28 tuổi, Nguyễn Quỳnh Trang sống chưa nhiều và viết cũng còn ít. Nhưng với những gì đã thể hiện trong hai cuốn tiểu thuyết “1981” và “Nhiều cách sống”, buổi tọa đàm về tác phẩm của chị đã xới lên nhiều vấn đề, không của riêng Trang, mà liên quan cả đến các nhà văn trẻ.
Cũng như nhiều tác giả lứa 8X khác, Nguyễn Quỳnh Trang trước hết là nhà văn hợp thời, từ cách chọn đề tài, lối dùng câu chữ, cách kể chuyện cho đến việc chọn khuôn khổ, độ dày cuốn tiểu thuyết. Với 1981 và Nhiều cách sống – mỗi cuốn chừng 300 trang – Nguyễn Quỳnh Trang trình bày trong đó, dường như đủ cả, muôn chuyện đương thời, va đập hàng ngày với giới trẻ hôm nay: sex bình thường, sex đồng tính, hội họa đương đại, chuyện án mạng…
Tác giả Đỗ Hải Ninh nhận định: “Tiểu thuyết Nguyễn Quỳnh Trang cho thấy sự táo bạo của cây bút trẻ này, táo bạo vì dám đụng chạm đến tất cả những cái hot nhất trong đời sống hôm nay”. “Táo bạo” cũng như một mỹ từ khác là “thể nghiệm” là những cách diễn đạt mà các cây bút phê bình trẻ thường hay dùng để định danh, đánh giá sáng tác của các nhà văn trẻ. Thực tế, nếu Quỳnh Trang viết lồ lộ về sex, về đồng tính trong những năm 1980, 1990, trang viết của chị đáng được xem là “táo bạo”. Còn đến đầu thế kỷ 21, chỉ tính riêng trong văn học Việt Nam thôi, sex hay đồng tính đã không còn lạ, không còn gây sốc, dù ít nhiều, đó vẫn là những đề tài “hot”, đơn giản vì đó là chuyện bản năng (sex), chuyện ngược với tự nhiên (đồng tính). Vậy nên, về mặt đề tài, Nguyễn Quỳnh Trang, cũng như nhiều tác giả trẻ khác, chỉ bám sát những gì đang diễn ra quanh đời sống của giới trẻ, hẹp hơn là một bộ phận giới trẻ thành thị. Mà như trong đoạn mở đầu 1981, người đọc đã thấy, hễ 8X, 9X nghĩa là phải đi bar, phải lên sàn, phải uống Ken, phải triết lý Tôi là ai, phải băn khoăn đi tìm chính mình…
Nhưng dễ nhận thấy, Nhiều cách sống non hơn nhiều so với 1981. Nhiều cách sống đã nỗ lực sống nhiều, nghĩ nhiều nhưng kết quả dường như vẫn chỉ dừng lại ở nghĩ chưa sâu và sống chưa chín. Nhà phê bình Văn Giá nhận định, cuốn sách chưa gây được nhiều ám ảnh cho người đọc. Hơn thế nữa, khác với lối kể giàu cảm xúc trong 1981, Nguyễn Quỳnh Trang ở tác phẩm thứ hai này đã “làm văn” nhiều hơn “viết văn”. Chị rông dài nên cuốn sách trở nên nhạt; chị cầu kỳ câu chữ quá nên bị thừa cảm giác giả tạo. Nguyễn Quỳnh Trang so sánh sáo mòn, rỗng nghĩa: “Từng tiếng còi xe tan loãng vào đêm, như một niềm cô đơn bí ẩn muốn kêu gào mà chợt tắc ngang chừng vòm họng”…; dài dòng: “Ngày cô bước sang tuổi 12. Sinh nhật cô. Ừ. Ngày sinh nhật. Thì cứ cho rằng đó là ngày sinh nhật. Thì có sao”…; hay điệu đà một cách khó hiểu: “Lạnh một cách đoạn tuyệt”… Cây bút Nguyễn Minh nói: “Đó là lối miêu tả ấn tượng, mà miêu tả ấn tượng thì không có gì lạ với văn học trẻ”. Nhưng đó chỉ là cách bào chữa, cách cùng mỹ từ vốn cũng không có gì lạ với văn học trẻ.
Nguồn: dtv-ebook.com