Đây chỉ là một vài tản mạn về một vài khía cạnh nhỏ, một phần rất nhỏ của việc “sống tử tế”, thông qua tác phẩm “Những lời bộc bạch” của Jean-Jacques Rousseau. Tôi thật không có tham vọng có thể nói hết được mọi điều về sống tử tế lẫn những điều hay ý đẹp của tác phẩm vĩ đại này. Riêng với bản thân mình, tôi cho rằng sống tử tế là một điều dễ mà khó, đôi khi cũng có thể đó là một sự khổ hạnh, hy sinh một chút hay nhiều với bản thân nhưng cũng vừa là suối nguồn hạnh phúc, đem lại cho ta niềm vui tinh thần mà không một niềm vui vật chất nào có thể so sánh được. Sống tử tế không thể là một sự giáo điều, được khoa trương và bị bắt buộc. Thật ra, ta làm điều tốt, sống tử tế, trước hết, bởi vì điều đó khiến ta cảm thấy hạnh phúc, khiến tâm hồn ta vui sướng khi thấy mình có ích và giúp người khác được vui, được hạnh phúc.
Tôi không thể nhớ nổi mình đã học hay biết về tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau ở góc nào trong chương trình văn học trung học, nhưng tên ông cùng những tác phẩm và tư tưởng của ông đã được mẹ gieo rắc vào đầu tôi từ khi còn rất nhỏ, từ khi tôi có thể đọc sách. Một tối chủ nhật đẹp trời nọ, cùng những người bạn thân thiết đi nghe một buổi tọa đàm giới thiệu về bản dịch tác phẩm “Những lời bộc bạch” (dịch giả Lê Hồng Sâm), cuối cùng tôi cũng trực tiếp được tiếp cận tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau.
Theo thời gian, thói quen và cách đọc sách của tôi đã bị thay đổi khá nhiều. Ngày trước, tôi chỉ vùi đầu vào cuốn sách, bất kể ngày đêm, công việc, để đọc hết một lèo. Đọc sách từng là niềm vui lớn nhất và gần như duy nhất của tôi trong những tháng hè. Cũng rất may mắn là bố mẹ chưa từng bắt tôi đi học bất cứ lớp học hè nào, ngoại trừ những lớp học có tính chất giải trí như: đàn hát, múa, họa, thể thao. Vì thế, những tháng hè của tôi được cống hiến khá trọn vẹn cho việc đọc sách. Tôi đã từng có thể giam mình trong nhà liên tục trong một tháng, với nhịp độ đi ngủ lúc hai giờ đêm cùng cuốn sách, và bảy giờ sáng mở mắt dậy, việc đầu tiên lại là vớ lấy cuốn sách! Bây giờ thì cuộc sống không cho phép tôi làm vậy nữa, và nhiều mối quan tâm đa dạng khác cũng vây quanh tôi, buộc mình phải học cách chia sẻ thời gian. Khả năng đọc mặc dù vượt xa lúc trước (đọc, tìm kiếm và nắm bắt ý rất nhanh; có thể đọc nhiều sách, tài liệu về những thể loại hoàn toàn khác nhau trong cùng một thời gian), nhưng tôi lại cũng mất đi niềm vui được đọc nhâm nhi, thong dong tản bộ cùng với các nhân vật, sống cùng diễn biến câu chuyện. Bây giờ, để đạt được điều đó, cần phải tĩnh tâm lại, để lòng mình thanh thản, trước khi cầm lấy cuốn sách.
Mặc dù chỉ mới bắt đầu một phần cuốn “Những lời bộc bạch”, nhưng cảm giác thật là thú vị. Jean-Jacques Rousseau vốn nổi tiếng về cách hành văn, dẫn dắt ý tuyệt vời của mình nên bản gốc tiếng Pháp vốn đã tuyệt hay, nhưng không thể quên dành một lời đề tặng lớn cho tài năng chuyển ngữ của dịch giả Lê Hồng Sâm.
Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) là nhà văn, triết gia người Pháp gốc Thụy Sĩ và từng được mệnh danh là “người thầy của nhân loại”. Mặc dù cuộc đời ông gây nên nhiều tranh cãi (ông bị lên án, phê phán nặng nề với việc bỏ các con vào Trại trẻ vô thừa nhận), nhưng những tư tưởng của ông về xã hội và giáo dục rất tiến bộ. Thậm chí những tư tưởng này vẫn giữ nguyên giá trị tiến bộ của nó trong xã hội hiện đại, vẫn có thể khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều về chính bản thân mình cũng như cuộc sống quanh ta.
Mời các bạn đón đọc Những Lời Bộc Bạch của tác giả Jean-Jacques Rousseau
Nguồn: dtv-ebook.com