Nhà Sư Vướng Lụy

white noise for sleeping link
shopee-sale

TÔ MẠN THÙ (Su Manshu)

Nhà sư vướng lụy

Bản dịch: BÙI GIÁNG

Phần 1 
VÀI LỜI GIỚI THIỆU VỀ TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ

Nguyên văn tiếng Anh: THE LONE SWAN

Dịch ra tiếng Việt: (Đoạn Hồng Linh Nhạn Ký 斷 鴻 零 雁 記 )

Đoạn hồng linh nhạn ký- Truyện một con hồng nhạn lênh đênh? Truyện một nhà sư vướng tục lụy? Nhà sư ấy, cha vốn là người Trung Hoa, mẹ là người Nhật Bản. Cha mất sớm, mẹ về cố quận… Đứa con bơ vơ trôi nổi, quy y cửa Phật, rồi giũ áo tu, ra đời, vướng vào Lụy Tình Yêu. Ngòi bút của Tô Tử Cốc, vừa trang nhã, thâm trầm, vừa linh hoạt tân kỳ như bút pháp những văn hào hiện đại Tây phương – ngòi bút Tô Tử Cốc sẽ đưa chúng ta vào sâu trong cõi tình và lụy, đạo giáo và ước mơ, những mâu thuẫn muôn đời vạn kiếp của con người ở một thời đại, và riêng biệt của con người đứng chênh vênh ở đầu thế kỷ hai mươi là thế kỷ của những dông bão dị thường. Đọc Tô Mạn Thù, chúng ta có cảm tưởng kỳ dị: chẳng những không một tâm tình tư tưởng nào của cõi Đạo Đông phương Chân Như lọt ra ngoài nhãn quan ông, mà ngay cả cõi Tây phương hoằng đại, từ sơ thủy Hy Lạp Sophocle Parménide tới hiện đại Âu châu văn thể siêu thực Appollinaire, Nerval, Camus, Morgan, không một “bút pháp” nào ông không thành thục quán xuyến. 
Toàn thể câu chuyện, cũng như mỗi tình tiết nhỏ nêu ra đều được nung nấu trong mối tư lường của một thánh tính đạt tới cõi lô hỏa thuần thanh, siêu thần nhập hóa. Không thể nào nói đó là bút pháp tài tình, kỹ thuật điêu luyện, chỉ có thể nói rằng đó là một cuộc kết tinh huyền nhiệm của lịch sử Đông phương giữa một triều sóng rộng dâng lên cùng với bao nhiêu ngọn gió ở bốn chân trời lổ đổ thổi lại. Đọc cuốn sách của Tô Mạn Thù cũng như đọc Sophocle, Nguyễn Du, Nerval, Apolinaire, Faulkner, Morgan, luôn luôn chúng ta bàng hoàng trước huyền nhiệm anh hoa phát tiết. 
Đại sư Mạn Thù, tên thật là Tô Huyền Anh biệt hiệu là Tô Tử Cốc, sinh năm 1883, mất năm 1918 (xấp xỉ đồng thời với Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Apollinaire, lênh đênh giữa hai thế kỷ 19 và 20). 
Thân phụ ông vốn là người Trung Hoa, tỉnh Quảng Đông, vì cuộc sinh nhai mà lưu lạc sang Nhật Bản, cưới một thiếu nữ Nhật, sinh hạ Tô Huyền Anh. 
Tô Huyền Anh chưa được mấy tuổi, thì thân phụ chàng đưa gia quyến về lại Trung Hoa. 
Chẳng bao lâu thân phụ chàng lìa đời. Thân mẫu đành quay về Nhật Bản, gửi đứa con ở lại Trung Hoa, nhờ thân thích bên nội nuôi dưỡng. 
Đứa bé bị họ hàng quê cha ghét bỏ, vì nó mang một nửa phần máu mẹ Nhật Bản ở trong thân thể nó. 
Đứa bé cô đơn quá, bèn cạo đầu quy y cửa Phật, vào chùa Lôi Phong tại Quảng Châu. 
Phương trượng Tuệ Long, nhận thấy thằng bé thông minh xuất sắc, mới dốc lòng dạy dỗ. Sau mấy năm dùi mài cần mẫn, chú bé đã thông thạo văn học tư tưởng Ấn Độ, Trung Hoa, và dăm bảy ngôn ngữ Tây phương… 
Sau  khi Phương trượng viên tịch, Tô Mạn Thù cảm thấy bơ vơ, bèn trút giũ áo tu, ra sống ngoài cõi tục. Tâm trạng tình cảm từ đó quả thật là éo le: tu thì tu không trót, mà chen lấn chìm nổi với đời, thì cũng thiếu hẳn khả năng chen lấn nổi chìm. 
Chàng thanh niên ấy dấn gót du hành ở nhiều tỉnh Trung Hoa, cư lưu nhiều ngày nhất là ở Thượng Hải. Và cũng từng du lịch qua Ấn Độ, Âu Châu, Mỹ châu. Cũng nhiều phen qua Nhật Bản viếng thăm thân mẫu. 
Chính tại Nhật Bản, Tô Mạn Thù gặp Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) và nhiều đồng chí của Tôn Dật Tiên sang Nhật lánh nạn. Những anh hùng cách mạng kia chơi thân thiết với Tô Mạn Thù. Nhưng họ Tô vốn là nhà sư thi sĩ, chẳng thể nào nhập cuộc thật sự với các lãnh tụ chánh trị chịu chơi gay cấn kia. 
Cái anh chàng thanh niên “lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh” kia từ đó càng lang thang trầm luân khắp châu quận, trường giang đại hải. Tiếng gọi sơ đầu của Như Lai không đủ cứu vớt chàng, dìu dắt chàng trở lại với cõi tịch mịch thanh tu. Càng ngày chàng càng đâm ra trầm túy, nửa trong hồ rượu nửa trong biển tình. Chàng đúng là một loại Nerval Baudelaire Dylan Thomas Verlaine Apolinaire. Nếu chàng mù được hai mắt như Homère, ắt chàng đã khám phá ra một cõi sống dị thường trong u tối. Nhưng cái rủi ro lại là ở chỗ: chàng không mù. Cũng không cận thị. Đó là điều tai hại. Hiểm họa hoành sinh. 
Kể từ mười mấy tuổi đầu, chàng đã sống trọn cái thảm kịch trần gian, sinh mệnh chàng ngược xuôi lảo đảo, mười sáu tuổi đầu, chàng đã thể hội hết nỗi đoạn trường thế sự mà Nguyễn Du đã viết lúc đầu bạc bình sinh, chàng đã nhìn quá sáng suốt mọi thảm kịch biển dâu, mà chẳng đủ khả năng thoát tục, cũng không đủ sức sống xô bồ bạt mạng trắng trợn tới cùng. Thì đó là hiểm họa. Thi văn chàng từ đó mang một tố chất đìu hiu bất khả tư nghị ở tại cái “ngã ba” siêu lệch chênh vênh gây cấn: “dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng. Chiêm bao kỳ mộng dường gần. Sịch mành sực tỉnh lại dần dần xa. Há rằng ngẫu nhĩ mà ra. Đoạn hồng linh nhạn mù sa thế nào…” 
Đọc đoạn hồng linh nhạn của Đại sư Tô Mạn Thù, từ đó, chúng ta chứng kiến mọi tan vỡ trong xã hội Đông phương giữa những xung đột kỳ thị, những mộng và tình và tiền oan túc trái… 
(Tiện đây, người dịch xin đưa ý kiến riêng là: những sách tiểu thuyết tôi được đọc trên vài mươi năm nay, không có cuốn nào gây chấn động cho tôi nhiều như cuốn sách này của Tô Mạn Thù – trừ cuốn truyện của Nguyễn Du (cố nhiên) và cuốn Sylvie của Nerval và có lẽ Fountian Sparkenbroke của Morgan – kể về mọi phương diện – nội dung văn thể, bố cục…) 
Tô Mạn Thù vốn mê thơ Lord Byron (thi hào lãng mạn Anh Quốc). Nhưng Tô Mạn Thù không thể sống trọn cái nghiệp Byron, ấy có vì từ thuở sơ sinh, chàng đã quá lạc loài rũ rượi, rồi chàng lại bị cái tiếng gọi âm thầm của Như Lai chi phối, khiến chàng suốt kiếp luẩn quẩn, tìm không ra lối bước, đường tiến, nẻo lui. Hai dòng máu ở trong mình, hai thời đại của lịch sử, xô con người vào một cõi cô độc dị thường- đó là chỗ cốt yếu trong cuốn truyện của Tô Tử Cốc. Cuốn truyện hẳn nhiên không tất nhiên phải là tiểu sử, nhưng nó phản ánh cuộc sống nội tâm của tác giả và của một lớp người trong buổi giao thời riêng biệt.Bùi Giáng

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây