Nắng Hè Quê Ngoại

white noise for sleeping link
shopee-sale

Việt Thi

Nắng Hè Quê Ngoại

 

Chương 1

 

Cơn mưa đêm đầu mùa thật lớn, làm cho con đường trải đá đỏ dẫn vào xã, vốn xuống cấp đầy những ổ gà lớn nhỏ, giờ càng tệ hại hơn và bụi đường. 
Nhưng nếu chịu khó nhận xét thì cỏ cây, hoa lá xanh tươi, vươn cao mầm sống hơn, bởi đám mưa như tắm rửa bụi đường. Thiên Trang càu nhàu Thùy Dương khi nhìn con đường. 
− Hết chuyện rủ rồi! Khi không lại kéo ta về quê. Ở đây có gì vui chứ ?
…Còn nữa, mới nhìn con đường dẫn vào nhà ngoại mi thôi là ngán tới tận cổ luôn, làm sao dám lội vào ? Thôi! Không chơi nữa, ta về!
− Ý! Đừng nói chơi nha Trang.
Thuỳ Dương kêu lên – tiểu thư quen rồi, chưa lội đã vội la ré. Nè! Lên xe đi, ngồi cho vững đó, ta chạy nha.
− Nhắm ổn không vậy ? Toàn ổ gà, coi chừng té là “cái mũi ăn trầu, đầu xỉa thuốc” cho biết thế nào là lễ độ…
Nói xong, Trang giành lấy tay lái. Chiếc xe chồm lên, lao đi thật nhanh, làm tung toé những bụi sình, khiến bao nhiêu người đi bộ phải nhăn mặt khó chịu. Thiên Trang vẫn phớt lờ, như không hề xảy ra chuyện gì cả. 
− Trang ơi! Chầm chậm lại đi, đoạn đường này trơn lắm coi chừng trợt bánh xe.
− Còn lâu, tay lái ta cứng lắm, sẽ không có gì, chỉ cần mi chịu khó ngồi im.
− Nhưng chạy xe kiểu này, thật ngại, bởi ai cũng nhìn tụi mình cả. 
− Kệ họ! – Thiên Trang ngẩn cao mặt tiếp tục nhấn ga – Mình ở thành phố về quê chơi mà, có phải cần đạo mạo như bà cụ non không chứ ? 
Đường sình…bị lắm đất là lẽ đương nhiên, biết sao hơn ?Còn nữa, chiếc xe này bản thân đã là phân khối lớn rồi. Chạy tốc lực ấy đâu có gì quá. 
− Nhưng…lỡ té là quê lắm. 
− Sợ gì. Ở đây đâu ai biết mặt mình. Nhưng nếu bị cười thì hở mười cái răng. Nói thật lòng nha Thuỳ Dương, nếu biết về quê ngoại mi, cực khổ thế này… ta thà nằm chèo queo ở thành phố còn hơn. Nơi sình lầy…khổ ơi là khổ. Không biết ở được đây mấy ngày nữa. 
− Đừng có mà nói nữa, rồi đây Trang sẽ mở rộng tầm mắt mình hơn nhiều. 
− Ý! Trang ơi…coi chừng đó!
Thuỳ Dương kêu to cũng là lúc chiếc xe thắng gấp lại. Chiếc xe đạp của hai anh con trai, chắc dang đi học ngược chiều bị đè bẹp. Niềng bánh cong rất thảm hại. 
Cả bốn, hai trai và hai gái không ai bị gì cả . Thiên Trang mím môi quắc đôi mắt đẹp, cau mày nhìn họ, đang xanh xám mặt. 
− Nè! Chạy xe kiểu gì vậy ?Bộ đui hả ? – Trang cao giọng – Ở đây chứ ở thành phố là toi mạng như chơi đó, biết chưa ?
− Trang! – Thùy Dương kéo tay bạn nói nhỏ – Mình đụng người ta hư xe mà…nói năng gì kỳ vậy, khó nghe lắm.
− Gì chứ ? – Trang hai tay chống mạn sườn lớn tiếng – Không nói như vậy làm sao họ biết mình ngu. Con trai gì dở hết biết đường dở. Đứng hoài làm chi ? Dựng xe tui lên rồi cút xéo đi, chàng ràng thấy ghét. Bỏ cái mặt…thổ địa. 
Trang càng nói càng hăng, chửi như tát nước vào hai anh con trai lạ, khiến Thuỳ Dương đâm ngại ngùng lúng túng. Cô muốn mở miệng nói lời gì đó, nhưng không còn kịp, bởi tiếng Thiên Trang lại cất lên tiếp tục. Lần này còn chanh chua hống hách hơn nhiều so với bao lời lẽ lúc nãy. 
− Sao chứ ? Không chịu dựng lên à ? Hay muốn ăn vạ. Nè! Đừng thấy dân thành phố về quê là cố gây chuyện để đòi tiền đó. Đừng hòng, một xu cũng không bao giờ đâu. 
− Trang! – Dương kéo tay bạn – Ít lời một chút đi. Mình có lỗi đó. 
− Ai nói ? Tao không bắt bồi thường ngã, trầy sơn xe còn nói chi lỗi với phải. Thuỳ Dương, phụ một tay đi. Cần quái gì bọn họ. 
− Ờ! Hai cô hì hục dựng chiếc xe đứng lên. Trang thản nhiên đề máy cho nổ rồi giục bạn. 
− Lên đi Thuỳ Dương!
− Mình đi sao? – Dương lo âu nhìn về phía hai anh con trai đang im lặng đứng gần đó – Còn xe đạp thế này thì sao đây? 
− Mặc kệ họ! Bộ liên quan tới mình sao. Đi! -Trang lại giục lần nữa.
Thuỳ Dương ngần ngừ do dự, lòng cảm thấy thật bất an. E dè, cô bước lại gần nói nhỏ – Hai bạn thông cảm cho nhé! Tai nạn thôi. Mình…xin lỗi, quả thật không muốn như vậy. Làm ơn dẫn xe sửa hộ và…cho phép mình phụ chút ít tiền công.
− Tôi không nhận đâu. – Anh con trai mặc áo sơ mi dài tay lên tiếng, có vẽ gì đó rất bất bình – Đã biết mình có lỗi làm hư xe tôi rồi, thì làm ơn dẫn đi sửa giùm. 
Thật ra tôi không muốn gây khó dễ làm gì. Nhưng…quả là người ta thích gây chuyện. Nhận tiền dễ khiến bị coi thường tham lam. 
− Coi như…cho tôi xin lỗi – Thuỳ Dương năn nỉ – Bỏ qua đi! Bạn là con trai mà, mắc mỏ làm gì. 
− Trai gái gì cũng có lòng tự trong của nó chứ ? Ỉ chạy xe gắn máy làm phách được hay sao ? Đụng người ta không một lời phải trái hoặc hỏi thăm. Còn lớn tiếng chửi như tát nước vào mặt. Con gái gì mà hung dữ, đanh đá quá trời, ai chịu cho thấu? 
Tóm lại tôi không đồng ý cho đi nêu như chưa thoả đáng. 
− Nè! Đủ rồi đó – Thiên Trang xen vào hách dịch – Sao mới gọi là thoả đáng đây ? Trời mưa đường trơn hồn ai nấy giữ. Mấy người chạy xe đạp, chậm chạp, tại sao không chịu tránh đường thì ráng chịu. 
Còn đòi bồi thường hả ?Chuyện đó lâu đi. Con trai nhà quê không biết lịch sự, thiếu “ga lăng”. Bày đặt nói lý lẽ. 
Nhưng mà…nói đi còn nói lại, tôi thì không thiếu gì tiền đâu. Cần bao nhiêu nói đi, chiếc xe đạp này mua đứt luôn đó…mấy trăm ngàn ? – Giọng Thiên Trang khinh khi miệt thị – Hay một triệu ? Cũng nên lắm chứ ? Có dịp ráng đập đổ, để dành luôn. 
− Thiên Trang! Cho tao xin đi – Thuỳ Dương nhăn nhó – Ở đây tiền bạc không giải quyết được gì đâu. Dùng lời lẽ phải trái hay hơn nhiều. Vả lại, theo tao tự mình dùng dây buộc chân thôi. Có ai muốn khó dễ chi, cự cãi hoài mệt quá. 
− Mày im đi cho tao nhờ! – Trang giận dữ – Hôm nay mới thấy mày ngu tới mức độ như vậy. 
Không nói nhiều lời nữa, tốn “calo” vô ích. Tóm lại -Thiên Trang bước nhanh tới, cái ví xinh xinh lấm khá nhiều bùn đất còn treo lủng lẳng nơi cổ chiếc xe giật lấy, lôi ra một cọc tiền loại năm mươi ngàn đếm nhanh mười tờ rồi cao giọng nói, có vẽ gì đó như ban bố – Đây cầm lấy năm trăm ngàn rồiv cút xéo đi mấy…”thằng nhóc” đừng có làm phiền chỗ chị mày đi chơi.
Thiệt là xui xẻo hít sức, mới ra đường toàn gặp ma.
− Xin lỗi…Chúng tôi không cần tiền, yêu cầu cô nên lịch sự và ăn nói có văn hoá một chút. 
Nhìn kỹ mình đi. Chưa chắc ai lớn tuổi hơn ai. Không được gọi nhóc này nhóc nọ – vẫn anh con trai áo xanh lên tiếng – Cô đụng hư xe, theo luật phải sửa. Còn nữa tay bạn tôi bị đau, đã ra máu cần đến trạm y tế băng bó. Tôi thật sự không muốn làm phiền, nhưng buộc lòng phải thế. 
− Tức là sao đây ? Trang cắt ngang đanh đá tiếp -Nhìn kỹ mặt tôi đây nè. Con nhỏ này không quen nghe lời người lạ, nhất là những con trai “nhãi ranh”. 
Thuỳ Dương lên xe đi. Đứng hoài làm gì ? Còn tiền đó, nhận hay không thì tuỳ, không hơi đâu ép uổng. Lên nhanh Thuỳ Dương. 
Nè! Còn nữa. Không chịu lấy tiền bồi thường thì có ngon đạp xe đuổi theo đi, mấy “em trai” của chị. 
Thiên Trang nói nhanh rồi kéo tay Thuỳ Dương – xong chưa, ta chạy à ?
− Nhưng Thuỳ Dương chưa kíp nói gì đã chới với vội ôm Thuỳ Trang bởi chiếc xe chồm lên lao vút về phía trước bỏ lại sau lưng, chiếc xe đạp cong niềng cùng số tiền và hai anh con trai thảm hại với sình lầy văng tung toé từ đầu tới chân. 
Họ ngao ngán, lắc đầu nhìn theo bóng cô gái thị thành, chanh chua, đanh đá, ngổ ngáo khó ai bì. 
Minh – tên anh con trai mặc áo xanh nhìn bản hỏi:
− Mày sao rồi Thắng, hết đau chưa, sao im lặng nhăn nhó hoài vậy ?
− Tét một đường, chảy máu rồi – Thắng kéo cao ống quần để lộ đôi chân đen thui, rạch một đường dài, tuôn máu đỏ thắm. – Đau muốn chết, hơi đâu cãi cự với mấy bà chằn lửa đó. 
Nói xong, Thắng khom người lôi chiếc xe đạp dựng đứng, đầu nghẻo sang một bên thảm hại tiếp – Con nhỏ cầm tay lái chiếc Dream ii đó, xài sang quá trời, đụng sơ sơ bồi thường cả năm trăm ngàn, thiệt tao không dám nghĩ tới. 
Ai cũng như nó, tao tình nguyện cho xe cong niềng hoài hoài. 
− Thôi đi ông nội! – Minh nạt nhỏ bước theo bạn – Nó ỉ giàu làm phách, kênh đời thấy ghét. 
Nếu là con trai tao nện cho vài đấm vào mặt cho bỏ tật ta đây.
Còn số tiền này hả, mai sáng đem qua trả lại cho rồi, lấy nhục lắm. Đưa xe về nhà tao mua niền sửa tốn vài chục ngàn. Uổng phí mấy đêm đi soi ếch. 
− Nè! Mày biết con nhỏ nhà giàu đó ở đâu sao mà đòi đem tiền tới trả hả Minh?
− Ừ! Nhưng không phải nó mà là Tí Ti tức tên nhỏ Thuỳ Dương đó. Cháu của bà hai đầu con rạch trên. Cái chỗ nhà ngói có hàng xoài de ra sông, tao với mày hái trộm hoài đó, biết không ?
− Nhớ rồi. Nhưng sao mày biết rành vậy ? Nè! Đừng có thấy người sang bắt vàng làm họ. Thiên hạ cười chết đấy. 
− Con khỉ! -Minh cáu tiết nói lớn – Cho ta còn năn nỉ bù vài chầu phở nữa, chưa chắc gì chịu làm bạn với “bà chằn” dữ dằn đó. 
Nói thật nha Thắng, con trai bụi mình hết thời lắm mới dám ba đầu sáu tay “cua” người đẹp “lửa” ấy. 
− Nói gì thì nói, nhưng phải công nhận con nhỏ đó đẹp thiệt đấy Minh ơi. Nhất là đôi mắt mơ lắm. 
− Cho tao xin! – Minh xá dài – Cái nết luôn đánh chết cái đẹp. Và lại vốn sinh ra quá dữ điều kiện, thường khinh đời, ta đây.
Nếu có dịp – Minh mím môi gật gù – nhất định dạy cho cô ta bài học. 
Con gái thành thị sợ nhất là rắn và sâu. Để xem, đụng mấy thứ đó có bò ra mà năn nỉ bọn mình không thì biết ?
− Bộ mày định trả thù vặt sao ? Con trai như thế “tồi” lắm đó. 
− Tao mặc kệ! – Minh cười mũm mĩm – Tóm lại nhìn thử coi lúc khóc con nhỏ nhà giàu đó có dễ ghét giống như khi nãy không.
Thôi! Đưa xe đây, tao về, mày khỏi dẫn qua cây cầu dừa, trơn lắm dám chừng té luôn xuống đó mất công lặn mò. 
− Con khỉ, nên nhớ tao đâu phải dân thị trấn mà đi cầu bị té. Nè, giỏi thì lo sửa, mai còn tới trường. 
− Ừ! Khỏi lo đi! – Minh rẽ vào nhà còn ngoái lại dặn Thắng – Tối đem đèn bình qua soi cá nha, không được ở nhà coi tivi đó. 
− Biết rồi, dận mãi! Nói dai y như “bà tám” ấy. 
Buổi trưa ở thôn quê không khí thật trong lành, mát mẻ. Bao ngọn gió lay nhẹ những cành cây, hoa lá…
Cạnh bờ ao sau nhà, những hoa ổi lung linh lay động và vài cành rơi bay bay in trắng xoá dưới mặt nước lăn tăn theo chiều gió thoáng đưa, khiến Thiên Trang lim dim trên cái võng mắt dây trong bụi rậm không tài nào ngủ được. 
Cái mũi cứ phồng lên, hít lấy hít để hương vị ngọt ngào êm ái đó. Cô nhỏm lên cầm que cây vỗ nhè nhẹ vào võng của Thuỳ Dương gọi.
− Ngủ chưa Dương ?
− Chi vậy ? – Dương dụi mắt hỏi.
− Có ổi chín đó, hái ăn.
− Buồn ngủ quá! Thuỳ Dương lười biếng ngã nằm trở lại võng – Chiều rồi “tính sổ” luôn.
− Không được. Thơm thế này làm sao mà ngủ. Nè! Ngồi dậy đi, tìm xem trái chín ẩn ở cành nào. 
− Nhưng mới vừa ăn xoài và mận với mắm đường, giờ ăn thêm ổi nữa coi chừng bị “tào tháo” rưọt đó. 
− Kệ! – Trang cười khì -Miễn sau không đến nỗi đi thăm bác sĩ là ổn rồi. Nói thật nha vườn nhà ngoại đủ các loại cây trái. 
Muốn ăn gì có nấy. Còn nữa hôm qua ta thấy mấy trái cóc treo lủng lẳng trên cao, thèm hái ghê đi.
Non non thứ thế gọt vỏ xanh, chấm muối ớt đăm cay…ái chà!
Thiên Trang dừng lại nuốt nước bọt vào bụng chép lia – Ngon ơi là ngon. Tuyệt không Thuỳ Dương.
− Quỷ ơi, tả làm chi mà sống động đến thế. Báo hại ta cũng chảy nước dãi rồi nè. 
− Thế thì đừng ngủ nữa – Trang nhảy phóc khỏi võng kéo tay Thuỳ Dương – Hái ổi đi. Chín cây ăn ngọt lắm. Vả lại ruột đỏ, loại này khỏi chê.
Bây giờ ta mới cảm thấy chẳng hối tiếc vì lỡ nghe lời mi về quê hè. 
Cả một bầu trời xanh cao, lộng gió, không khí thì dịu mát trong lành thơ mộng. Chẳng bù ở thành phố bụi khói ồn ào, luôn náo nhiệt đinh tai, nhức óc. Đi thôi Dương ơi.
Thiên Trang kéo tay bạn, cả hai chui vòng qua từng gốc cây, để tìm ổi chín. Cô ngẩng lên,nheo nheo đôi mắt vì mặt trời chiếu nắng. 
− Chắc chắn cây này rồi. Xem kìa Thuỳ Dương, chùm ổi trên cao vỏ mỏng lắm rồi. Nè! Ta leo nhé. 
− Cẩn thận đó, không khéo ngã xuống ao, ướt như chuột lột bây giờ. 
− Còn lâu mới sợ, vả lại lỡ té xuống ao cũng đâu có đau gì. 
− Nhưng uống nước no bụng. 
− Trù xui không hà – Trang cười khì và leo thật nhanh như một chú sóc nhỏ. Một vài cành nhỏ gãy kêu răn rắt, nhưng không làm cô gái thành thị chùng bước. – Thuỳ Dương ơi, trái chín nhiều quá. Ta thả xuống, mi chụp nha.
− Ừ!
− Coi chừng rớt đó!
− Biết rồi! – Dương chụp lấy, rồi kêu lên – Đừng hái nữa, quá nhiều ăn không hết đâu.
− Xuống uổng lắm. Chín cây, chim dễ ăn. Á…á…-Thiên Trang chợt kêu rú lên kinh hoàng. Thuỳ Dương ngẩn đầu cũng hoảng hốt không kém. 
− Trời ơi…Trang coi chừng. “Ùm” nước bắn lên cao văng tung toé. Trang chìm nhanh xuống ao, để rồi loi ngoi lên đập tay chân loạn xạ, cố vùng vẫy, nhưng co nước như vô tình cứ kéo rít cô dìm xuống. 
Cứu tao…Dương – Trang ú ớ gọi lớn. Thuỳ Dương lính quýnh như gà, thật sự không biết làm gì bây giờ bởi cô cũng không hơn gì Trang đâu có biết lội. 
Ngoại ơi…ngoại – Dương gọi lớn – Ngoại ơi…cứu con Trang đi, nó bị chìm xuống ao rồi. 
− Trời đất ơi, làm sao bây giờ. 
Ngoại chạy ra. Tội nghiệp thân già cũng lúng túng. Chợt bên kia rào giậu, xanh ngắt mồng tơi. Thắng bay qua, nhảy ùm xuống. Kéo Thiên Trang đang mệt lả, sắp hết hơi vào bờ. 
Cái ao trong veo giờ đục ngầu. 
− Trang ơi…Trang! Thuỳ Dương bật khóc khi thấy bạn xanh lè, ngoắc ngoải nằm xui cò. Toàn thân sũng nước. Từng sợi tóc dài đen mượt, se thành lọn loà xoà xuống mặt. Ngoại hối thúc: 
− Nhanh lên cháu, phụ bà một tay, đem nó vào nhà xoa dầu kẻo cảm lạnh. 
− Dạ! -Thắng bế xốc Thiên Trang đem nhanh vào nhà để xuống giường. 
− Ngoại ơi, xoa dầu đi.
− Ờ, cảm ơn cháu nhiều. 
− Dạ không có chi ạ. 
− Anh gì đó, cảm ơn nha – Dương lí nhí – Không có anh đến kịp thật không biết thế nào. 
− Có gì đâu – Thắng cười sung sướng gãi nhẹ đầu rồi như chợt giật mình khi thấy cậu ăn mặc độc nhất một cái quần đùi để lộ cặp chân dài đen thui.
Bối rối cộng đỏ mặt. Thắng lủi thật nhanh ra cửa và biến mất sau giậu rào. 
− Ê thằng quỷ – Minh nhổm đầu khỏi bụi cây đập mạnh tay lên vai bạn – Đi đâu mà ướt mem vậy ?
− Tắm. 
− Sao không rủ tao với thằng Thiện ?
− Ai biết đâu – Thắng lấm lét như sợ Minh biết được việc mình mới vừa ra tay nghĩa hiệp cứu bà chằn thành phố khỏi một phen hú vía ba hồn. Và nhất là đôi mắt đen lay láy của cô cháu gái bà ngoại hai cứ nhìn mình, có vẻ gì đó nể phục lẫn biết ơn.
Tự nhiên Thắng thấy mình oai phong lẫm liệt vô cùng. 
− Nè! Mày thừ người nghĩ gì vậy ?
Minh đập nhẹ vai bạn hỏi làm Thắng thót người, lại gãi đầu hình như đó là một tật cố hữu khó sửa đổi được của anh con trai này.
− Lúc nãy bọn Lệ Hoa và Cẩm Thi có tới đó – Minh lại nói – Nó bảo ngày mài hai đứa mình tập trung tại trường. 
− Chi vậy ?
− Phụ đạo hè. Mày được chọn vào đôị học sinh giỏi hoá của huyện, còn tao thì toán. 
Cả hai chuẩn bị thi toàn thành phố vào tháng tới. 
− Còn hai nhỏ đó – Thắng hỏi – Tụi nó thi môn nào. Mình ở huyện làm sao giỏi bằng học sinh thành thị lên trên đó…tao nghi bị “đo ván” quá trời. Rớt quê dữ lắm. 
− Sợ quái gì – Minh cứng cổ cãi – Ăn thua gì, mình cố gắng. Học sinh giỏi ngoài năng khiếu, còn phải biết chuyên cần nữa, vả lại đậu được vòng này, coi như kỳ thi tuyển tới khoẻ re “như bò kéo xe” chẳng sợ rớt chút nào.
− Con khỉ – Thắng quàng vai bạn – “Bò kéo xe” mệt thấy mồ, khoẻ nỗi gì. Thôi về, chiều đến nhà Lệ Hoa để biết thêm chi tiết. Mày đi không tao đợi. 
− Chết rồi, ai như nó đang tới kìa – Thắng lúng túng nấp vội vào lùm cây nói nhỏ với Minh – Làm ơn kéo nó vào nhà trước ngồi chơi đi. Tao lòn ngã sau, thay đổi áo quần chỉnh tề ra liền. Để Lệ Hoa bắt gặp ăn mặc thế này có môn độn thổ luôn.
Nói xong là Thắng chui vào bụi lom khom một mạch. Minh thản nhiên thọc hai tay vào túi quần huýt sáo, bài ca ưa thích. Cặp mắt kín đáo liếc về phía các bạn gái đi tới. Tiếng Lệ Hoa cất lên.
− Minh tới tìm Thắng hả ? Gặp chưa ?
− Rồi! -Minh gật đầu – Hoa cũng tới tìm Thắng ? Nó không có nhà, hình như nó đi câu cá.
− Xạo! – Hoa cười cười – Khi nãy mới thấy đây.
− Không tin thì kiếm thử đi. Ai hơi đâu xạo làm gì. Hay vào nhà ngồi chơi, hy vọng nó có thần giao cách cảm sẽ về.
− Ủa Cẩm Thi đâu ? – Minh nhìn quanh – Qua nhà bà hai rồi. Cẩm Thi thân với hai con nhỏ ở thành phố về lắm. Nghe đâu, sáng ngày mai tụi nó qua cồn chơi.
− Thiệt à ? Trời, dạo này gió lớn, sóng nhiều, qua sông cái ớn lắm. 
− Toàn là tiểu thư, tay yếu chân mềm lỡ có bề gì, là làm mồi cho cá. 
Vả lại, hai con nhỏ đó khó ưa lắm. Hách dịch thế nào ấy. Mấy ngày trước, bữa trời mưa đó, đụng độ rồi. Bà chằn lửa ấy dài cái miệng cả khúc. Khác xa bọn con gái lớp mình. 
− Thôi đi ông trời – Hoa đập nhẹ vai Minh thân thiện – Nói xấu người vắng mặt, mà là con gái nữa khó nghe lắm. Chuyện rủi ro, ai muốn, bỏ qua cho rồi. 
Nghe Cẩm Thi nói hai nhỏ đó học cừ lắm, cùng khối với bọn mình đấy. Nhất là Thiên Trang đấy, một tay toán có hạng của trường nó. Năm nào cũng dự thi cấp thành phố cả.
Lần này Minh coi chừng gặp oan gia trong lần thi này đó. Quả đất vốn tròn nha bạn. 
− Xì! Còn lâu mới ngán. Vào nhà Thắng đi Hoa.
− Ừ! 
Cả hai cùng dợm bước thì Cẩm Thi đã gọi giựt lại. 
− Ê! Chờ tí – Theo sau Thi là Trang và Thuỳ Dương – Cả ba có vẻ rất tâm đắc. 
Minh cau mày khó chịu ra mặt nói nhỏ với Lệ Hoa:
− Bà đứng chờ đi, tôi không thích. 
− Con trai nhỏ mọn quá chẳng đáng mặt đâu.
− Kệ -Minh bỏ đi, chỉ còn lại Lệ Hoa. Thật lòng mà nói, cô cũng không thích lắm hai cô bạn thị thành này. 
Ở Thiên Trang có cái gì đó kể cả, đàng chị, dễ khiến người đối diện dễ tự ái. Chẳng phải Lệ Hoa cố chấp, nhưng qua lần đầu trò chuyện, thái độ và giọng điệu cô con gái nhà giàu này thiệt khó gần. Cẩm Thi sáp lại hỏi:
− Minh và Thắng đi đâu rồi Hoa ?
− Ở trong nhà.
− Nãy giờ có nghe Thắng nói gì không ? – Thi nhanh miệng – Hai bạn này muốn qua đây cảm ơn đó.
− Về chuyện gì ? – Hoa ngạc nhiên và tò mò lẫn kín đáo quan sát hai người con gái trước mặt. Ngược lại Thiên Trang cũng thế. Nét kiêu kỳ đến khó ưa.
Chợt Trang véo tay Thuỳ Dương nói :
− Về thôi. Chắc khỏi cần cảm ơn đâu tại người ta tự nguyện, chứ mình đâu có nhờ vả gì. 
− Trang! – Thuỳ Dương nhỏ giọng – Không có Thắng mày chết rồi, còn đâu lớn tiếng. Một câu cảm ơn có gì quá đáng đâu. Nè! Theo Cẩm Thi vào nhà đi.
− Tao nói không – Trang nhấn giọng – Bất quá lì xì công ấy một ít tiền là đủ. Lời cảm ơn tao ít dùng đến lắm. Đôi lúc người ta ra uy cứu mình cũng chưa chắc vì lòng nghĩa hiệp vốn sẵn có. 
− Nè! Đừng có nói bậy. Thắng nghe được kỳ lắm – Thuỳ Dương nhăn nhó – Ở thôn quê này, lạm dụng tiền bạc là không nên chút nào. Trang nhất định phải cảm ơn Thắng mới được. Nếu không ngoại sẽ la đấy, lối xóm ở đây trọng tình nghĩa lắm. 
− Nhưng ta đâu phải dân xứ này, càng không muốn mình đồng hoá ở đây.
Nè Thi! Mi cầm lấy tiền gởi biếu cho anh bạn Thắng gì đó đi. Tuỳ thích, nói sao cũng được. 
− Trang à, theo Thi thì…-Cẩm Thi lắm lét nhìn về phía Lệ Hoa, rồi ngần ngại cầu cứu đến Thuỳ Dương. 
− Dương ơi, tính sao đây ?
− Theo tôi, tốt hơn hết là Trang hãy cất tiền lại – Hoa đột ngột lên tiếng, giọng nó không thân thiện – Thắng tốt bụng lắm, cả xóm này ai cũng biết. Chưa bao giờ bạn ấy làm việc gì để đòi thù lao. Chuyện cứu giúp Trang thế nào cũng không nghe nói lại. Cho nên chắc chắn khỏi cần trả công.
Dù rằng lời cảm ơn chỉ là hình thức, nhưng có lẽ dễ chấp nhận hơn là dùng tới sức mạnh đồng tiền. 
Còn nữa, năm trăm ngàn hôm trước tôi giữ đây nè. Minh với Thắng nhờ trao lại tận tay Trang với Thuỳ Dương, xe đạp họ cũ kỹ tồi tàn rồi, không phải tốn ngàn ấy tiền đâu. 
Bọn mình còn đang tuổi cắp sách đến trường mọi nhu cầu đều nhờ cha mẹ. Ai may mắn được sanh ra chốn sang giàu, nhiều tiến lắm bạc đó là phần phước. Nhưng cũng đừng lấy đó làm cao ngạo để có thể nghĩ mọi vấn đề đều giải quyết được với đồng tiền có sẵn, rủng rỉnh trong túi. 
Con người nhất là lứa tuổi chúng ta hơn nhau được là ở cái đầu ý thức cao và mạnh. Trang có trình độ học vấn tốt, cuộc sống phát triển chốn văn minh, lịch sự hơn nơi này thì hãy thận trọng nhận xét cho chính xác, khi kết luận một con người. 
Thắng và Minh là bạn học của Hoa vơi Cẩm Thi, cho nên ít nhiều hiểu được tính họ. Nghèo khó thật đó, nhưng không tham tiền đâu.
Trang muốn dùng tiền lấn lướt hoặc nhã ý gì đi nữa thì xin lỗi nha bạn đã lầm to rồi. 
− Mầy…- Trang bừng mặt giận dữ theo bao lời nói từ tốn điềm đạm mà sâu sắc của Lệ Hoa.
Hình như cô gái kiêu kỳ này không giữ nỗi sự bình tĩnh nên mạnh tay gạt phắt cọc tiền, Hoa xè ra trả lại. 
Những tờ giấy bạc rơi xuống đất và bay là đà ngổn ngang. Thuỳ Dương kêu lên, ngồi thụp xuống nhặt, cả Cẩm Thi cũng làm theo. Nhưng Hoa cản lại:
− Thi! Mình về thôi. Tiền là của Trang tự lượm lấy. 
− Nhưng…-Thi do dự -Sao phải ra nông nổi thế này chứ ? Cùng làm bạn có phải vui vẻ hơn không. Hiểu lầm nhỏ thôi, bỏ qua đi.
− Hoa cũng mong như thế, nhưng có lẽ không được. Thuỳ Dương này, tụi mình vẫn là bạn như ngày nào. Hoa về nha. Nếu có rảnh theo Cẩm Thi tới nhà mình chơi. Cây me ngọt sau nhà vẫn chờ Dương đó “Tí Ti” – Hoa háy mắt tinh nghịch đùa cùng cô bạn nhỏ. 
Ở họ có kỷ niệm dài ngây thơ vui nhộn, cùng sống suốt những năm tiểu học. Ở làng quê ven con sông nhỏ luôn chở nặng phù sa làm đổ ngầu màu nước mỗi lần lớn ròng. 
Thuỳ Dương nhìn Lệ Hoa bồi hồi xúc động. Năm năm theo cha mẹ lên thành học, cô vẫn về quê ngoại mỗi khi hè đến. Vui chú ve sầu nỉ non hát lời tạm biệt và họ ríu rít gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Líu lo trò chuyện, kể nói về miền quê êm đềm bình dị và thơ mộng với những đêm trăng trải dài trên đồng ruộng còn trơ gốc rạ thơm mùi lúa mới. Người hàn huyên đất thành phố muôn ánh đèn màu. Bộn bề cuộc sống công nghiệp và cùng định hướng nhắm tới một tương lai sau này.
Bao mùa hè qua đi vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn hai cô bạn, duy chỉ có mùa hè năm nay sao mà buồn đến thế không biết. 
Thuỳ Dương đã về ba bốn ngày, nhưng Lệ Hoa vẫn chưa đến chơi như dạo nào. Hôm nay tình cờ gặp, không khí ngột ngạt đến không thể hình dung. 
− Lệ Hoa! – Giọng Thuỳ Dương rưng rưng muốn khóc – Đừng giận nhé! Thật ra, Dương nhớ nhỏ lắm đó. Có mua quà nữa. Nhưng chờ hoài Hoa không đến. 
− Dương có làm gì Hoa giận đâu, chỉ tại bận việc ruộng vườn thôi -Hoa cười để lún sâu một đồng tiền bên má trái duyên dáng – Vả lại, định tuần tới rủ Dương sang nhà làm “bánh xèo”.
− Thiệt không ? Ôi Dương thích lắm đó – Dương vỗ tay vô tư reo lên và ôm chầm lấy Lệ Hoa thân ái vô cùng. 
Cử chỉ và điệu bộ hồ hởi đó khiến cơn giận lẫn tự ái trong lòng Thiên Trang bốc cao lên cực độ. 
Bởi vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, cha mẹ cưng chiều hết mực, muốn gì được nấy. Thiên Trang tự cho mình có đặc quyền hơn mọi người cùng trang lứa, ngay trong tình bạn, chung lớp, chung trường. 
Bước đầu tiên nãy giờ Lệ Hoa đã nói bao lời làm bể mặt Thiên Trang, bây giờ đến Thuỳ Dương thân thiết với nó. Thiên Trang coi như bị bỉ mặt và loại trừ khỏi vòng tay bè bạn xưa của họ. 
Gầm gừ giận dữ Trang lớn tiếng gọi:
− Thuỳ Dương! Tao về đây – Nói xong Trang quay lưng bước thật nhanh. 
− Trang! Trang! – Cẩm Thi gọi lớn.
− Kệ nó! – Dương cười nhẹ, nhưng kém vui thấy rõ – Tính nó hay bốc đồng, hờn mát, nhưng mau nguội lắm. 
Thật ra vì con một, giàu có và học rất giỏi nên sinh hư. Bởi ông trời ưu đãi nó quá nhiều, nhưng nói chung không đến nỗi khó gần như Hoa tưởng đâu. Chuyện khi nãy bỏ qua nha. Hy vọng từ từ sẽ thân được. 
Thôi Thuỳ Dương về nha, cho gởi lời cảm ơn Thắng nhiều. À phải! Thắng mới dọn tới xóm này hả Hoa ?
− Ừ! Nhà khi xưa ở thị xã, mới mua đất về đây lập vườn. Học cừ và tốt bụng lắm. 
− Thiệt à ?-Thuỳ Dương thích thú. Giới thiệu cho Dương kết thân đi. Nè đừng có học lại những lời Thiên Trang khi nãy nha. Coi chừng Thắng giận lây qua mình luôn đó. 
− Không có đâu – Cẩm Thi xen vào và chìa tay về phía Thuỳ Dương – Nè, cầm lấy mà đem tiền về đi.
Thật không ngờ Thiên Trang cố chấp đến như vậy. Mới quen tuy hơi chói tai vì giọng điệu ta đây, nhưng vẫn chấp nhận được. Còn hôm nay – Cẩm Thi lắc đầu ngao ngán – Không thể chịu nổi. Nói chung là Thuỳ Dương cừ khối lắm mới thân được cùng bà đó. 
− Coi vậy chứ, cũng có rất nhiều tính tốt và hay – Thuỳ Dương chống chế – Đôi lúc nó cũng ngoan như mèo đấy. 
− Giận thì như cọp chứ gì ? – Hoa xen vào pha trò làm cả bọn cùng cười. Những âm thanh yêu đời vút cao vui nhộn. 
− Thôi, mình về nhà ngoại nhé! – Dương nắm tay hai bạn – Nhớ đừng quên đã hứa gì đó. Tuần sau chiên “bánh xèo” phải giữ lời đó. 
− Tất nhiên rồi -Hoa cười vẫy tay nhìn theo bóng Thuỳ Dương. Tình bạn của họ vẫn không hề thay đổi. Ngọt ngào êm dịu như màu đỏ hoa phượng, nên thơ quyến rũ như tiếng ve gọi hè…
Minh cởi trần hì hục kéo chiếc ghe nhỏ trườn dài trên bãi bồi. Ở khoan một chiếc chài và đầy ắp cơ man nào là cá, nào tép còn tươi rói. Nhất là những chú cá linh trắng xoá phơi bụng, chiều nay nấu một nồi canh chua với bông sún, món an bình dị miền quê, nhưng đậm đà hương vị. 
Nước lớn thật nhanh, nhãy bãi xoá hết dấu chân. Minh cột ghe lui cui thu dọn cá vào rổ. Chợt có tiếng động,những cây sậy khô mập ú ven sông gãy kêu răn rắt. Bóng Thiên Trang hiện ra với nét mặt quạu đeo. Đôi mắt hung dữ cụp xuống buồn buồn, ươn ướt.
Nhìn quanh,Trang ngồi bẹp xuống thềm cỏ thưa, đùa những ngón tay thon dài trắng mượt bức từng sợi nhỏ bay bay theo gió. Đôi mắt mơ màng quyến luyến nhìn theo. Thật lòng mà nói hiện tại phút giây này Minh nhận xét Thiên Trang thật thuỳ mị,dịu dàng biết bao nhiêu, khác xa một trời một vực với cô gái thị thành hung dữ. 
Minh chép miệng lẩm bẩm – Hoa hồng nào cũng lắm gai nhọn, khôn hồn thì đừng mó tay vào, nếu không bị đâm đến chảy cả máu. 
Mặc kệ đi, lo mà về, còn đi ôn bài học nhóm, dây dưa vào mệt lắm. 
Cầm lấy chài và rổ cá, Minh lầm lũi tránh xa cô gái kiêu sa được một khoảng thì nơi Thiên Trang phát ra tiếng kêu thất thanh kinh hoàng đến tột độ. 
− Á…á…trời ơi…á…-Giọng la ú ớ run rẫy, gần như kiệt hơi sức. Minh đứng lại do dự rồi lắc mạnh đầu, dấn bước. 
− Trời ơi…tôi…sợ quá…Ai cứu giùm. 
Giọng la yếu dần và tắt lịm. 
Cau mày, Minh để rổ cá xuống đất và quyết định quay nhanh lại coi sự thể thế nào, lý do gì mà la như vậy. 
Lỡ có gì quá đáng, người ta la mà bỏ qua thì ân hận lắm. Con trai thù dai, nhỏ mọn kỳ khôi không dám nhìn thiên hạ đâu. 
Càng suy nghĩ, Minh càng đi nhanh và chợt thấy lo âu khi không còn nghe tiếng kêu thành lời của Thiên Trang nữa mà chỉ nghe văng vẳng tiếng rên. Có vẻ gì đó đau khổ sợ hãi lắm. 
Co chân Minh vụt chạy nhanh tới bên Thiên Trang. Nhìn quanh không thấy gì, ngoại trừ nét mặt dễ ghét ấy xanh như tàu lá, cắt không còn một giọt máu. Run rẩy hổn hển mắt chăm chú nhìn con vật bé nhỏ đang di động chậm chạp từ tốn bò từ chân người tới đùi. 
Con sâu vằn vện lông mọc dựng đứng tua tủa và dẻo quẹo cứ say mê bò tới. Người Thiên Trang như mềm nhũn đi, lả ra gần xỉu. 
Minh lắc đầu nhìn đến thươngg hại cô gái thành phố. Giờ đây đã nhắm nghiền đôi mắt lại vẻ cam chịu nhẫn nhục. 
Những giọt lệ sợ hãi trào ra lăn dài xuống má. 
− Trang! Thiên Trang – Minh gọi nhỏ ân cần – Không sao chứ ?
− Con sâu…nó…-Trang lắp bắp. 
− An tâm đi, tôi bắt nó ném xuống sông, trôi theo dòng nước rồi, cá nuốt vô bụng từ lâu. Đừng sợ nữa. Mở mắt ra đi.
Trang hi hí và mở choàng mắt. Từ xanh run rẩy nét mặt Trang chuyển dần sang đổ gấc có lẽ vì thẹn,bởi để Mình nhìn thấy cơn sợ hãi nhược điểm của mình. Sau giây phút như tỉnh táo, Trang đứng nhanh dậy, quắc mắt nhìn Minh khinh miệt nói rõ từ tiếng một: 
− Vừa lòng chưa nhóc ? Con trai mà trả thù hèn hạ quá. Cút mau đi. 
− Nè! Nói gì lạ vậy ? -Minh chau mày – Tôi bắt sâu giùm Trang kia mà, sao lại ăn nói như thế ?
− Ai mượn chứ ? Vừa đánh trống, lại vừa la làng ai còn lạ gì nữa, cóc sợ. 
− Đúng là làm ơn mắc oán. Biết vậy để chết tại đây vì con sâu cho rồi. Người đâu không biết nói lý lẽ. 
− Ừ đó, tức hả ?- Trang chu miệng cải khoả lấp – Không mấy người thù vặt, nhỏ mọn còn ai vào đây. Khi không con sâu biết bò tới nơi này, nhè tôi mà đeo vào chân à ?
− Đúng là, vô duyên đến lạ lùng. 
Minh tức anh ách, giận muốn nổ đôi mắt khi nhìn vẻ ngang ngạnh hách dịch đến khó ưa của Thiên Trang – Sâu là loại ở trong cỏ cây. Ai biểu thơ thẩn ngồi đó làm gì bị đeo lại đổ thừa cho người khác làm. 
Nói thật nha, không hơi sức vô công rỗi nghề làm chuyện tào lao binh đâu. Với lại có biết người hung dữ như thế này, chằn ăn, trăn quấn lại run sợ một sinh vật nhỏ thó chứ ?
− Minh…
− Gì chứ ? Nói không đúng à ?Sợ còn chanh chua hơn lời tôi nhiều là khác. 
− Thứ đồ con trai gì…-Thiên Trang lúng túng tìm lời, tự nhiên cô chùng giọng với cái nhìn diễu cợt khinh khỉnh của Minh – Cút đi…cút mau – Trang đột ngột hét lớn. 
− Xí! Thèm ở đây lắm sao ? – Minh bỏ mặt Trang quay bước, lòng tự rủa thầm con nhỏ quá khó ưa đáng ghét.
Biết thế, để con sâu đeo cho chết khiếp luôn. Lòng dạ chi không có chút gì nghĩ tốt cho người khác. 
Còn mình nữa về luôn đi, ai mượn ra tay giúp đỡ làm gì chứ. 
Minh vừa đi vừa lẩm bẩm bực bội. 
Thuỳ Dương cuống quít xô ra vừa chạy vừa làm loa tay gọi lớn. 
− Trang ơi…Trang! Mi ở đâu ?
Minh như điếc đi luôn một mạch không thèm chỉ. 
− Minh ơi, có thấy Thiên Trang ngoài sông không vậy ? – Thuỳ Dương chận lại hỏi -Chỉ giùm Dương đi.
− Không biết – Minh cộc lốc – Tự tìm, ai hơi đâu để ý chuyện thiên hạ cho mệt. 
Nó xong Minh cắm cúi bước đi trước sự ngạc nhiên của Thuỳ Dương. Cô nhìn theo Minh rồi bắt đầu đi nhanh ra sông. Con nước đang lớn chạy mạnh,đỏ ngầu phù sa và đám lục bình với cành hoa tím nhạt hối hả trôi theo dòng. 
Những chiếc ghe nhỏ, xuồng con cùng cặp bến sau bao nhiêu giây phút lên đênh cùng sông nước. Dương nhìn quanh, không thấy bóng Trang đâu. Lo âu gọi lớn thêm lần nữa:
− Trang ơi!…Trang! – Đáp lại lời cô là tiếng vi vu của gió đang tâm sự cùng cỏ cây – Trang! Đừng đùa nữa, ra đây ngay đi. Trang ơi…
Vẫn im lặng, Thuỳ Dương đâm bực bội vì mệt và tức. Cô ngồi xuống thềm cỏ chùi những giọt mồ hôi tuôn ra hai bên thái dương. 
Gió từ ngoài sông lớn thổi vào thật mát, mơn man làn tóc, phần nào xua bớt tâm trạng bứt rứt của cô.
Dương bật dậy cau mày, nheo mắt nhìn ra xa và kinh hoàng, khi thấy Thiên Trang cùng chiếc ghe của Minh đang bị con nước xoáy ở đầu con vàm chảy xiết quay tròn như con vụ. 
− Trang…Trang! – Dương gọi lớn khi thấy bạn cô lúng túng lụp chụp, lom khom muốn đứng lên.
− Trang ơi…ngồi trở lại đi…đừng có đứng té bây giờ…Ngồi xuống… 
− Dương ơi…tiếp tao với…làm thế nào đây ? Tao không thể được chiếc ghe này vào vị trí cũ. Tao sợ quá Dương ơi. 
− Biết rồi – Dương làm loa tay cố nói lớn – Bình tĩnh đi. Không sao đâu, để Dương gọi người lội ra kéo ghe vào bờ. 
− Nhưng nước chảy mạnh quá, cứ trôi xa hoài. 
− Không hề gì đâu. Yên tâm ngồi cho vững nhé – nói xong Dương tuôn chạy như vận động viên điền kinh gọi thật lớn đuổi theo bóng Minh vừa khuất ở chòm cây trái. 
− Minh ơi…Minh…quay lại đi…lại sông ngay…Minh ơi…
Lời kêu gấp rút khiến Minh cau mày khó chịu, nhưng vẫn bước đều không thèm quay lại. 
− Minh, Minh – Thuỳ Dương mệt lả người cố đuổi kịp anh con trai hổn hển nói – Ra sông, ghe Minh bị trôi rồi. 
− Xạo! – Minh đứng lại – Đừng có xí gạt nha, lúc nãy cột dây kỹ lắm, làm gì trôi được. 
− Ai biết, lỡ có người ghét tháo dây thì sao – Thuỳ Dương nói nhanh – Minh không ra nó trôi luôn mất tiêu ráng chịu đó. Thuỳ Dương thấy xa lắm rồi. Nước cuốn đầu vàm ấy. 
− Thiệt không ?
− Ai nói dóc làm gì.
− Thôi chết rồi – Minh lại lật đật quay trở lại ra sông. Cả hai chạy nhanh. Thuỳ Dương cố sức thở không ra hơi mới theo kịp Minh. 
Cậu con trai nhìn dòng sông vắng lặng, nơi cột chiếc ghe cũng không còn, cau mày hỏi:
− Dương nói nó trôi đâu rồi, sao không thấy gì cả. 
− Kìa…Dương chỉ – Nó…tấp vô bụi bần bên kia đó. 
− Ờ…Minh che tay nhìn cho rõ, rồi cởi cái áo ném xuống cỏ – Cảm ơn nha, Dương không phát hiện kịp là mất rồi. 
− Nè! Minh định làm gì vậy ?
− Lội qua sông kéo về – Minh nói tỉnh bơ – Để một hồi gió và nó vận xoáy trôi vạt ra sông cái, chảy luôn xuống cầu phà là chết. 
− Nhưng, nước lớn lắm đó, chạy mạnh, liệu lội được không ?
− Ăn thua gì. Cái vàm nhỏ này Minh với tụi con trai trong xóm lội đua qua sông hoài, , đâu có chi đáng phải sợ đâu. 
Ủa! Thuỳ Dương ơi, hình như có ai trên ghe của tôi vậy ?
− Thiên Trang đó -Thuỳ Dương đáp nhỏ và cố phân bua – Nó muốn tập bơi ghe, không ngờ. 
− Cũng là cái bà chằn đó nữa – Minh quạu – phá phách, khó ưa. Ghe xuồng người ta muốn lấy, lại không thèm hỏi mượn. Người gì đâu mà ngang tàng, không lịch sự. 
Mặc kệ bả đi. Bỏ cho chết rục bên đó luôn – Minh càu nhàu bực bội. Nét mặt khó đăm đăm. 
− Thôi mà Minh, coi như Thuỳ Dương xin lồi, làm ơn giúp giùm lần này đi. Thiên Trang nó sợ lắm rồi. Để lâu chắc chết luôn quá. Thật ra nó cũng dễ thương lắm, không khó ưa như Minh tưởng đâu. Kéo ghê vào bờ giùm đi – Thuỳ Dương lay vai Minh, ánh mắt van nài thật tội nghiệp. 
− Thôi được rồi, ghe là của tôi mà, lỡ trôi mất, không tiền mua lại đâu. An tâm đi, nhưng tôi nói cho Thuỳ Dương biết không ai hơi đâu giúp bà chằn đó cho mệt. 
Nói xong Minh lao đầu xuống dòng sông chảy xiết. Cậu lội như loài rái cá, thật nhanh và khoẻ. Những sãi tay vang rộng tuyệt vời rẽ nước lướt êm thật ngoạn mục. 
Thuỳ Dương lúc đầu còn lo âu hồi hộp, nhưng bây giờ thật sự an tâm. NHỏ vỗ tay khen lấy khen để sự can đảm gan dạ của anh con trai miền sông nước. 
Chỉ một loáng qua nhanh, Dương đã thấy Minh kéo được chiếc ghe vạt vào bờ và đang cố sức trèo lên cầm lấy mái chèo đẩy mạnh sang sông bên của Thuỳ Dương đứng mà không thèm nói một lời nào với Thiên Trang đang rưng rức khóc vì sợ hãi. 
Nhảy gọn lên, kéo dây cột chặt chiếc ghe Minh mới lớn tiếng: 
− Lên đi cho tôi nhờ. Sao mà ngồi hoài vậy ?
− Tôi run quá, chiếc xuồng chồng chềnh nên không dám đứng – Thiên Trang nhỏ giọng, cử chỉ điệu bộ thật đáng buồn cười lẫn tội nghiệp. 
− Đứng lên đại đi, không té đâu mà sợ -Minh thúc giục – Nếu biết sợ thì đừng có tài lanh. Chút nữa làm mất luôn ghe của tôi rồi. 
− Minh! -Thuỳ Dương nhăn mày – Có cần quạu đến như vậy không chứ ?
− Bực quá biểu đừng nói. Nè! Đưa tay đây, kéo lên. 
Minh kéo Thiên Trang lên bờ không nói gì thêm, chèo chiếc ghe đi nơi khác bỏ mặt hai cô bạn nhìn theo chưa kịp nói lời cảm ơn. 
Trời bắt đầu tắt nắng, hoàng hôn về bên sông thật đẹp đến lạ lùng. 
Ánh nắng cuối ngày còn sót, nhẹ rãi đều lên vạn vật cỏ cây. Hai cô bạn im lặng không nói. Họ hướng tầm nhìn ra xa bờ. Nơi đó những đợt sóng trắng xoá đang nô đùa, cười cợt chồng lấp lên nhau và cùng tan biến để tiếp nối bao nhiêu đợt sóng khác, một cách vô tư lự. 
Gió nhẹ nên dòng sông thật hiền hoà và thơ mộng. Chưa bao giờ Thiên Trang cảm nhận hết ý nghĩa của mùa hè bằng năm nay. Ở miền quê ngoại của Thuỳ Dương. 
Có những cảm giác rất lạ đầy ắp trong lòng Thiên Trang mà từ trước tới giỡ chưa từng xảy ra hoặc chợt đến. 
Cô ưỡn cao ngực và hít lấy những làn không khí tươi mát trong lành mà nghe yêu đến từng thớ thịt mạch máu nhỏ trong cơ thể mình, một miền quê bình dị ngọt ngào và hiền hòa như dòng tay của mẹ. 
Mọi việc đến và xảy ra với Trang như trong giấc mơ, thần thoại cổ tích mà ngày xa xưa mẹ kể. 
Ôi yêu lắm, thiết tha một tổ quốc quê hương tôi.
Đẹp làm sao Việt Nam đất nước cùng những đứa con gan lì bền bỉ và sức trẻ, khoẻ như tụi con trai nơi này. Họ sống đầy nhiệt tình tâm quyết, không bon chen vật chất phù hoa. 
Không màu mè đua đòi xa xỉ. Họ bình dị đáng yêu như đất mẹ, như con sông cùng cỏ hoa ngàn lá. 
Tự nhiên bao khái niệm cũ kỷ lạc hậu trong đầu của Thiên Trang thay đổi hẳn. Đó là ý niệm về sức mạnh bạn năng của đồng tiền. Bởi vì tiền không là gì tất cả.Con người ở đây sống vì tình yêu đồng loại rất chân thật. 
Ai trên toàn cõi đất nước Việt Nam, mang chung màu da vàng máu đỏ đều có một tấm lòng. 
Minh nằm dài xuống nền đất, lấy cuốn tập toán che mặt vờ như ngủ, còn Thắng thì tựa lưng vào thân cây xoài to. Cành lá sum suê toả một vùng bóng mát, cũng lim dim chuẩn bị du hành vào giấc mộng buổi trưa.
Chợt Minh nhổm người tay chống đầu, tay khều nhẹ Thắng nói:
− Lệ Hoa trả cuốn tập toán chưA ?
− Rồi!
− Sao không mang theo để cùng giải. Bài trong đó hóc búa lắm, một mình rất khó ăn. Lần thi này coi mòi nuốt trọng lòi con mắt đó. 
− Tức sợ rớt chứ gì ? – Thắng nhìn bạn cười cười – Chưa ra quân đã muốn làm bại tướng. Tốt hơn hết là nên đầu hàng đi cho rồi. 
− Còn lâu – Minh bật ngồi dậy cự – Mày đáng giá thằng bạn quá thấp đó Thắng. Nói thiệt nha đường ta đi chỉ biết tiến chứ không thể nào lùi được. Biết rằng giỏi có người giỏi hơn, nhưng ta tin mình sẽ đạt kết quả mỹ mãn nhất. 
− Được như thế thì còn gì bằng – Thắng nhận đầu Minh xuống đất rồi nằm đè ngang người, cười to sảng khoái. Bầu trời trong mắt đôi bạn thân này là cả một màu xanh đầy ước mơ hy vọng. 
Họ như những cánh diều căng gió, chấp cánh bay cao, cao mãi. 
− Thằng quỷ, nặng quá đi – Minh rên rỉ – Muốn “ám sát” Tân Trạng Khoa tương lai hả ? Ngạt thở rồi đây nè. 
Minh vung người cố lật Thắng nhưng không được. Cả khối thịt đè ngang làm cậu mất thế, nên thúc thủ, xuống nước năn nỉ. 
− Ngồi dậy đi Thắng ơi. 
− Không! Mày mạnh lắm, thả ra rồi vật chẳng lại. Ai ngu…- Thắng cười nói rồi tăng cường thủ thế, cả hai quần nhau cười vang một góc vườn. 
Mặt mày áo quần dính toàn đất cát. Minh phủi lia – Giỡn đủ rồi đó, học là vừa. 
− Ừ! Nhưng phải kéo tay phân thắng bại mới được. 
− Tháng rồi mày thua tao – Minh dõng dạc – Hôn nay cũng chẳng hơn đâu, thách đấu chi cho mệt. Gọi “đại ca” là hợp tình chí lý rồi. Muốn lật ngôi hả, chưa phải lúc đâu “tiểu đệ”.
− Á, cái thằng dạo này phách ta, không nói nhiều, anh hùng thì thử đi mới biết – Thắng chống tay chờ đợi. Minh cũng xắn cao tay áo, chuẩn bị sáp chiến thì Lệ Hoa đã tới, mang lỉnh khỉnh bao nhiêu là thứ con gái thích. 
Nào là me, cóc, ổi, còn cả mận và muối ớt. 
− Cẩm Thi ơi, bọn họ đây nè. 
− Ờ, tao ra ngay – Tiếng Thi vọng đến. 
− Học tới đâu rồi, lại đấu võ. 
Hoa trừng mắt hỏi:
− Mấy chục đề khó không chịu giải, tới lúc thi la trời chẳng kịp thời gian. 
− Kệ người ta. Bà lo thân bà đi – Minh trả lời, nhưng cũng bỏ cuộc chơi, ngồi ngay ngắn lại, hất đầu hỏi – Tới nhà thầy sao rồi, thấy có vấn đề mới gì không, báo cáo lại đi.
− Xí! Làm như anh hai vậy – Hoa liếc ngang – Đợi Cẩm Thi ra nó truyền đạt lại cho nghe.
− Ê Minh! Biết gì không ? Có tin hấp dẫn lắm nè. 
− Nói đi – Minh giục. 
− “Bà chằn” đó, ra trường đăng ký học hè chung với khối mình. Tụi thằng Thiện, con Nguyệt bên KA2 nể nó lắm. Học rất cừ, đồng đều các môn. Thầy giảng khen qúa trời. 
Nghe nói sắp tung cơ ra thi chọi nữa kìa. Minh với Thắng vắt giò lên cổ chạy đi là vừa. 
− Có xạo phần trăm nào không vậy ? Thắng chen vào – Tự nhiên chọi thử là sao ?Còn nữa, Thắng không tin con gái giỏi môn tự nhiên hơn phe con trai. Trường mình chưa có đối thủ nào qua mặt nỗi thằng Minh. 
− Thì giờ có đó – Lệ Hoa cười mĩm nhìn Minh đang chăm chiu gì mà đôi mày cau lại, nhăn nhó như khỉ ăn gừng. 
Tay vẽ vẽ gì xuống đất coi bộ chẳng quan tâm chi tới vấn đề nhỏ đang nói.
− Nó giải toán đó – Thắng nói nhỏ – Giữ yên cho Minh đi. Lại đây ngồi nè. Sẳn cản Cẩm Thi luôn. Miệng bà đó ra tới là y như đài phát thanh buổi sáng năm giờ. 
− Nói xấu sau lưng hả Thắng – Thi cấu thật đau vào bã vai, làm cậu trai nhảy nhỗm xuýt xoa chỗ đau.
− Ui da, móng tay dài như vuốt sư tử cái. Nhéo đau muốn chết luôn. Cũng mai là chưa thành bà “xã”. Nếu không khi ghen ai chịu cho thấu. 
Nói xong là Thắng nhanh chân chạy ra xa tránh mười ngón tay vươn ra đầy đe doạ lẫn uy hiếp của Cẩm Thi.
− Ngon đứng lại hãy nói em cưng của chị – Thi rượt theo – Hôm nay không cào cấu thêm Thắng được mấy cái là không tha đâu. 
− Nè! -Thắng đứng chênh vênh ở cuối liếp vườn gọi lớn trêu chọc – Bới này em Thi…Hì…hì…hì…Hai đứa tụi mình là đôi chim liền cánh. Cây không thể thiếu cành, nếu như em có giận hờn, muốn nhéo đau “Qua” thì hãy để về nhà đóng cửa bảo ban nhao. Đuổi rượt thế này, thiên hạ gièm pha dòm ngó…Hì…hì…hì…- Thắng cười dài trê chọc làm Cẩm Thi tức muốn điên. Nhỏ hét lớn, giậm châm xuống đất nhưng không biết làm sao bắt kịp Thắng. Nhìn Lệ Hoa cầu cứu. 
− Tiếp chận đầu Thắng đi Hoa.
− Thôi, cho tao xin – Hoa lắc đầu – Minh đang giải tích phân kìa, la ré hoài. Hai đứa mi sáp lại là có chuyện. Khắc khẩu hả, còn hơn mèo với chuột, không biết sao chơi thân chung nhóm cho được. 
− Quỷ đó ai thèm thân. Thấy khó ưa thì có – Cẩm Thi lẩm bẩm liếc Thắng nửa con mắt. 
Minh bỏ que củi nhỏ đứng lên vươn vai xen vào: 
− Nên nhớ nha Thi, ghét của nào trời trao của nấy đó . 
− Còn lâu – Thi dài miệng – Ở chung nhà hả, một ngày đánh cho Thắng mười tám trận đòn chừa tật lật đật,nói trời, nói đất. 
Lớp mình mà không có quỷ Thắng trêu chọc phá phách hết người này sang người khác là bình yên lắm đó. 
Cầu trời cho năm học tới chuyển trường đi nơi khác. Thi dám cúng thổ địa nồi chè thập cẩm lắm. 
− Nè! Nói thiệt không ? – Thắng gọi lớn hỏi – Bây giờ nấu trước đi, sau khỏi cúng trả lễ. Thổ địa vùng này là Minh với Thắng rồi còn gì. Hì…hì…hì…

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây