Anh Đức
Một chuyện chép ở bệnh viện
Chương 1
Người đàn bà ấy đến bệnh viện trước tôi mươi hôm. Chị ta là người tôi lưu ý đầu tiên khi tôi đặt chân tới đây. Không phải chị là người miền Nam mà tôi ngợ đã gặp lần nào, hoặc đã nghe ai kể chuyện về chị. Song dáng vẻ của chị mấy ngày gần đây đã để lại trong tôi một cảm tưởng hơi đặc biệt. Dạo đó mùa đông đã đến. Xung quanh bệnh viện, những thân cây to cứ mỗi chiều tới hình như lại thu mình đứng im sừng sững. Vòm lá xanh sẫm của cây cao những chiều này vẫn chưa hóng lấy được một tia nắng mặt trời. Chị ngồi đấy, trên chiếc băng đá cạnh đường sỏi. Lúc chị tựa lưng vào thành ghế, tôi thấy vóc người chị dong dải, cặp mắt hiền dịu. Đôi mắt nhìn vật gì cũng như muốn tươi đón, hỏi han. Thoạt trông, tôi đoán chừng tuổi chị độ hăm bảy, hăm tám. Làn tóc chị hãy còn đen nhánh, vài sợi xòa nhẹ xuống mép trán. Cằm chị thon thon và đôi gò má hãy còn hây hây ửng đỏ như gò má một cô con gái. Toàn thể gương mặt chị lộ vẻ hiền hậu và nỗi buồn thầm kín.
Tôi đinh ninh chị là một bệnh nhân thường, bệnh trạng chưa đến nỗi nào. Một buổi chiều nọ sau khi ăn cơm xong, tôi cầm quyển sách định ra ghế đá ngồi đọc thì đã gặp chị lặng lẽ ngồi ở đấy. Không muốn làm động đến sự yên tĩnh của chị, tôi vội rời gót đi. Thấy tôi đi, chị vội vàng thu người lại:
– Chết, có một mình tôi mà choán cả ghế. Anh ngồi đi, anh! – Chị nói và nhường chỗ cho tôi. Không lẽ bỏ đi, tôi liền ngồi xuống. Nhìn cái khăn rằn xanh cũ choàng trên cổ chị, tôi mỉm cười nói:
– Thấy chị tôi biết là Nam bộ rồi!
– Vậy sao?
Cái tiếng “vậy sao” nửa như hỏi, nửa như đùa, nghe rất đỗi quen thuộc. Tôi hỏi chị trước ở tỉnh nào. Chị đáp:
– Tôi ở Long Châu anh à. Còn anh?
– Tôi tỉnh nào cũng có ở. Tình quê tôi trước thì cũng ở Long Châu.
– Thiệt sao? ở miệt vườn hay tại chợ?
– Tôi ở vườn hồi bé, sau thì lên tỉnh. Thế còn chị?
– Tôi ở biển.
Giữa lúc đang nói chuyện, trời chuyển mưa to. Gió thổi mạnh đập vào các cửa kính bệnh viện. Vài ánh chớp xanh loé lên giữa bầu trời đang tối sầm lại.
Người đàn bà đồng hương với tôi che trán nhìn trời, lẩm bẩm bảo:
– Có lẽ sắp mưa. Trồi nổi giông thế này ở biển là sắp động. Mùa này ở chỗ tôi, biển không lúc nào chịu yên, cứ động luôn thôi.
Tôi nói:
– Được ở biển thật là thú quá. Từ thuở nhỏ, tôi hằng ao ước được đi biển một chuyến lâu, nhưng không có dịp, thường là chỉ đi ngang qua thôi.
– Anh nói phải, sống ở biển thích lắm. Nhưng gian khổ, kể cũng gian khổ lắm.
Nói dứt câu, vẻ mặt người chị đồng hương mà tôi vừa quen đó trở nên xa vắng. Tầm mắt chị không nhìn thẳng một cái gì hết. Chừng như chị đang hình dung lại vùng biển của chị. Có lẽ chị đang nhớ lại tháng ngày cũ, khi tôi với chị nhắc tới quê hương. Cái quê hương mà trong thực tại này lắm lúc gợi cho tôi và những người đồng hương tôi bao nhớ nhung day dứt. Nhưng ở ngoài vẻ mặt, thực tình lâu nay tôi chưa hề thấy người nào biểu lộ cách xúc cảm rõ rệt như thế.
Tôi bắt đầu quen chị, biết được chị thứ tư, tên Hậu. Chị vừa mới ở nhà máy dệt lên đây. Nghe đâu chị là người thợ dệt đứng bốn máy loại giỏi. Và tôi mới rõ ra chị không phải là một bệnh nhân thường. Trong bệnh viện cái bệnh như chị kể ra hiếm lắm. Những hạch trong cổ chị bị nhiễm trùng lao sưng to lên. Theo lời ông bác sĩ ở bệnh viện thì hạch lao ấy là kết quả của những chịu đựng, những gian khổ tích lũy trong nhiều năm. Hồi cuối tháng, cơn bệnh bạo phát. Giữa một đêm chị đang đứng máy bỗng thấy người xây xẩm khó chịu. Cố làm xong kíp, khoảng ba giờ sáng chị về đến khu nhà tập thể liền bị sốt nặng.
Sau đó, mấy lần chị bị ngất đi. Xí nghiệp liền đưa chị đến bệnh viện thành phố. Nhưng ở đấy, sau khi xem xét bệnh tình, người ta đề nghị đưa chị về Hà Nội. Từ hôm về đây, bệnh chị giảm xuống. Nghe nói là chị đòi về xí nghiệp ngay. Nhưng bác sĩ không chấp thuận, bảo là bệnh chị giảm bớt như thế không có nghĩa là hết hẳn, cần ở lại để điều trị.
Buổi chiều tôi ngồi bên chị, chốc chốc lại thấy chị ho lên những hồi dài mệt nhọc. Như những bệnh nhân khác thì có lẽ cơn bệnh đã làm họ bực dọc, cau có. Nhưng chị thì không thế. Cơn bệnh chưa áp chế nổi tâm tính chị. Chị vẫn tỉnh táo. Lúc nào cũng như lúc nào, đôi mắt chị vẫn hiền dịu.
Nơi chị có nhiều cái khiến tôi phải chú ý, ngạc nhiên. Lắm lúc tôi muốn hỏi về đời chị, nhưng vì chưa thật quen, hỏi thấy không tiện. Lại thấy chị ít nói quá, hoặc có nói thì mỗi lời nói ra đều vừa vặn, dè dặt. Cách mấy hôm sau, có một việc nhỏ làm tôi nhớ mãi. Cũng vào một buổi chiều, lúc tôi và chị ngồi nói chuyện thì ngoài cổng có một người bộ đội dắt hai con gái nhỏ vào thăm vợ. ở bệnh viện, vợ chồng vào thăm nhau là sự thường. Nhưng đang nói chuyện với tôi, bỗng nhiên chị Hậu dừng lại. Đôi mắt chị sáng rực lên. Thật tôi chưa từng thấy ánh mắt nào sáng lạ lùng như thế. Chị Hậu nhìn đau đáu hai đứa bé đi bên cha chúng. Chị nhìn cách tha thiết, chăm chú, và lúc đó chị coi như không có tôi bên cạnh chị nữa. Tôi lấy làm lạ quá. Chị quen với người ấy chắc. Nhưng không, đồng chí bộ đội đâu có tỏ ra điều gì quen thuộc với chị. Mãi cho tới khi đồng chí bộ đội và mấy đứa bé gái vào phòng bệnh nhân, chị Hậu cũng chưa quay lại tiếp lời với tôi. Rồi khi bệnh nhân là một người mẹ ra hành lang gặp chồng con, ôm con mình hôn hít từ đứa bé chí đứa lớn, tôi thấy chị Hậu nhìn cảnh ấy không rời. Hồi sau, tôi bắt gặp từ khóe mắt chị, nước mắt chảy đọng quanh mi…
Tôi cứ tưởng là cơn đau lại xông lên đầu chị. Mãi về sau này, tôi mới biết rằng chiều hôm đó chị đã khóc. Đâu độ nửa tháng sau, lúc đã quen thân hơn, mấy lần tôi gợi để chị kể cho tôi nghe về đời chị, nhưng chị vẫn thoái thác. Câu chị thường trả lời tôi là:
– Tôi nói cho anh nghe cái gì bây giờ. Anh bảo tôi kể đời tôi. Anh à, đời tôi có gì đặc biệt đâu kia chớ. à, thôi tôi biết rồi. Anh làm nghề văn nghệ, chắc anh muốn viết tiểu thuyết chớ gì.
Nói vậy, rồi chị ta ngó tôi mà cười. Cười xong, chị bơi bơi nhẹ hai bàn tay:
– Thôi đi anh, đừng… đừng, không nên đâu.
Mãi cho đến sau đó nữa, chừng như cũng không lâu lắm, khi giữa tôi với chị thân thiết hơn, một buổi chiều trên chiếc ghế đá trước bệnh viện, chị nhìn tận mắt tôi giây lâu, rồi bắt đầu nói về đời chị:
– Tôi trước là một đứa con gái mồ côi. Mẹ tôi mất trong lúc sinh nở vì đã quá lao lực và lúc sinh, không có được một bà mụ thành thạo chăm sóc. Cả đứa em tôi cũng chết theo. Nhưng theo lời kể của bà tôi, lúc tôi lên chín, thì tôi cứ hình dung ra được mẹ tôi. Một người đàn bà nghèo khó, hàng ngày gánh thuê đội mướn ở bến tàu. Trong trí tưởng tượng của tôi, mẹ tôi có lẽ giống bà tôi, cũng có khuôn mặt khoan hậu nhưng lúc nào cũng lặng lẽ và nhẫn nhục như bà tôi. Tôi không hề thấy mặt mẹ tôi, và cho đến nay tôi cũng chưa từng biết về sự vỗ về trìu mến của tình mẹ là gì. Còn về cha tôi thì tôi biết được, nhưng cũng không rõ lắm. Cha tôi là một người có sức khỏe, làm nghề khuân vác ở bến tàu. Người đã nhiều lần ôm tôi trên cánh tay gân guốc của người đi lang thang suốt buổi trên bến, những ngày tàu không vào, phu cảng thiếu việc. Cái hình ảnh cuối cùng mà tôi còn nhớ nhất về cha tôi là lúc người chết. Trong lúc khuân hàng, một thùng át-xít vỡ ra đã giết cha tôi cùng ba người cu-ly khác. Người ta khiêng cha tôi từ cảng về đặt trước sân nhà lầy lội của xóm cu-ly. Cha tôi nằm trên một chiếc cáng làm bằng mảnh bao tải. Khắp thân thể cha tôi bị phồng lên, da nơi gối chân, khuỷu tay đều tuột ra cả. Vẫn nói là tôi hãy còn bé, tuy chưa biết được nhiều, nhưng hình ảnh đau đớn đó đã khắc sâu vào trí óc non nớt của tôi… Cha tôi mất đi, người ta trả cho bà tôi một món tiền bảo hiểm. Nhưng món tiền đó chỉ vừa vặn đủ chôn cất cho cha tôi. Và còn lại bao nhiêu thì người chủ hiệu chạp-phô ở phố cảng giật lấy trên tay bà tôi để trừ các khoản nợ mà cha tôi đã vay trước… Bà ngoại tôi làm mướn cho một nhà bảo sanh nuôi tôi cũng không được bao lâu. Cũng may là khi bà tôi chết, tôi đã thay được bà tôi trong công việc giặt gia quét tước trong nhà bảo sanh ấy. Từ đó tôi sống một mình không còn ai thân thích, làm mướn để chỉ được ăn cơm. Suốt ngày giặt giũ những mảnh tã trẻ con, những tấm quần của bọn đàn bà vợ ông thông thầy ký. Có thể nói là trọn thời con gái, tôi đã sống lại cái cuộc đời đầu tắt mặt tối mà mẹ tôi đã sống qua thuở trẻ. Dạo ấy, lúc nào tôi cũng cảm thấy đời toàn chỉ có buổi choạng vạng, ít khi tôi có được cảm giác nhận ra một ngày sáng. Nhưng vậy mà có người còn để ý tới tôi. Tôi nghĩ mãi không ra. Khi tình cảnh khốn khổ như vậy mà còn có một người con trai tỏ ý muốn lấy tôi làm vợ. Và tôi đã cảm động, đã đi đến yêu thương. Tôi xây dựng gia đình trong cái thời kỳ đó. Chồng tôi là một người mạch-lô lưu lạc. Anh ấy làm tàu “Phước Lợi” chạy Sài Gòn – Hải Nam. Anh ấy gặp tôi cũng tình cờ thôi, nhân cùng đi với một người mạch-lô bạn vào thăm chị vợ đẻ. Cái mối tình của chúng tôi giờ nói ra thì dài dòng quá. Đại để là hồi chưa cưới, chúng tôi rất mực thương nhau. Mỗi chuyến tàu đi, tôi xuống tận bến đưa ảnh. ở Hải-Nam về lần nào ảnh cũng mua cho tôi một món quà.
Làm trong nhà bảo sanh cực quá mấy phen tôi đòi trốn theo ảnh. Anh không chịu, bảo tôi rằng: “Ráng thêm ít tháng qua đi mấy chuyến nữa dành dụm tiền rồi qua rước em ra”. Ngờ đâu cuối năm bốn tư, trong một cuộc đình công không chịu trở lính sang Pháp thì ảnh bị bắt. Trước khi vào nhà tù, ảnh có về biển nhắn hẹn ảnh lên rước tôi về biển. Năm bốn lăm, ảnh ra tù, có về biển một lần, kế đó lại đi. Tôi có thai và sinh một cháu gái…