Hồ Trường An
Mùa Thục Nữ Vu Quy
Chương 1
Trước khi gả cô Ba Diệm Quang cho cậu Tư Lâm Thế Mạnh, bà Hội Đồng Lê Tấn Bền có vẻ suy nghĩ lung lắm. Chu choa ơi, cô trưởng nữ của bà làm bếp rành rọt, thêu đan thiệt khéo, làm bánh mứt vừa đẹp vừa ngon. Cái hoa tay, cái khéo léo của cô trong công việc nữ công phụ xảo từ trong bà con họ hàng cho tới các phụ nữ khắp làng, khắp tổng chưa có ả nào, chị nào, mụ nào qua mặt cộ Đã vậy cô lại có dung nhan tuy không lộng lạc hực hỡ đến độ huê nhường nguyệt thẹn, song cũng duyên dáng, mặn mòi lắm.
Nhưng than ơi, bà Hội Đồng Bền thừa biết con gái mình dở chịu đựng. Mỗi khi có ai rắn mắc bỏ chuột, thằn lằn vào túi áo cô là ngã xỉu nằm dài như cây chuối bị đốn bằng một nhát dao yếm thiệt ngọt. Cô không dám cắt cổ gà, không dám đập đầu, móc họng, cạo vảy, moi ruột bất cứ loại cá nào. Hễ đứt tay chảy máu là cô xây xẩm chóng mặt. Hễ đau ốm một chút là cô rên hù hù, ra tuồng ai oán thống khổ lắm. Thiệt tình, cô vốn nhát gan, dở chịu đựng. Đời cô là một chuỗi rên dài. Khổ đau làm cho cô rên rỉ đã đành, nhưng vui sướng cũng làm cô rên xiết nữa. Cái gì mà chạm tới cô là cô rên; chạm nhẹ thì cô rên nhẹ, còn chạm mạnh thì cô rên mạnh. Nhưng đôi khi dường như thần kinh cô quá non mềm yếu ớt, chỉ cần cái chạm nhẹ nó cũng đủ làm cô rên trầm thống. Và những trường hợp đó không phải là hiếm.
Bà Hội Đồng Bền thừa biết con gái bà không hoàn toàn điệu đà, không hoàn toàn nhõng nhẽo với người xung quanh và với cuộc đời đâu. Bởi cô Ba Diệm Quang giống mụ em chồng của bà là bà út Túy Huệ, có một phần dở chịu đựng, nhưng cũng có một phần ưa bắt người thân thích chia sẻ cái xúc cảm của mình nên họ ưa từ cái đau một ít họ xích ra cái đau gấp rưỡi gấp đôi.
Năm nay, bà út Túy Huệ đã 42 tuổi, nhưng còn non nheo nhẻo như đờn bà 30 tuổi. Cho nên bà út ăn diện theo gái tân thời, tóc chải chín lượn, mười mồng trên đầu rồi bới cái bí bo dẹp dẹp tròn tròn như cái bánh tiêu sau ót. Hễ bước ra khỏi nhà là bà tô son giồi phấn hực hỡ, mặc áo dài bợ ngực bó eo, đeo nữ trang rườm rà choáng lộn. Bà út lấy chồng ở chợ Trường An. Ngày mốt đây là đám giỗ ông Hương Cả Chắc, tía của ông Hội Đồng Bền và của bà út, nên bà xin phép chồng là ông Cai Tổng Trương Minh Khôn về Vĩnh Long chơi vài ngày. Ông Hội Đồng là anh trưởng, sau ông còn có bà Ba Túy Lan, bà Tư Túy Liễu, bà Năm Túy Trước. Cả ba đều lấy chồng xa, cỡ mồng sáu mồng bảy Tết mới về thăm nhà. Chỉ có bà út nhờ ở gần nên siêng viếng nhà anh chị. Vả lại ông Cai Tổng Khôn có sắm xe hơi nên việc lui tới của bà cũng dễ dàng.
Nhà ông Hội Đồng Bền ném về làng Cầu Kè, cách trung tâm thành phố Vĩnh Long 3 cây số, ném về miệt vườn. Nhà gồm 3 căn hai chái, nền đúc cao tới ngực. Mái lợp ngói lưu ly màu vảy cá thia thia tàu, cột gỗ căm xe bóng lộn, lớn cỡ nửa vòng ôm. Trong nhà bày đầy bàn ghế bằng danh mộc, tủ thờ bằng gỗ trắc khảm xà cừ. Liễn mun thếp chữ vàng, liễn son thếp chữ vàng thuộc loại liễn máng xối úp vào mỗi thân cột tròn. áp theo vách tường là những tủ kiếng chưng đầy các món cổ ngoạn, các món kỳ ngoạn, trân ngoạn choáng lộn.
Tuy nhiên, ở ngoài sân lót gạch tàu, ông không bày hòn non bộ, hoặc các chậu bông, chậu kiểng nào. Sân này dùng để phơi lúa. Giữa sân là cái bồn tròn tấn gạch xung quanh. Giữa bồn là cây chuối kiểng xòe hình rẽ quạt, lớn ngạo nghễ để cho cảnh ở ngoài sân đỡ trống trải.
Chiều mai là bữa giỗ tiên, sáng mốt là bữa giỗ chánh. Bà Hội Đồng Bền, bà út Túy Huệ, cô Ba Diệm Quang, cô Năm Thể Tần (bạn của cô Ba Diệm Quang) ngồi xung quanh chiếc bàn hình hột xoài ăn quà vặt. Trước hết họ khỉa hột vịt lộn úp mề và hột gà lộn trái vải cuốn rau răm và chấm muối tiêu. Sau đó, họ thiếm xực món xoài tượng chấm nước mắm đường dầm ớt hoặc chấm mắm ruốc giã tỏi ớt tùy ý. Món chót là món gỏi đu đủ bào trộn khô bò rải rau răm xắt nhuyễn, rưới tương xay và chan nước mắm ớt.
Bà út Túy Huệ hết nhìn cô Ba Diệm Quang tới liếc qua cô Năm Thể Tần, hỏi chị dâu:
-Chị nên lo đám cưới cho thằng Hai trước đã, sau đó mới lo việc chung thân cho con Bạ Theo tui khắp làng khắp tổng mình chẳng có cô nào đầy đủ công dung ngôn hạnh như cháu Năm Thể Tần này. Tui mua bán hột xoàn, không bao giờ lầm giá trị của ngọc. Cho nên xem qua tướng mạo cùng thói ăn nết ở của cháu Năm, tui biết đây là gái nhà lành, ngàn vàng chưa đáng giá.
Bà Hội Đồng cười:
-Vợ chồng tui cũng nghĩ như cô vậy. Tụi tôi đã nhờ thầy coi tuổi thằng con trai tui và tuổi cháu Thể Tần thì tụi nó có mạng hơi khắc. Nhưng mà cái này lạ lắm cô út à. Cháu Thể Tần có mạng Lư Trung Hỏa, thằng Hai tui có mạng Kiếm Phong Kim. Tuy kim khắc hỏa, nhưng mà hỏa này là lửa trong lò, nó sẽ rèn chất kim của cây kiếm kia thêm bén ngót để kiếm tung hoành vùng vẫy chốn trận địa sa trường. Cho nên tui định làm đám hỏi lẫn đám cưới cho thằng Hai trong vòng hai tháng.
Cô Năm Thể Tần nghe hai bà bàn về việc hôn nhơn của mình, mặt đỏ ửng vì thẹn thùa. Cô Năm là cô gái độc nhứt của ông bà Bang Biện Võ Tấn Vui, bạn thân của ông bà Hội Đồng Lê Tấn Bền. Trên cô có ba người anh đều có gia thất hết rồi. Qua tài làm mai của bà út Túy Huệ, ông bà Hội Đồng quyết lòng cưới cô Năm cho thằng trưởng nam là cậu Hai Lê Tấn Vinh. Cậu Hai hiện học trường Pháp Chánh ở ngoài Hà Nội, năm nay nếu thi đậu sẽ làm cò mi, đường hoạn lộ coi bộ hứa hẹn vẻ vang lắm. Còn cậu Tư Lâm Thế Mạnh vừa thi đậu bằng Thành Chung xong liền thi đậu Ký lục Soái Phủ Nam Kỳ. Riêng cô Ba Diệm Quang và cô Năm Thể Tần chỉ học hết hai năm đầu chương trình trung học liền xoay qua học nữ công phụ xảo để mai sau trở thành một chủ phụ quán xuyến một đại gia đình. Tuy nhiên, hai cô đều trau giồi Pháp ngữ nên họ đọc được mấy tờ báo phụ nữ viết bằng tiếng Pháp, đọc được tiểu thuyết Pháp loại diễm tình. Họ biết viết nhựt ký, viết lưu bút, làm thơ lai rai. Chèn ơi, cô Năm Thể Tần vốn chịu khó học hỏi, giồi mài cách sáng tác loại thơ thất ngôn bát cú vốn rắc rối khó khăn về mạt kỹ thuật. Mỗi khi cô Ba Diệm Quang múa bút ngọc để trám đầy cỡ hai trang giấy sấp những câu thơ song thất lục bát réo rắt như tiêu thiều nhã nhạc thì cô Năm Thể Tần vùng vẫy bút hoa để tám bài liên hoàn kết hiệp lời ngọc ý châu hiện ra. Thơ cô nào cũng diệu vợi tình người, cũng thơm phức mùi đạo nghĩa.