Một tiếng gọi khẩn thiết vang lên làm rung cả mấy bức tường của khoa Cấp cứu:
– Cho xin bác sỹ Forrester! Có người bị trúng đạn! Khẩn cấp đấy!
Ngay lúc ấy, hai hộ lý nhao vào phòng cấp cứu ở đầu hành lang.
Trong một buồng dành làm chỗ khám, bác sỹ Kate đang khám cho một bệnh nhân. Cô ngẩng đầu và quay về phía một nữ y tá:
– Tôi xong rồi đây. Cô đưa mẫu máu này đến khoa Xét nghiệm và báo cho tôi ngay khi có kết quả.
Kate Forrester lao ra khỏi buồng và chạy dọc hành lang. Mái tóc vàng xổ ra bao quanh khuôn mặt không trang điểm và chiếc blu nhàu nát chứng tỏ cô đã nhiều giờ liền làm việc không ngơi tay ở phòng cấp cứu. Trong bệnh viện lớn này của New York, những đêm thứ bảy và chủ nhật luôn luôn là những đêm bận rộn vất vả, nhất là đêm nay lại càng bận, vì bác sỹ trực cùng với Kate bị một cơn cảm cúm quật ngã đã phải nằm liệt giường. Người được phân công đến giúp Kate thì giờ này vẫn chưa có mặt. Giống như nhiều bạn đồng nghiệp trẻ trong những trường hợp tương tự, Kate đành tự mình xoay xoả, cố gắng làm hết sức mình trong những điều kiện làm việc có nhiều khó khăn không ai có thể tin nổi.
Khi Kate chạy ngang qua buồng C, một nữ y tá gọi giật giọng:
– Bác sỹ Kate, khi nào chị rảnh tay một chút …
Nhưng Kate không dừng lại mà chạy thẳng tới buồng cấp cứu, nơi có một cậu con trai mười bốn tuổi đang mất máu. Chẳng may cho cậu bé, lại tình cờ đứng giữa làn đạn của hai tay anh chị đang xung đột với nhau ở một phố không xa bệnh viện.
Biết rằng bác sỹ Forrester cùng một lúc chỗ nào cũng có người gọi, nữ y tá Adélaide Cronin quay về buồng C để hỏi sơ qua một bệnh nhân nữ mới đến một số câu. Là một y tá giỏi đã có hơn mười sáu năm trong nghề, Cronin muốn nói chuyện riêng với bệnh nhân – một cô gái mười chín tuổi có bộ tóc nâu. Nhưng không hiểu sao, mẹ cô cứ nhăm nhăm ở bên cạnh, không chịu rời con nửa bước lấy cớ để trông nom cô.
Sau khi đã cân nhắc, bà Cronin hỏi cô gái:
– Xin cô cho biết cô bị đau ra sao?
Lập tức bà mẹ cắt ngang:
– Tôi muốn chị mời một bác sỹ đến đây ngay. Con tôi cần phải được hưởng những chăm sóc tốt nhất.
– Tôi đã báo bác sỹ Forrester.
– Không, tôi yêu cầu con tôi phải được bác sỹ trưởng trực tiếp khám. Tốn kém bao nhiêu, chúng tôi cũng có thể trả! Chị hiểu chứ?
– Tôi e rằng vào giờ này, nhất lại là tối thứ bảy, ông ta sẽ không đến – bà Cronin phản bác lại – Và bây giờ – Bà quay ra nói với cô gái – cô hãy nói điều gì đã khiến cô phải tới đây?
– Con tôi đau do những cơn nôn oẹ – Bà mẹ vội giải thích.
Thông cảm những sợ hãi do quá lo cho con của bà mẹ, bà Cronin ngoảnh về phía bà ta với vẻ mặt ân cần, khoan dung.
– Thưa bà …
– Stuyvesant – Bà mẹ cô gái tiếp lời – Bà Claude Stuyvesant.
Cái tên đủ nổi tiếng để bà Cronin nhận ra ngay lập tức. Tuy nhiên, hiểu rằng mình sẽ phải làm gì, bà vẫn không thay đổi thái độ.
– Bà Stuyvesant, những lời khai này sẽ được đưa vào hồ sơ bệnh án của con bà. Cho nên chừng nào cô ấy còn nói được thì tốt hơn hết là bà cứ để cô ấy tự nói, bằng chính những lời của mình. Bởi như thế sẽ càng chính xác hơn thôi. Bác sỹ sẽ cần đến nó để tiến hành chẩn đoán, vì vậy tôi xin bà …
– Mong bà thứ lỗi.
Bà mẹ rời khỏi bàn khám, nơi con bà đang được đặt nằm. Tóc cô gái trẻ xoã ra bết vào trán đang rịn mồ hôi, hơi thở cô nhè nhẹ, từng hồi đứt khúc, người cô căng ra. Trong khi lẳng lặng ghi nhận những triệu chứng suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần ấy, bà Cronin nắm tay cô bắt mạch và đo huyết áp.
…
Mời các bạn đón đọc Ngày Cuối Tuần Định Mệnh của tác giả Henry Denker.
Nguồn: dtv-ebook.com