Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, người Đại Lại [1], tỉnh Thanh Hóa. Tổ tiên ông ở hương Bào Đột đất Diễn Châu, đến đời Hồ Liêm mới dời đến Đại Lai. Vì Hồ Liêm làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn nên đổi họ là Lê. Hồ Nguyên Trừng do vậy còn được sử cũ chép là Lê Trừng. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly nhưng không kế cha làm vua, mà chỉ giữ chức Tư đồ Tả tướng quốc.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, quân Minh đã bắt được ông vào năm 1407, đưa về Bắc Kinh cùng cha là Hồ Quý Ly, em là Hồ Hán Thương và cháu là Nhuế (con Hồ Hán Thương). Vì biết chế tạo súng “thần cơ”, một thứ vũ khí có sức sát thương lớn, vượt hẳn các loại súng đương thời, Hồ Nguyên Trừng được nhà Minh tha không giết và sai trông coi việc chế tạo vũ khí [2]. Từ chức công bộ doanh thiện ty thanh lại ty Chủ sự, ông dần dần được thăng làm Lang trung, rồi Công bộ Hữu thị lang, Công bộ Tả thị Lang (1436), Công bộ Thượng thư (1445). Ông mất vào tháng 7 năm Chính thống (1446), thọ 73 tuổi.
Nam Ông mộng lục được viết xong vào năm Mậu Ngọ (1438), là tác phẩm duy nhất hiện còn của Hồ Nguyên Trừng. Đầu sách có bài tựa của Hồ Huỳnh, một quan Thượng thư đồng triều với Hồ Nguyên Trừng, viết năm Chính Thống 5 (1440). Tiếp đến là bài tựa của chính Hồ Nguyên Trừng viết vào năm Chính Thống 3 (1438). Rồi đến phần chính của sách gồm 31 thiên truyện. Cuốn sách có bài Hậu tự của Tống Chương, người Việt Nam, làm quan triều Minh, viết năm Chính Thống 7 (1442).
Các truyện trong Nam Ông mộng lục là: 1. Nghệ Vương thủy mạt; 2. Trúc Lâm thị tịch; 3. Tổ linh định mệnh; 4. Đức tất hữu vị; 5. Phụ đức trinh minh; 6. Văn tang khí tuyệt; 7. Văn Trinh ngạnh trực; 8. Y thiện dụng tâm; 9. Dũng lực thần dị; 10. Phu thê tử tiết; 11. Tăng đạo thần thông; 12. Tấu chương minh nghiệm; 13. Áp Lãng chân nhân; 14. Minh Không thần dị; 15. Nhập mộng liệu bệnh; 16. Ni sư đức hạnh; 17. Cảm khích đồ hành: 18. Điệp tự thi cách; 19. Thi ý thanh tân; 20. Trung trực thiện chung; 21. Thi phúng trung gián; 22. Thi dung tiền nhân cảnh cú: 23, Thi ngôn tự phụ; 24. Mệnh thông thi triệu; 25. Thi chí công danh: 26. Tiểu thi lệ cú; 27. Thi cửu kinh nhân; 28. Thi triệu dư khánh (khương); 29. Thi xứng tướng chức; 30. Thi thán trí quân; và 31. Quý khách tương hoan. Nhưng nay chỉ còn lại 28 thiên (mất các thiên 24, 25 và 26), hiện được in trong các bộ sưu tập cổ của Trung Quốc như Kỷ lục vựng biên; Thuyết phu tục quyển thập tứ; Ngũ triều tiểu thuyết đại quan; phần Hoàng Minh bách gia tiểu thuyết; Hàm phân lâu bí kíp đệ cửu tập; Tùng thư tập thành sơ biên, phần Sử địa loại v.v… [3]
Theo lời tựa của Tác giả, Nam Ông mộng lục được biên soạn một là để “biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa”; hai là để “cung cấp điều mới lạ cho bậc quân tử” (Nam Ông mộng lục tự). Đối với chúng ta ngày nay, Nam Ông mộng lục là một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về văn học và sử học nước ta đời Lý Trần, một giai đoạn mà sách vở còn lại rất ít.
Dưới đây, chúng tôi dịch và giới thiệu bài tựa của Hồ Huỳnh, bài tựa của Hồ Nguyên Trừng, bài hậu tự của Tống Chương, cùng 28 thiên hiện còn, theo bản chữ Hán chép ở bộ tùng thư Hàm phân lâu bí kíp; Thư viện Viện thông tin khoa học xã hội; ký hiệu P.521 (2).
Bài tựa thứ nhất ở sách “Nam Ông Mộng Lục”
Kìa mặt trời, sao tỏa sáng, mây ráng phô màu, đó là vẻ đẹp của trời: núi non bủa vây, cỏ cây hoa trái, đó là vẻ đẹp của đất; danh hiệu điển chương, lễ nhạc giáo hóa, đó là văn minh của người. Khắp trong trời đất biết bao nhiêu nước, không đâu là không có nền văn minh. Nay ông Lê Trừng, tự Mạnh Nguyên, người Giao Nam [4] đang giữ chức Tả thị lang ở Bộ Công là người tư chất thông minh, tài học xuất sắc, với tôi lại là bạn cùng triều, mới rồi có đem cuốn Nam Ông mộng lục đưa cho tôi xem và nhờ viết tựa. Tôi đọc khắp một lượt, biết “Nam Ông” là tên hiệu của Mạnh Nguyên; văn ông ngắn gọn mà nghiêm cẩn, cao nhã mà hòa hợp, theo tình cảm kể việc, theo ý nghĩa đặt lời, vừa thú vị, vừa thiết thực, không truyện nào là không nhằm trình bày thứ bậc giữa vua tôi, làm rõ cái lành mạnh của luân thường đạo lý, thuyết minh chỗ thẳm sâu của tính mệnh đạo thuật, ghi chép con đường dẫn tới sự hưng phế của nước nhà. Đến như ca ngợi tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, có thể lấy đó mà uốn nắn phong tục; biểu dương thuật tác thì siêu thoát thanh tân, có thể lấy đó mà nuôi dưỡng tính tình. Với câu nói sau đây của Mạnh Nguyên kể lại nguồn phúc trạch đã hun đúc nên ông: “Ra tự hang sâu, dời đến cây cao [5], (…) sống gập triều thánh [6] tắm gội nhân Nghiêu, mà có chuyện kỳ ngộ này” [7] tôi hiểu được tấm lòng của Mạnh Nguyên và cho rằng ông là dấu tích lạ của một phương trời, nay được phô trương ở Trung Hạ [8], nổi tiếng khắp quận ấp, hoặc giả còn để lại thanh danh tới đời sau. Giá không được thánh triều ban cho trọng nhiệm Á khanh thì những chuyện ghi chép trong sách sẽ mai một ở chốn hoang xa, không ai hay biết. Nay nhờ tri ngộ mà sách này sẽ được mãi mãi lưu truyền, há chẳng phải là dịp may lớn đã cứu vãn được một nguy cơ mất mát? Vì đánh giá cao việc biểu dương cái thiện, dốc lòng vào chuyện nhân hậu, nên tôi đã không từ chối, viết vài lời vào đầu thiên sách này.
Ngày rằm tháng 10 năm Canh Thân niên hiệu Chính Thống [9] 5 (1440).
Hồ Huỳnh, tên chữ là Côn Lăng, giữ các chức tước: Tư đức đại phu, Chính trị thượng khanh, Thượng thư Bộ Lễ.
Bài tựa thứ hai ở sách “Nam Ông Mộng Lục”
Sách Luận ngữ từng nói: “Trong cái xóm mười nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu này vậy” [10], huống hồ nhân vật cõi Nam Giao [11] từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì ở nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở bị cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn ai được nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách, đặt tên là “Nam Ông mộng lục”, phòng khi có người đọc tới; một là để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử, tuy đóng khung trong vòng tiểu thuyết, nhưng cũng là để góp vui những lúc chuyện trò.
Có kẻ hỏi tôi rằng: “Những người ông ghi chép đều là người thiện, vậy thì trong các chuyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?” Tôi trả lời họ rằng: “Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được; còn chuyện bất thiện thì không phải không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi”. Họ lại hỏi: “Sách lấy tên là ‘mộng’ ý nghĩa ở chỗ nào?” Tôi trả lời: “Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải ‘mộng’ là gì? Các bậc đạt nhân quân tử có thấu cho chăng? Còn ‘Nam Ông’ là tiếng Trừng tôi tự gọi mình vậy!”.
Ngày Trùng cửu [12] năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Thống 3 (1438).
Lê Trừng tên chữ Mạnh Nguyên, người xứ Nam Giao, tước Chính Nghị đại phu, chức Tư trị doãn, Công bộ Tả thị lang đề tựa.
——————-
[1] Đại Lại: tên hương; nay ở phía bắc sông Lèn, huyện Vĩnh Lộc. Tỉnh Thanh Hóa còn có núi Kim Âu, tức núi Đại Lại cũ. Hương Đại Lại có lẽ nằm ở vùng này.
[2] Nguyên văn chữ Hán là “chuyên đốc tạo binh tượng cục súng tiễn hỏa dược”, có thể hiểu là chuyên đôn đốc việc chế tạo các thứ tên lửa và thuốc súng ở Cục chế tạo vũ khí.
[3] Theo sách Trung Quốc tùng thư tổng lục (dẫn theo Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng soạn. Série I, tập 6, Trần Khánh Hạo, Vương Tam Khánh chủ biên, Học viện Viễn Đông bác cổ Paris xuất bản; Học sinh thư cục Đài Loan ấn hành năm 1986).
[4] Giao Nam: còn gọi là Nam Giao, tức Giao Chỉ, tên nước ta thời cổ.
[5] Ra tự hang sâu, dời đến cây cao (xuất tự u cốc, thiện vu kiều mộc): hai câu thơ trong bài Phạt mộc ở phần Tiểu nhã trong Kinh Thi, từng được tác giảNam Ông mộng lục nhắc đến trong bài Thi triệu dư khương (Điểm thơ để phúc về sau).
[6] Triều thánh (Thánh triều): chỉ triều nhà Minh.
[7] Xem Thi triệu dư khương, truyện thứ 28 trong Nam Ông mộng lục.
[8] Trung Hạ: chỉ Trung Quốc.
[9] Chính Thống: niên hiệu của Minh Anh Tông.
[10] Xem Luận ngữ; thiên Công Dã Tràng. “Khâu” là tên của Khổng Tử.
[11] Nam Giao: tức đất Giao Chỉ. Có chỗ viết là “Giao Nam”. Từ đấy trở xuống đều dịch là thống nhất là “Nam Giao”.
[12] Ngay Trùng cửu: tức ngày 9 tháng 9 Âm lịch.
Mời các bạn đón đọc Nam Ông Mộng Lục của tác giả Hồ Nguyên Trừng.
Nguồn: dtv-ebook.com