Cho một bộ văn-học sử Việt-nam
Từ sau hiệp định Giơ-neo năm 1954 cho đến nay, ở miền Nam Việt-nam chỉ có hai bộ văn học sử được kể là hoàn thành, hiểu với nghĩa là được biên soạn từ đầu cho đến năm 1945 và đã được xuất bản trọn :
– Việt-nam văn-học sử giản ước tân biên (ba cuốn, 1961-1965) của PHẠM THẾ NGŨ, khi tái bản đổi tựa lại là Lịch sử văn-học Việt-nam tân biên giản ước.
– Bảng lược đồ văn-học Việt-nam (hai cuốn, 1967) của THANH LÃNG, vốn là bài giảng khóa cho lớp dự bị Việt đại cương trường Đại học văn khoa Sài-gòn.
Ngoài ra, còn vài bộ chỉ ra được một, hai cuốn rồi đình lại khá lâu mà chưa thấy tiếp tục ấn hành :
– Lịch sử văn-học Việt-nam (mới có hai cuốn, 1956) của LÊ VĂN SIÊU.
– Việt-nam văn học toàn thư (mới có hai trong mười cuốn, 1959) của HOÀNG TRỌNG MIÊN.
– Văn-học Việt-nam (1960) của PHẠM VĂN DIÊU chỉ mới đến đầu thế kỷ XIX.
Dầu đã hoàn thành hay chưa, đó cũng là những cố gắng khai phá một miếng đất quá mới mẻ 1 hay khai thông một môn học « mới chỉ ở giai đoạn phôi thai » 2 hay « còn ở trong thời kỳ phôi thai ». 3
Đó là những cố gắng đáng ca ngợi vì những người đặt chân vào khu vườn văn-học sử Việt-nam hẳn đã biết trước sẽ gặp phải nhiều gai gốc mà đứng hàng đầu là vấn đề tài liệu. Ở Việt-nam không có nạn « phần thư » ác liệt như dưới thời nhà Tần bên Trung-hoa, nhưng chỉ nói gần đây thôi, non một phần ba thế kỷ khói lửa, kể từ năm 1945 đã khiến cho tài liệu đã hiếm lại càng thêm hiếm. Thư viện của nhà nước, phần bị mất cắp, phần bị cướp đoạt, nhiều thư viện gia đình tiêu tan trong khói lửa.
Không nói chi xa, chỉ kể từ năm 1954 trở lại đây (1974), thử hỏi mấy ai giữ được trọn bộ tuần báo Tiến Thủ 4 trong đó có bài « Một thế kỷ mấy vần thơ » của TRUY-PHONG mà SƠN NAM nhận xét là « một trong những bài thơ đẹp nhất của thế kỷ hai mươi này » ?
Vì không có đủ trong tầm tay những tài liệu cần thiết để phối kiểm những điều mình viết nên các soạn giả dễ lặp lại những sai lầm của nhau.
– Chẳng hạn như HUÌNH TỊNH CỦA không hề có một tác phẩm nào nhan là Gia lễ quan chế mà nhiều sách của ta đến ngày nay vẫn cứ ghi như vậy và học trò cứ phải học mãi như vậy.
– Một giai thoại về hai câu đối của chúa Trịnh và Cống Quỳnh được đem gán cho CAO BÁ QUÁT :
« Nước trong leo lẻo cá đớp cá,
Trời nắng chang chang người trói người. »
– NGUYỄN CÔNG TRỨ mất năm 1858 hay 1859 ? NGUYỄN KHUYẾN, năm 1910 hay 1909 ?
– TẢN-ĐÀ nổi tiếng là « con người của hai thế kỷ » vậy mà theo sách vở đang lưu hành, thì nhà thi sĩ của chúng ta có tới những hai năm sanh và bốn ngày mất. Còn PHẠM QUỲNH sanh năm 1890, 1891 hay 1892 ?
– Tờ Tri Tân tạp chí được hầu hết các sách giáo khoa khai tử cho nó ở số 127 đầu năm 1944 trong lúc nó thọ cho đến giữa năm 1946. THIẾU-SƠN được ghi là một cọng sự viên của Tri Tân trong lúc ông không có viết một dòng nào cho tờ này.
– Một câu nói để đời của ông NGUYỄN VĂN VĨNH « Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ » được nhiều tác giả ghi lại khác nhau, khi sai một chữ, khi thiếu, khi dư.
– Bài « Tôn phu nhơn qui Hớn thơ » do « TÔN THỌ TƯỜNG ngụ ý » đăng ở số 2 tờ Miscellanées năm 1889 (trang 16) của TRƯƠNG-VĨNH KÝ về sau có cả chục bản sai biệt nhau. Bản nào đúng, bản nào sai ?
Và còn nhiều nữa, rất nhiều…
Ngoài trở lực tài liệu còn có lắm nguyên nhân chủ quan về phía người viết :
– Chưa đủ thận trọng chăng ?
– Quá tin ở uy danh một tên tuổi nào đó chăng ?
– Thiếu phương pháp làm việc chăng ?
– Tinh thần trách nhiệm chưa đúng mức chăng ?…
Trong tình trạng thiếu thốn, nhập nhèm, bất nhứt của tài liệu đó, một cá nhơn đơn độc chắc phải dành hết cả một đời người, mà phải là một người thọ nữa, họa may mới hoàn thành một bộ văn-học sử tránh được những sai lầm tuy nhỏ nhặt nhưng lại dễ làm mất lòng tin cậy của độc giả. Cái gì cũng gần như là có dị biệt, sai sót, nghi vấn hết thì tin làm sao được ? Cứ đả kích TÔN THỌ TƯỜNG ở hai chữ trau tria trong câu « Về Hớn trau tria mảnh má hồng » trong lúc câu của họ TÔN đúng là « Về Hớn đành trau phận má hồng ». Dựa vào một văn bản sai, khen chê đều là những đòn đỡ đánh trong gió. Về mặt văn-học sử, nhận định hay quan niệm có thể dị biệt giữa các tác giả nhưng sự kiện không thể có tính cách lưỡng khả, trích dẫn phải trung thực, sử dụng nên kiểm soát, nếu cần và có thể…
Một nhà viết văn-học sử khó thể đơn độc đính chánh hết những sai lầm, đánh tan được hết những nghi vấn trong suốt quá trình diễn tiến của văn-học Việt-nam từ chữ hán qua chữ nôm đến chữ quốc ngữ. Phải chăng vì ý thức trước điều đó mà nhiều vị đã tỏ ra khiêm tốn, ít ra cũng ở cái tựa, nào là sử yếu, nào là giản ước, nào là lược đồ.
Chúng tôi nghĩ rằng văn-học sử cũng gần như tự điển, nếu được biên soạn tập thể chắc sẽ đầy đủ và tránh được nhiều vấp váp hơn, mỗi người phụ trách một hay hai vấn đề, một giai đoạn hay nhiều lắm là một thời đại. Điều này tuy khó thực hiện nhưng không phải là một điều bất khả. Khó ở chỗ một tập thể như vậy đòi hỏi phải có một quan điểm đồng nhứt. Nếu thực hiện được, có một điều lợi rõ ràng là tác phẩm có thể hoàn thành sớm hơn và có đủ cả hai chiều rộng và sâu. Một cá nhân có thể mất nhiều thì giờ hơn, dễ được bề rộng mà khó tránh khỏi vấp váp như trong một quyển văn-học sử nọ. NGUYỄN KHUYẾN ở một trang trước mất năm 1909, ngay trang sau, năm 1910, Việt-nam cổ văn-học sử của NGUYỂN ĐỔNG CHI biến thành Việt-nam văn-học cổ sử, Khổng giáo phê bình tiểu luận của ĐÀO DUY ANH biến thành Phê bình Khổng giáo tiểu luận v.v…
Viết văn-học sử khó như vậy vì ngoài khả năng chuyên môn, còn phải có thì giờ và tiền bạc cho công việc xê dịch, sưu tầm, sao chép hay mua lại những tài liệu quí hiếm. Cách đây mấy năm, một anh bạn cho chúng tôi hay một người ngoại quốc đã mua được trọn bộ Tri Tân tạp chí với giá sáu trăm ngàn đồng Việt-nam. Hội đủ những điều kiện trên không có được bao nhiêu người. Từ năm 1954 đến nay, riêng ở miền Nam chỉ mới có hai bộ đã hoàn thành, còn bao nhiêu bộ khác đếm không hết mấy đầu ngón tay, còn đang dang dở mà không biết có cặp được bến bờ hay không.
Công việc đòi hỏi tương đối ít thời giờ hơn và có thể có nhiều người đóng góp được, giúp ích cho những nhà viết văn-học sử sau này, có tính cách rời rạc, có khi vụn vặt nữa nhưng rất cần thiết.
Mời các bạn đón đọc Mảnh Vụn Văn Học Sử của tác giả Bằng Giang.
Nguồn: dtv-ebook.com