Nghe đến Mafia, người ta thường nghĩ ngay tới những vụ giết người rùng rợn, những trận đấu súng đẫm máu, những vụ cướp nhà băng ly kỳ… Nhưng ai biết Mafia ngày nay còn là một chính phủ vô hình với quyền lực vô hạn, gồm những chủ ngân hàng giàu sụ, những giám đốc công ty kếch xù, những chính khách bệ vệ, chẳng những đã từng ăn cánh với CIA (Cục tình báo trung ương Mỹ) nhúng tay vào nhiều vụ đảo chính khủng bố tày đình, mà còn có thế lực lớn, thừa sức đưa lên hay hạ bệ được cả tổng thống Hoa Kỳ.
Vậy tổ chức này xuất phát từ đâu và vì sao nó mang tên Mafia? Hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhất trí quê hương của Mafia là Sicilie, một hòn đảo lớn phía nam nước Ý, nằm ở đường giao nhau giữa các châu Âu, Á, Phi. Trong quá khứ cũng như hiện tại, Sicilie vẫn là một vị trí chiến lược quan trọng, nơi giành giật giữa các thế lực đối lập. Những mỏm đá trên đảo đã từng in dấu vó ngựa của các danh tướng như Caesar, Alexandros Đại đế, Hannibal… Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đây là nơi đổ bộ của quân Anh, Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng dẫn đến chiến thắng hoàn toàn của phe Đồng minh, ở một vị trí lịch sử như vậy, nhưng Sicilie lại phải chịu một khí hậu vô cùng khắc nghiệt, đất đai lại quá ư cằn cỗi. Đời này qua đời khác, gió và sóng biển bào đi hết những gì màu mỡ, chỉ để lại những mỏm đá hình thù quái dị. Dưới nước thì toàn những bạch tuộc và mực đen, trên bờ thì đầy rẫy những tổ chim xơ xác như muốn điểm thêm vẻ hoang vu trên đảo. Người dân ở đây sống trong những ngôi nhà nhỏ bằng đá dựng và chìm lấp trong đá. Mùa đông lạnh buốt xương mùa hè lại như rang trong chảo. Cuộc đời quá vất vả không cho phép họ có thì giờ nghĩ đến ngày mai. Phải chăng vì thế mà động từ trong tiếng Sicilie không có thì tương lai? Sicilie miền đất vô hy vọng?
Cùng cực và đói rách, nhưng người dân Sicilie vẫn yêu tha thiết bầu trời trong xanh của mình. Khi gót giày quân viễn chinh Pháp đặt lên đảo, họ đã vùng lên chống cự quyết liệt. Vì độc lập dân tộc, các chiến sĩ ngã xuống trong tiếng hô cảm tử: Morta Alla Francia Italia Anela (Giết giặc Pháp, tự do cho nước Ý). Phải chăng Mafia là tên gọi tắt gồm những chữ đầu trong khẩu hiệu trên?
Có giả thiết cho rằng tổ chức Mafia xuất hiện sớm hơn từ năm 1670. Lúc đó ở Palermo nảy sinh tổ chức Beati Paoli, thường gọi là “Hội những quý tộc văn minh”. Những cuộc họp bí mật của hội thường được triệu tập trong các hang đá. Từ những thế kỷ trước, Mafia là tên gọi các mỏm đá ở gần Trapani thuộc Sicilie. Tên gọi Mafia bắt nguồn từ đây chăng?
Các nhà ngôn ngữ học cũng đã đưa ra một số giả thiết. Mafia trong ngôn ngữ Toskana nghĩa là đói khổ. Mauvais trong tiếng Pháp có nghĩa là xấu, tồi. Còn trong tiếng Ả Rập Mahias là thằng lừa đảo, Magtaa là hang động. Cũng trong tiếng Ả Rập, Mufah còn có nghĩa là sức mạnh tự vệ. Buổi đầu, Mafia là tổ chức tự vệ của những người nghèo chống lại áp bức, bất công. Vậy tên gọi Mafia có liên quan gì đến các từ trên hay không?
Dẫu từng ra đời như một tổ chức chính nghĩa nhằm bảo vệ quyền lợi của dân nghèo đi nữa, thì ngày nay Mafia đã hoàn toàn biến chất và trở thành một hội kín khổng lồ, chuyên gây tội ác, có quyền lực vô bờ, có nguồn thu nhập lớn có thể sánh với các tổ hợp tư bản kếch xù như General Motors, Standard Oil, IBM, Texaco, General Electric, Chrysler và Ford. Nó có mặt trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp, du lịch, nghệ thuật… Nó nhúng tay vào chính trị, hợp tác với CIA, tổ chức ám sát Tổng Thống, mua chuộc quốc hội…
Vậy mảnh đất và không khí nào đã nuôi dưỡng ”cây Mafia xanh tươi” như vậy? Cuốn sách bạn đang cầm trong tay sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Là một nhà nghiên cứu nghiêm túc, tác giả đã từng đến tận các mỏm đá Sicilie tìm hiểu cội nguồn Mafia, từng vượt qua sa mạc nóng bỏng tìm đến thủ đô Mafia Las Vegas để tận mắt chứng kiến bao thủ đoạn kinh doanh của các “bố già”. Bằng ngòi bút sinh động, hấp dẫn, ông đã vẽ nên một bức tranh chân thật về “thế giới ngầm Hoa Kỳ”; từ những thủ đoạn giết người tàn bạo đến các mánh khoé kinh doanh tinh vi, từ sự cấu kết bí mật với CIA trong các hành động lật đổ, ám sát, bắt cóc đến sự liên minh ma quỷ với giới chính khách Hoa Kỳ, từ những cuộc tình kim tiền với các nghệ sĩ danh tiếng đến các phi vụ béo bở với những cha cố trong tòa thánh Vatican, từ vụ ám sát anh em Kennedy đến kế hoạch mưu sát Fidel Castro… Phải chăng chính phủ vô hình Mafia là anh em sinh đôi với chính phủ phản động, hiếu chiến Hoa Kỳ, và xã hội “thế giới ngầm” là hình ảnh thu nhỏ cửa thế giới tư bản, nơi thịnh hành quy luật: Catch as catch can (cướp giật đến mức tối đa), bất chấp mọi đạo lý, tình người?
Sinh ngày 8-9-1920 ở Praha, V.P Borovicka trải qua thời thơ ấu ở Praha và Trencin, nơi ông học tiểu học và trung học phổ thông. Tốt nghiệp trung học năm 1938, ông học đại học thương nghiệp ở Praha cho tới khi trường bị bọn phát xít đóng cửa. Từ năm 1939 đến năm 1941, ông làm việc trong một hiệu thuốc, nhưng sau đó ông bị bắt sang Đức lao động khổ sai cho tới hết chiến tranh trở về Tổ quốc, chàng trai Borovicka hăm hở cùng mọi người góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh và góp phần xây dựng xã hội mới trên đất nước Tiệp Khắc (cộng hòa Czech) tươi đẹp. Từ năm 1962 đến năm 1964, ông làm biên tập viên cho nhật báo “Dân chủ nhân dân”. Từ năm 1964 trở đi, ông hoàn toàn chuyên tâm viết văn. Ông du lịch khắp năm châu và đặc biệt lưu tâm đến việc thu nhập tư liệu cho các cuốn sách của mình. Tác phẩm đầu tay của ông là “Kết thúc đảo Oscar”, thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, xuất bản năm 1959, đã cho thấy lĩnh vực quan tâm của tác giả. Các đề tài chính trị, thời sự được thể hiện dưới dạng tiểu thuyết viễn tưởng, tiểu thuyết trinh thám, trung thành với lịch sử nhưng không kém phần hấp dẫn. Ông quan tâm trước hết đến các hoạt động tình báo và loại chiến tranh vô hình này (Các bậc thầy tình báo những vụ ám sát xoay chuyển thế giới Watergate). Ông còn viết các tiểu thuyết tâm lý như “Tôi, anh hay Juan”, “Người yêu từ đỉnh núi Cáo”. Trí tưởng tượng phong phú đã được ông sử dụng trong các sách viết cho trẻ em. Trước hết phải kể đến tiểu thuyết viễn tưởng nổi tiếng “Cô bé từ trên trời rơi xuống”, kể về cuộc du lịch của một em bé từ hành tinh xa đến và thành phố kỳ diệu, nói về một xã hội lý tưởng. Theo hai cuốn sách này, tác giả đã viết kịch bản cho một bộ phim cùng tên mà truyền hình Việt Nam đã cho phát nhiều lần. Hai truyện thiếu nhi khác là “Cái bớt” và “Safari” cũng được quay thành phim vô tuyến truyền hình, gồm 7 và 13 tập. Borovicka còn là tác giả kịch bản “Anh tôi có người em tuyệt vời”, đạt huy chương bạc trong đại hội liên hoan phim lần thứ 5 ở Moskva. Phim này cũng đã ra mắt khán giả Việt Nam (Tác phẩm của V.P.Borovicka gồm có: Kết thúc đảo Oscar (1959), Cô bé từ trên trời rơi xuống (1968), Thành phố kỳ diệu (1964), Tôi, anh hay Juan (1964), Vụ giết nhà tiên tri Hanissen (1968), Các bậc thầy tình báo (1969-1974-1984), Các nữ tình báo thế kỷ (1970-1973), Bí mật tình báo (1969), Những phát súng phục kích (1976), Watergate (1976), Người yêu từ đỉnh núi Cáo (1973), Thám tử từ Tel Aviv (1979), Mật mã tuyệt mật (1980), Mafia (1985), Thế kỷ chó sói (1985).
Nguồn: dtv-ebook.com