Nelson Mandela – vị tổng thống người da đen đầu tiên của nhà nước ở cực nam châu Phi.
“Nelson Madela – Người tù thế kỷ” là tập hồi ký về cuộc đời của Nelson Mandela, mà ở đó ông đưa ra những bằng chứng cho thấy ông không phải là một Đấng cứu thế, không phải là một nhà đạo đức, nhưng tất cả những gì ông làm là cho sự vững tin kiên định vào mục tiêu cuối cùng: chấm dứt luật lệ chính phủ thiểu số của người da trắng. Ông cũng giành phần lớn tập hồi ký kể về cuộc sống khi bị hành hạ trong kiếp khổ sai lao dịch, nỗi cô đơn khủng khiếp và cảm giác bị hạ nhục vì những chuyện tầm thường.
“Nelson Madela – Người tù thế kỷ” thể hiện khá sắc nét điều bình thường đến giản dị và chính điều đó đã nâng ông thành “con người vĩ đại bình dân” với những kiến thức uyên bác của một nhà hàn lâm, là cơ sở đảm bảo cho sự hòa giải dân tộc, tránh được cuộc nội chiến đẫm máu cho các màu da, sắc tộc trên mảnh đất đầu đau thương nhưng hết sức kiên cường này. Hồi ký của Nelson Mandela là một bài thơ, một trường ca mà người đọc không thể dừng lại giữa chừng. Không một trang nào là người đọc hờ hững”.
Trích dẫn :
Cha tôi đặt cho tôi cái tên Rolihlahla, có nghĩa là “kéo cành cây”. Nhưng ngôn ngữ thông dụng dân dã có nghĩa là “kẻ gây rối”.
Tôi sinh ngày 18.7.1918 tại Mvezo, một làng ở quận Umtata, thủ phủ bang Transkei. Đó là quê hương xứ sở của bộ tộc Thembu – bộ tộc của tôi – và là một nhánh của dân tộc Xhose.
Cha tôi, Gadle Henry Mphakanyiswa, là tù trưởng do sắc phong của vua Thembu, đứng đầu vùng Mvezo. Nhưng vào thời Nam Phi trở thành thuộc địa của Anh việc tấn phong phải được chính quyền thuộc địa phê chuẩn. Được chấp thuận là tộc trưởng, cha tôi được hưởng một khoản lương trích từ nguồn thu thuế trong vùng. Cha tôi không biết đọc mà cũng chẳng biết viết, nhưng ông là một nhà hùng biện. Với thần dân ông như người thầy, người bạn. Ông là cố vấn của người cái quản dân tộc này. Tôi được thay thế cha vào vị trí đó khi trưởng thành.
Tôi được nghe kể lại là cha tôi có 4 vợ. Bốn bà có “tước” riêng: Bà lớn, cánh tay phải, cánh tay trái và Iqadi. Mỗi bà đều có trang trại chăn nuôi riêng, nhà riêng và nông trại sản xuất riêng. Trang trại của các bà cách nhau 4 dặm. Cha tôi di chuyển trên trục “tứ giác” này. Ông có 13 con, 9 gái, 4 trai. Tôi là con trai út của ông.
Khi tôi mới lọt lòng, cha tôi bị chính quyền do người da trắng đứng đầu gây rắc rối chỉ vì một con bò. Sự rắc rối này làm ông mất chức tù trưởng. Cùng với việc mất chức đồng thời ông mất hết tài sản.
Sau đó mẹ tôi ẵm tôi đến một làng nhỏ có tên là Qunu. Ở đó dân sống trong những túp lều như tổ ong, vách đất, cửa tò vò. Nền nhà là đất tơi của các tổ mối, kiến, được trát nhẵn.
Bắp, các loại đậu, bí ngô là nguồn lương thực chính của bộ tộc. Chẳng phải bộ tộc tôi thích những thứ đó mà là vì không kiếm đâu ra thực phẩm và lương thực quý hơn, giàu dinh dưỡng hơn. Vì họ không có tiền.
Qunu là “làng của đàn bà và trẻ con”. Toàn bộ đàn ông đi làm thuê xa xứ – phần lớn ở các mỏ kéo dài phía nam sườn thành phố Johannesburg. Mỗi năm họ chỉ về quê hai lần trong mùa làm đất. Gieo cấy, trồng tỉa và thu hoạch mùa màng là việc của đàn bà.
Khi tôi lên 5 thì trở thành mục đồng chăn cừu và bò. Tôi học được mối quan hệ giữa người của bộ tộc Xhosa với gia súc. Chúng không chỉ là nguồn thực phẩm quý báu cho con người mà còn lá mối quan hệ linh thiêng, là nguồn hạnh phúc cho con người. Ở đó tôi cũng học được cách dùng “súng cao su” bắn chim, cách lấy mật ong rừng, hái cây và đào củ rừng, vắt sữa bò, học bơi và học câu cá thành thạo.
Cuộc đời tôi đều tuân theo khuôn phép của lệ làng, phép vua và bao nhiêu cấm kị. Đó là sự đảm bảo cho sự tồn tại của mình mà không ai hỏi vì sao. Đàn ông theo con đường của người cha, đàn bà theo con đường của mẹ. Tôi quan sát tất cả tập tục đó và tuân thủ như nghĩa vụ của mình.
Ở Qunu chỉ có vài ba gia đình da trắng. Hiển nhiên chính quyền địa phương do người da trắng nắm giữ. Kế đến là chủ cửa hàng. Thỉnh thoảng xuất hiện những người da trắng lạ. Họ là khách du lịch hoặc cảnh sát từ quận, bang xuống. Họ xuất hiện trước mắt tôi như những vị chúa. Hồi đó tôi nghĩ họ vừa đáng kính vừa đáng sợ.
Cha tôi quen thân với những người đứng đầu bộ tộc Amamfengu, những người Nam Phi đầu tiên theo đạo Thiên chúa. Ông đã gửi tôi đến nhà thờ Thiên chúa để được ban phước và rửa tội, sau đó được đến trường học. Còn ông thì giữ cự ly với đạo của Đức chúa trời. Lòng tin của ông đã dành trọn cho Hồn thiêng của bộ tộc Xhosa.
Không một thành viên nào của gia đình tôi được đi học. Khi được bảy tuổi rưỡi và vào ngày đến trường, cha tôi nắm tay dắt đi và Người nói đến trường phải ăn bận tươm tất. Cho đến lúc ấy cũng như mọi đứa trẻ Qunu, tôi chỉ có cái khố vải thô trên người. Cha tôi lấy cái quần cũ của ông cắt ống ngắn lại và lệnh cho tôi mặc vào người. Chiều dài vừa phải nhưng quá rộng đối với cơ thể nhỏ bé của đứa trẻ 7 tuổi. Ông dùng một sợi dây và thắt bụng tôi chặt lại. Trông tôi lúc ấy hẳn là nực cười lắm. Thế nhưng không có một bộ quần áo, lễ phục nào trong đời mình làm cho tôi tự hào như cái quần cha tôi tặng ngày khai trường hồi ấy!