Người Đàn Ông Hoá Thành Đàn Bà

white noise for sleeping link
shopee-sale

Tác phẩm của Sherwood Anderson (1876 – 1941) tạo cảm hứng sáng tạo tinh thuần và mới mẻ cho văn chương Mỹ, dọn đường cho những ánh sao huyền thoại như William Faulkner và Ernest Hemingway, cả hai đều đón nhận có ý thức món nợ và ân tình của ông… Ngoài ra, những John Steinbeck, Richard Wright, Thomas Wolfe, John Cheever… đều nằm trong bóng ảnh hưởng của Anderson.

Anderson tin rằng Sống là sáng tạo những hình thể mới (To live is to create new forms).

Và Faulkner kể: Từ Anderson ông học được rằng là một nhà văn, trước hết người ta phải là mình, như mình là, như mình được sinh ra. (To be a writer, one has first got to be what he is, what he was born…)

Anderson sinh ra ở Camden, Ohio trong một gia đình nghèo, bỏ học từ năm 14 tuổi để làm việc mưu sinh, trong đó có giữ ngựa và sơn nhà cửa… Nhập ngũ trong chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ. Sau đó đến với kinh doanh và hôn nhân nhưng chỉ để nhận lấy những đổ vỡ cay đắng. Cuối cùng, bỏ tất cả mà viết văn kể từ năm 1916, lúc đã trên 40 (ngoại tứ tuần).

Và đến năm 1919 thì Anderson thực sự thành danh khi ấn hành cuốn Winesburg, Ohio. Tập truyện ngắn liên hoàn 23 truyện này tạo dựng một thành phố nhỏ tưởng tượng gọi là Winesburg nhưng phần nào dựa vào thị trấn Clyde của Anderson thời thơ ấu ở Ohio.

Sau đó là các tập truyện ngắn khác:

– Chiến thắng của quả trứng (The Triumph of the Egg, 1921)

– Ngựa và Người (Horse and Men, 1923)

– Cái chết trong rừng (Death in the Woods, 1933)

Về tiểu thuyết của Anderson, đáng kể là Da trắng khốn cùng (Poor White, 1920) và Tiếng cười u tối (Dark Laughter, 1925).

Sherwood Anderson ghi dấu ấn vĩnh viễn trong văn chương bằng những truyện ngắn trữ tình và huyền bí, nơi ta thường bắt gặp những khoảnh khắc lóe sáng, những trải nghiệm bừng ngộ (the experience of epiphany). Người đàn ông hóa thành đàn bà (The Man who became a Woman) từ tập truyện Ngựa và Người là một truyện linh ánh như vậy.

Truyện ngắn của Anderson thường có ba tố chất: giản đơn, trữ tình và huyền bí.

Hóa thành đàn bà ở đây mang tính chất tâm lý, có cốt truyện giản đơn trong một ngôn ngữ giàu chất thơ và đậm biểu tượng. Và tất nhiên, có huyền bí âm dương: Đàn ông và đàn bà, bạo lực và êm dịu, người và vật, trường đua và lò sát sinh, mưa và xương:

“Nhưng tại sao tôi không thể hét lên tôi cũng không biết nữa. Phải chăng vì trong giây phút đó tôi vừa là đàn bà, đồng thời cũng không phải là người đàn bà? Có lẽ tôi quá xấu hổ vì thấy mình đã biến thành phụ nữ, cùng lúc đó người phụ nữ trong tôi sợ hãi đàn ông đến nỗi không dám gây ra tiếng động nào. Tôi không biết và chẳng có cách nào hiểu nổi.”

“Ngay lập tức tôi cảm thấy khỏe hơn và bò ra khỏi đống xương. Sau đó tôi đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Tôi không còn là một người đàn bà, hay một cô gái trẻ nữa. Tôi là tôi, một người đàn ông. Kể từ đó về sau tôi sống theo cách của một người đàn ông. Thậm chí đêm đen cũng trở nên ấm áp và sống động, như người mẹ đối với đứa con trong bóng tối.”

Một kiệt tác truyện ngắn khác của Anderson là Cái chết trong rừng ấn hành trong tập truyện cùng tên. Nó được Anderson viết đi viết lại nhiều lần cho đến khi hoàn hảo dù nó là một câu chuyện trông thật giản đơn (the simple story).

Một bà lão kiệt sức chết trong rừng dưới ánh trăng và tuyết rơi trong vòng tròn nghi thức kỳ lạ: Cuộc tuần hành của bầy chó quanh bà.

Sau đó là người:

“Tôi chỉ còn nhớ bức tranh trong rừng, những người đàn ông vây chung quanh, hình hài thiếu nữ của bà lão, khuôn mặt vùi trong tuyết, dấu hình đường đua của những con chó và bầu trời mùa Đông lạnh lẽo sáng trong trên đầu. Những mảnh mây trắng trôi rời rạc. Mây đuổi theo nhau băng qua khoảng trời lộ ra giữa tán cây.”

Vậy tuần hành quanh hình hài thiếu nữ lộ trần và úp mặt trong tuyết của bà lão là chó, người và mây. Biểu tượng của huyền bí hay huyền bí của biểu tượng?

Nhật Chiêu

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com