William Sommerset MAUGHAM
MƯA
Chương 1
Đã gần tới giờ đi ngủ và sáng hôm sau người ta sẽ trông thấy bờ. Bác sĩ Mácphâylơ đốt thuốc hút, rồi nghiêng mình ra mạn tàu, tìm chòm sao chữ thập ở phương Nam. Sau hai năm ở ngoài mặt trận –Ông đã bị thương tích lâu lành- ông vui vẻ được nghỉ ngơi yên tĩnh ít nhất là mười hai tháng tại Apia, và ngay chuyến đi này đã làm cho ông khoan khoái rồi. Vì hôm sau có nhiều hành khách xuống Pagô Pagô, nên tối hôm đó, người ta tổ chức một cuộc khiêu vũ, và tiếng dương cầm e é còn vang trong tai ông. Nhưng ở trên boong tàu, thì đã yên lặng. Cách chỗ ông đứng chừng vài bước, bà Mácphâylơ nằm trên chiếc ghế dài, đương nói chuyện với ông bà Đavitxơn. Ông tiến lại phía đó, ngồi vào chỗ sáng cởi nón ra. Người ta thấy đầu ông hơi sói, tóc hung hung đỏ, mặt có tàn nhang cũng hung hung; ông khoảng tứ tuần; gầy, mặt choắt, có vẻ tỉ mỉ, hơi gàn; ông nói giọng Tô Cách Lan, nhỏ nhẹ, bình tĩnh.
Cặp Mácphâylơ và cặp Đavítxơn -một gia đình truyền giáo- thân với nhau –không phải vì thành khí mà vì gặp nhau hàng ngày ở trên tàu. Họ có một điểm gần nhau là cùng ghét hạng hành khách ngày đêm đánh bạc và uống rượu trong phòng hút thuốc.
Trong số hành khách, ông bà Đavítxơn chỉ làm quen với ông bà Mácphâylơ điều đó là cho bà Mácphâylơ hãnh diện: mà bác sĩ Mácphâylơ, nhút nhát chứ không ngây thơ, cũng hơi cảm động về thịnh tình của cặp Đavítxơn. Nhưng vốn có óc dị nghị, nên ban đêm, trong phòng riêng, bác sĩ thường chỉ trích ông bà Đavítxơn.
Bà Mácphâylơ vừa chải kỹ mớ tóc, vừa nói.
– Bà Đavítxơn tự hỏi nếu không có vợ chồng mình thì không biết làm sao chịu nổi chuyến đi này. Bà ta bảo rằng khắp trên tàu, ông bà chỉ muốn làm quen với tụi mình thôi.
– Anh lại cứ nghĩ rằng một nhà truyền giáo đâu phải là một nhân vật quan trọng gì mà khó tính đến thế.
– Không phải là khó tính. Em hiểu ý bà ta lắm. Ông bà ấy mà phải tiếp xúc với hạng người thô lỗ ở trong phòng hút thuốc thì chịu sao nổi?
Bác sĩ cười nhạo:
– Vị sáng lập ra tôn giáo của họ không chấp nhất tới như vậy.
Bà vợ đáp:
– Em van mình biết bao lần rồi, rằng đừng đem tôn giáo ra mà giễu. Anh Alec à, em không ưa cái tính đó đâu. Anh chỉ nhận thấy mặt trái của kẻ khác thôi.
Bác sĩ đưa cặp mắt xanh nhạt liếc nhìn bà vợ và làm thinh. Sống chung với nhau, ông đã có kinh nghiệm rằng muốn cho yên thân thì nên nhịn vợ một chút. Ông thay quần áo, xong trước, leo lên cái giường treo trên cao rồi lấy sách ra đọc để vỗ giấc ngủ.
**********
Sáng hôm sau, khi ông lên trên boong thì tàu đã tới sát bờ. Ông chăm chú nhìn. Sau đường viền trắng như bạc ở bão biển, nổi lên những ngọn đồi cây cối um tùm. Những bụi dài rậm và mọc lan tới tận bờ nước, ẩn hiện những chòi lá của thổ dân và đây đó một ngôi nhà thờ nhỏ ló ra rực rỡ nắng. Bà Đavítxơn tiến lại, đứng bên cạnh bác sĩ. Bà bận đồ đen, cổ đeo một dây chuyền vàng, đầu dây lủng lẳng một chiếc thánh giá xinh xinh. Bà nhỏ con, tóc đen, không bóng, chải, vén kỹ, mắt lồi sau cặp mắt kính kẹp mũi, không gọng. Mặt dài như mặt ngựa, nhưng không có vẻ đần mà trái lại, có vẻ rất linh lợi, linh hoạt như con chim. Nhất là tiếng nói the thé, khàn khàn, không uốn giọng của bà làm cho ai cũng để ý tới. Nó đập vào tai ta một điệu đều đều, tàn nhẫn như tiếng động một cái máy khoan, đến bực mình.
Cặp môi mỏng của bác sĩ ráng nhoẻn ra:
– Tới đây, bà có cảm giác là tới nhà rồi chứ?
– Những đảo san hô của chúng tôi thấp hơn miền này. Đây là đất hỏa sơn. Còn phải đi biển mười ngày nữa mới tới.
Ông Mácphâylơ vui tính, bảo:
– Trong miếng này thì đảo sang hô với đất hỏa sơn cũng là kế cận nhau cả, như phố trên phố dưới, ở xứ mình.
– Ông nói cũng hơi quá, nhưng quả thật là ở miền Nam này, quan niệm về không gian có hơi khác. Vậy lời của ông cũng không sai hẳn.
Bác sĩ Mácphâylơ thở dài nhẹ nhàng.
Bà Đavítxơn nói tiếp:
– Đáng mừng là chúng tôi không phải truyền giáo ở đây. Nghe nói miền này công việc khó khăn lắm. Những tàu cặp bến làm cho dân chúng láo nháo cả lên; lại thêm có một quần cảng nữa, ảnh hưởng tai hại tới thổ dân. Trong khu vực chúng tôi, không có những khó khăn ấy. Tất nhiên có một vài con buôn, nhưng chúng tôi ráng kìm họ được, nếu họ kháng cự thì chúng tôi sẽ làm cho họ chịu không nổi mà phải tự ý đi nơi khác.
Sửa lại cặp kính, bà ta ngó quanh đảo, vẻ dửng dưng.
– Ở đây công việc của nhà truyền giáo thật là vô vọng. Tôi không ngớt cảm ơn chúa đã tránh cho vợ chông tôi phải chịu sự thử thách đó.
Khu truyền đạo của ông Đavítxơn gồm một nhóm cù lao ở phía Bắc Xamon, vì đảo nọ cách xa đảo kia nên ông dùng ghe máy, đi hằng ngày đường để bà ở lại tổng hành dinh chỉ huy giáo hội. Nghĩ đến cái lối chỉ huy đắc lực của bà mà bác sĩ rùng mình.
Bằng một giọng không có sức nào át nổi, bà mạt sát sự trụy lạc của thổ dân, làm cho ta ghê tởm kịch liệt mà thấm thía. Cái lối thẹn thùng của bà thật cũng lạ. Ngay từ hồi mới quen nhau, bà đã rỉ tai bác sĩ:
– Ông ạ, hồi chúng tôi tới đảo, tục lệ cưới hỏi của họ nó chướng làm sao ấy, đến nổi tôi không dám tỏ cho ông nghe. Nhưng tôi sẽ kể cho bà nghe rồi bà kể lại cho ông.
Thế là hai bà, bà Đavítxơn và bà Mácphâylơ, xích ghế lại gần nhau, nghiêm trang nói chuyện với nhau khoảng hai giờ đồng hồ. Bác sĩ Mácphâylơ đi bách bộ qua lại cho khí huyết lưu thông, bắt nghe được lời thì thầm liếng thoắn thao thao bất tuyệt của bà Đavítxơn; thấy vợ há hốc miệng ra, nước da nhợt nhạt, ông biết rằng bà khoái nghe câu chuyện ghê tởm đó lắm. Ban đêm, trong phòng riêng, bà vợ hổn hển kể lại hết cho chồng nghe.
Thế nào? Tôi nói có đúng không? Bà Đavítxơn thốt lên một cách đắc ý vào sáng hôm sau- Có bao giờ ông được nghe những câu chuyện ghớm ghiếc như vậy không? Làm sao mà tôi có thể kể thẳng cho ông nghe được! Mặc dầu ông là bác sĩ.
Rồi bà ta dò xét nét mặt của Mácphâylơ xem câu chuyện có gây kết quả như mình muốn không.
– Ông hiểu rằng hồi mới tới, chúng tôi lợm giọng chứ? Ông tưởng tượng giùm tôi, trong khắp các làng xóm, không làm sao kiếm được một thiếu nữ ngoan.
Bà ta nói tiếng “ngoan” đó bằng một giọng nghiêm khắc ngụ một ý riêng.
– Vợ chồng tôi suy nghĩ kỹ rồi quyết định rằng việc đầu tiên phải làm là cấm ngặt khiêu vũ. Dân bản xứ họ mê cái đó lắm.
Bác sĩ Mácphâylơ đáp:
– Hồi trẻ tôi cũng không ghét môn khiêu vũ.
– Tối qua, nghe ông bà rủ nhảy một bản tôi cũng đã đoán được rằng ông không ghét môn đó. Trong chỗ vợ chồng cũng vui vui. Ở cái chỗ nhốn nháo như vậy, đừng nên chen chân với họ làm gì!
– Thế nào là nhốn nháo?
Bà Đavítxơn lườm bác sĩ qua cặp kính kẹp mũi mà không trả lời, cứ tiếp tục:
– Trong giới người da trắng thì khác, nhưng tôi đồng ý với nhà tôi là, thật là khó coi khi ông chồng đứng bên mà nhìn người khác ôm vợ mình mà nhảy. Tôi thì từ hồi cưới tới giờ, không hề nhảy lấy một bước. Mà cái lối khiêu vũ của dân bản xứ khác hẳn. Nó không những trái luân thường mà còn đưa tới sự trụy lạc nữa. Thật là nhờ Trời, chúng tôi đã diệt được rồi. Có nói mà không ngoa rằng tám năm nay, trong khu vực của chúng tôi, không có một người nào khiêu vũ nữa.
Tàu đã tới bờ, bà Mácphâylơ lại nhập bọn. Thình lình tàu quẹo rồi chầm chậm tiến vô. Hải cảng rộng đủ chứa một hạm đội, chung quanh là những ngọn đồi xanh, cao, dựng đứng lên. Dinh của viên thống đốc ở cửa biển, dưới ngọn gió khơi thổi vào, giữa một khu vườn. Ngọn cờ đầy ngôi sao và sọc ngang phấp phới nhè nhẹ. Tàu chạy ngang qua ba tòa dinh thự xinh xắn, một sân quần vợt, rồi ghé bờ, bên cạnh nhiều kho hàng. Bà Đavítxơn lấy tay chỉ một tàu buồm đậu cách đó hai ba trăm thước, bảo sẽ đáp tàu đó đi Apia. Thổ dân ở khắp nơi trong đảo ùa lại, ồn ào, vui vẻ, hoặc để coi, hoặc để bán hàng cho những hành khách đi Xitnây. Họ đem lại những trái khóm, những nải chuối lớn, những thứ vải Apia, những chuỗi dây răng cá mập, vỏ ốc, chén kava, và những kiểu xuồng chiến nhỏ xíu. Lính thủy Mỹ ăn vận đàng hoàng, sạch sẽ, râu mới cạo, mặt sáng sủa, đi đi lại lại như một nhóm công chức. Trong khi phu khuân đồ của họ lên bờ, ông bà Đavítxơn và ông bà Mácphâylơ nhìn đám đông. Ông bác sĩ nhận xét những mụn lở loét ghê tởm không sao lành được, mà đa số trẻ em và thanh niên bản xứ mắc phải. Cặp mắt nhà nghề của ông sáng lên khi ông thấy -lần ấy là lần đầu- những con bệnh mắc chứng da sùi lên như da voi, chân tay họ sưng vù, to lớn nặng nề dị thường. Đàn ông và đàn bà đều quấn cái lava lava.
Bà Đavítxơn nói:
– Thứ y phục đó thật sỗ sàng. Nhà tôi bảo phải cấm ngặt thứ đồ đó mới phải. Những kẻ chỉ quấn mỗi một miếng khăn đỏ ở bụng thay cho quần áo thì còn có tinh thần đạo đức, luân lý gì nữa.
Bác sĩ Mácphâylơ lấy khăn thấm mồ hôi ở trán đáp:
– Nó hợp với khí hậu chứ.
Khi họ lên bờ, ánh nắng đã oi ả mặc dầu lúc đó còn sớm. Chung quanh là đồi, thành thử Pagô Pagô khuất gió.
Bà Đavítxơn nói tiếp, giọng như xé tai người ta:
– Trong những cù lao của chúng tôi, chúng tôi đã cấm tuyệt cái lava-lava. Chỉ còn vài người già cả bận nó thôi; còn đàn bà thì bận áo choàng mà đàn ông thì bận quần và áo nịt. Ngay từ hồi mới tới, nhà tôi đã tuyên bố như vậy trong một tờ thuyết trình: “Ngày nào mà con trai trên mười tuổi vẫn không bận quần thì ngày đó đạo Kitô vẫn chưa gọi là thắng được trên những đảo này”.
Nhưng cặp mắt xanh như cắt của bà Đavítxơn đã ngó những đám mây đen thường đùn lên ở cửa biển. Đã bắt đầu có vài giọt mưa.
Bà khuyên:
– Nên kiếm chỗ trú mưa thôi.