Trần Mạnh Hảo
Ly Thân
Chương 1
Thế là tôi đã bỏ nhà ra đi, từ giã người vợ ba mươi mốt năm xưa đã lấy theo chỉ thị. Tôi đã còn cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng, và sắp tới sẽ trở về thế giới bên kia bằng sự trắng tay. Đầu vào và đầu ra, như vậy là huề. Cuộc đời đã tước đoạt của tôi cũng có nghĩa là tôi đã trả hết nợ nần trong suốt năm mươi tám năm sống nhạt nhẽo và dối trá.
Bây giờ tôi đang ngồi trong một xó tối, dưới ánh đèn đỏ như đom đóm đực, rọi xuống trang giấy cái bóng đèn dài như một cây sào đi biển của chiếc bút bi. Nếu gọi chỗ tôi ngồi là căn phòng thì quả là một sự xúc phạm ngôn từ một cách ghê gớm. Nó là cái hầm chứa đồ cũ, tôi nì nèo xin xỏ mãi ông chủ tịch hội văn nghệ mới cho mượn. Như vậy là tốt với tôi lắm rồi, đủ trải một chiếc chiếu nằm, một cái bàn trà làm bàn viết, vài ba cái ghế đầu, đặt cái bếp điện cùng một lũ ba bốn cái niêu, cái chén đũa con. Gia tài của tôi chỉ độc chiếc vali đựng ít sách vở bản thảo cùng mấy bộ quần áo tàng tàng. Tôi kê mấy hòn gạch lên để biến cái vali thành cái bàn lý tưởng. Ngồi trên chiếc ghế đẩu, nghe gián bay rào rào xung quanh, tôi hăm hở viết những dòng này, ngõ hầu được trình bày với các bạn về kinh nghiệm thất bại của đời tôi, một kễ cầm bút đã ít ra một lần bị đời rủa là bịp, là xạo. Chẳng nói giấu gì các bạn, trong ba chục năm qua, tôi đã được in hàng chục cuốn sách. Có khi tôi còn được người ta tung hô là nhà văn lớn, một tài năng hiếm có về sự minh họa đường lối chính sách.
Nhưng tại sao bây giờ tôi lại cho rằng những tác phẩm đã được báo chí lăng-xê kia chẳng qua chỉ là những cuốn sách cực dở? Ôi cay đắng cái thằng tôi là nhường nào khi phải nhắc lại câu nói người xưa văn mình, vợ người. Trong một trăm ông viết văn, có tới chín mươi chín ông tự cho mình là hay, là nhất. Chỉ có tôi tuyên bố văn chương mình là hạng bét mà thôi.
Dù sao, tôi cũng cần phải cám ơn số phận. Rằng tôi một con thỏ năm mươi tám tuổi vẫn còn được trời thương ban cho một tí mật gấu và tôi đã liều mạng nuốt chửng cái ân huệ này.
Có thể bất cứ lúc nào công an văn hóa cũng sẽ gõ cửa phòng tôi: xin mời ông đi. Vâng, tôi cũng đang chuẩn bị cho mình cái khả năng ngồi tù đây. Ba mươi mốt năm qua, từ ngày gắn bó với bà ấy, gắn bó với nghề văn, tâm hồn tôi rõ ràng đã phải ngồi tù.
Bây giờ đến lượt thể xác vào ngục Basti ấy thì có gì mà cuống cà kê lên. Chuyện đâu còn đó, tôi cứ viết đến khi nào người ta không cho tôi viết nữa. Vả lại, vào tù, biết đâu lại là chuyện hay cho tôi. Xưa nay, biết bao vĩ nhân đã phải ở tu. Bao nhiêu người đã trước tác trong gông xiềng để gởi lại hậu thế những trang văn thơ cao đẹp thấm đẫm tình người.
Tôi đã toan bẻ bút, vĩnh biệt cái nghề văn bạc bẽo sinh nghề tử nghiệp, xin hưu về quê làm cái anh cắm câu đơm lờ đặt đó, thậm chí đi hoạn lợn hay làm bõ coi chùa. Nhưng ông bạn Hai Giỡn can:
– Bậy, anh mà bẻ bút là tôi bẻ giò anh đó. Viết đi, chưa muộn đâu cha nội ơi.
Tôi biết Hai Giỡn từ ngày ông ra tập kết năm 1954 và đã thành bạn thân với tôi từ đó. Hai Giỡn ăn sóng nói gió thế thôi, chứ nếu tôi có về quê đơm đó hay hoạn lợn thiệt thì không những ông không bẻ giò tôi mà còn tìm mọi cách giúp đỡ tôi là đằng khác. Lúc ấy, tôi uống cạn ly rượu hỏi:
– Viết, hừ, từ năm 1955 đến nay, tôi chả viết khối ra là gì, đã ngốn của trời cả mấy chục tấn giấy để rốt cuộc chỉ gặt về toàn sự sỉ nhục đấy thôi. Giờ ông lại còn bắt tôi viết gì nữa nào Hai Giỡn?
– Viết về chính ông ấy.
– Đời tôi á, mười phần thì đã có tới chín phần dối trá rồi còn đâu mà viết với chả lách.
Hai Giỡn lên mặt dạy:
– Thì ông cứ trình bày sự dổi trá của mình một cách thành thực chính là văn chương đó Trần Hưng ạ. Hãy kể lại đời mình từ đầu chí cuối, chả cần bịa làm chó gì đã hay lắm rồi. Suốt ba mươi năm qua, ông đã bịa ra bao nhiêu chuyện nhưng vẫn chỉ là tô vẽ theo ý đồ của kẻ khác, bất chấp sự thật, chỉ cốt để vừa lòng cấp trên, hầu như chả có tí gan ruột máu huyết của mình trong đó cả. Đó là thứ văn chương xu thời, bẻ cong ngòi bút viết cho kẻ cầm quyền đọc chứ nào phải viết cho nhân dân.
Tôi biết, từ xưa đến nay, thời nào cũng nhan nhản bọn viết mướn, làm cái thứ văn chương cung đình, cốt để vui cho vua chúa và quan lại chốc lát. Ngày nay người ta gọi cái đám ăn theo a dua này bằng một cái tên rất khó nghe là bồi bút. Hãy tha cho tôi Hai Giỡn ạ. Tôi không thích viết nữa. Hình như lương tri đã từ bỏ tôi như tôi đã từ bỏ nó. Tôi đã chán tất cả, muốn quên đi tất cả, về hưu hay vào tù với tôi bây giờ không có gì khác nhau.
– Vào tù, đỡ phải lo cơm Hai Giỡn ạ.
Hai Giỡn làm ra vẻ cực kỳ quan liêu quát:
– Tù cái đếch á. Sao đầu hàng sớm quá vậy cha nội. Hãy cứu lại danh dự của anh lần cuối cùng. Tôi cho anh một cơ hội viết. Anh hãy viết về chính cuộc đời mình, kể lại đầu cua tai nheo vì đâu mình nói dối, viết dối. Hãy thành thực như đang làm bản kiểm thảo với bạn đọc của mình về tất cả mọi chuyện. Nếu không, dù có xuống lỗ rồi, người ta vẫn còn réo tên anh ra để chưởi, rằng cái thằng nhà văn Trần Hưng sống cốt để viết ra những cuốn sách bịp.
Trúng ý. Tôi bèn vỗ đùi cái đét, cụng ly với Hai Giỡn rồi khà một cái rõ to hể hả:
– Hay, ý kiến hay. Viết một bản kiểm thảo về đời mình với độc giả. Trình bày mọi dối trá và lầm lẫn một cách thành thật, không thèm hư cấu với hư chí gì ráo. Đó chính là văn chương.
Tôi phục ông Hai Giỡn.
Hai Giỡn đắc ý cười ha hả, rót tiếp rượu rồi gắp bỏ vào miệng tôi cái phao câu con vịt xiêm tơ. Hai chúng tôi sôi sục bàn chuyện văn chương viết lách.
Đời tôi có lẽ đã phải làm mấy nghìn bản kiểm thảo dâng cấp trên như một con chiên ghẻ thú tội, xưng tội trước vị linh mục với những tín điều hết sức nghiệt ngã. Tôi xin được một lần cuối cùng làm bản tự kiểm này trước các bạn, những người đã đọc và chưa đọc tôi, như lời tự thú của kẻ cóc chết, ba năm quay đầu về núi này.
Hai Giỡn còn hứa sẽ nuôi tôi cho đến khi nào viết xong tập Ly thân này. Hai Giỡn năm nay sáu mươi hai tuổi, đã từng làm cục trưởng, về hưu được ba năm, làm nghề nuôi ong nên cũng khá. Ông có căn nhà đẹp, vườn rộng ở ngoại ô thành phố An Hải thuộc tỉnh Sơn Giang này, tài sản của ông già vợ cho.
Hai Giỡn bảo tôi về nhà tớ mà ngồi viết, cơm bưng nước rót sướng hơn tiên. Tôi cám ơn lòng tốt của bạn, xin phép được ngồi một mình trong cái hầm tối này để đối diện với gián và trang giấy. Như vậy tiện hơn, lại cực kỳ im lặng với không khí của một người sám hối.
Hai Giỡn rút túi đưa tôi sáu nghìn đồng, bảo: để ăn phở, uống cà phê sáng. Còn cơm, cứ ngày hai bữa ông sẽ sai sắp nhỏ mang tới. Tôi từ chối cám ơn bạn nhưng Hai Giỡn quát: bộ khinh tao hả Trần Hưng. Tao thương mày tao mới giúp. Còn nếu sau này đọc bản nháp của mày thấy viết không thành thật, một là tao đòi lại tiền, hai là bẻ giò chịu không?
– Chịu. Tôi chịu.
Khi tuổi tác chúng tôi đã sáu mươi, có cháu nội cháu ngoại cả rồi mà còn xưng hô mày tao như thế này, tức là cái sự thân tình không thể tìm được nơi nào đủ giấu cất nổi nữa. Tôi xúc động tận lòng về sự chăm sóc vô tư của ông bạn. ấy, cái ông Hai Giỡn bạn tôi suốt cuộc đời toàn dọa nạt thiên hạ, hết tao bẻ giò đến tao đánh cho nhừ xương, để rồi rốt cuộc chả dám đánh ma nào, toàn bị cuộc đời nó đánh cho thừa sống thiếu chết. Thì ra, cái anh hay đánh người ta bằng lỗ miệng, thế nào cũng bị người ta nện cho bằng roi.
Chuyện quan trọng nhất của nhà văn Việt Nam ta khi ngồi viết là cái ăn, để cho dạ dày đừng có lộn xộn nhảy lên thay thế vị trí não bộ và ngược lại. Trong trường hợp của tôi lúc này, thật hạnh phúc, hai bữa ăn đã được ông bạn vàng Mạnh Thường Quân lo cho tới khi nào viết xong bản nháp. Suốt ba mươi năm qua, gần như tôi đã phải sống cầm hơi để viết theo yêu cầu, viết theo chỉ thị của bề trên. Nhiệm vụ ba thập niên lãnh đạo giao cho những cuốn sách của tôi, nói không ngoa, chỉ cần dăm bài báo là giải quyết xong. Vậy mà tôi đã đai ra tới hàng nghìn trang sách, toàn những chuyện dông dài vô bổ, cốt tô son vẽ phấn lên cái bộ mặt tèm lem có tên là cuộc đời này. Nay, lần đầu tiên tôi được ông bạn thân nuôi cho ăn no, cốt chỉ để viết lại sự thật của đời mình, dù sự thật ấy kể ra sẽ làm mất lòng bao nhiêu người đang cố bấu víu vào sự giả trá để tồn tại và để trục lợi.
Trước mắt mọi người, hiện nay tôi đã mất tất cả: vợ con, sự nghiệp, cửa nhà. Đứa con gái út xinh đẹp hai mươi bốn tuổi, niềm hy vọng cuối cùng của tôi vào cuộc đời vừa bỏ nhà ra đi để lại bức thư vĩnh biệt.
Trước ngày biến mất, con gái tôi từ bệnh viện tỉnh Sơn Giang về gặp bố. Vì đau khổ tới mức gần như mất trí, con gái tôi phải nằm trong bệnh viện gần ba tháng trời. Tôi hiểu rằng sau khi người yêu, người chồng chưa cưới của nó bị giết chết, cuộc đời đã đẩy con bé vào con đường không lối thoát. Nó nằm trong bệnh viện suốt thời gian dài như vậy với sự câm lặng đáng sợ.
Tôi nhớ hôm ấy trời mưa to lầm. Gió thổi ầm ầm vặt trụi lá cây, ném xuổng phòng tôi như vãi trẩu. Tôi đang ngồi đọc lại bài ca ngợi rất dơ dáy do tôi viết về tập thơ Đêm mặt trời của tác giả Hoài Bão tức bí thư tỉnh ủy Tràng Giang, với những dòng bốc thơm rất sáo rỗng và buồn cười hồi trước, với bài thơ tứ tuyệt:
Mặt trời nghị quyết chói muôn nơi
Hạnh phúc tung bao ánh thác cười
áo cơm từng đến theo chỉ thị
Thiên đường đã thấy rõ mười mươi.
Tiếng gọi cửa rất khẽ khiến tôi sững người, rùng mình, y hệt có ai đang bắt gặp tôi làm một điều phi pháp vậy. Suốt cuộc đời, tôi sợ đủ thứ, nhất là những tiếng gõ cửa. Biết đâu, đây là tiếng gõ cửa cuối cùng của định mệnh, của cái ác xấu đến bắt tôi. Kinh nghiệm đã dạy tôi không được tin vào bất cứ điều gì trên đời.
Đằng sau sự bình yên kia là bão tố. Bên trong nụ cười có vẻ thành thật kia là dối lừa và cạm bẫy.
Tuy vậy, tôi vẫn lẩy bẩy như con lật đật, run run tay cầm chìa khóa hồi hộp mở cửa. Trời ơi, Trần Thị Vương Thi, con gái cưng, con gái rượu của tôi. Hồi sinh cháu, tôi đang làm thơ như điên, từng ôm mộng thi hào thi bá nên đặt tên con gái là Vương Thi – vua thơ mà.
Vương Thi mặc chiếc áo mưa màu trang rất tang tóc, trông nó giống bức tượng cổ Hy Lạp đứng trước mặt tôi. Nó ướt như chuột lột, nhìn tôi bằng con mắt khác lạ, nửa nảy lửa, nửa băng giá, nửa thân thuộc, nửa hững hờ. Tôi định ôm chầm lấy đứa con gái thân yêu nhưng lại thôi, nhẹ nhàng dìu cháu vào nhà. Nó khẽ chào tôi một tiếng rất nhỏ, rất cộc: bố. Tôi bảo nó vào buồng trong thay ngay quần áo không cảm lạnh chết, nhưng nó lắc đầu bảo ngồi chút là đi ngay. Tôi chạy vào buồng lấy cái khăn bông tắm khô đưa cho con, giúp nó cởi áo mưa ra, rót đưa cho nó một ly trà đường rất nóng. Tôi hoảng sợ trước tình trạng kiệt quệ của con gái, nhất là bị cơn mưa thế này lúc đang nằm bệnh viện điều dưỡng.
Vương Thi ngồi xuống chiếc ghế mây cũ kỹ đã xơ xác, lau sơ mặt và tay, nhấm một hớp trà hỏi tôi:
– Mẹ đâu?
– Bận đi họp.
– Kỳ thật. Suốt đời mẹ toàn có họp là họp. Nghị quyết này chưa kịp triển khai, trên đã nhét vào tay nghị quyết mới. Rốt cuộc, toàn có nói suông, phí cả cuộc đời cho những trò phiếm. Rõ khổ thân cho mẹ.
Tôi đốt điếu thuốc, bảo con:
– Vì mẹ con làm phó giám đốc trường Đảng, bận lắm. May mà còn chưa phải họp hai mươi bốn trên hai mươi bốn tiếng đấy
Con gái tôi bĩu môi:
– Thế thì mẹ sinh ra để làm cán bộ lãnh đạo chứ đâu phải để làm người vợ, người mẹ. Điều con không thể hiểu là tại sao mẹ lại cuồng tín đến như vậy nhỉ?
Tôi tính lờ đi không trả lời con gái, nhưng rồi lại làm ra bộ bênh mẹ nó, mặc dù tôi rất ngán bà ấy:
– Thời đại mà con. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh. Thời thế làm bố mẹ ra thế, biết làm thế nào?
Con bé nhìn tôi rất dữ, đay nghiến:
– Thời thế. Cái gì bố cũng đổ cho thời thế. Thời thế nào cũng bắt đầu từ mỗi con người, mọi con người. Chính các người đã tạo ra thời thế quỷ quái này rồi đổ oan cho nó. Rằng thời đại nhiễu nhương bùa chú, biến cải các người. Chính các người đã góp phần đẩy anh ấy, một người trung thực tài năng tỉnh táo nhất vào nhà thương điên rồi bóp cổ tới chết.
Con gái tôi thở gấp với một thái độ căm giận. Tôi hiểu tâm hồn nó đang tan nát.
– Vương Thi, sao hôm nay con gay gắt với bố thế? Bố đã làm gì đến nỗi con phải lên án dữ vậy nào? Hay bố không thương con, bỏ bê con, con đau bệnh không thăm nom chiều chuộng?
Nó im lặng, nhíu mày. Mặt con gái tôi tái nhợt, môi thâm lại chứng tỏ nó lạnh vì mưa ướt. Tôi giục con:
– Con bị cảm lạnh rồi. Vô nhà thay quần áo đi.
Vương Thi ngoan ngoãn vô nhà thay đồ. Từ hôm ngất xỉu trước cái chết thê thảm của Trần Khuất Nguyên, phải vào bệnh viện cấp cứu, tôi đã đến nơi con gái ở dạy học để lấy vali đồ đạc về nhà này. Nó lục vali lấy một ít đồ, một cuốn album cho vào giỏ xách để ngoài salông. Xong, ngồi xuống ghế, nó bảo tôi:
– Suốt mấy tháng nằm viện, con đã có dịp nghĩ nhiều đến cách thương của bố mẹ. Rằng cái tình thương yêu ấy không đi cùng sự thật, nói cho văn hoa là không có bóng dáng của lẽ phải và chân lý.
– Nghĩa là con bảo bố mẹ dối trá?
– Vâng, ít ra là với con.
– Về những điều gì?
– Về tất cả.
– Cụ thể.
– Như niềm tin, như lý tưởng chẳng hạn. Con biết bố chẳng tin vào những điều bố nói, bố viết. Sao bố lại dạy con tin vào những điều ấy?
– Sao con biết bố không tin vào những điều mình nói, mình viết?
– Con đã đọc cuốn nhật ký của bố viết từ xưa. Trong đó với chính mình, ít ra bố cũng đã nói đến tám mươi phần trăm sự thật. Tất cả đều ngược với những gì bố nói và viết công khai.
Tôi giật mình như vừa ngồi vào ghế điện vậy. Lẽ nào mẹ nó lại đưa cuốn nhật ký của tôi bị bà ấy bắt làm tù binh của tình yêu từ khi nó chưa ra đời cho con gái đọc ư?
Tôi vẫn cố làm ra vẻ bình tĩnh hỏi:
– Con đọc cuốn nhật ký đó ở đâu?
– ở trên bàn làm việc của phó giám đốc trường Đảng.
Trời, cuốn nhật ký nhỏ bé tôi đã giấu rất kỹ trong ba lô từ Tây Bắc về. Nhưng cuối cùng đã lọt được vào tay bà vợ, cho đến ngày nay chưa trả lại. Bà ấy đưa ra một điều kiện bất nhẫn trói buộc tôi: hoặc là tôi bỏ vợ con hoặc là cuốn nhật ký này vào tay tổ chức. Tôi đã viết sự thật, ý nghĩ thật hàng ngày lên trang nhật ký kia hệt như một tên trộm. Tôi đã phải giấu giếm sự thật theo kiểu con mèo giấu cái sự bê bối của nó. Nhưng rốt cuộc, sự thật nhỏ nhoi kia vẫn bị đánh cắp.
Tôi ngồi lặng hồi lâu trên ghế, trước cái nhìn có điện của con gái. Như thể chính tôi là cuốn nhật ký bí mật, đang bị lật lên từng tờ, để con gái vừa đọc vừa giễu cợt ông bố có hai ba bộ mặt.
Tôi chợt nhớ lại những giai đoạn của đời mình, có khi chỉ cần ngồi lặng nghĩ đến những gì ngược với các giáo điều, các chỉ thị, hay khám phá ra cái nghịch lý của nghị quyết, cái đối lập giữa tuyên truyền và hiện thực là tôi đã sợ toát mồ hôi. Như thể có hàng trăm tên mật vụ đang nấp trong các khe hở của những suy tư trong đầu, rình rập ghi chép các ý nghĩ kia để đi báo cáo vậy.
Thế là tôi lại nguyền rủa mình, hay nói đúng hơn, nguyền rủa cái bộ óc hay suy tư nghĩ ngợi của mình, vốn hay đi tìm cái ngược đời cái nghịch lý trong mọi sự, để rồi không giải quyết được gì, có khi còn mang vạ vào thân. Hãy tiếp tục sống theo các chỉ thị, làm theo ý cấp trên, đã có người khác nghĩ thay thì cần chó gì đến cái đầu óc của mày nữa, hỡi tên công dân tội nghiệp kia. Cho hay, có trí thức một tí, có suy nghĩ biết phải trái một tí, có ý kiến cá nhân một tí, sống trên đời này mệt thật, nguy hiểm thật. Hèn chi Mao Trạch Đông, Pôn Pốt chủ trương giết sạch trí thức, Stalin giết các đồng chí cộng sản chân chính để dễ bề độc tài quân phiệt, hay Tần Thủy Hoàng đốt sách giết học trò đi để dễ cai trị không phải là điều khó hiểu.
Vương Thi đổi thế ngồi, uống gần hết ly trà đường đã nguội, rồi phá tan sự im lặng bằng một câu hỏi của quan tòa:
– Tại sao bố mẹ không yêu nhau mà vẫn phải sống với nhau, đôi khi còn phải giả vờ yêu nhau, phải đóng kịch với nhau như những nhân viên trong nghề phản gián để làm gì hả bố?
Tôi đớ người. Con gái tôi đã đánh trúng huyệt của đời tôi.
Nó đọc nhật ký tôi nên biểt tất cả. Tôi không thể dùng ngụy lý để trả lời một câu hỏi đã nốc ao tất cả sự dối trá đã làm nên đời mình. Câu hỏi của đứa con gái gói toàn bộ bi kịch của đời tôi.
Trả lời nó tức là phủ nhận hết đời mình, ném vào vực thẳm tất cả những năm tháng vô nghĩa, như ném cái ly thủy tinh vào núi đá.
Tim tôi đập cấp gió mười hai, toàn thân đang toát mờ hôi hột. Tôi là kẻ tội lỗi đang phải đứng trước Chúa Trời trong ngày phán xét cuối cùng trên đồng Araphat. Thà tôi không được sinh ra trên cõi đời này còn hơn. Dù sao, tôi cũng cần phải trả lời đứa con gái quấy quá cho qua chuyện, phải dùng mẹo vặt của kẻ liều thôi:
– Dù sự việc có thật như thể đi chăng nữa thì rốt cuộc, bố mẹ đã sinh ra con đấy Vương Thi ạ.
Con gái tôi cười phá lên. Nó tiếp tục tấn công, quyết đuổi con thỏ già bị thương này vào đường cùng, để thỏa mãn sự tức tối, hay để khuây khỏa cái đau mà nó phải chịu quá sức mình:
– Con hoàn toàn không muốn được sinh ra bởi một tình yêu dối trá. Con bị sinh ra chứ không phải được sinh ra, để rồi bố mẹ đẩy con vào hoàn cảnh tuyệt vọng này đây. Con nguyền rủa cuộc sống tàn ác này. Giá khi sinh ra, bố mẹ làm cho con mù và điếc có hay hơn không.
Tôi rùng mình kinh sợ. Bạn hãy đặt mình vào cương vị tôi lúc này, mới thấy hết cái đau đớn nhục nhã, cái xót xa của kẻ làm cha mẹ bị con mình nguyền rủa. Tôi đã không sòng phẳng với cuộc đời, để rồi cuối cùng, cuộc đời đang sòng phẳng với tôi đây.
Trong thâm tâm, đời đang bảo tôi: mày đã ăn quỵt tất cả của tao Trần Hưng ạ, giờ mày phải trả. Tao chính là lương tâm của mày. Hãy trả cho tao ý nghĩa của tồn tại.
Vương Thi lau nước mắt. Tôi như kẻ vô hồn, chả khác gì con voi sứ mình đang ngồi. Hai bố con, hai thế hệ cùng im lặng.
Nó đang nhìn vào đáy của đời tôi, của cội nguồn nó với một nỗi cô đơn tuyệt vọng. Còn tôi chợt nhớ lại cái đêm mùa đông năm 1961, sau gần ba năm đi lao động cải tạo trên Tây Bắc về với cuốn nhật ký và mười mấy bài thơ con con giấu kỹ trong ba lô. Nhưng mẹ nó, bà Lê Thị Mộng Ruộng đã lục được và giấu biến.
Nguy rồi. Vì ghen, vì thù ghét tôi, cô ấy có thể nộp cái của lạ này cho tổ chức bất cứ lúc nào. Những trang nhật ký, những bài thơ nói về nỗi cô đơn, nỗi buồn đau, về những nghi vấn trước những hiện thực xã hội, trước những tuyên bố hay ho về dân chủ, tự do nhưng sao việc làm lại toàn là một biện pháp trấn áp… Tất cả cái đám chữ nghĩa lôm côm vô tổ chức kia, lúc bấy giờ đồng nghĩa với phản động. Tôi phải dụ dỗ, phải đóng kịch yêu đương với vợ mình, con người tôi đã lấy theo chỉ thị của tổ chức. Tôi đã phải chiều chuộng, đã phải ăn nằm với cô ấy để cốt đòi lại cuốn nhật ký nguy hiểm kia, nhưng tôi đã thắt bại. Vợ tôi cũng như tổ chức, đã học được phương pháp làm kẻ khác phải yêu mình vì sợ.
Sau hai mươi lăm năm, đứa con gái đã nói toẹt ra sự thật một cách không hề thương xót. Sự thật nhìn từ góc độ nào đấy, đôi khi thật tàn nhẫn, thật đau đớn. Có lẽ vì vậy mà mọi người đều sợ sự thật và tìm cách tránh né nó. Nhưng tai hại thay, con người càng tìm cách chạy trốn sự thật, thì sự thật càng đuổi theo con người, dẫu người ta chết lâu rồi, sự thật vẫn tìm cách sống dậy. Con người ta có thể bị chôn vùi, nhưng sự thật quyết không bị chôn vùi. Nó cần tồn tại cùng với sự sống trên trái đất này. Sự thật nói cho cùng chính là ánh sáng mặt trời vậy.
Thấy tôi toát cả mồ hôi, chắc Vương Thi thương hại bố, hay ít ra nó cũng thấy là không nên đẩy một kẻ khốn khổ vào đáy vực làm gì. Khi phải mủi lòng, chính kẻ ban bố lòng thương hại cũng chẳng thấy sung sướng, thậm chí còn bẽ bàng khó chịu là đằng khác.
Vương Thi bao phủ lên tôi bằng một cái nhìn bớt gay gắt hơn. ánh mắt của nó có chút gì thương xót và cảm thông. Dù sao nó là giọt máu của tôi. Lúc này tôi càng thấy con gái mình đẹp quá. Nó giống hệt mẹ tôi tức bà nội nó: cũng mũi cao, môi trái tim, mặt trái xoan, mắt lá răm sáng và sắc, vầng trán rộng phủ dài lọn tóc đen. Với vẻ mặt thiên thần ấy, với dáng người thon thả, cao ráo ấy, chính nó được ra đời để sống trên thiên đường chứ không phải để chứng kiến những cảnh đời địa ngục vừa qua.
Đứa con gái đã dịu dàng hỏi tôi như ngày thơ ấu nó hay hỏi vặn, quyết truy nguyên sự vật đến cùng, tới khi tôi hết trả lời nổi mới thôi:
– Trên đời này còn lòng tốt và cái đẹp không hả bố? Chân lý có thật không hay chỉ là trò bịa đặt của con người, chỉ là cái lá chắn, là bình phong để người đời làm điều càn quấy?
– Có chứ con. Cái tốt đẹp, ngay cả chân lý cũng đều có thật. Nó tồn tại trong chúng ta, ngủ quên trong chúng ta, phải khó khăn lắm mới thức tỉnh được nó dậy. Nó chính là lương tri của con người.
Cô con gái rượu vẫn chưa chịu tha ông bố. Nó vẫn đẩy tôi vào thế bí, cái thế của sự thật đôi khi đến cạn tàu ráo máng, làm tiêu tan mọi thứ thể tất của con người:
– Cụ thể như bố chẳng hạn, nó nằm ở đâu trong đời sống của bố, cái lương tri ấy?
Tôi điếng người, nghiến chặt răng. Rõ ràng cuộc đời và sự thật vừa mượn lời con gái tôi để tát vào mặt tôi một cái tát thần sầu quỷ khốc đến tối mày tối mặt. Lẽ ra, theo thói thường, để tự vệ, để lấp đi cái thế yếu của mình, tôi đã dùng quyền làm cha để chưởi cho nó một trận, hoặc liều lĩnh hơn phải tát cho nó một cái theo kiểu có đi có lại. Rằng mày là con láo, dám vặn vẹo bố hả, đồ con nhà mất dạy, thà đẻ ra con mực để nướng nhậu chơi còn hơn đẻ ra cái thứ mày. Nhưng tôi đã ngồi im chịu hình phạt của hậu thế. Đáng đời cái thằng tôi, dù có gieo sự dối trá, tôi vẫn cứ phải gặt hái sự thật, có điều cái sự thật giết người này kinh khủng quá. Chính ra phải phản ứng một cách vô lối bằng sự đàn áp của kẻ bề trên, tôi lại bình thản đến không ngờ trả lời câu hỏi của con gái:
– Lương tri của bố ư, nó nằm trong sự sám hối đấy con ạ.
Thật tai hại, nói xong câu đó tôi bật khóc, tất nhiên là cái khóc kín đáo âm ỉ của người già. Tôi vội quay đi, lấy tay áo quệt nước mắt, theo kiểu trẻ con quệt nước mũi khi nó thò lò xuống môi. Vương Thi cũng làm ra vẻ giả lơ, coi như nó không thấy cái chuyện khóc lóc âm thầm của ông bố để ông ta đỡ quê. Dù vậy, nó vẫn tỉnh bơ không xúc động.
– Trái tim của mày đâu vậy con Bố là con thú bị thương, đừng dồn bố vào đường cùng nữa.
Con gái tôi vẫn ngồi trên ghế thẩm phán. Nó truyền:
– Riêng sự sám hối cũng không tìm thấy lương tri đâu bố ạ. Sám hối thì tốt rồi, nhưng phải hành động.
Tôi thành thật trả lời con:
– ừ, con khuyên bố như vậy là đúng. Bố sẽ hành động chứ không chỉ sám hối suông.
ừ suốt cuộc đời tôi chỉ quen làm cha nó, dạy dỗ lên lớp nó, sai phái nó hết chuyện này đến chuyện khác. Đến lượt con cái hậu thế nó dạy mình thì mình lại cho nó là láo, là trứng khôn hơn rận. Làm như mình hay hớm lắm, đúng lắm ấy. Đột nhiên con gái tôi tuyên bố một cách thật rùng rợn:
– Bố ơi, con không thiết sống nữa. Con đã bị cuộc đời lừa dối cướp đi tất cả từ tình yêu đến sự trong trắng, niềm tin, lý tưởng, tâm hồn… hết thảy đã bị cuộc sống này gạt gẫm lấy đi hết cả rồi. Con sống để làm gì hả bố? Để nhìn thấy hết sự bịp bợm này đến sự bịp bợm khác của những người tự cho mình quyền đại diện cho nhân dân, cho công lý, những người của cái thế hệ bố mẹ lấy đạo đức giả làm nền tảng xã hội ư?
Vương Thi im lặng. Đoạn nó thò ngón tay cái lên miệng, khẽ lấy răng nhần nhần theo kiểu thỏ ăn rau. Tôi khuyên con không được tuyệt vọng, còn trẻ, còn đẹp, đời còn dài…
Chợt Vương Thi vừa khóc nấc lên vừa hỏi:
– Vậy thì ai là người phải trả lại Trần Khuất Nguyên cho con hả bố? Mỗi lần mở mắt ra, con lại nhìn thấy anh ấy gục chết trong nhà thương điên vì bị người ta bóp cổ. Ôi, ngay cả đến bố mẹ, tất cả các người, những kẻ dối trá thờ ơ với cái xấu cái ác hiện nay, đều góp phan giết chết anh ấy. Mảnh đất này dường như không còn chỗ cho người trung thực, người lương thiện nữa bố ơi.
Nhìn con gái khóc, tôi hốt hoảng quá. Con gái tôi đã ngất lịm đi tưởng không thể cứu sống khi nhìn thấy người yêu bị giết chết trong bệnh viện tâm thần. Suốt hai tháng mất hồn vía, con gái tôi mới dần dần lấy lại trí nhớ. Cách đây ba tuần, lần đầu sau cơn ngất xỉu kinh hãi kia, nó mới bật khóc và gào thét gọi người yêu.
Tôi càng khuyên nhủ, con gái càng khóc dữ. Cuối cùng rồi nó cũng nín. Nó rút từ trong túi ra một tờ giấy đưa cho tôi:
– Nhờ bố chuyển cho trường con cái đơn xin thôi việc.
Tôi kinh ngạc hỏi:
– Rồi con sẽ làm gì sống, Vương Thi?
Nó hỏi lại tôi:
– Bố tưởng lương dạy học sống được đấy à? Hừ, thế mà người ta cũng gọi là lương với chả bất lương. Với cái đồng lương khôi hài và phỉ báng con người ấy, con ăn xôi sáng còn chưa đủ. Vậy thì còn hai bữa chính, con phải cạp đất ăn để lên lớp, dạy một thứ chính trị trá hình gọi là môn văn, cốt nhét vào đầu học trò tất cả những mỹ từ sặc sụa son phấn về chế độ ta tốt đẹp, hơn hẳn mọi thứ chể độ xã hội trên đời. Thật là mỉa mai, trong khi người ta trả lương cho cán bộ công nhân viên như vậy, nhưng lại to mồm tuyên bố tư bản phương Tây bóc lột công nhân thậm tệ. Bố có biết con nhục nhã thế nào, khi mỗi sáng lên lớp phải xách theo cái bị quà vặt, để vừa dạy học, vừa bán cho học sinh không? Trường con ai cũng phải làm như thế, nếu không muốn ngồi chết đói. Trước ngày anh Nguyên bị giết, con đã bị nhà trường khiển trách nặng nề. Nguyên do là hôm ấy con dạy mẫu bài văn của bố trích trong tiểu thuyết Lúa reo. Bài văn mô tả cuộc sống ấm no hạnh phúc của một hợp tác xã nông nghiệp ngoài miền Bắc. Con đã dặn trước học trò là giờ văn mẫu, có khách lạ và quan trọng tới dự giờ, tuyệt đối không được em nào mua quà ăn trong giờ học. Nhưng khi dặn, có đứa học trò nghỉ không biết. Đang tới đoạn phân tích về sự sung sướng của người nông dân chính thằng bé ấy giơ tay xin phát biểu. Con tưởng nó góp ý bài giảng, nào ngờ nó nói tỉnh queo: Thưa cô bán cho em trái ổi ạ. Trời ơi, con run bắn cả người, tái mặt bảo thằng bé ngồi xuống nhưng nó vẫn cứ lặp lại là xin mua một trái ổi thôi. Từ ông to bà lớn và tất cả mọi người dự giờ con giảng văn bữa đó đều biết tình trạng này đối với những giáo viên khó khăn quá mức về đời sống, nhưng con vẫn bị phê bình cảnh cáo vì cái tội công khai hóa cái việc bán quà của giáo viên cho học sinh. Đấy bố coi cái lôgic của họ có tức cười không nào. Trường con có giáo viên nam đi đạp xích lô gặp học trò mình vẫy giữa đường đấy bố ạ. Thầy đạp xích lô, trò ngồi chễm chệ trên xưa nay ai có coi đặng không chứ… Vậy thì con xin thôi việc là có lý đó bố ơi.
Trưa đó, cơn mưa đã tạnh, tôi giữ con gái ở nhà ăn cơm nhưng nó xăm xăm vô bệnh viện điều dưỡng. Sau đó một tuần lễ tôi đến bệnh viện thăm con. Người ta cho hay Vương Thi đã về năm sáu hôm rồi. Tôi chạy còn phòng riêng của nó tại trường tìm cũng không thắy. Tôi mất hết hồn vía nghĩ đến cái hồ ở ngoại ô thành phố An Hải này. Nơi con Vương Thi trong cơn tuyệt vọng đã một lần nửa đêm lao xuống tự vẫn nhưng may mắn được cứu thoát. ít ngày sau đó, tôi nhận được thư của con gái theo đường bưu điện:
Bố mẹ kính mến
Con rất đau lòng báo cho bố mẹ biết là con đã ra đi. Mặc dù anh Nguyên đã bị giết chết, nhưng con vẫn đi tìm anh ấy dù biết anh không thể nào tìm được niềm tin yêu lớn nhất của đời con.
Nhưng con hy vọng bằng tinh thần của Nguyên, con sẽ tìm được một nơi để được sống thật với chính mình và mọi người, được quyền nói lên điều mình nghĩ, viết ra điều mình nghĩ không bị ai ngăn cấm và đe dọa. Ngoài ra. con còn muốn làm một người trung thực, một người tốt đẹp trên đời. Dường như ở cái tỉnh Sơn Giang của chúng ta bây giờ, người lương thiện không có cơ hội để tồn tại. Cái chết của Nguyên đã khẳng định điều khiến cho người xưa phải trẫm mình tự vẫn: đời đục không cho phép mình trong, đời ngủ không cho phép mình thức. Con không muốn chìm nghỉm trong dối lừa và sợ hãi mãi mãi. Đối với con bây giờ, cái không có thể phải trở thành có thể, con phải tìm ra Nguyên mặc dù anh ấy đã bị người ta sát hại.
Một lần nữa con xin bố mẹ tha lỗi cho con. Con nhờ bố mẹ chuyển dùm lời cám ơn đặc biệt đến bác Hai Giỡn cùng các chú bác anh chi ở câu lạc bộ về hưu và câu lạc bộ những người kháng chiến cũ đã hết lòng thương yêu đùm bọc anh ấy, lo cho anh ấy mồ yên mả ấm, đồng thời chăm sóc con suốt gần ba tháng trời một cách hết sức tận tình. Xin bố mẹ cứ coi con không còn nữa, hoặc đã đến một xứ sở khác tốt đẹp. Y như cái lý thuyết bố mẹ theo đã vẽ vời ra.
Vĩnh biệt bố mẹ. Đứa con bất hiếu
Vương Thi
Tôi đã đau đớn nát ruột gan từ hôm Vương Thi đi mất.
Chiều chiều, tôi lại ra cái hồ định mệnh ngồi mà ứa hai hàng nước mắt. Thế là tôi đã mắt hết, mắt cả tuổi già và tuổi về hưu.
Từ nay, vĩnh viễn tôi là kẻ cô đơn trên cõi đời này. Tôi đã bỏ nhà và người vợ đang hoạt động ráo riết để vào tlnh ủy, đến chui vào cái hầm này ngồi viết theo sự hướng dẫn và gợi ý của người bạn vàng là ông Hai Giỡn. Ngày hôm qua, vợ tôi mò đến đây để đưa cho tôi một tối hậu thư: hoặc là tôi về nhà, vì một người sắp vào tỉnh ủy không thể bị chồng bỏ, hai là cuốn nhật ký cách đây hai mươi mấy năm của tôi do bà ẩy vẫn bí mật cất giữ, để làm cái răn đe giữ tình yêu của tôi sẽ nằm trong tay công an văn hóa. Tôi bảo vợ rằng hiện nay đối với tôi như vậy là đã mất hết, vào tù được là may lắm. Bởi vì mấy chục năm qua sống với nhau trong các loại nỗi sợ, thực ra tâm hần tôi đã phải ở tù. Bà ấy đứng dậy đi thẳng, nhưng khi ra còn cửa tôi nghe thắy tiếng bà ấy sụt sịt. Tôi bảo bà vợ rằng, một người sắp vào tỉnh ủy không nên và không được phép khóc trước bất cứ tình huống nào. Tôi hiểu rằng những hoạt động chính trị sôi nổi và cuồng nhiệt của vợ tôi thực ra chỉ là cái vỏ bên ngoài, để che đi nỗi đau khổ của một người đàn bà có chồng, có con mà vẫn không được yêu. Bi kịch của vợ chồng chúng tôi, nói cho cùng, chính là cái bi kịch của xã hội mà hai chúng tôi đều là nạn nhân. Thành ra, về một mặt nào đó, vợ tôi đáng thương hơn là đáng giận. Bây giờ thì nỗi đau khổ tới tận cùng, sợ hãi tới tận cùng đã khiến tôi thành người miễn dịch. Tôi không còn chỗ để lùi, để đau và để sợ nữa rồi. Tôi vốn không ưa triết lý của anh A.Q. và hành động của anh Chí Phèo, nhưng hiện nay tôi hoàn toàn là một kẻ liều mạng, một người uống mật gấu. Xin bà ấy cứ nộp những ý nghĩ thật của tôi cho công an. Nếu nói lên, viết lên những ý nghĩ thật của cá nhân mình trước mọi sự một cách có chính kiến mà bị quy là phản động, thì tôi xin chấp nhận tất cả.
Vâng, tôi cần phải lý giải hơi dài dòng với các bạn vì sao cuộc đời đã đẩy tôi vào kết cục này ở tuổi năm mươi tám. Tôi có thể làm lại từ đầu được không?