Ở vào buổi ban đầu, người Pháp vừa đến chiếm-cứ xứ nầy, họ cần-dùng nhiều người bổn-xứ biết tiếng họ, để giúp vào công-việc cai-trị và khai-thác.
Ông thân tôi là một trong đám thanh-niên, ở vào thời-kỳ ấy, bị làng xóm bắt đi học. Thầy học tôi là ông Huỳnh-văn-Chợ được một nhà giàu ở trong làng mướn đi học thế cho con họ. Họ sợ con họ học tiếng Pháp, biết tiếng Pháp, người Pháp đem về xứ, cha sẽ xa con, con sẽ xa cha.
Sự thật, thầy tôi được đưa sang Pháp học bên ấy, để về làm giáo-sư trung-học. Đi một lượt với thầy tôi, ông giáo-sư Duyên và Bác-sĩ Nguyễn-văn-Thinh đều là con nhà nghèo, được học-bổng của chánh-phủ thuộc-địa.
Khoảng thời-gian ấy qua, đến giữa trận giặc 14-18, thiếu-niên Việt-Nam, tuy không được như trước, nhưng sự học-hành còn được khuyến-khích nhiều. Nào là giấy mực, ngòi viết, thước gạch, bút chì được mỗi tháng phát đủ. Thiếu-niên nghèo học giỏi được cấp học-bổng ở các trường tỉnh. Có nhiều thiếu-niên nghèo học thành tài trong buổi ấy là nhờ sự giúp-đỡ của chánh-phủ thuộc-địa.
Bởi vậy, họ mang « ơn nặng » của chánh-phủ, sau ra trường được bổ làm quan, họ vẫn một lòng phụng-sự chánh-phủ, gọi là đền ơn đáp nghĩa.
Họ mang ơn cũng phải, đối riêng với họ là cái ơn, nhưng họ đâu có hiểu người ta lúc ấy cần-dùng họ để giữ giềng-mối xứ nầy, đặng chung-cùng với « mẫu-quốc ».
Mãi đến bốn năm năm sau giặc, sự học-hành còn được chăm-nom. Nhưng về sau có một sự thay đổi trong sự dạy-dỗ trẻ em. Chương-trình giáo-huấn đổi khó lại, làm cho thiếu-niên nản-chí, học-trò nghèo theo không nổi nữa, vì đã rớt nhiều lần.
Tới nay trong đám chúng ta có người cũng chưa hiểu cái manh-tâm của nhà cầm-quyền ở thuộc-địa. Họ có biết đâu, trong trận giặc, cán-bộ người Pháp thiếu, người ta đào-tạo một số người Việt trung-thành để thế vào máy cai-trị, và cũng cần-dùng một số khác để cung-cấp cho các cơ-quan thương-mại, kỹ-nghệ trong xứ.
Hơn nữa là sau giặc, tiền vốn của tư-bản Pháp đem qua Đông-Dương thật nhiều gấp năm, bảy lần khi trước. Cuộc khai-thác bắt đầu bành-trướng, người ta cần-dùng thanh-niên biết tiếng Pháp để giúp trong công-việc chỉ-huy khai-thác.
Cán-bộ bên cai-trị đủ. Công việc khai-thác đã đến cực-điểm của nó rồi, còn khuyến-khích sự học-hành chi nữa ? Bởi vậy, trong tờ trình của ông Toàn-quyền tại-chức Albert Sarraut có bảo phải giữ trình-độ giáo-huấn thanh-niên bổn-xứ không quá mực trung-bình. Nghĩa là đừng cho chúng nó học giỏi. Cái học của thanh-niên bổn-xứ để dùng vào hai công-việc trên thôi.
Hiện nay, nhiều người than-phiền ở trong xứ không đủ nhà chuyên-môn để dùng về việc nọ, việc kia. Làm sao có được ? Chánh-phủ không cần lo đến. Học nghề ở Nam-bộ được hai cái trường. Nhưng hai trường này không phải để đào-tạo nhà chuyên môn, mà thợ chuyên-môn.
Nhiều thanh-niên muốn vào học lại bị cái nạn ra trường phải đi lính ba năm. Người ta bày như thế để cho ít người muốn học.
Từ năm 1925…
Bắt đầu từ năm 1925, người Pháp không cần người Việt biết tiếng họ nữa. Không lẽ bấy lâu lập trường học bây giờ lại dẹp đi.
Số học-trò đông, trường học không mở thêm nữa. Thanh-niên đậu bằng sơ-học phải thi vào trường trung-học. Bài thi thật khó. Một số được vào học, còn bao nhiêu đi kiếm trường ngoài làm sao thì làm.
Cũng từ năm nầy, học-trò nghèo hết phương đeo-đuổi cho thật thành-tài. Người ta không giúp-đỡ đủ mọi phương-diện như trước nữa.
Tới khúc lịch-sử nầy, con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa.
Một nỗi ra trường trung-học, một số rất ít cha mẹ, cô, bác có tiền cho con đi Hà-Nội học trường lớn, còn bao nhiêu, nếu thi không đậu vào ngạch cai-trị thì ra ngoài tìm việc ở các nhà thương-mại.
Xách đơn chạy ngược chạy xuôi, may ra được việc làm thì lương-bổng không đủ sống.
Tương-lai của thanh-niên Việt-nam ngay từ đây mù mờ. Dòm bạn-tác ra khỏi trường không được sự sanh-sống đảm-bảo thì kẻ còn ngồi trên băng có vui-vẻ gì mà ráng học nữa.
Chắc-chắn vì lẽ ấy mà thanh-niên đổi chí-hướng. Họ thấy viễn-cảnh quan-trường bất-tiện cho bước đường của họ. Thoạt đến phong-trào quốc-gia đưa vào tận trong những lớp học êm-đềm, mà bấy lâu là những cái đà để thanh-niên tiến vào cửa quan. Lần đầu trong lịch-sử, học-sanh Việt-Nam bãi-khóa. Rồi từ cuộc bãi-khóa nầy đến cuộc bãi-khóa khác. Một số học-sanh bị sa-thải. Kẻ về nhà lo làm ruộng, kẻ xách đơn đi xin việc ở các hãng buôn, và một số ít trốn tàu sang Pháp.
Mời các bạn đón đọc Mười Chín Sinh Viên Việt Nam Bị Trục Xuất của tác giả Lê Văn Thử.
Nguồn: dtv-ebook.com