Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của tôi
Biết tin cuốn sách viết về những điều tâm đắc trong quá trình nuôi dạy con của mẹ được tái bản, trong lòng tôi ngập tràn bao cảm xúc.
Là người ở vị trí “được giáo dục” trong gia đình, tôi luôn cảm thấy “nuôi dạy con” là chuyện riêng tư ngại ngùng, thậm chí rất khó nói. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến khi bập bẹ học nói, từ lúc còn non trẻ chưa hiểu gì về cuộc sống đến khi biết làm chủ bản thân trong quá trình đối nhân xử thế, có quá nhiều kỷ niệm non nớt của thuở ấu thơ khiến chúng tôi phải bật cười khi nhớ lại, có quá nhiều chuyện ngông cuồng của thuở thiếu thời khiến chúng tôi cảm thấy nuối tiếc. Và tất cả những điều này, đều được cha mẹ để ý, quan tâm, họ là những người thầy đầu tiên của chúng tôi, cũng là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo.
Từ khi bắt đầu nhớ được mọi việc, tôi đã ý thức gia đình mình không phải là một gia đình an phận thủ thường. Cha mẹ tôi đều là giảng viên đại học, cha dạy môn lịch sử, mẹ dạy môn tiếng Anh. Cha tôi từng chủ biên rất nhiều sách, có rất nhiều bài viết được đăng trên các tạp chí. Hồi ấy, mỗi lần đi công tác các tỉnh, cha thường đưa tôi – lúc đó chưa bước vào lớp một – đi cùng. Tôi đã được ngao du khắp nơi, đôi mắt ngây thơ đã được chứng kiến rất nhiều chuyện thú vị. Tôi hít hà mùi mực thơm của cuốn sách mới, ngồi vắt vẻo trên cổ cha, cha viết, tôi cũng biên soạn sách thiếu nhi cho mình. Mẹ đi làm về, vừa nấu cơm, vừa kể truyện cổ tích cho tôi nghe, vừa để tôi khám phá những điều mới lạ xung quanh, ngay cả khi tôi bóp nát quả cà chua bằng đôi bàn tay lấm lem, mẹ cũng không hề trách mắng. Năm tôi 6 tuổi, mẹ có cơ hội sang Anh học tập, hai năm sau, mẹ mang về tám thùng sách lớn. Từ đó, mẹ bắt đầu mở các bài hát thiếu nhi tiếng Anh, kể chuyện bằng tiếng Anh cho tôi nghe, để tôi đọc truyện tranh tiếng Anh. Vô hình trung, ngữ cảm của tôi đã được rèn luyện thông qua những hoạt động đó. Sau này, mẹ nói với tôi rằng, thời điểm đó, tôi đã khiến mẹ nảy ra ý định dạy tiếng Anh cho trẻ em, và ý định này đã giúp mẹ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em đầu tiên và xuất sắc nhất ở Chu Hải ngày ấy. Mẹ cũng là người biên soạn bộ giáo trình dạy tiếng Anh cho trẻ em trực quan độc đáo, lấp chỗ trống cho lĩnh vực này trong nước, đồng thời cũng là người mở ngôi trường đầu tiên cho tập đoàn giáo dục Anh Tài Sơn Đông. Tuy nhiên, mẹ luôn nói một cách tự hào rằng, so với những thành tích mà tôi đã đạt được trước đó, thì việc tôi nói tiếng Anh khá chuẩn là điều khiến mẹ hài lòng nhất, đây luôn là bằng chứng xác đáng nhất để mẹ thuyết phục cha. Không khí gia đình tôi rất thoải mái, sự thoải mái này chứa đầy tình yêu bao dung của cha mẹ.
Tôi còn nhớ sau khi từ Chu Hải về Quảng Đông lập nghiệp, thu nhập của cha mẹ đã không còn lại bao nhiêu, nhưng họ đã mang về cho tôi mấy túi đồ chơi lắp ráp khá đắt tiền mà một thời tôi từng rất say mê; còn nhớ một ngày trước khi thi cuối kỳ, cha mẹ vẫn đưa tôi ra ngoại ô chơi để biết thêm về cuộc sống nhà nông; còn nhớ vẻ cao hứng của tôi khi “bàn giao” cho mẹ nhiệm vụ hoàn thành bài tập chép từ mới tiếng Anh mà cô giáo yêu cầu để say sưa “nghiên cứu” cuốn Tư bản; còn nhớ khi tôi cảm thấy tự ti trước thân hình hơi mập của mình, cha mẹ đã dày công “sắp xếp” và khéo léo tạo ra môi trường để tôi tìm lại sự tự tin cho chính mình… Dần dần tôi ngộ ra rằng, thực ra không khí gia đình thoải mái này lại được cha mẹ quan tâm sát sao nhất, để tôi được cảm nhận bầu trời bao la, đại dương mênh mông, học được cách chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Dĩ nhiên, thoải mái không có nghĩa là buông thả, mỗi khi tôi để lộ ra những khiếm khuyết trong tính cách, cha mẹ không hề cho qua mà nhẫn nại chuyện trò với tôi, để tôi hiểu được rằng, phẩm chất quan trọng nhất khi làm người là biết giữ lòng tin, tâm hồn luôn phải tràn ngập tình yêu và ánh sáng.
Bạn bè của cha mẹ thi thoảng có nói, tuy lớn lên trong các trò chơi, nhưng tôi lại ham học hơn bạn bè cùng trang lứa, điều này quả là khó lý giải. Thực ra tôi biết rất rõ rằng, nếu so với đám bạn xung quanh phải khổ sở, vất vả vì sự quản giáo của cha mẹ và sức ép thi cử, thì tình yêu với cuộc sống và học tập của tôi lại bắt nguồn từ chính những gợi mở tình cảm tự do, vui vẻ, tích cực, thoải mái của gia đình. Mỗi khi có một đóng góp nho nhỏ cho gia đình, tôi lại cảm nhận được niềm hạnh phúc khi cho đi và cống hiến; mỗi lần được tham gia vào buổi chuyện trò cùng người lớn, được “hiến kế”… tôi cảm thấy mình như thoát khỏi nỗi ức chế và sợ hãi vì phải đóng vai “đối tượng bị giáo dục”. Quan điểm và thước đo của cha mẹ đối với tôi cũng thay đổi theo sự trưởng thành của tôi. Rất nhiều lần tôi phải thầm thốt lên rằng, dường như họ luôn hiểu điều mà tôi thực sự cần là gì; trong hiện tại, tôi cũng không thể nghĩ ra phương pháp nào tốt hơn cho tôi. Đôi lúc, tôi cũng cảm thấy ngượng ngùng vì đã trúng những “mưu kế” tưởng như vô tình nhưng lại đầy tính giáo dục mà cha mẹ đã bày ra; nhưng hơn thế tôi vẫn luôn cảm thấy mình thật may mắn.
Tốt nghiệp cấp ba, tôi may mắn được học ngành khoa học tự nhiên tại Trinity College, Đại học Cambridge. Lúc đầu, mẹ không muốn cho tôi xa nhà, nhưng rồi mẹ đã tự nói với chính mình rằng, chỉ cần điều đó tốt cho tương lai của tôi, mẹ cần dành cho tôi một tình yêu vô tư, nhìn tôi dần dần bước ra khỏi tầm nhìn của họ. Sau này tôi mới biết, trên đường từ sân bay về nhà, xe chạy sáu tiếng đồng hồ, nước mắt mẹ cũng lăn dài sáu tiếng…
Đi du học, sinh hoạt, học tập, làm việc, mỗi khi phải đứng trước những ngã rẽ cuộc đời khó có thể lựa chọn; phải đối mặt với những bài toán khó không thể vẹn đôi đường, nhưng chỉ cần nghĩ đến những gì cha mẹ đã vì gia đình, vì sự nghiệp mà phải trải qua hết lần từ bỏ này đến lần lựa chọn khác, trong lòng tôi lại cảm thấy thanh thản lạ thường và tự nhiên mọi khó khăn vấp phải cũng được giải quyết gọn nhẹ. Chưa bao giờ họ vẽ ra một tương lai giả định cho tôi, có lẽ họ có lý do để tin rằng, con trai của họ đã có thể đưa ra sự lựa chọn có trách nhiệm với bản thân mình.
Hiện tại, mẹ tôi phụ trách công tác quản lý Học viện Anh Tài Sơn Đông, công việc vô cùng vất vả, khiến tôi ở xa cũng rất lo lắng. Thực ra, tôi cảm nhận được một cách sâu sắc rằng, khi mẹ bước vào bóng mát của hàng cây trong sân trường, điều mà mẹ cảm nhận được không chỉ là niềm vui và những gì đã đạt được, mà quan trọng hơn là trách nhiệm cao cả đối với tương lai của mỗi học trò trong ngôi trường dân lập đông đúc học sinh này.
Tôi nghĩ, cái gọi là “phương pháp dạy con” của cha mẹ có lẽ không phải là sự uốn nắn những lỗi sai hay truyền dạy kiến thức, mà là sự rèn giũa, bồi dưỡng hành vi, phẩm chất đạo đức thông qua lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ của chính cha mẹ trong cuộc sống thường ngày. Ngoái đầu nhìn lại những gì cha mẹ đã làm cho mình, một đứa trẻ mới cảm nhận được sự công phu và trường kỳ, mới thấu hiểu rằng mọi thứ thật đáng quý và thầm lặng biết bao.
Vài lời bày tỏ, khó có thể diễn đạt hết những suy nghĩ trong lòng.
Hạ Dương
River Cam, nhân dịp trường Đại học Cambridge kỷ niệm 800 năm thành lập.
Nguồn: dtv-ebook.com