Nếu Thanh Hóa là nơi xuất phát của 9 đời chúa Nguyễn thì Nam Bộ là nơi trung hưng mở ra thời kỳ 13 đời vua Nguyễn ở Thuận Hóa – Phú Xuân. Do đó nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa không thể không nghiên cứu lịch sử Nam Bộ và ngược lại không thể nghiên cứu lịch sử Nam Bộ nếu không nghiên cứu triều Nguyễn.
Tôi là một nhà nghiên cứu không chuyên, vì ham thích lịch sử mà nghiên cứu chứ chưa hề được biên chế trong bất cứ một cơ quan nghiên cứu lịch sử văn hóa nào.
Tôi biết lịch sử Nam Bộ qua các bộ sách của Quốc sử quan triều Nguyễn như Đại Nam Thực lục, Đại Nam Liệt truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí, Gia Định Thành Thông Chí…, các sách của người Pháp viết về Nam Bộ thời thuộc Pháp… Đặc biệt qua các thầy và các bạn người Nam Bộ của tôi. Đó là các thầy Vương Hồng Sển, Trần Văn Khê, các bạn Nguyễn Văn Y, Sơn Nam, Lý Việt Dũng, Bảo Hội. Địa bàn nghiên cứu của tôi chỉ quanh quẩn ở miền Trung. Việc đi điền dã ở Nam Bộ của tôi có tính bất chợt hay do yêu cầu của một địa phương nào đó mời mà thôi. Do đó những gì tôi viết về Nam Bộ với triều Nguyễn và Huế xưa cũng có tính bất chợt nên thiếu hệ thống, thiếu toàn diện. Từ sau năm về hưu (1998), tôi dự định sẽ điền dã Nam Bộ một thời gian, viết bổ sung những gì cần viết về Nam Bộ. Anh Lý Việt Dũng cùng ở trong Hội đồng Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học với tôi hứa sẽ đưa tôi điền dã Nam Bộ với anh. Nhưng sau đó sức khỏe anh Lý không cho phép, lời hứa đó chỉ còn là một kỷ niệm. Tiếp đến anh Nguyễn Phúc Bảo Hội (cháu nội vua Thành Thái, quê mẹ ở Sa Đéc, Việt Kiều Mỹ) có ý giúp tôi theo anh đi thăm những nơi chúa Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh, sau nầy là vua Gia Long) đã từng “nằm gai nếm mật” ở Nam Bộ. Chuyến đi thực tế đầu tiên chúng tôi về vùng Nước Xoáy (Hồi Oa), một địa điểm thuộc huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) – nơi còn giữ được nhiều di tích liên quan đến Nguyễn Phúc Ánh. Tôi có bút ký “Về thăm Nước Xoáy (Hồi Oa)”. Không may sau đó ít lâu, anh Bảo Hội qua đời đột ngột. Chuyện điền dã những nơi chúa Nguyễn Vương từng qua của tôi phải tạm dừng.
Biết tôi tha thiết với Nam Bộ, kiến trúc sư Hồ Viết Vinh tổ chức cho tôi đi Phú Quốc, nhà văn lão thành Vũ Hạnh chở tôi đi Gò Công, điêu khắc gia Thụy Lam đón tôi đi An Giang… Sau mỗi lần đi thực tế tôi đều có một vài bài viết nhớ đời.
Tuy có nhiều cố gắng nhưng khi nhìn lại thì vẫn thấy “sự nghiệp cầm bút” của tôi với Nam Bộ vẫn còn sơ sài so với thực tế lịch sử. Rất tiếc là quỹ thời gian còn lại không cho phép tôi phấn đấu cho đầy đủ được. Để đời tôi có một kỷ niệm với bạn đọc Nam Bộ, tôi sưu tập lại tất cả những bài tôi đã viết mà nay có thể sưu tập được in thành cuốn sách nhỏ nầy. Qua đây, cũng là một giải đáp dành cho những bạn đọc muốn sưu tập bài viết của tôi về Nam Bộ.
Nội dung các bài viết thuộc nhiều thể loại: Chuyện kể, bút ký, nghiên cứu, hỏi và đáp, thích hợp cho mọi tầng lớp từ người bình dân cho đến các nhà nghiên cứu.
Là người miền Trung viết chuyện lịch sử của Nam Bộ nên không tránh được sai sót trong ngôn ngữ, tên người, tên đất ở các địa phương Nam Bộ. Kính mong được các bậc trưởng thượng chỉ giáo những chỗ bất cập để có dịp tái bản được hoàn chỉnh hơn.
Xin đa tạ.
Nguyễn Đắc Xuân
Nguồn: dtv-ebook.com