Con người lịch sử có thể dễ dàng hiểu một số tương đồng nhất định, thậm chí đôi khi biết tiếp cận cách tư duy tương đồng của con người cổ. Nhưng không thể tạo dựng nên bản thân các tương đồng, và cũng không có khả năng biến tư duy tương đồng thành của mình.
Cái họ biết và có khả năng vỏn vẹn chỉ là sự so sánh, và điều này họ chỉ biết sử dụng trong cái gọi là hình thức thi ca; nhưng ý nghĩa đáng tin cậy của sự so sánh đối với họ không có. Nhìn thấy tương đồng và tư duy kiểu tương đồng chỉ có thể bằng tri thức phổ quát, nhưng với tri thức tập thể thì không thể. Nếu không bằng nhận thức tỉnh táo để xác định các tương đồng thì cùng lắm chỉ đạt tới sự so sánh.
Con người lịch sử không có công cụ khi muốn nói về các tương đồng. Ngôn ngữ thời lịch sử vô hiệu quả đối với sự tương đồng. Trong ngôn ngữ thời lịch sử không có các biểu tượng, không có sức mạnh thần tượng, không đủ tính chất vũ trụ, không phổ quát cũng không siêu hình, tóm lại không mang tính chất thức tỉnh.
Từ thời trung cổ tới ngày nay sự tượng trưng cũng từ từ lùi vào hậu trường, và chỉ trong ẩn dụ đạt tới một mức độ ngôn ngữ cao nhất, tự do nhất và rõ ràng nhất. Nhưng ẩn dụ trong ngôn ngữ đại chúng biến thành sự trống rỗng. Nơi nào cần đến các dấu hiệu phổ quát hơn, và ở nơi nội dung siêu hình học sâu sắc hơn vẫn còn sống, ở đó con người lịch sử buộc phải dùng đến các từ ngữ cổ. Ngôn ngữ như một kho tàng chứa các tương đồng đã chấm dứt, và ngôn ngữ ngày càng nghèo nàn đi dù thức tỉnh hay không, và toàn bộ sức mạnh cùng sự sâu sắc của những tương đồng chỉ tồn tại ngoại lệ ở một vài nhà thơ lớn.
Con người lịch sử gần như không thể hiểu sự tương đồng của các con vật và các thần linh. Dòng tư tưởng tiếp cận một biểu tượng nào đó của bản chất sự sống trong các thực thể động vật – cũng đúng như vậy với các biểu tượng của giới thần linh con người không hiểu nổi. Họ không hiểu, ví dụ: các con vật nằm trong vòng Mặt Trời, như sư tử, dũng cảm, hiên ngang, là biểu tượng của linh hồn anh hùng.
Và các biểu tượng đẳng cấp cũng có thể là các con vật; biểu tượng của đẳng cấp brahman-tinh thần là con gấu ở người Kelta hay người da đỏ, và cũng đúng như vậy như ở Ấn Độ; Biểu tượng của đẳng cấp hiệp sĩ-cai trị là con lợn rừng; Biểu tượng của đẳng cấp kinh tế là một con vật mắn con và giàu có, con vật có ích, con lợn; Biểu tượng của đẳng cấp đi hầu hạ là con chó.
Nhưng các tương đồng thực vật của các thần linh cũng có: hoa-Mặt Trời, hoa-Mặt Trăng, các thần linh Ai Cập, Hi Lạp, Iran, Hindu, Trung Quốc, Mexico, Kelta, Peru đều có hoa và cây cỏ của họ. Ở Hi Lạp cây sồi là biểu tượng thần Zớt, cây nguyệt quế là biểu tượng của thần Apollon, cây dầu là biểu tượng của Pallas Athene, ở Iran hoa huệ là của Bahman, hoa nhài đỏ là của Ahura mazda, hoa hồng của Din.
Source: dtv-ebook.com