Tập chí truyện chữ Hán của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659 – 1739), người huyện Hương Trà, nay là Thừa Thiên – Huế, từng làm quan to, phong tước hầu ở vùng cát cứ của chúa Nguyễn. Tác phẩm thảo xong (1719) với tên ban đầu “Nam Triều công nghiệp diễn chí”, được người đầu triều Nguyễn làm tựa, viết bạt, đổi tên là “VNKQCT”, được dịch, xuất bản với các tên “Trịnh Nguyễn diễn chí” (1986), “Mộng bá vương” (1990). Sách gồm 30 hồi, viết theo lối truyện chương hồi như “Tam quốc diễn nghĩa”. Nội dung kể chuyện lịch sử của hơn 130 năm, từ 1558 khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, đến 1689 đời chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn. Phần chính tập trung vào diễn biến của cuộc nội chiến ác liệt, kéo dài non nửa thế kỉ (1627 – 73) giữa chúa Trịnh ở Bắc Hà và chúa Nguyễn ở Nam Hà trên vùng đất thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… ngày nay. Với lối kể mang tính chất kí sự của một người nắm được nhiều tư liệu gốc, tác giả đã ghi lại diễn biến cuộc nội chiến ở một thời phân tranh đẫm máu, trong đó phần nhiều tướng lĩnh (Đào Duy Từ, Chiêu Vũ, Thuận Nghĩa…) nổi lên như những nhân vật của một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm có giá trị sử học và đã được nhiều pho sử trước đây sử dụng.
(Từ điển bách khoa toàn thư việt nam – mục từ:”VIỆT NAM KHAI QUỐC CHÍ TRUYỆN”).
Năm 1969, sử gia Phan Khoang khi nghiên cứu lịch sử xứ Đàng Trong đã được tham khảo một truyền bản của Nam triều công nghiệp diễn chí có tên sách là Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí. Ông xác nhận tác phẩm của Nguyễn Khoa Chiêm có giá trị tư liệu lịch sử quý giá, nhưng cũng tinh tế để khỏi sa vào những tình tiết ít nhiều đã bị tiểu thuyết hóa. Quyển Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí – Phan Khoang viết, “đáng ra là rất quý, vì là tác phẩm đồng thời với giai đoạn lịch sử chúng tôi nghiên cứu: Ông Nguyễn Khoa Chiêm làm quan nhiều năm đời chúa Hiển Tông, từ chức Thủ hợp đến chức Tham chính Chánh đoán sự. Nhưng chúng tôi nhận thấy tác giả quá trọng thị phương diện văn chương, dùng văn chương để tô điểm nhiều quá thì e có khi che lấp sự thực đi chăng…”.
Tiếc là chúng ta không biết tin gì thêm về bản sách còn giữ đủ cả sáu chữ Nam triều công nghiệp diễn chí của tên sách cũ, mấy chữ mới thêm vào lại liên quan đến tên sách Việt Nam khai quốc chí truyện của truyền bản hiện còn. Năm 1974, Tập san Sử Địa đã đăng bài khảo cứu công phu Đúng ba trăm năm trước của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Nhân chuyên đề “Kỷ niệm 300 năm ngưng chiến Nam – Bắc phân tranh thời Trịnh – Nguyễn”, Giáo sư Hoàng đã căn cứ vào tác phẩm của Nguyễn Khoa Chiêm để trình bày một cách tóm tắt những sự kiện chính của thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. (Văn bản ông sử dụng là bản HM. 2140 ở Paris có tên là Việt Nam khai quốc chí truyện, tức là bản của L. Cadière đã nói ở trên). Sau khi phân tích các mặt giá trị của tác phẩm, Giáo sư Hoàng viết: “Tôi cũng không nhận sách này là một bộ sử chính quy, nhưng cũng không coi nó là một bộ tiểu thuyết. Đối với những triều chúa Nguyễn, sách này cũng có giá trị tương đương với sách Hoàng Lê nhất thông chí đối với các triều cuối Trịnh và đầu Tây Sơn. Huống chi tác giả đã vâng lời người trên mà soạn, mà người trên ấy có lẽ là chúa Minh vương. Như vậy thì tác giả không dám bịa những chuyện mà người đương thời không biết. Bấy giờ Nam triều đã vững trong hơn một trăm năm, các đại thần đều thông thuộc các họ vào Nam với Nguyễn Hoàng, nghĩa là đã có đời sống phong kiến trong lâu năm. Vậy các công văn gia sử, truyền thuyết gia đình, thần phả, truyền thuyết dân gian bấy giờ chưa bị gián đoạn hoặc bị tiêu hủy vì loạn lạc. Văn học bấy giờ khá thịnh, và những biến cố được ghi cũng rất gần sinh thời tác giả. Bởi những lẽ ấy, tôi nghĩ rằng về đại cương cũng như về chi tiết, sách này khá đáng tin, nhất là về khoảng từ chúa Sãi về sau. Duy chỉ có những lời nói dông dài, những câu văn hay ý nghĩ của các nhân vật được ghi lại, thì ta chỉ nên xem là đại cương hợp lý, và nên huyền nghi về thể thức là thôi.”
Source: dtv-ebook.com