1. Đời Klim Samghim (viết trong khoảng thời gian dài, từ 1925 đến 1936) thường được xem như cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của M.Gorky. Cuốn sách đó có thêm một ghi chú ngay ở những trang đầu: Tặng Maria Ignatieva Zakrevkaia. Bà này vốn có tên đầy đủ Maria Ignatieva Zakrevkaia – Benkendorf – Budberg, sinh 1892, từng giữ vai trò thư ký của Gorky hồi ông ở Sorento, 1925 – 1932, và sau này khi Gorky về nước thì bà tiếp tục ở lại phương Tây, tiếp tục cộng tác với giới trí thức báo chí và văn chương nước Anh, trong đó quan trọng nhất là một nhà văn nổi tiếng khác, Herbert Wells. Khi bà qua đời tại London năm 1974, nhiều báo chí Anh đã có bài viết nhắc nhở về bà, trong đó có tờ Times .
Cuốn sách các bạn đang cầm trong tay chính là dành để viết về người nữ thư ký nổi tiếng đó, một người đàn bà thép như tên gọi của cuốn sách trong nguyên bản (Cái tên Người tình của Gorky là do chúng tôi đặt lại theo một bản dịch Trung văn)
2. Tác giả cuốn sách này lại cũng là một phụ nữ nổi tiếng khác: bà Nina Nikolaievna Berberova (1901 – 1993). Trước khi qua sống ở Paris, Princeton…, trong mấy năm trước 1932, cũng có mặt ở Sorrento. Thông qua con người M.I. Zakrevskaia, tác giả vẽ lại bức tranh nước Nga sau năm 1917 với tất cả những mối quan hệ xã hội văn hóa hết sức phức tạp, đồng thời cho thấy hoạt động đa dạng của giới trí thức châu Âu chủ yếu thời gian trước và sau Đại chiến thế giới thứ hai. Tư tưởng chính của tập sách là khẳng định khả năng thích ứng và ý chí mãnh liệt của một phụ nữ dám sống dám tồn tại trong lòng một thế giới đầy mâu thuẫn. Mura đã lao động cật lực. Đã làm tất cả để vươn ra với thế giới mà cũng là để giải phóng mọi sức lực sẵn có nơi mình. Mặc dù đã đánh vật với đủ loại tài liệu, song nhiều chỗ ngòi bút sắc sảo Berberova dường như vẫn phải chấp nhận rằng trong đời Mura có cái phần khuất lấp không sao vươn tới được.
Trong cái vẻ như là đóng kịch – và khi cần thiết, giả dối – ở Mura thấy toát lên một khát vọng nhất quán: muốn làm chủ số phận của mình và chỉ cho phép người khác hiểu về mình như mình đã muốn.
Chính ý chí đó đã khiến bà trở thành một con người thời đại với ý nghĩa đầy đủ của mấy chữ này.
3. Trong quá trình làm việc, những người dịch và biên tập cuốn sách gặp rất nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là phạm vi tác giả đề cập tới quá rộng. Lẽ ra, nếu có điều kiện chúng tôi phải làm thêm một bảng tra tên gọi các nhân vật lịch sử được nói tới trong tập sách, và ghi chú đầy đủ về tiểu sử hành trạng của từng người; tuy nhiên, đây là cái việc mà chưa một cuốn sách nào ở Việt Nam làm nổi và chúng tôi cũng không đủ sức ra khỏi cái thông lệ đó. Ngay việc khôi phục tên gọi từng nhân vật theo đúng phiên âm quốc tế, mặc dù chúng tôi hết sức cố gắng song chắc chắn cũng còn để lại nhiều thiếu sót đáng tiếc, rất mong bạn đọc lượng thứ.
Hà Nội, tháng sáu 2004
Vương Trí Nhàn
Nguồn: dtv-ebook.com