Nam Ngữ Chính Tả Tự Vị Tập 2

white noise for sleeping link
shopee-sale

Người Việt Nam ta đối với chữ quốc ngữ là tiếng Việt Nam, hình như có một cái quan niệm chung, trăm người như một, tức là coi nó là dễ mà không chịu gia công học tập. Tôi mới được nghe một bà mắng con gái mình rằng: “Sao mầy ngu quá! Chớ tao hồi trước, tao đọc vần xuôi vần ngược chỉ mất công trong mươi lăm bữa rồi ráp vần mà viết như chơi; cho đến bây giờ, sách gì tao đọc cũng được, thơ từ gì tao cũng khỏi mượn người ta, mà thiệt tình từ bấy đến giờ, tao có hề học gì đâu!” Trời ơi! Bà giỏi quá! Tôi chịu!

Chữ quốc ngữ thật có dễ như bà ấy nói. Song biết xập xuội mà chơi thì dễ; chớ muốn biết mà đọc và viết cho đâu ra đó thì có dễ đâu. Phải gia công học tập lung lắm mới được.

Thế nhưng, nói đến chuyện học thì người ta lắc đầu, lè lưỡi, bảo rằng: Bày chữ quốc ngữ ra là cốt muốn cho tiện cho dễ, mất công ít mà biết nhiều; chớ nếu bắt học cũng như học chữ Pháp chữ Hán thì tiện lợi nỗi gì mà bày ra?

Người nói như vậy là không nghĩ. Mình học tiếng nước mình có dễ hơn học tiếng ngoại quốc, sự tiện lợi của quốc ngữ là ở đó. Chớ còn, học thì vẫn phải học, mất công thì vẫn phải mất công vậy chớ. Cái lẽ nầy dễ hiểu lắm, sao người ta không chịu hiểu. Bao giờ người Pháp không cần học tiếng Pháp, người Tàu không cần học chữ Tàu, mà cũng viết đâu ra đó được, thì bấy giờ người An Nam mới không cần học tiếng An Nam.

Tuy nhiên, cái bà nói trên đó, không phải là nhà văn học, nên biết quốc ngữ sơ sơ mà cũng dám gọi mình rằng biết; cũng cho được đi, chẳng nói làm chi. Chỉ có những người hữu học, xưng mình là nhà học giả, là nhà văn sĩ, đã từng xuất bản sách nọ sách kia, mà viết quốc ngữ sai cả chữ và nghĩa, thì sự đó, tôi tưởng không thể nào dung thứ được.

Tôi lại tưởng, sự ấy thật là một sự sỉ nhục, đối với mình hay là đối với người cũng vậy, nhứt là đối với người ngoại quốc. Tôi thấy người ngoại quốc nào, không học tiếng An Nam thì thôi, chớ đã học, thì họ phải viết đúng. Sao người bổn quốc viết không đúng mà lại dám in ra sách, dám cầm cây bút làm thầy người ta trên tạp chí nọ, trên nhựt báo kia? Hay là có cái ơn riêng nào tha cho người An Nam không cần viết đúng tiếng An Nam?

Theo tôi thì nên dẹp đi hết thảy, đừng xướng lên thuyết nầy thuyết kia, đừng rải truyền đơn nữa, đừng làm quốc sự nữa, đừng chưng ra những thơ xã nọ tòng thơ kia nữa, dẹp đi hết thảy, để đợi khi nào viết quốc ngữ đúng rồi sẽ giở mọi sự ấy ra.

Tôi nói như vậy có hơi quá khích một chút. Song cứ theo cái thuyết “chánh danh” của Khổng Tử thì chẳng có chi là quá. Chánh danh, nghĩa là kêu tên cho trúng. Ngài đã nói đến cái hại kêu tên không trúng mà rằng: “Danh chẳng chánh thì nói ra chẳng thuận; nói ra chẳng thuận thì việc làm chẳng nên; việc làm chẳng nên thì lễ nhạc chẳng dấy; lễ nhạc chẳng dấy thì hình phạt chẳng nhằm; hình phạt chẳng nhằm thì dân không chỗ đặt tay chưn”(1). Danh chẳng chánh, kêu tên không trúng, sao mà cái hại đến như vậy? Chờ sau nầy tôi sẽ viết một bài cắt nghĩa.

Viết quốc ngữ không đúng, cũng tức là một cách kêu tên không trúng. Cái hại của nó dầu không đến như đức Khổng nói, song thế nào cũng là có hại cho việc làm. Việc làm đã vì nó mà bị hại, thì có lẽ đừng làm là hơn.

Tại sao viết quốc ngữ không trúng? Ấy là tại không học. Làm sao biết người ta không học? Vì thấy viết không trúng thì biết là không học; nếu có học thì viết đã trúng rồi. Đại để những người viết sách quốc ngữ ngày nay, phần nhiều cũng như người đàn bà nói trên kia, lấy cái sở đắc của mình trong sách Tây hoặc sách Tàu rồi ráp vần theo giọng trại bẹ của mình mà viết ra tiếng An Nam, chớ chưa hề học tiếng An Nam.
Phần nhiều người Đàng Ngoài viết vần ch với tr lẫn nhau, x với s lẫn nhau; phần nhiều người Đàng Trong viết lẫn c với t, có g với không g trong vần ngược, lại xô bồ dấu ngã dấu hỏi làm một. Ấy là sai về mặt chữ, tôi đã nói trong bài “Chữ Quốc ngữ ở Nam kỳ” đăng ở một số mới đây. Nay tôi nói đến những tiếng mà người ta hay dùng sai nghĩa.

Tôi có quyền gì mà dám phán đoán là sai hay là đúng? Tôi chẳng có quyền chi hết, tôi cũng chẳng thánh hơn ai hết, tôi chỉ cứ theo tự vị, hễ hiệp với tự vị thì tôi cho là đúng, mà không thì tôi cho là sai.

Chỉ có một điều dễ lắm mà người ta không chịu làm. Là trong khi viết, nếu có chữ gì hơi nghi một chút thì phải giở tự vị tra liền. Tra xong, ghi chữ ấy vào một tập vở nhỏ, hằng ngày nhìn lấy nó cho nhớ nhập tâm, ghi đầy một tập vở nhỏ chừng một trăm trương mà nhớ hết, thì có thể viết đúng được phần nhiều rồi. Tôi, vì theo giọng nói miền tôi sanh trưởng, cũng trại bẹ như ai, song trong 20 năm nay tôi đã học bằng cách ấy, nên bây giờ tôi viết khá đúng. Tuy vậy, chưa đúng cả đâu, nên tôi còn học mãi, cái ngày người ta đắp tờ giấy bạch trên mặt tôi, ấy là ngày tôi hết học tiếng An Nam!

Khốn thay! người An Nam lại ít hay dùng tự vị. Trong bài “Nữ công” đăng ở một số trước, tôi nói phần nhiều rổ may đàn bà An Nam không có bao tay; thì ở đây tôi cũng nói: phần nhiều bàn viết của các nhà văn học An Nam không có cuốn tự vị tiếng An Nam. Khi nào người mình cứ dùng tự vị luôn, khi ấy sẽ viết quốc ngữ được đúng.

Tôi viết bài nầy không phải băm vào những người nào đã viết quốc ngữ sai mà nói, để làm cho người ta tức; song có một ý theo tự vị mà đính chánh lại những điều sai lầm của người ta, hoạ may nhơn đó mà sửa đổi lại cho đúng chăng.

Mời các bạn đón đọc Nam Ngữ Chính Tả – Tự Vị của tác giả Nguyễn Duyên Niên.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com