Một Tháng Ở Nam Kỳ

white noise for sleeping link
shopee-sale

Cứ theo lời ca dao đó thì tôi đây có lẽ cũng đã đủ tư cách làm  một “nền trai” đất Nam Việt vậy. Mùa xuân năm nay đã trải qua  mười ngày ở Huế, mùa thu này lại từng ở một tháng Nam Kỳ,…  không kể trong ngoại hai mươi năm trời đã sinh trưởng ở chốn  Thăng Long đô cũ, trong khoảng sông Nhị núi Nùng; nếu có thế mà đủ làm trai Nam Việt, thì tôi đây thật đã thập phần xứng đáng  rồi. Nhưng mà đoái nghĩ: nghề làm trai ở đời, nhất là làm trai  nước Nam này, há phải dung dị lắm rư? Lời ca dao kia há có thiển  nghĩa thế ru? Ôi! Đương buổi Quốc Triều gây dựng cơ đồ, đánh  nam dẹp bắc, thiếu gì những kẻ tang bồng hồ thỉ, chí khí nam nhi,  nay tòng quân ở Thuận Hóa, mai viễn thú đất Đồng Nai, vào sinh  ra tử chốn sa tràng, mong lập công danh cùng xã tắc: lời ca dao kia  là tả cái chí của những bậc vô danh anh hùng đó, chớ có đâu lại  hợp với cái cảnh một kẻ thư sinh nhỏ mọn như bỉ nhân đây, thừa  lúc trong nước còn hiếm người mới ra lạm một phần ngôn luận với  quốc dân, nghĩ mình lắm lúc đã thẹn thay, có đâu lại mê cuồng  đến đem lời khen của cổ nhân mà tự gán cho mình!… 
Song  Đi cho biết đó biết đây  Ở nhà với mẹ đến ngày nào khôn. ca dao cũng lại có câu như thế, thì tuy ở Huế mười ngày,  Nam Kỳ một tháng, chưa đủ làm được “nền trai” Nam Việt, mà cũng đủ học “khôn” được ít nhiều. Huống tuy khác xứ mà cũng đất  nước nhà, tuy người lạ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại  càng đậm đà cái tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê  hương; như thế thì mấy phen du lịch cũng là mấy lần đi học cho  biết cái nghề làm trai nước nhà vậy. 
Lần trước đã từng thuật những sự tư tưởng cảm giác ở Trường An, lần này lại xin kể những sự kinh lịch kiến văn ở Lục  Tỉnh; không phải là muốn khoe với ai cái văn chương sốc nổi, chỉ  muốn đem lời thành thực mà giãi bày bàn bạc cùng quốc dân, hoặc  lòng nhiệt thành có người cảm, lời bàn ngay có kẻ nghe, ấy là mãn  nguyện vậy. 
Nhưng trước khi kể chuyện Nam Kỳ, tưởng nên giải qua cái  tính cách hai cuộc du lịch trước sau khác nhau thế nào. Lần trước  là đi vãn cảnh một nơi đất cũ, còn đầy những dấu tích đời xưa, mỗi  bước như động đến tấm lòng hoài cổ, chạnh những nông nỗi cố hương; nghe tiếng chim kêu trên bãi cát mà nỗi thương nước nhớ nhà không thể cầm được, ngắm bức phong cảnh chốn tôn lăng mà lòng cảm hoài về lịch sử như chan như chứa; bao nhiêu những  giọng ngậm ngùi ai oán thủa bình sinh không ngờ mà lâm li trên  tờ giấy, khiến người đọc cũng phải lạnh lẽo trong lòng. Đương buổi  thế giới cấp tiến, người đời xô đuổi nhau vào con đường tương lai  vô hạn, quay đầu lại nhìn về đời trước, còn gì buồn bằng! Lần này  thì thật khác: cái khí vị lạnh lẽo kia đã đổi ra cái khí vị nồng nàn  rồi. Nam Kỳ là một nơi đất mới, mới đủ đường: địa chất, lịch sử,  văn hóa đều là mới cả; người ta đương hăm hở về đường tiến thủ,  muốn bước cho chóng, lên cho mau, chưa từng bận lòng đến những  nỗi thương cũ tiếc xưa, phiền xa buồn muộn. Đất cũng không từng  có những dấu vết cũ, như tòa thành cổ, góc miếu xưa, đủ nhắc cho  người ta tấm lòng nhớ cũ, mà chỉ mênh mang những đồng rộng  không cùng, sức người mở mang không xuể. Lại thêm Tạo vật đãi  người quá hậu, cho cái đất kia phì nhiêu có một, cách làm ăn  không khó nhọc mà đường sinh hoạt được thảnh thơi; tiền bạc đã nhiều, tiêu dùng càng lắm, đời người như lấy sự khoái lạc làm cái  mục đích không hai. Khoái lạc lại khoái lạc mà suốt năm như bữa  tiệc một ngày! Cho nên cái cảm giác của người mới bước chân tới  đây là cái cảm giác vui, vui mà tin cậy ở cái tương lai, chớ không  phải buồn mà thương tiếc cho sự ký vãng. 
Ấy hai cuộc du lịch khác nhau như thế, lời kỷ thuật tất cũng  không in một giọng. Đó là một lẽ tự nhiên, không lấy gì làm lạ.  Song sự vui sự buồn tuy gốc tự lòng người mà thực bởi cảnh vật  khiến nên. Hoặc giả có kẻ nói có biết nghĩ mới biết buồn, muốn vui  ắt phải vô tâm, thì lỗi ấy tác giả cũng xin nhận một phần, mà cảnh  vật xứ Nam Kỳ mới thật là đáng quá nửa vậy. 

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Sách cùng tác giả