Nước Đại Việt triều Lý đời vua Lý Anh Tông xảy ra loạn Thân Lợi. Thân Lợi là một phù thủy cao tay có tài “mê tâm thuật”, có thể làm người ta u mê tinh thần để dễ sai khiến. Với pháp lực bẩm sinh hiếm thấy cộng thêm quá trình tu tập, Thân Lợi trở thành giáo chủ của Xương Cuồng giáo, một tà giáo thờ thần Xương Cuồng, thâu tập những kẻ chuyên luyện tà năng bằng các cách thức man rợ. Nhưng tham vọng của Thân Lợi không dừng ở đó, hắn muốn chính mình trở thành thần Xương Cuồng, để sở hữu quyền năng vô biên. Kẻ nào muốn luyện thành phép này phải tột bậc kỳ công cùng may mắn mới hội đủ các yếu tố. Thân Lợi đã chuẩn bị nhiều năm, và gần như đã có tất cả…
Lý triều dị truyện – kinh dị, hấp dẫn và hồi hộp đến ngạt thở.
***
Đọc tập 2 của một quyển truyện bạn thường mong chờ điều gì?
Chất lượng tương đương, xuất sắc, thuyết phục hơn hoặc chỉ cần đừng flop dập mặt là được… Lý Triều dị truyện về cơ bản diễn biến không liên quan tới tập 1, có thể coi nó và Đại Nam dị truyện là 2 quyển riêng, tuy nhiên vẫn có nhiều tình tiết bổ trợ cho nhau. Đọc theo trình tự thì đỡ phải thắc mắc sao lại có mấy cái khái niệm nghe vừa lạ vừa gớm ói liên quan tới huyền thuật, ngải, bùa phép, v.v..
Rồi! Thế quyển này có gì hơn tập 1?
Nó kinh tởm hơn mọi người ạ! Kinh *** #%#@#$& . Mấy cái chi tiết như dùng hài nhi làm bùa ở đầu quyển Đại Nam dị truyện nghe đã mất nhân tính rồi, sang tập 2 mọi thứ không chỉ le ve dừng lại ở đấy, mà nó còn cực bẩn, cực dơ lẫn máu me tanh tưởi ở quy mô lớn hơn. Gần như tác giả chỉ muốn trùm lên toàn bộ tác phẩm của mình bằng tất cả những gì hôi thối nhất.
Đọc xong mà thấy muốn quặn bụng.
Thế nhưng cái thú của thể loại này (dù là sách hay phim) là muốn gây cho người ta cái cảm giác vừa sợ vừa ghê, mà lại tò mò không thể ngừng chúi đầu khám phá tiếp. 2 quyển gộp lại cho thấy tác giả muốn vẽ ra một hành trình kinh dị tăng dần, khiến mình biết tới nó, làm quen, rồi thấy thích thú, rồi đâm nghiện.
Note: hay hơn khi ở 1 mình lúc trời tối.
***
Lịch sử luôn là điều bí ẩn đối với tất mọi người. Có nhiều cách tiếp cận, có thể thông qua truyền thuyết, ca dao, cổ tích, tiểu thuyết… Ngoài cách đọc những quyển sách sử, đọc các công trình nghiên cứu, thì thông qua những cách ấy cũng đã giúp ta phần nào nắm về lịch sử dân tộc. Trong đó có sách “Lý triều dị truyện”.
“Lý triều dị truyện” là một quyển sách văn học thuộc thể loại kinh dị. Quyển sách ấy miêu tả những chuyện kinh dị ở miền núi phía bắc đất nước ta vào triều Lý. Vào những năm cuối triều Lý, cuộc khởi nghĩa là Thân Lợi nổ ra. Trong thực tế, cuộc khởi nghĩa chỉ xảy ra trong vòng 1 năm. Nhưng qua quyển sách “Lý triều dị truyện” chúng ta phần nào biết sự chuẩn bị làm cuộc binh biến của y trong vòng nhiều năm.
Thể loại kinh dị không dành cho tất cả mọi người, cho nên ai thích và muốn biết về thể loại này thì hãy đọc qua quyển sách này. Quyển sách ấy thật xứng danh với thể loại của nó là kinh dị. Những chuyện tài phép, những chuyện “không giống người” đã được tác giả miêu tả cận kẽ. Chính vì có những đoạn khi tôi đọc thì có cảm giác rất “kinh dị”.
Thân Lợi trong sử sách là thủ lĩnh lãnh đạo cuộc nổi loạn ở Thái Nguyên chống lại triều đình nhân khi vua Lý Anh Tông mới lên ngôi. Y tự nhận là con của vua Lý Nhân Tông. Trong sử sách, y chỉ khởi loạn trong vòng 1 năm thì thất bại. Song, với sức mạnh của mình, y đã gầy dựng thế lực hùng mạnh, tái chiếm các vùng miền núi của các thủ lĩnh phía bắc. Và để góp phần giải thích cho sự thành công của bàn trướng ấy, Phan Cuồng đã viết nên tác phẩm này, tác phẩm “Lý triều dị truyện”.
Thành công cho việc bành trướng của Thân Lợi chính là những tài phép của mình. Y đã tu luyện tài phép chiếm đoạt chức thủ lĩnh của Lỗ Đạt, nắm lấy quyền giáo chủ của Lý Giác. Tác giả đã xây dựng thành công những nhân vật xoay quanh Thân Lợi, từ thân thế, sự nghiệp đến cái chết của họ. Hầu như những nhân vật xoay quanh Thân Lợi đều không có kết cục tốt. Cuộc khởi nghĩa của Thân Lợi đã được tác giả miêu tả là “tự tan rã”, “tự cấu xé nhau”, quân triều đình không cần giùm sức để diệt.
Những tài phép của Thân Lợi là bẩm sinh mà ra, hắn tự xưng là chủ của linh miêu, xem những con chuột là những đối thủ không đội trời chung. Những tài phép ấy khi đọc, ban đọc sẽ thấy rất “kinh dị”. Trong truyện này, y là con vua Lý Nhân Tông vì tội mà bị tống giam. Y thoát ra ngoài, thay danh đổi họ để tu luyện tà pháp, “ăn thịt người”, lên kế hoạch hãm hại và chiếm chức thủ lĩnh của Lỗ Đạt, chức giáo chủ tà giáo của Lý Giác. Để làm được điêu đó, y đã lên kế hoạch từ trước, Đó là những hành động mạn rỡ, “không phải con người”. Chính sự loạn luận của y đã sản sinh ra “Du hồn giả”. Và kết cục của cậu không mấy tốt đẹp gì.
Cách thức viết của quyển sách ấy là đan xen giữa thực tại và quá khứ. Có khi những tình tiết thực tại còn được trình bày trước những tình tiết quá khứ. Trình bày ấy làm cho người đọc không rối mà còn làm cho họ thêm phần thắc mắc, thú vị, tìm tòi. Cho nên muốn hiểu hết được câu chuyện thì không thể đọc giữa chừng mà phải đọc cho hết, đọc hết mới hiểu được nội dung của nó. Nội dung vừa gây bí ẩn, vừa gây kinh dị.
Kết thúc của câu chuyện là một kết thúc mở. Mặc dù Thân Lợi thất bại, “bị cấu xé”. Nhưng y đã chuyển thể sang kiếp khác cách nhiều năm sau khi chết. Sự chuyển thể lần này là y hỏi Phan Cuồng (một nhân vật kể chuyện thời đó) vè tin tức của người con nuôi thái phó Tô Hiến Thành. Người con gái chính là Lý Nguyệt, con nuôi của y, là người sống sót cuối cùng của cuộc bạo loạn của tà đạo nhóm Thân Lợi. Kết cục này đã làm cho người đọc thêm phần tò mò Thân Lợi có tìm ra nàng? Y tìm ra thì sẽ như thế nào?… Rất nhiều câu hỏi đặt ra khi bạn đọc đọc xong toàn quyển sách.
Thật bất ngờ, khi tôi tìm và đọc được quyển sách này. Tuy là hơi nhát với thể loại này, nhưng khi đã đọc thì mình phải cố gắng đọc cho hết. Bởi vì, sự tò mò không ngừng trong tâm trí của mình. Tới giờ, mặc dù đã đọc xong, dư âm của nó vẫn còn đậm lại. Thật sự, truyện kinh dị nếu nghe còn có cảm giác cao lắm khi bạn đọc đọc nữa. Để cảm nhận thì một là bạn hãy nhờ ai đọc cho nghe, hoặc là tìm sách nói. Điều đó tạo nên cảm giác “kinh dị” lắm. Đây là thể loại mới mình tiếp cận, thấy là rất hay lắm các bạn ạ.
Gọi là dị truyện vì nó rất dị, xoay quanh những huyền thuật kinh khủng khiếp như kiểu: cho mèo ăn thịt người, hãm hiếp tập thể thực tế ảo, rắn bò khắp nơi, ngựa lưỡng tính, người lai quỷ vân vân, các cháu chơi ngải ngày nay gặp là rụng rời tay chân ngay. Có một thằng pháp sư thích bá chủ thiên hạ bằng cách tu luyện thành thần, xong rồi bịp bợm dối trên lừa dưới khắp nơi, ma quỷ người trần, thầy bói, tất cả quay cuồng trong trò chơi của tham vọng
Ban đầu người đọc hơi băn khoăn liệu chọn thời nhà Lý nó có quá sớm không, tuy nhiên nhìn vào sự hiện diện của những tích như Cao Biền dậy non, trấn chỗ này yểm chỗ nọ, ông Từ Đạo Hạnh tháo gậy quẳng xuống sông Tô Lịch, ta có thể thấy cái yếu tố phép màu siêu nhiên kiểu này nó cũng đã hiện diện ở phương Nam từ sớm, và tồn tại cho tới tận bây giờ. Ngày nay tới những nơi sành điệu nhất, gặp những con người hiện đại nhất, vẫn nghe họ nói về ếm bùa, phong thủy, chơi ngải, ma nhập, mời thầy vân vân. Chứng tỏ thời gian chưa bao giờ làm cho niềm tin vào những điều huyền bí cũng như huyền thuật, hay nói chính xác hơn là nạn mê tín dị đoan nhạt đi. Cũng có thể coi đó là bản chất của con người, thế thôi: dẫu trong túi mang theo cái máy chỉ nhỏ bằng cái băng vệ sinh có thể hiểu tiếng người, dẫu phép vi phân đã được dạy rộng rãi ở trường phổ thông, người ta cũng không bỏ được tật thích đổ lỗi. Đổ lỗi cho người khác không được thì đổ cho siêu nhiên, đếch bao giờ tự nhận lỗi về mình. Chính vì thế, cũng không là trùng hợp khi các ông triết gia thăng thiên trên con đường sáng đều bắt đầu bằng bước đầu tiên là công nhận cái bóng tối tuyệt đối, cái bóng tối bão hòa ở trong bản thân mình. Không có huyền thuật nào bằng cái tôi vị kỷ xảo trá của chúng ta cả, thưa quý ông quý bà.
Nay quay lại với tác phẩm, ta thấy tác giả nhảy liên tục từ nhân vật này sang nhân vật khác, kèm theo cách đặt mọi thứ vào bối cảnh tranh tối tranh sáng, tạo ra một câu chuyện huyền bí và cuốn hút. Tất cả đơn thuần chỉ là khoái cảm đọc câu chuyện, tuy nhiên hẳn ai cũng biết đó là điều tác giả muốn, không phải lúc nào cũng cần phải múa may văn bản, dòng thời gian phi tuyến tính, Kafka-esque các kiểu. Nhiều lúc tất cả mọi thứ ta cần là một chiều người để ta yên, đặng ta thoải mái thả hồn vào một cái gì đó thật giật gân và thật giải trí như thế này.
Cách trình bày của tác giả đã cuốn hút người đọc, vì sự tò mò mà gáng đọc cho hết tác phẩm. Đọc hết tác phẩm thì sẽ thấy nhiều điều vô cùng bất ngờ, vô cùng huyền ảo. Có những tình tiết đã được nhân vật tính toán từ trước mà kể cả người đọc như chúng ta không ngờ.
Mong rằng bài viết có lợi cho quý bạn đọc. Nếu thấy hay bạn hãy share và vote cho bài viết tăng hiệu quả nhé.