Tháng 5 năm 1840, cuốn sách Một anh hùng thời đại xuất hiện trên các giá sách tại thành Pêterbua. Tác giả là một chàng trai mới hai mươi lăm tuổi: M. Lermôntôp (Mikhail Iurievich Lermontov – 1814 – 1841), vốn là một nhà thơ đã có tiếng, nhưng lại quay sang viết tiểu thuyết. Cả tên tác phẩm lẫn tác giả đều gây nên sự tò mò đến mức nôn nóng. Ai cũng muốn đọc qua cuốn sách xem cái nhân vật mà nhà thơ gọi là vị anh hùng của thời đại đó là ai, là một người như thế nào?..
Ðã là anh hùng thì ắt sẽ có nhiều người bắt chước, nhiều người noi gương… Nhưng đọc xong rất nhiều đọc giả đã la lối lên rằng: “… một thằng vô lại như thế mà Lermôntôp, một nhà thơ – nhà văn tiếng tăm, còn là một sĩ quan trong quân đội Nga Hoàng nữa, lại dám tôn vinh hắn lên là Một anh hùng thời đại chúng ta ư?!. Một sự phỉ báng hỗn xược!
Đó là tiếng nói của các vị đã nhận ra những đường nét, những tính cách và hành vi nào đó của nhân vật có gì giống mình trong bức chân dung ấy.
Petsôrin – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết – là một thanh niên thông minh và nhậy cảm, vốn sống trong nhung lụa, nhưng lại là một kẻ tàn tật về tinh thần: sống buông thả, không niềm tin, không hy vọng và hoài bão, tự hủy hoại đời mình và phá hoại không biết bao nhiêu cuộc sống tươi trẻ khác. Vậy mà nhà văn Lermôntôp lại dám vẽ chân dung hắn như một vị anh hùng. Thật mỉa mai thay!
Đáp lại, nhà văn nói: “Bây giờ cần có những bài thuốc đắng, những sự thật cay nghiệt! Đó quả là một chân dung nhưng không phải chân dung của một người cụ thể, mà là bức chân dung phức hợp vẽ nên mọi thói hư tật xấu của cả một thế hệ đang sống của xã hội ta”!
Hà Nội
1999
Nguồn: dtv-ebook.com