa đảo. Nghe thì oai đấy nhưng Yến hiểu chẳng qua là bị đì ra quan ải mà thôi vì quá ba gai với xếp. Nhưng cũng tốt thôi vì nam nhi chí tại bốn phương mà. Nhưng đã thế thì khả năng gặp lại nhau là chuyện không phải dễ dàng gì!
Suốt một tháng trời tàu neo ở cảng Sài gòn, Kha thường đến sở Yến chơi, tán gẩu lúc rảnh rang. Nhưng không hiểu sao cả hai chẳng ai nhắc nhở gì đến Sa, như là cố né tránh. . . Yến lại gặp một vài người bạn khác cũng vào đây công tác và Yến ước ao: Phải chi Sa cũng vào đây!
Một buổi trưa, Yến đang cặm cụi bên tập san hải hành, thì một bóng dáng liu khiu quen thuộc xuất hiện bên cánh cửa, Yến ngẩng đầu lên và không tin vào mắt của mình. Tim Yến đập mạnh, và Yến buộc miệng hỏi một câu ngu ngơ mà không thể nào hiểu nổi:
– Ủa đi đâu đây?
– Tìm Yến chứ đi đâu? Sa đáp.
– Anh vô đây hồi nào vậy?
– Mới vô thôi – Anh đi học TMTC.
Yến mời Sa lên câu lạc bộ để nói chuyện, trong khi Hòa, một sếp mới của Yến đang cau mày khó chịu.
Câu lạc bộ của sở, rất ồn ào, rất đông đúc, Sa nói Sa vào đây học 2 tuần, cả hai lại nói những chuyện vu vơ như đã từng nói, nhìn vào khuôn mặt ngổ ngáo đó, Yến thấy vẫn đáng yêu như ngày nào, Yến khoe Yến đã đổ tòan phần, Sa khoe Sa sắp được thăng chức. Nói lòng vòng thì Sa lại nhắc lại chuyện của một năm trước, đó là chuyện ông bà già hối thúc Sa cưới vợ. Yến nghĩ, cả hai cần phải có một khung cảnh nào đó để nói chuyện thỏai mái hơn, tự nhiên hơn. Yến mời Sa đến nhà chơi, và Yến nghĩ trong khung cảnh gia đình, Yến không còn mặc cảm một người lang bạt, và Yến có thể nói chuyện một cách chân thành hơn. Thế là Yến hẹn Sa vào chiều thứ bảy, và Yến nghĩ mình sẽ làm một bữa cơm đãi Sa. Ở đó Sa không có phương tiện, Sa bảo sẽ đến cùng một người bạn và Yến đồng ý. Yến mong cho mau đến cuối tuần để có những giây phút đối đãi với nhau một cách thực lòng. Chiều thứ bảy đến, vừa tan sở Yến vội vã về nhà ngay để chuẩn bị buổi cơm chiều, nhà bấy giờ thì chỉ có ba mẹ và Yến thôi, chị gái thì đã đi lấy chồng, ông anh thì đi làm xa. Dựng xe vào nhà Yến thấy không khí sao yên lặng một cách lạ lùng, Yến hỏi mẹ:
– Chiều nay mẹ nấu gì ăn vậy? Con đi chợ mua thêm đồ ăn nghen? Mẹ Yến đáp:
– Ăn uống gì nỗi mà ăn! Mặt mẹ Yến buồn rầu!
Yến hỏi:
– Chuyện gì vậy?
Mẹ Yến đáp:
– Không biết ai thưa gởi gì trên bót, họ xuống mời ba con lên bót rồi?
Yến tần ngần, chết lặng. Và tự hỏi:
– Chuyện gì nữa đây?
Sống trong cái thời lọan lạc, người thương kẻ ghét, không biết chuyện gì đã xảy ra cho ba nữa. Niềm vui háo hức đón tiếp Sa như một quả bóng bị xì hơi. Và Yến không lòng dạ nào đi chợ nấu nướng hay làm một cái gì nữa. Hai mẹ con ngồi ủ rủ và lâm râm khấn nguyện cho ba tai qua nạn khỏi. Lúc đó ba Yến cũng đã lớn tuổi rồi, nhưng không biết liên quan đến việc gì mà bị mời lên bót (Lúc đó Yến không nghĩ gì đến chuyện chính trị). Mẹ Yến lại mang cơm vào cho ba vì họ còn thẩm tra gì đó. Sa đã đến với một người bạn, Yến pha cho họ hai ly cà phê với lời xin lỗi vì nhà có việc không thể làm cơm đãi họ, Yến không thể giải thích việc ba mình bị mời vào bót vì một lý do chưa rõ. Yến nói chuyện qua loa để khỏa lấp cái không khí không giống ai của ngày hôm đó. Hôm đó Sa bệnh, Yến đưa Sa một cái khăn mù soa, và một quyển tiểu thuyết để đọc lúc rổi rảnh. Và rồi chia tay.
Ở đây Sa không có phương tiện cũng như thời gian, và Sa đã ghé sở Yến lúc Yến không có mặt, với quyển tiểu thuyết và mấy giòng chữ trong mãnh giấy ghi vội: Tạm biệt, Sa phải đi gấp. Mãnh giấy mà Yến còn mãi giữ sau nhiều năm. Yến cảm thấy định mệnh với mình quá trớ trêu.
Tháng ba năm 1975, khi dòng người di tản từ miền Trung vào Nam, Yến không hiểu những bạn bè của mình ở ngòai đó ra sao. Yến nhớ những người đã từng giúp đỡ mình trong những tháng ngày xa xứ, Yến nhớ đến chú thiếm Nghiệp là người đã hết lòng giúp đỡ mình trong những khi tối lửa tắt đèn. Yến nghĩ đến cảnh họ phải chen chúc sống trong những liều tạm cư thiếu thốn. Yến xin phép nghĩ một ngày để đi tìm họ, nếu cuộc sống ở đó có quá khó khăn, Yến có thể mời họ về nhà ở tạm chờ ổn định. Trên con đường vào căn cứ Cát Lái, Yến miên man suy nghĩ, cuộc diện rồi sẽ đi về đâu, mọi người rồi sẽ ra sao? Trời hôm đó là tháng ba, nhưng nắng không gắt, bầu trời có vẽ u ám của trời thu hơn là trời hạ.
Vượt qua nhiều căn liều tạm cư để đến khu của những người đến từ xứ Khánh, Yến gặp Chú Sùng, một người cùng sở mà cũng cùng một dãy nhà với Yến ở nhưng là cuối dãy, Yến muốn tìm vợ chồng chú Nghiệp, hai vợ chồng sát bên nhà Yến, luôn giúp đỡ Yến như người thân. . . nhưng không gặp. Chú Sùng nói:
– Ông Sa cũng vào đây rồi!
Yến đáp:
– Vậy hả!
Mà lòng buồn vô hạn. . .
Yến chào chú để đi tìm những người kia, và quay ra; Sa từ ngòai bước vào bốn mắt nhìn nhau, không biết có phải mừng vì tình cờ gặp lại nhau không cả hai chạy ào đến trước mặt nhau và như muốn ôm chầm lấy nhau, nhưng cả hai đều dừng lại ở một cự ly thật gần, và rồi lại giữ khỏang cách như ngày nào. Sa hỏi Yến;
– Đi đâu đây?
Yến đáp:
– Nghe mấy người di tản vào đây, Yến nghĩ chắc chú thiếm Nghiệp cũng vào, trong khi Đòan còn nhỏ quá sợ ở đây cực khổ, Yến định tìm họ kêu họ về nhà mình ở đỡ.
Sa đáp:
– Anh không thấy họ trong đòan người này, có lẽ họ không di tản.
Yến hỏi:
– Còn anh thì sao?
Sa cười với con dấu trong tay:
– Lưu vong chớ còn sao!
Yến nhìn Sa như muốn hỏi gì nhưng ngại không hỏi? Và có lẽ Sa hiểu nên nói:
– Anh cưới vợ rồi!
Giọng Sa trầm xuống:
– Bốn tháng rồi!
Yến nghe lòng mình thật xốn xang, bối rối. Như vậy là sau mới đây thôi. Cuộc gặp gở lần chót ở nhà Yến không cho Sa một ấn tượng nào để có một quyết định khác hơn… Không biết mặt Yến có đổi sắc không nhưng giọng thì hơi lạc đi:
– Thế à? Vậy vợ đâu rồi?
Gương mặt Sa sầm xuống:
– Ổng bà cứ bắt cưới hòai thì cưới cho ông bà vừa lòng chớ biêt sao bây giờ! Cưới rồi để ở đó với ông bà đến nay chưa về lại.
Yến không hiểu mình nên buồn hay vui khi nghe những lời như thế. Nhưng Yến vẫn nói với Sa:
– Anh làm thế đâu được, đã cưới thì phải quan tâm tới người ta chứ!
Trời đã về chiều, Yến phải về thôi, Sa đưa Yến ra cổng đề về . . .Trong khỏang thời gian mà tâm trạng ai cũng hoang mang hỏang lọan mọi suy nghĩ vu vơ nhường chỗ cho bao suy tư trăn trở về đất nước, về một tương lai một số mệnh mà không ai biết mình sẽ ra sao và đi về đâu.
Hòa xếp mới của Yến đề nghị Yến cùng gia đình theo Hòa di tản, nhưng ba Yến thì không, ông là một người yêu nước đến độ cực đoan, ông không chấp nhận xa quê hương xứ sở dù bất cứ lý do gì? Và việc Yến ở lại coi như là một việc hiển nhiên.
Có lẽ Sa đã theo đòan lưu dân ra đi kể từ ngày đó. Và cơ hội gặp lại nhau chỉ còn là mộng tưởng. Thỉnh thoảng Yến nhớ lại những tình cảm vụn dại, vu vơ mà cười buồn với chính mình rồi tự nhủ: tử vi của mình thân mệnh bị tuần triệt án ngử nên việc gì cũng chẳng hanh thông, thôi thì “Trôi theo dòng đời vậy.. ”
…
Mời các bạn đón đọc Nỗi Buồn Tháng Ba của tác giả Huyền Băng.
Nguồn: dtv-ebook.com