Luigi Pirandello (1867 – 1936), sinh tại Agrigento, Sicile (Italia) là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, tiêu biểu của Italia đầu thế kỉ XX. Ông được trao giải Nobel Văn học 1934 vì những tìm tòi táo bạo và thành công trong nghệ thuật ngôn từ và sân khấu – mà đặc biệt nổi bật nhất, như nhiều nhà phê bình nhận xét, là khả năng kì diệu biết làm “một phân tích tâm lí thành một vở kịch hay”.
Luigi Pirandello là con thứ hai trong số sáu người con của một gia đình tư sản chủ mỏ lưu huỳnh. Tài năng văn học của ông thể hiện khá sớm. Khi còn học phổ thông, L. Pirandello đã làm thơ và viết một vở bi kịch có nhan đề Barbaro (về sau bị thất lạc). Năm 1887, ông vào học ngành ngữ văn ở Đại học Palermo và Roma. Không hài lòng với trình độ giảng dạy ở đây, ông chuyển sang Bonn học và nhận chứng chỉ tốt nghiệp vào năm 1891.
Năm 1889, ông xuất bản tập thơ đầu tiên “Nỗi đau sung sướng” . Trở về Roma năm 1892, L. Pirandello cộng tác với các tạp chí văn học và công bố nhiều tập thơ, trong đó có “Những bi ca trên sông Rhein”.
Năm 1894 ông kết hôn với Maria Antonietta Portulano. Năm 1898 ông bắt đầu viết kịch và đứng ra thành lập hẳn một đoàn kịch. Từ năm 1897 đến 1922, L. Pirandello giảng dạy mĩ học và văn học ở Viện Magistere Femminile tại Roma.
Năm 1901 ông xuất bản tiểu thuyết đầu tiên “Người đàn bà bị ruồng bỏ”. Năm 1903, gia đình phá sản vì lụt phá sập hầm mỏ, vợ mắc bệnh tâm thần nặng, nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác; cuốn tiểu thuyết thứ ba “Mittia Pascal quá cố” (1904) đã mang lại cho L. Pirandello thành công lớn. Từ năm 1915, ông gần như dành toàn bộ thời gian cho sáng tác kịch (trong 6 năm 1915-1921 ông viết 16 vở kịch và tất cả đều được trình diễn).
Các tác phẩm của L. Pirandello mang khuynh hướng duy thực, đi sâu vào tâm lí, miêu tả nỗi đau khổ của con người. Vở kịch “Sáu nhân vật đi tìm tác giả” viết năm 1921 thực sự tạo cú thúc quyết định cho sự phát triển của sân khấu hiện đại. Tên tuổi của L. Pirandello không chỉ được biết đến ở Italia mà ở toàn Châu Âu. Năm 1924, ông gia nhập đảng phát xít và với sự giúp đỡ của Mussolini đã sáng lập và trở thành giám đốc Nhà hát nghệ thuật quốc gia. Năm 1926, ông viết xong tiểu thuyết cuối cùng “Một, không có một và mười vạn”.
Năm 1928, nhà hát của ông phải đóng cửa vì lí do tài chính. Những năm sau đó L. Pirandello đi du lịch và sống nhiều ở nước ngoài. Năm 1934 ông nhận giải Nobel và đọc một bài diễn văn ngắn, trong đó đề cao thái độ thành thực ngưỡng mộ cuộc sống của mỗi nhà văn, theo ông, đó là điều quyết định cho sự nghiệp của mỗi người.
L. Pirandello mất tại Roma; theo nguyện vọng riêng, nhà văn được chôn cất lặng lẽ tại quê nhà Sicile không nghi lễ tang điếu. Một số vở kịch và nhiều truyện ngắn của ông đã được dịch sang tiếng Việt.
• Tác Phẩm:
— Barbaro, kịch (bản thảo đã thất lạc).
— Nỗi đau sung sướng (Mal giocondo, 1889), tập thơ.
— Những bi ca trên sông Rhein (Elegie Renane, 1892), thơ.
— Tình yêu không có tình yêu (Amori senza amore, 1894), tập truyện.
— Người đàn bà bị ruồng bỏ (L”esclusa, 1901), tiểu thuyết.
— Nghĩa vụ thầy thuốc (Il dovere del medico, 1902), kịch.
— Mattia Pascal quá cố (Il fu Mattia Pascal, 1904), tiểu thuyết.
— Khoa học và nghệ thuật (Arte e scienza, 1908), tiểu luận.
— Cái hài (L”Umorismo, 1908), tiểu luận.
— Vết cắn (La morsa, 1910), kịch.
— Những quả chanh Sicilia (Lumie di Sicilia, 1911), kịch.
— Những người già và những người trẻ (I vecchi e i giovani, 1913), tiểu thuyết.
— Nếu điều đó không như thế (Se non cosi, 1915), kịch.
— Hạ gục (Sigria, 1916), tiểu thuyết.
— Vòng lục lạc (La giara, 1917), kịch.
— Liolà (1917), kịch.
— Điều đó như thế (nếu các anh thấy vậy) (Cosi è (se vi pare), 1918), kịch.
— Hãy suy nghĩ, Giacomio! (Pensaci, Giacomino, 1920), kịch.
— Theo cách tốt (Tutto per bene, 1920), kịch.
— Mỗi người theo một cách (Ciascuno a suo modo, 1924), kịch.
— Một, không có một và mười vạn (Uno, nessuno e centomila, 1926), tiểu thuyết.
— Hôm nay chúng ta ứng diễn (Questa sera si recita a soggetto, 1929), kịch.
— Anh muốn em như thế nào (Come tu mi vuoi, 1930), kịch.
— Lõa thể (Maschere nude, 1918ơ-1935), kịch.
— Enrico Đệ Tứ (Enrico IV, 1922), kịch.
— Những người ở trần đang mặc quần áo (Vestire gli ignudi, 1923), kịch.
— Cuộc sống ta trao cho con (La vita che ti diedi, 1924), kịch.
— Sáu nhân vật đi tìm tác giả (Sei personaggi in cerca d”autore, 1921), kịch.
— Chuyện cho một năm (Novelle per un anno, 1932-1937), tập truyện.
• Tác Phẩm Đã Dịch Ra Tiếng Việt:
— Anh chồng của vợ tôi (tập truyện ngắn), Quỳnh Dung dịch, NXB Tác Phẩm Mới, 1989.
— Đóm đóm của tình yêu (tập truyện ngắn), Hoàng Hải – Trần Sơn dịch, NXB Văn Học, 1998.
— Viên ngọc gia bảo, Phạm Huy Kỳ dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2003.
— Những bổn phận, Trịnh Đình Hùng dịch, in trong Truyện ngắn thế giới chọn lọc (tập 2), NXB Tác Phẩm Mới, 1985.
— Anh chồng của vợ tôi, Vũ Đình Phòng dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc – tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998, 1999; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
— Cuộc báo thù con chó, Hoàng Hải dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997.
— Đêm tân hôn, Quỳnh Dung dịch, in trong Tập truyện ngắn nước ngoài chọn lọc, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1998; Tuyển tập truyện ngắn thế giới chọn lọc, NXB Văn Học, 1998; Truyện ngắn lãng mạn Italia, NXB Lao Động, 2002.
— Vòng hoa, Hoàng Hải dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997; Tuyển tập truyện ngắn thế giới chọn lọc, NXB Văn Học, 1998; Những chuyện tình thơ mộng, NXB Hội Nhà Văn, 2000.
— Hơi thổi, Tấm khăn choàng màu đen, Vũ Đình Phòng dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc – tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel năm 2004.
— Chiến tranh, Ngô Bích Thu dịch, in trong Đôi mắt lụa, NXB Văn Học, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.
— Cam chanh Xixilơ, Hoàng Hải dịch; Giải phóng vua gà, Trần Sơn – Hoàng Hải dịch; In corpore vili, Trần Sơn dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.
— Vị Thượng đế già nua, N.T.Q.H dịch; Anh chồng của vợ tôi, Lê Sơn dịch, in trong Truyện ngắn lãng mạn Italia, NXB Lao Động, 2002.
— Chuyến viễn du, Vũ Đình Phòng dịch, in trong Truyện ngắn hay thế giới, NXB Thanh Hóa, 2004.
— Chiếc khuy áo khoác, Nữ thần sống khỏa thân, Vũ Đình Phòng dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
— Hãy suy nghĩ đi, Giacôminô, Quỳnh Dung dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997; Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel, NXB Văn Học, 2004.
Sự nghiệp sáng tác của Luigi Pirandello rất rộng lớn. Với tư cách tác giả viết novella (truyện ngắn), chắc chắn không ai có thể sánh cùng ông về sức viết, thậm chí ngay ở đất nước khai sinh ra thể loại văn học này. Nếu như tập Decameron của Boccaccio gồm 100 novella thì trong tập Novelle per un anno của Pirandello (1922-37) mỗi ngày trong năm ông đều có một truyện. Chúng hết sức đa dạng về chủ đề cũng như về nhân vật: lối mô tả cuộc sống của ông khi thì thuần tuý hiện thực, khi thì mang ý nghĩa triết lí uyên thâm hoặc chứa đựng đầy nghịch lí, và thường được thể hiện bằng một ngòi bút châm biếm hay trào phúng. Đồng thời ông cũng có nhiều sáng tạo trong lối viết đầy sức tưởng tượng giàu chất thơ mà ở đó yêu cầu về hiện thực nhường chỗ cho lí tưởng và chân lí sáng tạo.
Nét chung trong tất cả những novella này là tính ngẫu hứng không cần dụng công, nên chúng tràn trề tính tự nhiên, nhiệt huyết và sức sống. Song, vì khuôn khổ hạn chế của novellas đòi hỏi một kết cấu đặc biệt chặt chẽ, chúng ta cũng thấy được hậu hiệu quả của sự ngẫu hứng. Trong khi nóng lòng xử lí các chủ đề sáng tạo, Pirandello có thể đánh mất sự kiểm soát, không còn bận tâm đến ấn tượng chung nữa. Mặc dù novellas của Pirandello rất độc đáo, chúng khó lòng thể hiện được hết được nghệ thuật hoàn thiện của ông. Điều này thật hiển nhiên nếu ta lưu ý rằng nhiều chủ đề sẽ được sử dụng cho các tác phẩm sân khấu của ông sau này.
Tiểu thuyết cũng không phải là đỉnh cao trong thành tựu văn học của ông. Mặc dù các tiểu thuyết ở giai đoạn đầu cũng thấm nhuần những ý tưởng mà với chúng ông đã góp phần cống hiến vô cùng độc đáo của mình cho sân khấu hiện đại, những hình thức hoàn thiện nhất của các ý tưởng đó, ông chỉ dành cho sân khấu..
Trong khuôn khổ cho phép của một bài đánh giá sơ lược ở đây, chúng ta chỉ có thể đề cập đến một trong nhiều quyển tiểu thuyết mà ở đó một đặc trưng riêng biệt trong quan niệm của ông về thời đại chúng ta, nỗi khiếp sợ và ghê tởm của ông đối với chủ nghĩa vật chất đang làm cơ giới hóa cuộc sống chúng ta, được ông thể hiện một cách mãnh liệt nhất. Tiểu thuyết Si gira (1916) (Bấm máy), tiêu đề được đặt theo một thuật ngữ của ngành điện ảnh, “Bấm máy lần một”, hiệu lệnh để thông báo cho các diễn viên biết rằng cảnh quay bắt đầu. Người kể chuyện là người “Bấm máy”, tức người quay phim trong một xưởng phim lớn. Anh ta tìm thấy một ý nghĩa đặc biệt trong nghề của mình. Với anh ta, cuộc sống cùng với tất cả cái xấu và cái tốt của nó được qui về vật liệu của những hình ảnh được sản xuất một cách máy móc cho những khoảng thời gian tiêu khiển; ngoài ra, nó không còn mục đích nào khác.
Máy quay phim trở thành con quái vật nuốt chửng mọi thứ và trải nó ra trong cuộn phim, bằng cách đó đưa ra một diện mạo bên ngoài của hiện thực, một diện mạo mà về cơ bản là cái chết của tinh thần, sự trống rỗng của tâm hồn. Sự tồn tại của chúng ta hiện nay lặp đi lặp lại và vận hành cũng với tốc độ vô hồn như thế, nó hoàn toàn máy móc, như đã bị tàn phá, bị huỷ diệt. Thái độ của tác giả được diễn tả hết sức mạnh mẽ. Chỉ riêng cốt truyện đã có sức công phá thật ghê gớm.
Đó là nét chung về những vở kịch của Pirandello, hầu hết được giới hạn xung quanh những vấn đề tâm lí thuần tuý. Nỗi đắng cay của kỉ nguyên hiện tại đã ảnh hưởng rất nhiều đến những triết lí bi quan trong các vở kịch, ngay cả khi những triết lí này dựa vào bản tính tự nhiên của tác giả.
Maschere Nude (1918 -21) là tiêu đề mà ông đặt cho tuyển tập kịch của mình, rất khó dịch bởi tính đa nghĩa của nó. Theo nghĩa đen, ta có thể dịch là “Những chiếc mặt nạ trần trụi”, nhưng “mặt nạ” thường chỉ biểu thị bề mặt. Còn trong trường hợp này, từ này được sử dụng để chỉ việc cải trang, che giấu kẻ này trước kẻ khác và trước chính bản thân mình, sự cải trang mà với Pirandello có ý nghĩa là dạng thức bề mặt với một bản ngã khôn dò ẩn sau nó. Những chiếc mặt nạ “trùm kín”, bị phân tích và tiêu hủy bởi sự sáng rõ thấu suốt: Trong kịch của ông, đó chính là sự lột tả chân dung của nhân loại – con người bị lột mặt nạ. Tiêu đề của ông hàm nghĩa như thế.
Đặc điểm nổi bật nhất trong nghệ thuật của Pirandello là sức mạnh gần như thần kì của ông trong việc biến những phân tích tâm lý thành những vở kịch tuyệt vời. Thường thì sân khấu đòi hỏi có những mẫu người. ở đây thì tinh thần giống như một cái bóng, tối tăm ẩn sau tăm tối, và không ai dám quả quyết ở bên trong cái gì gần với cốt lõi hơn. Rốt cuộc thì có vắt óc ra người ta cũng chẳng rõ, bởi thực ra chẳng có gì là cốt lõi cả.
Mọi thứ đều tương đối, chẳng có gì ta có thể nắm bắt tuyệt đối, thế nhưng các vở kịch đôi khi lại có thể thu hút, làm mê hoặc và quyến rũ thậm chí đông đảo công chúng khắp nơi trên thế giới. Kết quả này hoàn toàn là một nghịch lí. Vì, theo chính tác giả giải thích, nó phụ thuộc vào thực tế là tác phẩm của ông “sinh ra từ những hình ảnh của cuộc sống đã được đi qua một bộ lọc ý tưởng và hoàn toàn nắm giữ, chiếm ngự”. Cơ sở của các vở kịch chính là hình ảnh, chứ không phải, như một số người nghĩ, là ý tưởng trừu tượng được nguỵ trang bằng hình ảnh.
Có người nói Pirandello chỉ có một tư tưởng “duy nhất”, đó là bản chất ảo tưởng của nhân vật, của cái Tôi. Lời nhận định này có thể dễ dàng kiểm chứng. Quả thực, tác giả bị ám ảnh bởi tư tưởng đó. Tuy vậy, thậm chí dù tư tưởng này được mở rộng tới cả tính tương đối của tất thảy những gì mà con người tin mình nhìn thấy và thấu hiểu, nhận xét trên vẫn không công bằng.
Trước hết, nghệ thuật kịch của Pirandello không phá vỡ những khuynh hướng văn chương chung. Ông xử lí những vấn đề xã hội và đạo đức, sự xung đột giữa quan hệ cha mẹ và cấu trúc xã hội với những quan điểm cứng nhắc về danh dự và khuôn phép, những khó khăn khi cái thiện của con người phải tự bảo vệ chống lại cái ác đối nghịch trong chính con người. Tất cả những điều này được thể hiện trong những tình huống phức tạp cả về đạo lí lẫn lôgic, và kết thúc thì lúc thành lúc bại. Những vấn đề này có sự song hành tự nhiên trong việc phân tích cái “Tôi” của các nhân vật, những kẻ cũng có tính tương đối chẳng khác gì các tư tưởng mà họ đang tranh đấu chống lại.
Trong một số vở kịch của ông, chính cách nhìn của kẻ khác về một nhân vật và hậu quả của chúng trở thành chủ đề chính của tác phẩm. Kẻ khác chỉ biết về chúng ta như chúng ta biết về họ: bao giờ cũng không hoàn chỉnh; thế mà, chúng ta lại đưa ra những đánh giá chung quyết. Chính dưới áp lực của dư luận những lời đánh giá này, lương tâm của một con người có thể bị thay đổi. Trong tác phẩm Tutto per bene (1920) (Tất cả cho những điều tốt đẹp), diễn biến tâm lí này được dẫn tới kết cục của nó.
Trong tác phẩm Vestire gli ignudi (1923) (Vận trang phục cho kẻ trần truồng), mô típ này bị đảo ngược và mang một tính chất bi kịch xúc động. Một cuộc đời bị đánh mất, một cái Tôi không còn tìm thấy gì trong chính bản thân mình, muốn tìm đến cái chết, song, hoàn toàn quay lưng với thế giới bên ngoài, lại có một ước nguyện thống thiết cuối cùng là có được một tấm vải liệm tử tế trong ý nghĩ tốt đẹp của những người khác về sự tồn tại của mình. Trong vở kịch hấp dẫn này, ngay cả sự nói dối, bằng nỗi thống khổ của nó, cũng có vẻ như một kiểu ngây thơ.
Nhưng tác giả không dừng ở đó. Một vài vở kịch của ông đề cập đến sự dối trá trong cái thế giới tương đối này và đánh giá, với một lôgic thấu suốt, những mức độ tội ác của sự dối trá đó. Trong La vita che ti diedi (1924) (Cuộc sống tặng con), quyền về những điều không thực được biểu hiện bằng một hình thức lớn lao và đẹp đẽ. Một người đàn bà, vừa mất đứa con trai duy nhất, không còn gì có thể níu kéo bà lại cuộc đời này nữa. Thế nhưng một trận cuồng phong đã thức tỉnh trong bà sức mạnh xua tan cái chết như ánh sáng xua tan màn đêm.
Tất cả trở nên những ảo ảnh; bà cảm thấy không chỉ bản thân mình mà là tất cả những gì hiện hữu chỉ là sản phẩm mộng ảo mà thôi. Sâu thẳm trong tim mình, bà gìn giữ những kỉ niệm và những giấc mơ, và giờ đây những kỉ niệm và những giấc mơ hoá ra mạnh hơn tất cả. Đứa con trai đã được bà ban cho sự sống, đứa con luôn luôn ngự trị trong tâm hồn bà, vẫn luôn luôn ngự trị ở đó. Không có một khoảng trống nào, kí ức về người con trai không thể xoá nhoà. Anh vẫn mãi tồn tại trong bà, dưới dạng thức mà bà không thể nắm bắt được. Bà cảm thấy anh cũng một cách sâu sắc như cảm thấy bất cứ cái gì khác. Như vậy, tính tương đối của chân lí mang hình hài của một bí ẩn giản dị và cao cả.
Tính tương đối này cũng xuất hiện như một bí ẩn trong Così é se vipare (1918) (Cho như thế thì sẽ là như thế). Vở kịch được gọi là một truyện ngụ ngôn, nghĩa là ta sẽ không kì vọng cốt truyện lạ lùng của nó xảy ra trong thực tế. Câu chuyện cường điệu và được xếp đặt một cách tài tình mang trong nó những điều hết sức uyên thâm. Các tình huống của một gia đình mới đến định cư ở một tỉnh lị lỵ trở nên không thể chịu được đối với những cư dân của thị trấn. Trong số ba thành viên của gia đình, người chồng, người vợ và bà mẹ vợ, người chồng hoặc bà mẹ vợ, mỗi người đều có lí riêng, phải được xem như bị ám ảnh bởi những ý tưởng phi lí về tính cách người vợ.
Người nói lời cuối cùng luôn là người có tiếng nói quyết định về vấn đề, nhưng sự so sánh những tuyên bố mâu thuẫn luôn để ngỏ cho sự ngờ vực. Những câu hỏi và sự đối lập của hai nhân vật được miêu tả với kịch tính cao độ và một sự hiểu biết tinh tế về những căn bệnh tinh vi nhất của tâm hồn. Người vợ lẽ ra có thể tìm được câu trả lời, nhưng khi xuất hiện, cô giống như một nữ thần trí tuệ và nói năng bí hiểm; đối với mỗi người khác, cô thể hiện cái [nhân cách] mà cô phải là, để người đó tiếp tục lưu giữ hình ảnh [của riêng người đó] về cô. Trên thực tế, cô là biểu tượng của chân lí mà không ai có thể nắm bắt trọn vẹn.
Vở kịch cũng là một sự châm biếm sâu cay về tính tò mò cũng như sự thông thái rởm của con người; trong đó Pirandello đưa ra một bản liệt kê những hình mẫu và vạch trần tính tự phụ sâu sắc, ít nhiều hoặc hoàn toàn lố bịch, ở những kẻ cố công phát hiện chân lí. Toàn bộ vở kịch xứng đáng là một kiệt tác.
Tuy nhiên, vấn đề trung tâm trong sự nghiệp sáng tác kịch của tác giả là phân tích cái Tôi – sự hoà tan của nó vào các yếu tố trái ngược, sự phủ nhận tính thống nhất đầy ảo tưởng của nó, và sự mô tả mang tính biểu tượng trong Maschere nude. Nhờ đầu óc sáng tạo không cạn kiệt, Pirandello tấn công vấn đề từ rất nhiều phía khác nhau, một số vấn đề đã được đề cập tới ở đoạn trên.
Bằng cách lắng nghe thanh âm sâu xa của sự điên rồ, ông đã có những phát hiện quan trọng. Trong vở bi kịch Enrico IV (1922) (Henry IV), ấn tượng mạnh mẽ nhất là từ cuộc đấu tranh của nhân vật để tìm ra bản ngã trong dòng chảy bất tận của thời gian. Trong Il giuoco delle parti (1919) (Luật chơi), Pirandello đã sáng tạo một vở kịch thuần tuý trừu tượng: ông sử dụng những ý niệm nhân tạo về bổn phận – mà mọi thành viên trong xã hội đều chịu chi phối do áp lực của truyền thống – với lôgic quyết đoán cho một hành động hoàn toàn trái dự đoán. Giống như khi chiếc gậy thần được vung lên, trò chơi trừu tượng sẽ lấp đầy sân khấu với một sự sống cực kì quyến rũ.
Sei personaggi in cerca d’autore (1921) (Sáu nhân vật đi tìm tác giả) là một trò chơi tương tự như trò chơi được mô tả ở trên, nhưng đồng thời lại rất khác; nó vừa rất nghiêm túc, sâu sắc vừa đầy hàm ý. Cái thống trị ở đây là trí tưởng tượng sáng tạo không giới hạn chứ không phải là tính trừu tượng. Nó thực sự là một vở kịch của sáng tạo thơ; nó cũng là sự hòa giải giữa sân khấu và sự thật, giữa ngoại hiện và thực tại.
Hơn nữa, nó còn là một thông điệp nửa thất vọng của nghệ thuật gửi đến tâm hồn của một thời đại bị tàn phá, của những cảnh phiến đoạn đầy căm giận và dễ bùng nổ. Cơn lũ của cảm xúc dữ dội và trí tuệ siêu việt, rất giàu chất thơ này, thực sự là nguồn cảm hứng của thiên tài. Sự thành công của vở kịch ở khắp nơi trên thế giới, điều chứng tỏ rằng nó được đồng cảm ở một mức độ nào đó, nhưng đây là điều hết sức khác thường, chẳng khác gì chính bản thân vở kịch. Không cần thiết và cũng không có đủ thời gian lúc này để nhắc lại những chi tiết kì diệu khiến người xem sửng sốt.
Tâm lí hoài nghi mà Pirandello đã dựa vào để xây dựng những tác phẩm xuất sắc của mình thực sự là tiêu cực. Nếu nó được đông đảo công chúng đón nhận một cách cả tin, giống như khi người ta cả tin tiếp nhận những tư tưởng mới và táo bạo, thì nó cũng kéo theo một số nguy cơ. Nhưng điều này sẽ không xảy ra. Nó tự áp dụng cho một địa giới thuần tuý tri thức và công chúng đông đảo hiếm khi đi theo nó tới địa giới đó. Nếu tình cờ, một ai đó bị thuyết phục rằng cái Tôi của y chỉ là một sự hư ảo, y sẽ nhanh chóng tin chắc rằng trên thực tế cái Tôi ở một mức độ nào đó vẫn là hiện thực. Cũng như tính tự do của ý chí, dẫu không thể chứng minh, vẫn không ngừng có thể thấy rõ qua trải nghiệm, cái Tôi sẽ tìm ra cách để buộc người ta nhớ đến nó. Những cách đó thô thiển hoặc tinh tế. Nhưng có lẽ cách tinh tế nhất hàm chứa trong chính năng lực của tư tưởng; cái tư tưởng mà, bên cạnh những tư tưởng khác, muốn huỷ diệt cái “Tôi”.
Nhưng công trình phân tích của nhà văn xuất chúng này vẫn giữ nguyên giá trị, đặc biệt nếu so sánh với những tác phẩm khác thời nay. Phân tích tâm lí đem đến cho chúng ta những hệ thống phức hợp, tạo nên sự thú vị và niềm vui to lớn. Chúng thậm chí được tôn kính như những vật thờ bởi những đầu óc rõ ràng là sùng đạo. Sự tôn sùng ấu trĩ! Đối với một người có trí tưởng tượng về hình ảnh, chúng giống như tảo biển luẩn quẩn trong lòng nước. Lũ cá nhỏ luợn lờ quanh những đám tảo này và suy ngẫm, cho đến khi rốt cuộc đầu óc chúng sáng ra, chúng sẽ lặn vào trong đó và biến mất. Chủ nghĩa hoài nghi của Pirandello bảo vệ chúng ta khởi những cuộc phiêu lưu như vậy. Hơn thế nữa, ông có thể giúp đỡ chúng ta. Ông cảnh báo chúng ta không nên chạm đến lớp mô tinh tế của tâm hồn con người theo lối giáo điều thô thiển và mù quáng.
Là một nhà đạo đức, Pirandello không mâu thuẫn mà cũng không tiêu cực. Thiện vẫn thiện, và ác vẫn ác. Một nhân loại cao quí quý kiểu cổ điển ngự trị ý tưởng của ông về thế giới con người. Sự bi quan cay đắng không thể dập tắt chủ nghĩa lí tưởng trong ông. Khả năng phân tích sâu sắc không thể cắt lìa cội rễ của cuộc sống. Trong thế giới tưởng tượng của ông, hạnh phúc không nhiều, nhưng vẫn có đủ bầu không khí để thở cho những gì đem lại phẩm giá cho đời.
«Thưa tiến sĩ Pirandello, nhiệm vụ của tôi, nhiệm vụ trình bày một cách ngắn gọn, súc tích sự nghiệp văn học sâu sắc của Ngài, thật là khó khăn. Mặc dù một phác thảo ngắn gọn dạng đó là không tương xứng, nhưng tôi đã thực hiện trọng trách của mình với niềm vui sướng lớn lao.
Xin cho phép tôi được mời Ngài lên nhận từ tay Đức Vua giải thưởng Nobel Văn học mà Viện Hàn lâm Thuỵ Điển thấy rằng Ngài xứng đáng được nhận».
(Vũ Thị Vân Anh và Tân Đôn dịch)
Loài chuột nhắt chẳng bao giờ ý thức được cái bẫy khi chúng lọt vào. Liệu có bao giờ chúng sa bẫy nếu chúng biết là người ta đã giăng sẵn một cái chờ chúng hay không? Và ngay cả khi chúng bị mắc bẫy rồi mà dường như chúng cũng không hiểu nổi chúng đang ở đâu và vẫn tiếp tục giãy giụa, điên cuồng, thò cái mõm nhỏ xíu đầy râu ria của chúng ra khỏi những cái then sắt, kêu chít chít chói tai trong một cố gắng tuyệt vọng hòng kiếm đường tẩu thoát.
Trái lại, khi con người bắt đầu tranh tụng, hắn hiểu rất rõ rằng hắn đang bước vào một cái bẫy sập. Nhưng trong khi con chuột tranh đấu thì con người lại bất động – dĩ nhiên chỉ thân thể bất động mà thôi; bên trong – nghĩa là tinh thần – hắn hành xử giống hệt con chuột nhắt, nếu không tệ hơn thế.
Quả thực đó là điều đang xảy ra với cái đám thân chủ kia, người đầm đìa mồ hôi và bị ăn tươi nuốt sống bởi bầy ruồi nhặng và nỗi buồn chán, đang ngồi vào buổi sáng oi nồng ấy trong phòng đợi của luật sư Zummo, chờ đến phiên mình tham vấn ông ta.
Không người nào rời khỏi ghế ngồi, nhưng những cái nhìn đầy hờn căm sôi sục họ trao đổi với nhau khiến người ta không còn hồ nghi gì về tâm tư họ. Người nào cũng muốn độc quyền giành luật sư cho riêng mình, và người nào cũng cảm thấy rằng, với bao nhiêu là thân chủ thế kia để phải thẩm vấn thì thời giờ dành cho tất cả bọn họ có được bao năm. Vả lại, với cái đám đông lúc nhúc kia phải đương đầu, với cái nóng khiếp đảm 90 độ F trong bóng rợp này, với biết bao nhiêu điểm dị biệt phải tranh luận, liệu tâm trí luật sư có còn sáng suốt như vụ kiện đòi hỏi chăng?
Mỗi lần viên thư ký đang ngồi ở bàn ghi ghi chép chép với một tốc độ điên khùng, liếc nhìn cái đồng hồ lớn trên tường, thì vài ba thân chủ lại buồn bã thở dài, trong khi những người khác, mệt lả vì hơi nóng và sự chờ đợi đằng đẵng, vẫn cứ dán mắt vào những kệ sách bụi bặm chồng chất giấy tờ pháp lý – tai họa và sự tán gia bại sản của biết bao nhiêu gia đình bất hạnh. Những người khác nữa, cố gắng tỏ ra lãnh đạm thờ ơ hờ hững thản nhiên, nhòm qua những tấm màn che cửa sổ màu xanh ngoài đường phố nơi người ta đi lại vui vẻ và vô tư lự trong khi đó thì họ lại… Phì! – và với một cử chỉ giận dữ họ điên tiết gạt phăng những con ruồi mà hơi nóng và mồ hôi dầm dề đã làm cho chúng trở nên man dại và hăng máu hơn bao giờ.
Nhưng lộn xộn hơn cả bầy ruồi là đám con trai nhỏ của luật sư, một thằng nhóc lên mười, chân đi đất, đầu bù tóc rối, hiển nhiên vừa từ căn nhà kế cận chạy qua để làm vui cho thân chủ của papa.
“Tên em là gì?” “Cái hộp nhỏ đeo ở cổ đó là cái gì vậy?” “Làm sao mở nó?” “Ở trong đó có gì vậy?” “Một lọn tóc à?” “Tóc của ai thế?” “Tại sao em lại giữ nó?”
Thế rồi, vừa nghe thấy tiếng papa đang tiến lại gần cửa để tiễn một người khách quan trọng nào đó, thằng bé vội chui tọt xuống gầm bàn, trốn sau chân người thư ký.
Mọi người trong phòng đợi đều tất bật đứng dậy, mỗi thân chủ đều khẩn khoản nhìn luật sư, ông này vừa giơ cả hai tay lên vừa nói:
— Kiên nhẫn, các bạn, từng người một.
Người may mắn thì khúm núm đi theo, khép cửa phòng lại trong khi những người khác lại ngồi xuống trong sự chờ đợi cáu kỉnh và ngột ngạt.
Riêng có ba thân chủ, có vẻ là chồng, vợ và con gái, lại không tỏ một dấu hiệu nóng ruột nào cả. Người chồng – một người trạc độ sáu mươi – có một vẻ mặt u buồn, gần như tang tóc. Ông ta khăng khăng không chịu bỏ cái mũ rộng vành nhăn nhúm, màu xanh lợt mà chắc ông ta coi như một thứ phụ tùng thích hợp nhất cho cái áo choàng nặng nề, cổ lỗ nồng mùi băng phiến. Rõ ràng là cái áo đó đã được kính cẩn chọn lựa cho dịp trọng đại này, một cuộc hội kiến chính thức với một luật sư.
Ấy thế mà ông ta không vã mồ hôi.
…
Mời các bạn đón đọc Ngôi Nhà Có Ma của tác giả Luigi Pirandello.
Nguồn: dtv-ebook.com